Ly kỳ "nước giếng thần"... chữa bách bệnh?

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 30/05/2012 11:10:00 +07:00

Tin vào lời đồn nhảm, mỗi ngày có hàng ngàn người dân địa phương và khắp các tỉnh lân cận đổ xô về Núi Thành chữa bệnh bằng cách uống nước "giếng thiêng".

Tin vào lời đồn nhảm, mỗi ngày có hàng ngàn người dân địa phương và khắp các tỉnh lân cận đổ xô về thôn 1, xã Tam Hoà, huyện Núi Thành (Quảng Nam) để tự chữa bệnh bằng cách khấn vái và uống nước “giếng thiêng”.

Chẳng biết nước giếng này thiêng đến đâu, nhưng những lời đồn đại cứ bay đi xa mãi, cuối cùng chính quyền địa phương phải lấp cái giếng ấy lại. Nhưng bao câu chuyện ly kỳ về nước giếng thiêng ấy vẫn còn, khiến những người tò mò vẫn phải lặn lội tìm về đến tận nơi...

Những huyền tích về "giếng thần" vùng cát

Theo quốc lộ 1A chúng tôi tìm đến xã Tam Hoà, huyện Núi Thành (Quảng Nam). Hỏi thăm thông tin về “giếng thần” chữa bách bệnh như lời đồn của nhiều người, người dân địa phương ai cũng biết.

Có cả những người khi thấy chúng tôi hỏi về cái giếng ấy đã kéo chúng tôi đứng lại để kể về “giếng thần” rằng nước giếng ấy được "người âm" nhập vào nên linh lắm, uống vào là khỏi tất cả các thứ bệnh mắc phải.

Một số người dân địa phương cho rằng đây là "nước giếng tiên chữa được bách bệnh", điều kỳ lạ là cứ đúng giờ ngọ múc nước ở giếng ấy lên uống thì bệnh tật sẽ tiêu tan, con người khỏe khoắn yêu đời lại ngay. Đặc biệt, người mắc bệnh về gan chỉ cần múc nước từ giếng lên uống là chóng khỏi.(?)

Xô đẩy, chen chúc, mất an ninh trật tự múc nước tại “giếng thiêng”. 

Bà Trần Thị Hảo, một người dân sống cạnh giếng còn nói: “Có người ở tận ngoài Huế bị bệnh tim và bệnh dạ dày đã lâu, nghe tin nước giếng trị được bách bệnh nên cũng tìm vào đây để xin được nước uống. Uống rồi khỏi bệnh hẳn. Lâu lâu lại thấy họ lui tới khấn vái cảm tạ đấy!”.

Thấy chúng tôi có vẻ nghi hoặc, bà Hảo chắc nịch: “Các chú không tin, chứ người dân tin lắm! Có ngày có cả ngàn người kéo tới đây giành nhau múc nước đấy!”.

Ông Vũ Kim Hoa, một người dân cũng sống cạnh giếng thần kể lại. Cứ giữa buổi trưa là người đến rất đông, chen chúc, xô đẩy nhau để cố gắng giành một chỗ đứng để có thể kéo lên những gàu nước đổ bình rồi ra về cho nhanh kẻo hết. Người thì thắp hương khấn vái, kẻ thì cong lưng múc nước đổ vào miệng uống ngon lành.

Bà Hảo còn kể rằng, có người ở tận Đà Nẵng, tuần nào cũng đánh xe về tận nơi, múc nước giếng chở đi. Chưa hết, "có bà già bị khớp, tim mạch, trông hom hem và đi lại khó khăn lắm, tận Quảng Ngãi ra, rứa mà khi vừa uống nước vô, đi lại bình thường, bỏ luôn không cần chống gậy nữa”(!).

Mấy cháu học sinh đang ôn thi ĐH, CĐ cũng bị cha, mẹ đưa tới uống nước giếng để tăng trí nhớ.

Người ta đồn rằng có người đến giếng chửi thề và ngay lập tức bị méo mồm. Gia đình đưa nạn nhân đi các thầy lang nhưng không ai chữa khỏi, cuối cùng phải về thắp hương xin lỗi "thần" giếng và múc nước cho uống thì bệnh tình mới thuyên giảm...

Có người còn ví von đây là giếng "không đáy", vì một điều khá đặc biệt là quanh năm suốt tháng, dù mùa mưa hay mùa khô, mực nước trong giếng cũng không thay đổi, luôn giữ độ sâu 3m. Dù mưa to đến mấy cũng không tràn, dù khô hạn cả năm giếng vẫn ăm ắp nước. có lần một số người dân ở đây đã thử tát nước ra ngoài suốt đêm nhưng giếng không cạn. Điều này được anh Bùi Văn Hanh, nhà ngay cạnh "giếng thần" là người đã từng tham gia tát giếng xác nhận: "Không biết mạch nước ở đâu nhưng dùng máy bơm cỡ lớn để tát cả đêm vẫn không thể hết nước trong giếng".

