Luật ATVSLĐ 2015: Đã rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động

Thời sựThứ Hai, 14/09/2015 07:44:00 +07:00

Bộ luật mới về An toàn vệ sinh lao động đã nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động.

(VTC News) - Bộ luật mới về An toàn vệ sinh lao động đã nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động. 

Liên quan đến việc thực hiện luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện về trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong quá trình thực hiện bộ luật mới với ông Hoàng Minh – Giám đốc nhân sự một công ty may mặc ở Thành phố Hồ Chí Minh. 
Tình hình kinh tế thế giới đang trong tình trạng khủng hoảng mấy năm vừa qua, nhất là khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ của họ, đồng USD cũng tăng cao, công việc kinh doanh của công ty mình hiện nay như thế nào thưa ông?
Trong tình hình kinh tếchính trị trên trường quốc tế có chiều biến chuyển, kinh tế thế giới đang cầm cự với mảng xám chưa có tín hiệu sáng sủa, điều đó cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta. 
Tuy nhiên trong những năm qua chúng tôi vẫn cầm cự được và giữ vững thị trường nhờ tình hình kinh tế chính trị trong nước ổn định và sự điều hành kịp thời của Chính phủ. Ngành may mặc xuất khẩu đang may mắn hơn một số ngành khác, đó là tỉ giá ngoại tệ có lợi cho xuất khẩu, nhất là những đơn hàng ký trước. 
Khách hàng của chúng tôi trên thị trường khó tính cũng hài lòng với sản phẩm do chúng tôi cung cấp. Cơ sở để chúng tôi giữ được vị trí trên thị trường hiện nay là do chúng tôi có lực lượng lao động chất lượng cao, yêu nghề, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, quan trọng nhất là chúng tôi đảm bảo được cơ chế chính sách lao động, quyền lợi của người lao động và có biện pháp sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả.
 

Khả năng năm nay có vượt chỉ tiêu đề ra không thưa ông?
Điều đó hoàn toàn khả thi, bởi 8 tháng vừa qua đã đạt 80% kế hoạch. Vừa qua chúng tôi cũng đã ký được hợp đồng cho 3 tháng đầu năm 2016 và đang tiếp tục đàm phán các hợp đồng khác. Nếu hiệp định TPP được ký kết thì việc xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn.
Vừa rồi ông có nói về chính sách và cơ chế sử dụng lao động, thế công ty đã triển khai luật ATVSLĐ chưa? 
Chúng tôi đã làm việc với bộ phận công đoàn và đã nghiên cứu luật ATVSLĐ, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm đề nghị chỉnh sửa lại việc phải đóng đủ bảo hiểm đến khi về hưu vì sẽ có trường hợp người lao động không tiếp tục công tác được, buộc lòng phải nghỉ việc và hưởng trợ cấp một lần. Điều đó cũng đúng thôi nhưng không trọn vẹn và tốt đẹp hơn được nghỉ hưu. Vấn đề này đã được quốc hội xem xét.
Về quyền lợi của NSDLĐ, lãnh đạo công ty và bộ phận nhân sự có hiểu rõ và nhất trí với nội dung quy định của luật ATVSLĐ không?
Chúng tôi nắm bắt đầy đủ nội dung của điều 7 của bộ luật quy định về quyền và nghĩa vụ của NSDLĐ đồng thời nhất trí với những điều khoản mà luật quy định, cụ thể:
NSDLĐ có quyền: Yêu cầu người lao động phải chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; Khen thưởng người lao động chấp hành tốt và kỷ luật người lao động vi phạm trong việc thực hiện ATVSLĐ; Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật; Huy động người lao động tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, tai nạn lao động.
NSDLĐ có nghĩa vụ: Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; Đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; 
 

Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm ATVSLĐ; Thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; 
Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động; Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật; 
Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác ATVSLĐ; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới ATVSLĐ; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác ATVSLĐ; Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ; Lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ.
Ông nhận thấy khâu khó khăn hiện nay của việc thực hiện luật ATVSLĐ?
Ông Hoàng Minh: Hiện nay có một số khó khăn trong quá trình thực hiện luật ATVSLĐ, ví dụ: Kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, giá thành hàng hóa xuống thấp, lợi nhuận không cao, đồng lương chưa khuyến khích người lao động, một số doanh nghiệp thực hiện luật pháp chưa nghiêm gây tác động xấu đến người lao động. Nói thật nếu tính lương như hiện nay người lao động bình thường chưa đủ sống, chúng tôi phải tăng lương bằng cách thưởng và bồi dưỡng thêm. Nếu tăng cao doanh nghiệp lỗ, cho nên phải hài hòa lợi ích giữa người lao động và NSDLĐ. 

Ông nhận thấy yêu cầu của người lao động đối với NSDLĐ hiện nay là gì?
Yêu cầu của người lao động là NSDLĐ phải thực hiện đúng luật.
Xin cám ơn ông.

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.

Yến Nhi - Hoàng Quỳnh(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn