Lý lịch công ty Việt Nam bị World Bank cấm cửa

Kinh tếThứ Hai, 14/10/2013 12:15:00 +07:00

Công ty cổ phần Phát triển Cơ sở Hạ tầng Thăng Long có 10 năm hợp tác với World Bank cho rằng mình chỉ "không thành thật, thiếu trung thực".

Công ty cổ phần Phát triển Cơ sở Hạ tầng Thăng Long có 10 năm hợp tác với World Bank cho rằng mình chỉ "không thành thật, thiếu trung thực" trong đấu thầu dự án của Ngân hàng thế giới, chứ không tới mức "lừa đảo" như cáo buộc.

Thông tin World Bank ra lệnh cấm tham gia đấu thầu các dự án ODA đối với một doanh nghiệp Việt Nam công bố gần đây đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt dự án nhận vốn vay ưu đãi của Việt Nam thời gian qua bị chậm tiến độ.

Đối tượng danh sách lần này của World Bank là Công ty cổ phần Phát triển Cơ sở Hạ tầng Thăng Long (Infra - Thăng Long) và các đơn vị con với cáo buộc đã nộp nhiều văn bản không đúng sự thật trong quá trình tham gia đấu thầu.

Biển hiệu công ty tại trụ sở chính ở Hà Nội.
Biển hiệu công ty tại trụ sở chính ở Hà Nội. 

Các nội dung liên quan đến cáo buộc này gồm Dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Dự án Giảm nghèo khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn hai và Dự án Phát triển Bền vững TP Đà Nẵng. Theo quyết định của World Bank, Infra - Thăng Long và các công ty con sẽ bị cấm tham gia bất kỳ hợp đồng nào do World Bank tài trợ trong thời hạn 2,5 năm.

Theo Luật sư Phan Thanh Bình - Văn phòng Luật Hồng Hà, đây là lần đầu tiên, một doanh nghiệp Việt Nam bị ra lệnh cấm từ đối tác nước ngoài do có gian lận trong đấu thầu.

Trên website doanh nghiệp, Infra – Thăng Long được giới thiệu thành lập từ tháng 7/2001 và hiện hoạt động với mô hình cổ phần, trụ sở chính tại Hà Nội. Lĩnh vực hoạt động chính là tư vấn và đầu tư. Mảng tư vấn chủ yếu về cơ sở hạ tầng, cấp thoát nước, xóa đói giảm nghèo và không chuyên về thi công.

Doanh nghiệp có hơn 60 nhân sự, nội bộ còn có các công ty con và nhiều nhóm dự án nhỏ. 3 năm trở lại đây, doanh thu trung bình mỗi năm của Infra – Thăng Long khoảng 30 tỷ đồng. Vốn điều lệ công ty hiện thời là 35 tỷ đồng và vẫn còn có kế hoạch gia tăng.

Quá trình phát triển của Infra - Thăng Long gắn liền với những dự án ODA. Trong đó, gần 10 năm doanh nghiệp hợp tác cùng World Bank với hơn 100 dự án. Ngoài đơn vị này, Infra - Thăng Long cũng phối hợp với một số cơ quan khác để được cấp vốn ODA như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Bộ Ngoại giao Phần Lan – Cơ quan Phát triển Quốc tế Phần Lan – Finnida, Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (Danida) hay Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).

Theo nguồn tin từ phía Infra - Thăng Long: "Đây là lần đầu tiên công ty gặp trục trặc trong quan hệ hợp tác với World Bank".

Tạm thời, một số dự án và khách hàng khác vẫn chưa gặp ảnh hưởng nghiêm trọng gì từ thông tin trên, nguồn tin khẳng định. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã có công văn gửi World Bank về vấn đề này nhưng vẫn phải chờ sự nhất trí và phê duyệt của ngân ngân hàng mới được công bố, dù chính công ty cũng đang nóng lòng muốn giải thích thực hư câu chuyện.

 Theo thông tin từ website của World Bank tại Việt Nam, ngày 7/10, Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố lệnh cấm đối với Công ty cổ phần Phát triển Cơ sở Hạ tầng Thăng Long và các công ty con  trong thời gian 2,5 năm sau khi đơn vị này thừa nhận hành vi lừa đảo. Các công ty của Infra - Thăng Long đã nộp những văn bản không đúng sự thật trong quá trình tham gia đấu thầu một số dự án do World Bank tài trợ, website World Bank nêu rõ.
Trong một cuộc trả lời Người lao động gần đây, Tổng giám đốc Infra - Thăng Long Nguyễn Quang Huân cho rằng từ ngữ dùng trong cáo buộc là "quá nặng và không chính xác", đồng thời nhận định doanh nghiệp của mình chỉ "không thành thật, thiếu trung thực" đối với việc đấu thầu dự án của World Bank.


Trao đổi với PV về vụ việc trên, luật sư Phan Thanh Bình nhìn nhận, từ "lừa đảo" áp dụng cho trường hợp của doanh nghiệp có thể chưa thật sự chuẩn xác. "Tôi cho rằng vấn đề có thể nằm ở việc ngôn từ chưa sát nghĩa trong khâu chuyển ngữ. Vì hành vi 'lừa đảo' phải đi kèm mục đích chiếm đoạt.

Trong khi đó doanh nghiệp này mới chỉ kê khai văn bản không đúng sự thật để tham gia thầu. Nếu muốn có tiền thì họ vẫn phải làm việc. Hành vi kê khai như vậy vẫn chưa thể sinh ra tiền ngay lập tức", Luật sư Bình nhận xét.

Theo Nghị định 53, nhà thầu có hành vi kê khai năng lực trong hồ sơ không đúng thực tế để tham gia đấu thầu sẽ bị phạt tiền với mức 3-5 triệu đồng. Ngoài nộp phạt, nhà thầu cũng không bị áp dụng hình phạt bổ sung nào khác như cấm tham gia hoạt động đấu thầu diện rộng.

Tuy nhiên, "mức phạt này còn quá nhẹ, chưa kể việc không áp dụng hình thức phạt bổ sung là chưa phù hợp. Hiện nay, tôi cũng chưa thấy trường hợp nào gian dối bị báo chí phanh phui để được đấu thầu. Nhiều khi đấu thầu xong, đơn vị tổ chức mới phát hiện ra người nhận thầu không đủ năng lực nhưng cũng đành chịu vậy và không dám phanh phui", Luật sư Bình nhận định.

Trong thời gian tới, ông Bình đề xuất các cơ quan chức năng “nên sửa luật, trong đó phải tăng chế tài và các hình phạt bổ sung”. Chẳng hạn, nếu phát hiện đơn vị nào gian dối, luật cần quy định rõ cấm doanh nghiệp tham gia mọi hoạt động đấu thấu trong một thời hạn năm nhất định. Ngoài ra, mức phạt hành chính cũng phải tăng thêm, đây có thể xem là điểm hiện nay luật Việt Nam còn bỏ ngỏ, ông Bình chia sẻ.




Theo VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn