Luật sư nói gì việc cảnh sát Mỹ 'gài bẫy' Minh Béo?

Pháp luậtThứ Ba, 05/04/2016 08:12:00 +07:00

Dư luận đang xôn xao việc Minh Béo bị bắt ở Mỹ với tội danh xâm hại tình dục trẻ em nhưng câu hỏi được đặt ra phải chăng cảnh sát đã “gài bẫy” nghệ sĩ này?

(VTC News) - Dư luận đang xôn xao việc Minh Béo bị bắt ở Mỹ với tội danh xâm hại tình dục trẻ em, câu hỏi được đặt ra phải chăng cảnh sát đã “gài bẫy” nghệ sĩ này?

Cụ thể, thời gian qua, sau khi một cậu bé tố giác Minh Béo xâm hại tình dục, một thanh tra Sở Cảnh sát Garden Grove (GGPD) thuộc Quận Cam, California, đã đóng giả làm thiếu niên 14 tuổi và liên hệ với nghệ sĩ hài Minh Béo. Khi gặp “thiếu niên” này với ý đồ thực hiện hành vi dâm ô, Minh Béo đã bị GGPD bắt giữ.

Câu hỏi đặt ra ở đây, phải chăng Cảnh sát Mỹ đã “gài bẫy” Minh Béo, hành vi này được sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam như thế nào?

Trao đổi với PV, Luật sư (LS) Trương Anh Tú, (Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú và cộng sự - Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Việc theo dõi, giả dạng, đóng vai tội phạm, đưa vào tổ chức tội phạm là biện pháp nghiệp vụ được cơ quan cảnh sát các nước trên thế giới áp dụng, có thể coi đó là biện pháp nghiệp vụ chung nơi nào cũng sử dụng. 

Minh Béo đã bị cảnh sát Mỹ gài bẫy.
Minh Béo đã bị cảnh sát Mỹ "gài bẫy". 

Riêng ở Việt Nam tôi chưa thấy có văn bản nào cụ thể về việc này, nhưng thực tế thì có rất nhiều trường hợp áp dụng biện pháp “gài bẫy”. Đây là việc làm cần thiết để tìm ra bằng chứng phá án.” Theo LS Tú, để áp dụng biện pháp này còn nhiều vướng mắc, bởi “diễn viên” đóng vai tội phạm ít nhiều tham gia vào các hành vi phạm tội. 

Lấy ví dụ như trong các sới bạc các “diễn viên” này phải tham gia đánh bạc mới nắm được bằng chứng, rõ ràng hành vi đánh bạc đã cấu thành tội phạm.

“Nếu không xử lý hình sự những “diễn viên” này là vô lý, còn xử lý thì càng vô lý hơn. Nhìn ra các loại tội phạm khác như mại dâm, ma túy nếu không có đặc tình thì rất khó tiếp cận, thu thập được bằng chứng chứng minh hành vi phạm tội, khó có thể xử lý hình sự.

Như vậy, những đặc tình này sẽ phải xử lý thế nào? Để chánh chúng ta sẽ phải có kẽ hở, ví dụ như, một vụ bắt sới bạc có 10 người tham gia nhưng cơ quan chức năng chỉ bắt được có 8 người còn hai người “chạy thoát”, đó là các đặc tình. Và, những người này sẽ bị xử lý ở những vụ án sau… nếu bắt được”, LS Tú phân tích.

Video: Minh Béo có đủ tiền bảo lãnh tại ngoại


LS Tú cho biết: “Bộ Luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng, không có bộ luật nào có điều khoản nói về việc này, chính vì thế, cơ quan điều tra sẽ phải tạo ra những kẽ hở để những đặc tình có “lối thoát”. 

Chỉ duy nhất, tội phạm đưa hối lộ thì rất dễ bởi người đưa hối lộ chỉ cần người đưa tố cáo người nhận hối lộ sẽ không bị phạm tội.

Chính vì thế, theo LS Tú, hầu hết các vụ án quan trọng, không áp dụng biện pháp “gài bẫy” thì rất khó tìm ra bằng chứng, chứng minh tôi phạm, rất khó phá án.

So với vụ án Minh Béo bị bắt tại Mỹ vừa qua, rõ ràng cơ quan cảnh sát đã đưa đặc tình chủ động dụ dỗ, chỉ có một chút vấn đề về đạo đức, còn sự việc hoàn toàn khách quan.

“Theo tôi, ở vụ án này hoàn toàn thỏa đáng vì trước đó đã phát hiện hai trường hợp khác và có đơn tố cáo. Chính vì thế, cảnh sát đã đóng vai đứa trẻ dưới 14 tuổi để tạo ra bằng chứng chứng minh hành vi phạm tội của Minh Béo mà thôi”, LS Tú phân tích. 

Theo LS Tú, việc Cảnh sát Mỹ cài bẫy Minh Béo chỉ là “mảnh ghép cuối cùng của bức tranh” để hành phạm tội được hoàn thiện, rõ ràng. Bởi nếu, trường hợp Cảnh sát Mỹ hấp tấp mời Minh Béo đến làm việc, thì anh ta sẽ cãi bay biến, không thừa nhận những hành vi phạm tội và rất khó xử lý được anh ta, như vậy coi như “công toi”.

 
Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn