Mái ấm thứ hai cho mảnh đời bất hạnh

Tổng hợpThứ Tư, 26/10/2011 04:06:00 +07:00

Họ đều là những nạn nhân của bạo hành gia đình nhưng họ có một điểm chung là cắn răng chịu đựng sống chung với “lũ”.

Tại các nhà hỗ trợ, nhà tạm lánh cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình, tôi gặp không ít phụ nữ từ nông dân, quê mùa cho đến những người có địa vị đàng hoàng, có học thức hẳn hoi. Họ đều là những nạn nhân của bạo hành gia đình nhưng họ có một điểm chung là cắn răng chịu đựng sống chung với “lũ”. Để rồi đến khi không thể chịu đựng được hơn nữa mới tìm đến những ngôi nhà tạm lánh.

 

 

Thương thay phận đàn bà

Chị T. V. N nguyên là một cán bộ nhà nước thuộc cấp Bộ đàng hoàng. Chồng chị cũng là một cán bộ lãnh đạo hẳn hoi. Nhưng không ai ngờ người đàn ông dáng vẻ đạo mạo, đang hoàng khi ở cơ quan lại là một ông chồng cục tính, dữ dằn khi ở nhà. Hễ mỗi lần không hài lòng điều gì, anh ta sẵn sàng đánh đập vợ, khi bằng tay, khi bằng chổi, bằng thước hay bất cứ thứ gì anh ta vớ được.

Không chỉ đánh vợ, anh ta còn phạt con bằng cách dùng dây điện để đánh. Có lần về quê, vì thằng con nghịch ngợm gây ra chuyện phiền toái khiến anh ta rất bực mình bèn cầm chân thằng bé dốc ngược đầu nó xuống giếng khiến thằng bé sợ mặt cắt không còn hạt máu. Còn chị thì run lẩy bẩy và khiếp sợ đến mức khuỵu xuống.

 Phần chị, đồng nghiệp thường xuyên chứng kiến cảnh chị “ngụy trang” để che giấu những vết bầm tím do bị đánh. Nhưng khi ai hỏi chị vẫn một mực chối. Vì sợ. Sợ ảnh hưởng đến danh dự, địa vị của mình, của chồng rồi thiên hạ bàn ra tán vào thì xấu hổ lắm. Và mọi việc chỉ vỡ lở khi chị bị chồng đánh bằng một chiếc ống bằng thép vào đầu, bụng, tay chân đến nỗi phải vào viện cấp cứu. Sau trận đòn thập tử nhất sinh ấy, chị mới tìm đến nhà hỗ trợ mong muốn được cách ly chồng một thời gian để xem xét có nên tồn tại tiếp cuộc hôn nhân nhuốm đầy bạo lực nữa hay không?

Chị L.H (Hà Tây cũ) lập gia đình năm 1990, sinh được ba người con. Cuộc sống bình yên của gia đình chị đã bị xáo trộn hoàn toàn khi đứa con gái năm tuổi đầu bỗng trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục. Cả hai vợ chồng chị cùng vô cùng đau đớn trước biến cố này nhưng thay vì dựa vào nhau để cùng vượt qua khó khăn, chồng chị đã trút tất cả những đau đớn trong lòng anh ta lên vợ. Thường xuyên phải chịu những trận đòn của chồng, có khi phải nhập viện để khâu vết thương. Tất cả những áp lực và dày vò của về thể xác và tinh thần của chị khiến chị trở nên tuyệt vọng, không lối thoát nếu một ngày chị không được giới thiệu đến Ngôi nhà Bình yên.

 Nơi tạm trú bình yên

Ngôi nhà Bình yên - địa chỉ đã che chở cho biết bao thân phận đàn bà, con thơ rơi vào tình cảnh bị chính người mình yêu thương vô điều kiện đánh đập, hành hạ. Khi đến đây, những người phụ ngoài việc được trao đổi, trò chuyện với nhân viên xã hội để giải tỏa tâm lý còn được nhân viên tham vấn đến trị liệu giúp đỡ thường xuyên. Đến nay, con gái chị H đã vui tươi trở lại, tâm lý của chị cũng cân bằng và dường như đã lấy lại được sức mạnh để vươn lên.

Ở ngôi nhà này, các chị em phụ nữ cũng được nhân viên xã hội giúp học các kỹ năng mềm, tạo điều kiện để tìm được những công việc nuôi sống bản thân và con cái. Chị H đã được Ban quản lý Ngôi nhà Bình Yên cho học nghề tại Trung tâm dạy nghề Hoa sữa. Hiện chị đã tốt nghiệp khóa học về nghề bàn bếp và được thử việc tại nhà hàng Joma. Con gái chị cũng đã được hỗ trợ xin học lớp 2 tại trường tiểu học quận Tây Hồ.

Chị N.T.T, một nạn nhân của bạo hành gia đình ở tỉnh Phú Thọ cũng đã nhận được sự giúp đỡ từ Ngôi nhà Bình Yên. Không chỉ được tư vấn về Luật Hôn nhân và Gia đình, luật Phòng chống bạo lực gia đình chị còn được giúp đỡ để lên kế hoạch cho cuộc sống tương lai của mình. Chị T được sắp xếp tham gia lớp học cắt tóc, được giới thiệu đi làm thêm tại bệnh viện để có thu nhập. Con gái 3 tuổi của chị cũng được đi học tại nhà trẻ của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển.

Bên cạnh đó, những người phụ nữ bất hạnh đến Ngôi nhà Bình yên cũng thường xuyên được tổ chức các buổi tham quan, đi chơi và giao lưu cuối tuần. Chị T chia sẻ: “Ngôi nhà Bình yên đã mang lại giá trị làm người cho tôi, nâng tôi dậy, tìm lại cho tôi niềm tin vào cuộc sống, vào con người”.

Sau khi hồi gia, chị T cũng được hỗ trợ tiền để mở một cửa hàng trang điểm cô dâu. Thu nhập từ cửa hàng này giúp chị trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Chị cũng tích cực tham gia vào Nhóm tự lực của Ngôi nhà Bình yên để có cơ hội giúp đỡ các chị em khác có chung hoàn cảnh.

 

Mô hình cần nhân rộng

Tính đến ngày 30-9-2011, đã có 1961, 417 người được vào tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên và đã có 362 người hồi gia.

Ngôi nhà Bình yên được thành lập từ tháng 3/2007 và hiện duy trì hoạt động từ sự hỗ trợ một số tổ chức quốc tế và các nhà hảo tâm. Đây là địa chỉ tin cậy cho những trường hợp bị bạo hành gia đình của Hội Phụ nữ. Ngôi nhà Bình yên không chỉ hỗ trợ cho những nạn nhân của bạo hành gia đình mà còn cả nạn nhân trong các vụ buôn bán người, trong đó có cả trẻ em.

Theo điều tra sơ bộ, hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 10 địa chỉ tạm lánh cho nạn nhân của bạo hành gia đình; bao gồm cả địa chỉ từ thiện như chùa Bồ Đề. Hầu hết các địa chỉ này đều do những nhà hảo tâm thành lập. Chị em phụ nữ bị bạo hành tìm đến trung tâm tham vấn phần lớn đều qua báo chí và người quen giới thiệu. Các chị em từ nhiều miền quê khác nhau, độ tuổi trung bình thường  từ 30 - 45 tuổi, nhưng cũng có những cụ già hơn 70 tuổi bị chồng, bị con bạo hành không có chỗ nương thân phải tìm đến nhà tạm lánh. Họ, mỗi người một hoàn cảnh nhưng khi tìm đến trung tâm đều được tư vấn trấn an về tinh thần và được giúp đỡ về chỗ ăn ở trong những ngày đầu.

Cán bộ trung tâm cho biết, những trường hợp đến đây xin tham vấn, trường  hợp nào nhẹ, trung tâm mời những người chồng bạo lực lên để tìm hướng hoà giải. Có những chị chỉ tạm lánh tại trung tâm 3, 4 ngày rồi trở về. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị bạo lực nặng nề và kéo dài, xin tạm lánh trong thời gian lâu hơn tại  trung tâm. Đối với những trường hợp này, bước đầu trung tâm sẽ tìm việc làm để giúp đỡ các chị giải quyết phần nào khó khăn trong đời sống sinh hoạt  hàng ngày.  Trường hợp các chị dắt thêm  3-4 đứa con, trung tâm đã hỗ trợ cho các em có điều kiện đi học… Chẳng hạn như trường hợp chị H, chị T là một ví dụ.

Theo Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Tổng cục Thống kê (GSO) và Liên Hợp Quốc (UN) tại Việt Nam công bố thì có tới 58% phụ nữ Việt Nam được hỏi cho biết, họ từng là nạn nhân của ít nhất một trong số các hình thức bạo lực gia đình: thể xác, tình dục, tinh thần... Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khả năng phụ nữ bị chồng mình lạm dụng nhiều hơn gấp ba lần so với khả năng họ bị người khác lạm dụng.

Với con số như vậy, có lẽ Ngôi nhà Bình yên cần được nhân rộng hơn nữa để mở vòng tay đón những người phụ nữ bất hạnh. Nhưng, có lẽ đã đến lúc bản thân những người phụ nữ bị bạo hành phải tự biết “cởi trói” cho chính mình. Bởi vì trên thực tế, nhiều chị em không dám lên tiếng tố cáo chồng vì e ngại gia đình chồng, vì sợ con cái hận mẹ… Tuy nhiên vì lý do này hay lý do khác, sự im lặng đã khiến những người phụ nữ bị bạo hành càng tự trói chính mình trong vòng luẩn quẩn và vô tình trở thành đồng phạm gián tiếp tiếp tay cho nạn bạo hành gia đình.

T.H


Bình luận
vtcnews.vn