Lý do tàu ngầm made in VietNam mang tên 'Trường Sa 01'

Thời sựThứ Ba, 08/04/2014 07:33:00 +07:00

Ông Nguyễn Quốc Hòa lý giải vì sao tên tàu ngầm là Trường Sa 01, sơn màu đen và phải có hình ảnh của lá quốc kỳ.

Ông Nguyễn Quốc Hòa lý giải vì sao tên tàu ngầm là Trường Sa 01, sơn màu đen và phải có hình ảnh của lá quốc kỳ.

Chiều 6/4/2014, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với người chế tạo ra chiếc tàu ngầm Trường Sa. Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa phấn khởi chia sẻ về việc đã điều chỉnh lại tất cả những vấn đề kỹ thuật cần thiết cho con tàu, đồng thời, lớp sơn chống rỉ màu nâu đỏ của tàu cũng đã được phủ lên bằng một lớp sơn đen bóng.

Chia sẻ về lớp sơn đen này, ông Hòa cho biết: “Lần thử nghiệm tới sẽ là lần ra khơi đầu tiên của con tàu, tôi muốn chuẩn bị những gì tươm tất nhất, đầy đủ nhất. Tàu phải được sơn vỏ, trang hoàng, phải có tên đầy đủ. Như vậy mới là một con tàu hoàn thiện.”

Vào những ngày thử nghiệm trước Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Quốc Hòa đã từng chia sẻ về những dự định của mình về màu sơn của con tàu. Ông cho biết mong muốn tàu được sơn đen, dòng chữ tên tàu được ghi ở tháp điều khiển và nơi sản xuất được ghi ở mạn tàu. Đặc biệt, tàu sẽ phải có hình ảnh của lá quốc kỳ.
Hình ảnh mới nhất về tàu ngầm Trường Sa
Hình ảnh mới nhất về tàu ngầm Trường Sa 
“Tàu Trường Sa có thể gắn theo một lá cờ thật khi bơi nổi, nhưng khi lặn, lá cờ đó sẽ gây nhiều cản trở, vì thế để hình ảnh lá cờ được sơn trên thân tàu là đẹp nhất. Và điều này cũng chứng tỏ, tàu do người Việt Nam sáng tạo, con tàu là của Việt Nam.” – Ông Hòa chia sẻ.

Trước đó, trong ngày thử nghiệm ngoài hồ nước tại khu công nghiệp Sông Trà (Thái Bình), tàu Trường Sa 01 cũng được gắn một lá cờ Tổ quốc trên tháp tàu. Người công nhân của công ty treo lá cờ này đã hồ hởi chia sẻ: “Treo quốc kỳ để biết tàu Trường Sa do người Việt Nam sáng tạo, để biết Trường Sa là của Việt Nam.”

Lùi thời gian về sâu hơn nữa, tháng 9/2013, trong chuyến làm việc với ông Nguyễn Quốc Hòa tại nơi sản xuất con tàu, ông Hòa đã chia sẻ về ý nghĩa của cái tên Trường Sa 01.

“Ban đầu khi biết thông tin nước ta phải mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga với cái giá rất đắt, lúc đó trong đầu tôi nảy ra một suy nghĩ, tàu ngầm có gì ghê gớm mà nó lại đắt thế. Từ đó tôi ấp ủ làm một chiếc tàu ngầm “made in Việt Nam”, dù chỉ là mini nhưng đủ để thỏa mãn sự tò mò và đam mê của tôi.” – Ông Hòa bày tỏ.

“Nhưng sau khi càng nghiên cứu, tôi càng cảm thấy tính hợp lý và khả năng ứng dụng cao của con tàu. Vì thế tôi đã nghĩ đến những mục đích xa hơn ngoài sự đam mê của riêng mình. Nếu tàu của tôi có thể bơi ra Trường Sa và bơi về thì sao? Nếu những người ngư dân có thể sử dụng tàu này để phục vụ mục đích dân sinh thì sao? Nếu những nhà khoa học có thể dùng tàu này để nghiên cứu đáy biển, thềm lục địa thì sao?... Những câu hỏi đó càng làm tôi quyết tâm hơn.”
Lá quốc kỳ như để khăn định Trường Sa là của Việt Nam
Lá quốc kỳ như để khăn định Trường Sa là của Việt Nam 
“Tôi hiểu tàu của tôi chỉ là sự khởi đầu, chỉ là bước đệm, vì thế tôi mới lấy tên là Trường Sa 01, tôi hy vọng rằng những nhà khoa học, cơ quan nhà nước, quân đội… những người có kiến thức, có nguồn vốn nhiều hơn tôi, có thể tạo ra những Trường Sa 02, 03… để phục vụ được đời sống nhân dân, phục vụ quốc phòng, đó là tâm nguyện lớn nhất của tôi.” – Ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết.

Vào những ngày tháng 9/2013 ấy, ông Hòa đã mơ màng mà nghĩ rằng: “Nếu thành công, nếu ra được biển, tôi sẽ sơn tàu màu đen, viết tên Tàu ngầm Trường Sa 01, vẽ lên thân tàu lá quốc kỳ Việt Nam”.

Và ước mơ ấy của ông Nguyễn Quốc Hòa đã gần đi tới đích, tàu Trường Sa từng bước một, từ khi thành hình hài con tàu qua lớp vỏ, cho đến hệ thống không khí tuần hoàn thử nghiệm thành công trong phòng kín, cho đến những lần lặn nổi nhịp nhàng trong bể thử nghiệm, và di chuyển hoàn hảo trên mặt hồ… Và hiện tại, tàu đã được sơn, được vẽ lá quốc kỳ như tâm nguyện của người chế tạo ra nó.

Những bước tiến ấy, không chỉ đánh đổi bằng tiền của người doanh nhân này, mà còn bằng chất xám, nghị lực, quyết tâm, và khả năng chịu đựng búa rìu của dư luận, của những người phản đối.

“Tất cả đã sẵn sàng, chỉ chờ một cái gật đầu cho phép, là tàu Trường Sa có thể thẳng tiến ra khơi.” – Ông Hòa lạc quan cho biết.

Để ra đến biển, chỉ còn một khâu cuối cùng: sự cho phép của các cơ quan quản lý. Nếu Trường Sa ra được biển, nó không chỉ mang theo ước mơ, khát vọng của người chế tạo, mà còn mang theo bao nhiêu hi vọng, niềm tin của hàng triệu người dân Việt Nam quan tâm đến con tàu.

» Được cấp phép, tàu ngầm Trường Sa sẽ chạy 50km trên biển
» Tàu ngầm Trường Sa: Công nghệ AIP vẫn là một dấu hỏi
» Người chế trực thăng lo tàu ngầm Trường Sa bị thu giữ

Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn