Lương công chức sẽ khác nhau theo vùng, miền?

Thời sựThứ Sáu, 23/09/2011 09:40:00 +07:00

(VTC News) – Lương có thể trả khác nhau giữa các vùng, miền, đảm bảo nhu cầu tối thiểu ở vùng kinh tế phát triển nhất.

(VTC News) – Lương có thể trả khác nhau giữa các vùng, miền, đảm bảo nhu cầu tối thiểu ở vùng kinh tế phát triển nhất.

Lương công chức sẽ được đổi mới? Ảnh: Hoàng Hà  

 

Lương chỉ đủ tiền ăn

Bộ Nội vụ vừa cho biết những định hướng đổi mới chính sách tiền lương, để đảm bảo mức sống tối thiểu cho công chức, viên chức.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, hiện nay, quỹ lương công chức, viên chức chiếm khoảng 40% tổng thu của ngân sách Nhà nước, nên nếu tăng lương khu vực này 2,5 lần thì gần như toàn bộ ngân sách chỉ để trả tiền lương.

 

Theo Bộ Nội vụ, mức lương tối thiểu chung mới đảm bảo 50% nhu cầu tối thiểu, chỉ đủ chi tiêu lương thực, chứ chưa đảm bảo các chi tiêu khác.

 

Trong khi đó, nhiều trường hợp, các khoản thu nhập ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu nhập của cán bộ, công chức nhưng cán bộ công chức vẫn cho là đãi ngộ của Nhà nước thấp nên không coi trọng vào công việc chính đảm nhiệm mà dành nhiều thời gian cho các việc khác (trong giờ và ngoài giờ) để có thêm thu nhập.

 

Cải cách tiền lương

 

Bộ Nội vụ cũng cho biết nhiều phương hướng đổi mới chính sách tiền lương với công chức, viên chức.

 

- Phương án 1: Quy định mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức trên cơ sở bảo đảm nhu cầu tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức trên cơ sở bảo đảm nhu cầu tối thiểu (có tính đủ tiền nhà trong tiền lương) ở vùng có thị trường lao động phát triển nhất (vùng có lương tối thiểu cao nhất trong khu vực doanh nghiệp).

 

Ưu điểm của phương pháp này là cán bộ, công chức sống được bằng tiền lương, tận tâm gắn bó với công việc, tiền lương cao sẽ tạo ra động lực, tính cạnh tranh trong đội ngũ công chức, viên chức. Từ đó, thực hiện tốt cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, có điều kiện sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức; thu hút được người giỏi vào làm Nhà nước.

 

Nhược điểm là lương công chức, viên chức các vùng nông thôn sẽ cao hơn nhiều so với lao động trên cùng địa bàn, đặc biệt mức thu nhập của người dân ở những vùng khó khăn, huyện nghèo còn rất thấp so với mặt bằng chung.

 

- Phương pháp 2: Mức lương tối thiểu bằng mức bình quân của các mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp, đồng thời áp dụng hệ số tăng thêm đối với cán bộ, công chức ở những vùng có thị trường lao động phát triển để mức lương tối thiểu công chức, viên chức cao hơn mức lương tối thiểu vùng của khối doanh nghiệp.

 

Ưu điểm của phương pháp này là tiền lương cán bộ, công chức được đảm bảo bằng mức trung bình khá của lao động trên địa bàn, góp phần phát triển đội ngũ cán bộ, công chức.

 

Nhược điểm là phải quy định hệ số tăng thêm đối với những vùng thị trường lao động phát triển, ảnh hưởng đến việc thu hút cán bộ, công chức đến vùng khoa khăn.

 

- Phương án 3: Lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức trên cơ sở mức thu nhập và mức chi tiêu bình quân đầu người cả nước.

 

Ưu điểm phương pháp này là lương công chức độc lập lương doanh nghiệp; bảo đảm công chức có mức lương đủ sống.

 

Nhược điểm là phải có biện pháp quyết liệt bảo đảm nguồn thu thì mới thực hiện được.

 

Bộ Nội vụ cho biết, sau khi mức lương tối thiểu (thấp nhất) của cán bộ, công chức đạt được một trong 3 phương án trên thì việc điều chỉnh lương được thực hiện trên cơ sở xem xét chỉ số giá tiêu dùng hàng năm; mặt bằng tiền công trên thị trường và khả năng của ngân sách Nhà nước để Chính phủ quyết định đảm bảo tính cạnh tranh của lương công chức, viên chức.

 

(VTC News sẽ tiếp tục cập nhật những đề xuất mới của Bộ Nội vụ về chính sách tiền lương cho công chức, viên chức).

 

Hoàng Lan

Bình luận
vtcnews.vn