Sự thật về "giếng thần"

Khi chúng tôi tìm hiểu về lai lịch của cái giếng này, theo người dân địa phương cho biết, giếng nước này có tên gọi là "giếng bà Lĩnh". Giếng này nằm cạnh công trình nước sạch do một tổ chức xây dựng cho xã Tam Hòa cách đây khoảng 6 năm.

Theo quan sát của chúng tôi, cái giếng được người dân cho là “giếng thần” có kích thước khoảng 0,5mx 0,5m, sâu chừng 3m. Phía trên giếng cách đó không xa có một bát hương thờ gắn vào cây đa cổ thụ, khá cũ kỹ và rêu phong. Đứng từ xa nhìn vào, cả khu vực giếng nằm cạnh hàng rào cây dại mọc um tùm. Thành giếng được xây dựng bằng xi măng có diện tích khoảng 9 m2. Vào mùa hè giếng không hề cạn và còn cung cấp nước sinh hoạt cho một số hộ dân xung quanh.

Cụ Phạm Văn Thái, ở thôn 1, xã Tam Hòa, Núi Thành kể: "Từ đời ông nội cho đến cha tôi khi sinh ra đã có giếng rồi. Vào những ngày rằm, mồng một, dân làng đều ra giếng thắp hương để thờ “thần giếng”.

Mặc dù giếng đã bị lấp, nhưng hàng ngày vẫn có nhiều người đến thắp hương khấn vái. 

Ông Hoàng Văn Bộc (80 tuổi), ở gần giếng, người gần cả cuộc đời ăn nguồn nước từ giếng kể lại: “Ngày trước có lúc làng đã tổ chức vét giếng nhưng chưa một lần nào múc được cạn nước hết. Lúc còn thanh niên, tôi được làng cử xuống giếng làm vệ sinh, gầu múc liên tục nhưng thấy bốn góc dưới giếng có bốn cái mạch nước chảy ra to lắm, múc bao nhiêu cũng không hết nước được. Sống đến chừng này tuổi rồi, tôi chứng kiến tất cả về giếng nhưng không một ai trong làng kể lại hay lý giải được tại sao người xưa lại chọn địa điểm đào giếng mà nước không bao giờ cạn như thế này!”.

Trưởng thôn 1 xã Tam Hòa, ông Trần Văn Thống cho biết: “Giếng nước nằm trên địa bàn xã nên do xã quản lý và đã có từ rất lâu. Từ trước đến nay, không thấy có hiện tượng gì, nhưng thời gian vừa qua bỗng dưng xuất xuất hiện người dân ùn ùn kéo đến, kháo nhau chuyện nước “thần” chữa bách bệnh tại giếng nước đó. Sau đó chính quyền xã đã đề nghị lấy nước giếng đi xét nghiệm và cắt cử lực lượng dân phòng địa phương trực tại giếng để đảm bảo an ninh trật tự”.

Từ trước tới nay, những người dân sống xung quanh “giếng thần” vẫn sử dụng nguồn nước phục vụ cuộc sống gia đình, vì nước ở giếng rất trong sạch. Đặc biệt điều kiện xã Tam Hòa lại là vùng cát, thiếu nước ngọt nên có được một cái giếng như thế này là rất quý. Mọi người đều cần tới nguồn nước từ giếng này.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân không tin vào chuyện mê tín dị đoan ở đây cũng cho biết: “Không biết ai đồn bậy quá, bỗng chốc giếng làng trở thành giếng… nước thánh. Tôi sống ở đây từ xưa đến giờ có ai uống nước giếng bà Lĩnh vào mà hết bệnh đâu.

Thấy nhiều người lặn lội từ xa tới để “xin” nước giếng cho bằng được rồi thắp hương khấn vái mang về để dành uống. Vậy là một đồn mười, mười đồn trăm khiến hàng ngàn người dân từ khắp nơi kéo về đây lấy nước khiến cho tình hình an ninh, trật tự trở nên xáo trộn”.

Cơ quan chức năng xã Tam Hòa và ban công an xã đã tiến hành đúc tấm bê tông đậy kín giếng “nước thánh” này. Tuy nhiên, những câu chuyện về giếng thần chữa bách bệnh này vẫn âm ỉ, còn nằm lại trong trí nhớ của nhiều người và những điều huyễn hoặc của nước giếng này không dễ gì mất đi...


Bùi Hữu Cường - VOV

Bình luận
vtcnews.vn