Mải chữa vết rắn cắn bằng thuốc nam, đến viện đã tử vong

Sức khỏeThứ Sáu, 21/07/2017 07:01:00 +07:00

Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính (Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiều người bị rắn cắn nhưng tin vào thuốc nam, khi đến viện đã quá muộn, nhiều trường hợp bị tử vong.

Theo bác sỹ Nguyễn Đàm Chính, đây là dịp vào mùa rắn cắn bởi đặc điểm sinh học của rắn là sinh hoạt theo mùa. Mùa đông rắn thường ngủ và mùa hè thì ra khỏi hang đi kiếm ăn. Đặc biệt, mưa lại càng yếu tố thuận lợi cho rắn di chuyển và kiếm ăn nhiều hơn. Từ đầu hè tới nay, trung bình mỗi ngày, Trung tâm chống độc tiếp nhận và điều trị 1-2 ca rắn cắn.

Bác sĩ Chính cho biết, khi bị rắn lục cắn, tại chỗ sẽ bị sưng nề, phỏng nước, chảy máu và chảy máu toàn thân, khó cầm. Từ đó dẫn đến tử vong do chảy máu, mất máu. 

nep-vet-thuong-ran-can

 Nẹp vết thương khi bị rắn cắn

“Khi đó, nạn nhân tuyệt đối không trích, nặn vì càng làm tăng nguy cơ chảy máu, không cầm máu và dẫn đến tử vong. Khi phát hiện người bị rắn cắn, lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất ngay trong những giờ đầu”, bác sĩ Chính nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Chính, người bệnh thường đến viện muộn do tin vào thuốc nam, kinh nghiệm dân gian hoặc các thầy lang. Khi đến viện, thường đã quá muộn, tổ chức gân cơ đã bị hoại tử và khi đó, liệu trình điều trị huyết thanh không còn giá trị. Nhiều trường hợp đã bị tử vong.

Dấu hiệu nhận biết rắn cắn: Tại chỗ  đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen trên da (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Tuy nhiên, vết cắn do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không có gì đặc biệt. Toàn thân, người bệnh đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, đái ít,... Nguyên nhân tử vong chủ yếu do liệt các cơ hô hấp gây khó thở tiến tới suy hô hấp.

Video: Rắn đột ngột quăng mình tấn công người đi xe máy

Sơ cứu người bị rắn cắn: Động viện bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng. Tuyệt đối không để bệnh nhân tự đi lại (vì vận động nhiều sẽ làm nọc độc di chuyển vào cơ thể nhanh hơn. Bất động chân, tay bị cắn (có thể bằng nẹp). Để bộ phận có vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim; Cởi các đồ trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn.

Nếu rắn hổ cắn có thể gây liệt (hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn biển, rắn hổ mang thường) thì áp dụng kỹ thuật băng ép bất động và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện vận chuyển, nên gọi điện báo trước để được tư vấn.

Lê Thạch
Bình luận
vtcnews.vn