Lý do ngân hàng toàn cầu ngán ngẩm, 'rủ nhau' tháo chạy khỏi Trung Quốc

Kinh tếThứ Tư, 06/01/2016 11:11:00 +07:00

Có quá nhiều nguy cơ tiềm ẩn khiến các nhà đầu tư ngán ngẩm về thị trường Trung Quốc, nơi có dân số hơn 1,35 tỷ người.

Có quá nhiều nguy cơ tiềm ẩn khiến các nhà đầu tư ngán ngẩm về thị trường Trung Quốc, nơi có dân số hơn 1,35 tỷ người.

Gần nhất, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới – Deutsche Bank – đã công bố vào những ngày cuối 2015 rằng, họ sẽ rút vốn khỏi ngân hàng Hoa Hạ Trung Quốc (Hua Xia Bank).

Jürgen Fitschen – người đứng đầu Ngân hàng Deutsche Bank cùng với John Cryan – Tổng giám đốc của Deutsche Bank nuối tiếc rằng đây là “một hành động ngu ngốc” khi rời bỏ Trung Quốc – thị trường sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng họ cũng nói rằng, “bây giờ là thời điểm thích hợp nhất” để bán lại khoản đầu tư này.

Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng lớn của phương Tây đã lần lượt rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc. 

Tổng giám đốc của Deutsche Bank đưa ra thông báo ngay trước thềm năm mới nhằm cố gắng tạo ra ít sóng nhất có thể đối với Deutsche Bank trên thị trường.

Ông cho biết, Deutsche Bank sẽ bán cả gói 19,99% cổ phần của Deutsche Bank tại Hua Xia Bank ở Trung Quốc cho công ty bảo hiểm Tài sản và Tai nạn Trung Quốc PICC.

Nguyên nhân từ đâu


Deutsche Bank không phải là ngân hàng phương Tây đầu tiên rời khỏi các ngân hàng Trung Quốc – nơi cơ quan quản lý nhà nước hạn chế sự tham gia của các cổ đông nước ngoài bằng việc chỉ cho họ sở hữu tối đa 20% cổ phần.

Trước khi cơn khủng hoảng nhấn chìm thị trường chứng khoán Trung Quốc trong mùa hè này, một số ngân hàng nước ngoài đã tận dụng giá chứng khoán Trung Quốc tăng để bán đi cổ phần của họ trong nhóm tài chính địa phương.

Goldman Sachs – nhà băng có trụ sở tại New York đã bán cổ phần của mình tại Ngân hàng Công thương Trung Quốc trong năm 2013. Ngân hàng của Mỹ Merrill Lynch cũng đã bán cổ phần của mình tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc thông qua một loạt các thỏa thuận.

Trong năm 2013, BBVA – ngân hàng lớn thứ hai của Tây Ban Nha đã giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu tại ngân hàng Trung Quốc Citic Bank từ 15% xuống 4,7%, và cũng đã có những dấu hiệu cho thấy ngân hàng này sẽ sớm bán những % còn lại.

Một loạt các ngân hàng quốc tế khác cũng chuẩn bị khăn gói rời Trung Quốc, một trong số đó là Standard Chartered đang nắm giữ cổ phần tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc.

Cũng giống như Deutsche Bank, các ngân hàng khác đã ký kết các thỏa thuận nhằm “thu hồi vốn” để cân đối tài sản.

Theo John Cryan – các quy định ngặt nghèo từ chính phủ đối với lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc, trong đó có việc ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là chỉ cho sở hữu tối đa 20% của một ngân hàng quốc doanh khiến các ngân hàng quốc tế ngao ngán tiếp cận thị trường này.

“Có những quy tắc ở Trung Quốc mà chúng ta không thể thay đổi, và chúng ta phải tự tìm cách đối phó với những quy tắc đó” – Cryan nói.

Nhiều nhà băng quốc tế đánh giá rằng, họ sẽ chẳng thể thu lời hoặc có được cũng không là bao bởi việc chỉ được sở hữu số cổ phần thiểu số tại các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc.

Theo hiệp ước Basel III, các ngân hàng không được khuyến khích giữ quá nhiều cổ phần thiểu số trong các cơ sở tài chính khác. Các khoản đầu tư như vậy được cho là không hấp dẫn.


Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia ngân hàng, có một nguyên nhân khác quan trọng hơn khiến các vị CEO – những bộ não siêu việt của các ngân hàng quốc tế quyết định rời bỏ quốc gia đông dân nhất thế giới là việc các ngân hàng Trung Quốc thu hút được rất nhiều khoản vay nhưng không hiệu quả đáng ra phải được coi là nợ xấu, các khoản lỗ từ lâu. Nhưng, con số chính xác của những khoản nợ xấu này vẫn là một bí mật quốc gia, không ai biết tới. Vì thế nên nó tiềm ẩn đầy rẫy những nguy cơ mà khi sự thật được phơi bày, các nhà băng sẽ nhanh chóng sụp đổ.

Có thể họ không có dữ liệu chính xác về độ lớn của các khoản vay không hiệu quả ở Trung Quốc, nhưng họ cũng phần nào cảm nhận được sức nóng của nó ngày một lớn dần. Và điều đó thúc đẩy họ quyết định rời bỏ Trung Quốc khi còn có thể.

Deutsche mua cổ phần tại ngân hàng Hua Xia vào năm 2006, tại thời điểm các nhà băng phương Tây bắt đầu xu hướng tham gia đầu tư vào thị trường Trung Quốc đang tràn đầy tiềm năng.

Hiện tại, Deutsche Bank đang cần một số điều chỉnh bảng cân đối của mình. Là một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới, nhưng trong những năm qua, Deutsche Bank đã bị vướng vào một chuỗi dài các vụ bê bối, các vụ kiện và các cuộc thương lượng trị giá nhiều tỷ USD. Gần đây, ngân hàng đã đình chỉ lãnh đạo cao cấp của mình ở Nga do bị nghi ngờ tham gia vào rửa tiền cho những người bạn của Tổng thống Vladimir Putin (đang bị phương Tây trừng phạt).

Vào cuối tháng 10 năm ngoái, ông Cryan đã công bố khoản lỗ nặng (6 tỷ USD trong quý 3 của năm 2015), trong đó có 1 tỷ USD dự trữ để bù đắp chi phí cho các loại kiện tụng (hiện đã chi đến hơn 5 tỷ USD).

Cryan cũng đã công bố việc dừng chi trả cổ tức và sa thải 20.000 nhân viên và nhà thầu. Deutsche Bank sẽ rút hoạt động tại 10 quốc gia, ở Mỹ Latin và châu Âu và sẽ từ bỏ Deutsche Postbank – một ngân hàng con của nhà băng này với khoảng 20.000 nhân viên.

Đặc biệt, ngân hàng của Đức cũng phải bù đắp một khoản thua lỗ 600 triệu euro cho các cổ phiếu của mình tại Hua Xia Bank.
Hiệp ước Basel III về vốn và tính thanh khoản là tập hợp các biện pháp cải cách toàn diện do Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng đề ra nhằm đẩy mạnh công tác điều phối, giám sát và quản lý rủi ro của lĩnh vực ngân hàng. Các biện pháp này nhằm cải thiện khả năng chống đỡ lại các cú sốc phát sinh từ áp lực tài chính và kinh tế; đồng thời, nâng cao kỹ năng quản lý rủi ro và đẩy mạnh tính minh bạch của khối ngân hàng.

Basel III được áp dụng cho khối ngân hàng nói chung và các cơ sở tài chính đóng vai trò quan trọng trong hệ thống toàn cầu (SIFI) nói riêng với ý tưởng nâng cao khả năng phục hồi của từng ngân hàng để giảm chấn động trên toàn hệ thống.


Nguồn: DĐDN
Bình luận
vtcnews.vn