Mai Thu Huyền: "Đàn bà nên có vòng kim cô"

Tổng hợpThứ Sáu, 04/03/2011 03:26:00 +07:00

Khi xưa, Chúa trời muốn trừng phạt đàn ông nên đã cho sinh ra giống đàn bà. Đàn bà đỏm dáng, đỏng đảnh hưởng thụ những thành quả lao động...

Khi xưa, Chúa trời muốn trừng phạt đàn ông nên đã cho sinh ra giống đàn bà. Đàn bà đỏm dáng, đỏng đảnh hưởng thụ những thành quả lao động bằng mồ hôi nước mắt của đàn ông. Đàn bà khiến đàn ông si mê và đắm chìm trong tranh giành, lừa dối… Câu chuyện này khiến chúng ta liên tưởng: liệu có phải đàn bà sinh ra vốn đã hư hỏng? Và đàn bà hư hỏng có phải là nguồn gốc của mọi khổ đau, tai họa cho đàn ông?

Là một người đàn bà, lại là đàn bà đẹp, Mai Thu Huyền nghĩ gì về hai giả thiết trên?

Tôi nghĩ đàn bà sinh ra vốn không hư hỏng nhưng chính đàn ông làm hư họ. Đàn ông ca tụng, tôn thờ khiến đàn bà sinh ra kiêu căng nhưng rồi đàn ông lại không có khả năng làm cho đàn bà hạnh phúc buộc đàn bà phải tự đi tìm hạnh phúc cho mình. Như thế chính đàn ông tự làm họ khổ chứ không phải do đàn bà.

 

Nhưng rõ ràng chỉ cần đàn bà ngoan ngoãn như biết nghe lời và sống vì người khác thì cuộc sống sẽ đỡ căng thẳng hơn?

Thế chẳng nhẽ không biết nghe lời và sống vì bản thân mình là hư? Với tôi, đàn bà hư là những người không biết yêu thương người khác, sống tệ bạc với những người xung quanh. Nếu như người ta chơi bời mà ảnh hưởng đến gia đình thì là hư, nhưng nếu người ta biết hưởng thụ cuộc sống mà những người xung quanh vẫn «happy» thì không sao. Hay như việc đi bar, nếu bạn đến đó vui vẻ với bạn bè thì không sao, nhưng nếu qua đêm rồi sử dụng thuốc lắc, say xỉn thì đúng là không chấp nhận được, là xấu, là hư. Ranh giới tốt và xấu, ngoan và hư nếu chỉ nhìn bề ngoài thì không đánh giá được.

Ranh giới đó cũng rất mong manh, đôi khi đàn bà chỉ sơ sẩy là lạc lối ngay?

Thường những người phụ nữ hư không bao giờ nghĩ mình hư, bởi những hành động và suy nghĩ của họ đều có lý do mà theo họ là chính đáng. Nếu biết làm thế là hư, chắc chắn phần lớn họ không làm.

Vậy còn việc ngoại tình, không ít các cô các chị biết là sai trái mà vẫn đâm đầu lao theo đấy thôi?

À bởi vì lúc đó họ đã có sẵn những hàng rào lý lẽ của mình: nào là vì chồng không thể làm thỏa mãn những nhu cầu của họ, họ bị cô đơn, bị ruồng bỏ, thiếu quan tâm...v.v… 22 tuổi bước vào đời, chưa biết gì! Loay hoay hơn chục năm nào là nuôi con, tã lót, bình sữa... ngoảnh lại thì mình đã bốn mươi. Bây giờ mới biết thế nào là tình yêu, là khao khát...

Có thể họ chỉ nói thế để xã hội cảm thông và bênh vực cho hành động sai trái của mình?

Tôi nghĩ những người phụ nữ đã quyết định sống cho chính mình thì chẳng bao giờ trông đợi vào việc xã hội cảm thông, bởi họ dám nghĩ, dám làm theo quan điểm của mình, họ không bị phụ thuộc vào dư luận xã hội.

"Không phải đàn bà đẹp nào cũng hư…"

Đàn bà đẹp và biết mình đẹp sẽ dễ hư hơn, chị nghĩ thế nào?

Đó cũng là một điều kiện tốt để mầm mống "hư hỏng" có khả năng phát triển, bởi khi đẹp cô ta sẽ được nhiều người để ý hơn, được lựa chọn, nuông chiều… Tuy nhiên, không phải đàn bà đẹp nào cũng hư, bởi hư hay không là nằm trong quan niệm, cách sống của mỗi người.

Đàn bà làm nghệ thuật thì chắc chắn tỉ lệ "hư" lớn hơn?

Khi làm trong nghệ thuật thì phụ nữ có điều kiện tiếp xúc rộng rãi, đặc biệt là với giới thượng lưu, có cuộc sống và phong cách hiện đại. Nhưng đôi khi cũng tại là người của công chúng nên nghệ sĩ bị săm soi hơn nhiều. Ví dụ như chỉ ăn mặc hơi hở hang một tí là đã bị phàn nàn hay la cà quán bar vui vẻ với bạn bè đôi khi cũng bị chỉ trích là sống phóng túng, chơi bời… Hiện tượng ly hôn giờ rất phổ biến, nếu sống với nhau không hợp thì chia tay. Nhưng với nghệ sĩ thì sẽ bị dư luận ầm ĩ phản đối. Đó cũng là thiệt thòi cho phụ nữ làm nghệ thuật.

 

Trong nghiệp diễn của mình, đã bao lần chị vào vai "gái hư"?

Chắc là hai. Cái mặt tôi hợp với vai ngoan, chịu thương chịu khó, vượt lên số phận… Vai hư đầu tiên cũng là nhân vật chính trong bộ phim nhựa "Tiếng sáo ly hương" năm 1998. Một cô gái sống trong gia đình quá phong kiến, bị bố mẹ cấm đoán yêu đương, kiểm soát chặt chẽ nên rất muốn đi tìm một khung trời mới, một vùng đất mới. Cô quyết định bỏ nhà vượt biên cùng bạn trai và dẫn theo em gái. Trong cuộc hành trình ấy, người yêu cô bị bắn chết, hai chị em thì bị cưỡng hiếp đến nỗi em gái mất trí còn cô thì lưu lạc và lấy một người ngư dân bị câm điếc. Thật là một cái giá quá đắt cho những ước mơ, khát khao.

Một bộ phim gần đây nhất là Lối rẽ, tôi vào vai Maika- một cô gái sống rất bản năng. Hai đôi bạn chơi rất thân với nhau và trong hoàn cảnh đưa đẩy Maika đã yêu chồng của bạn. Họ đến với nhau khiến cho hai gia đình tan vỡ… Về khía cạnh diễn xuất, tôi rất thích nhân vật của mình vì có nhiều đất diễn nhưng lại không đồng tình với quan điểm của Maika. Nếu gia đình không hạnh phúc thì nên chia tay chứ cướp chồng bạn thì dã man quá.

Khi hỏi đàn ông, họ nói phụ nữ hư một chút thì sẽ được yêu nhiều hơn. Theo chị vì sao?

Vì gái «hư» chẳng bao giờ ái ngại dò xét hay than phiền về một cái hình xăm bởi vì (rất có thể) chính cô ấy yêu cầu anh ta xăm mình. Gái «hư» tạo cho đàn ông cảm giác tự do bởi gái «hư» không thích chạy theo người tình. Ngược lại, gái «hư» luôn làm cho đàn ông phải lo lắng giữ rịt lấy nàng. Gái «hư» có bí quyết để lúc nào trông cũng gợi cảm «ngon lành», nó như bản năng vậy. Anh đàn ông nào chẳng vênh mặt nở mũi khi được sở hữu một báu vật đáng thèm muốn như thế?

Nói thế thì thiệt thòi quá cho những cô gái ngoan?

Nếu làm bước so sánh thì cô Kiều và cô Vân, ai sướng hơn? Cô Kiều ngày xưa là một người con gái dám nghĩ, dám làm, dám chạy theo bản năng và tiếng gọi của tình yêu. Dù người đời có phê phán, chê cười thì so với Vân, Kiều vẫn là người hạnh phúc hơn. Vân không có tình yêu, không biết thế nào là yêu và được yêu.

Là gái "ngoan" theo quan niệm của xã hội bấy giờ thì rất dễ tẻ nhạt. Đàn ông là giống ưa "kèn cựa". Khi mua một chiếc ô tô hàng độc, họ cảm thấy như thế rất đặc biệt. Trong công cuộc chinh phục phái nữ cũng vậy. Một cô gái dễ tính sẽ không "gãi" nổi vào tính hiếu chiến, hiếu thắng của chàng. Và nếu cô ấy bắt đầu tỏ ra ngoan ngoãn, không chính kiến riêng, lúc nào cũng đồng ý với mọi điều chàng nói, chàng sẽ chán ngấy. Vì thế đàn bà nên hiểu rằng: nếu có thể tóm tắt con người bạn trong chỉ một câu nói thôi, anh ấy sẽ chán bạn.

 

Thế nhưng có một vòng luẩn quẩn là đàn ông bị hấp dẫn bởi gái hư, nhưng lại quyết định lấy gái ngoan làm vợ, để rồi sau đó lại cặp kè với những cô gái hư khác?

Tình trạng này khá phổ biến. Chỉ đơn giản là đàn ông khi yêu vẫn thích được bay bổng, mới lạ nhưng lại nghĩ quá mạo hiểm nếu giao mái ấm gia đình cho một người phụ nữ sống phóng khoáng, không ổn định… Nói chung, tôi thấy đàn ông quá khôn.

Trước đây, phụ nữ "không chồng mà chửa" có thể bị đóng bè thả trôi sông, cạo trọc bôi vôi hay như Thị Mầu- nhà có danh thế mà còn bị cả làng xúm vào phạt vạ. Nhưng ngày nay, có vẻ chuyện đó đang được xã hội nương tay và lờ đi?

Tôi thấy ngày xưa khắc nghiệt quá. Lỗi đâu phải của mình phụ nữ gây ra, sao không cạo đầu, thả sông cánh đàn ông đi. Phụ nữ thời xưa thiệt thòi vô cùng. Vì thế, ngày nay, khi xã hội ngày càng bình đẳng, nhiều người đã có quan điểm không cần chồng, chỉ cần con vẫn có thể sống hạnh phúc. Tôi thì không ủng hộ nhưng cũng không bài bác sự lựa chọn đấy. Bởi mỗi người có một quyết định của bản thân, mình không ở trong hoàn cảnh người ta mình không nói được. Không ai mong muốn một cuộc sống như thế, ai cũng muốn có mái ấm gia đình hạnh phúc với đầy đủ chồng con, nhưng vì hoàn cảnh mà họ phải thế.

Nói vậy, có nghĩa sự thay đổi quan niệm của xã hội là một tất yếu?

Tôi nghĩ thế. Cũng như ngày xưa hình mẫu người phụ nữ đẹp là phải mập, đầy đặn, nở nang nhưng ngày nay người ta lại thích những cô cao, thon, gầy. Quan niệm về cái đẹp cũng như cái sự "hư" hay "ngoan" của đàn bà cũng thay đổi theo từng giai đoạn, thời kỳ chứ nó không phải là vĩnh viễn.

Như việc uống rượu, hồi bé tôi chỉ nghe thôi cũng thấy rùng mình và luôn định kiến đó là một việc làm hư hỏng. Nhưng sau này ra cuộc sống mới biết rượu cũng là một hương vị làm cho bữa ăn ngon hơn. Rượu vang chẳng hạn, rất sang trọng, nhất là với người phương Tây. Trước đây, tôi giữ tóc còn hơn giữ vàng, tóc phải luôn dài, đen, không cắt, không sấy, nhuộm. Nhưng đến bây giờ tôi có thể tự tin thay đổi các kiểu tóc để khiến mình đẹp hơn. Như vậy, ngay bản thân mình, quan niệm đã thay đổi.

"Tôi nể những người phụ nữ sống bản năng…"

Phụ nữ sống quá bản năng thì dễ hư hỏng?

Khi sống quá bản năng, không được lý trí khống chế thì đàn bà thường làm những điều trái với các quy tắc chuẩn mực của xã hội, nhiều người chê bai họ nhưng một số thì lại thầm ghen tỵ vì đã không làm được như họ. Riêng tôi, tôi cũng nể những người phụ nữ sống bản năng, vì họ dám sống, dám làm. Họ biết hưởng thụ cuộc sống.

Nói thế nghĩa là chị luôn kìm hãm được bản năng của mình?

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, từ bé đã được nuôi dạy bài bản nên những suy nghĩ cổ điển đã ăn sâu vào nếp sống của tôi. Chính vì thế, làm gì tôi cũng tự đặt cho mình một cái vòng kim cô và chỉ chạy vòng quanh mà không bao giờ vượt vạch. Xác định những cái trong vòng là đúng, ra ngoài vòng là sai (theo quan điểm của mình hiện tại). Nếu không tự xây dựng cho mình một nếp kỷ luật riêng, chị em chúng ta sẽ tự biến mình thành con rối trên một chuỗi díc dắc khao khát và tự nuông chiều.

Nhưng biết đâu 10 năm nữa, những quan điểm đó sẽ thay đổi và chiếc vòng của tôi lại rộng thêm ra.

Với con gái của mình, chị sẽ hướng cho cháu con đường nào để tiếp cận với cuộc sống sau này?

Tôi quan niệm mình cứ dạy cho con những cái gì là nền tảng đạo đức, đạo lý, đạo làm người. Còn không bao giờ quy định hay bắt ép con phải làm cái này hay cái kia. Bố mẹ tôi ngày trước cũng chẳng bao giờ cấm đoán tôi mà chỉ phân tích đúng, sai và để tôi tự nhận thức. Quan điểm cuộc sống thì thời nay mình nghĩ khác, mười năm sau thời của con lại khác. Miễn sao tự do trong khuôn khổ.

Ý chị là lại vẽ cho nó một vòng kim cô… như chị?

Có lẽ thế (cười)

Với cương vị là TGĐ FPT Media, việc giữ hình ảnh là rất quan trọng, chị có phải gò mình trong hai chữ "gái ngoan"?

Tôi nghĩ không phải vì mình sếp hay là nghệ sĩ thì mới phải giữ hình ảnh mà việc đó là đương nhiên. Nó không chỉ là tôn trọng mình mà còn là tôn trọng người xung quanh. Trong cái tháp nhu cầu của con người thì cao nhất vẫn là được kính trọng. Thương hiệu của mình gắn liền với thương hiệu của doanh nghiệp, công ty nhưng quan trọng nhất vẫn là thương hiệu cá nhân. Tôi không phải gò mình bởi tôi không quan trọng mình ngoan hay hư mà luôn làm theo những gì mình nghĩ là đúng. Cuộc sống hiện tại mang lại cho tôi sự thoải mái, hạnh phúc.

Trong công việc, không tránh khỏi những lúc phải tiếp khách bên bàn rượu hay xa nhà đi công tác cả tháng trời. Chị có sợ thương hiệu "gái ngoan" của mình bị lung lay?

Tôi không thể sống vừa lòng cả xã hội được, tôi chỉ có thể sống vì tôi, vì gia đình và những người xung quanh tôi. Những việc như bạn nói, đúng là không thể tránh khỏi. Gia đình cũng động viên tôi rất nhiều và hiểu rằng không phải cứ ngồi một nơi ở nhà là mọi thứ tự đến với mình.

Xin cảm ơn chị!

Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn