'Lửa nghề': Chuyện nhà báo chống tham nhũng

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 08/12/2012 02:00:00 +07:00

(VTC News) - Dự kiến vào 20h35, ngày 9/12, bộ phim tài liệu “Lửa nghề” sẽ được công chiếu trên kênh VTC1 nhân nhân Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng.

(VTC News) - Dự kiến vào 20h35, ngày 9/12, bộ phim tài liệu Lửa nghề sẽ được công chiếu trên kênh VTC1 (Đài THKTS VTC) nhân nhân Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng .

Lửa nghề là bộ phim do Đài truyền hình KTS (VTC), Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), và tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) phối hợp sản xuất. Nội dung chính của phim xoay quanh những khó khăn, thuận lợi của các phóng viên trong những vụ việc cụ thể từng gây chấn động dư luận thời gian qua.

Những cảm xúc thật, âm thanh thật, ánh sáng thật và hiện trường thật được ghi lại đã mang đến cho người xem ấn tượng mới về cuộc đấu tranh giữa các nhà báo với tệ tham nhũng. Phim được quay ròng rã ba tháng tại Tiên Lãng, TP Hải Phòng, TP Vinh, huyện Thanh Chương (Nghệ An), xa lộ Hà Nội, trụ sở Hội Nhà báo TP.HCM và một só toà soạn báo trên cả nước.

Chiều qua (7/12) bộ phim đã có buổi chiếu ra mắt tại Press Club. Trước khi phim bắt đầu, bà Trần Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc kênh VTC1 (Đài TH KTS VTC) cho biết: “Đây là một bộ phim nói lên những khó khăn, hiểm nguy của phóng viên điều tra. Chúng tôi muốn góp tiếng nói để cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ nhà báo chống tham nhũng”

Lửa nghề là bộ phim tài liệu đầu tiên về công tác phòng chống tham nhũng của báo chí, một lĩnh vực còn rất nhiều khó khăn hiện nay. Do đó, những nhà sản xuất phim hy vọng Lửa nghề sẽ là một ngọn lửa đốt nóng hơn nữa tinh thần và lòng đam mê nghề nghiệp của anh chị em nhà báo đang tác nghiệp trong mảng đề tài phòng chống tham nhũng.

Kết thúc buổi chiếu phim, một cuộc giao lưu giữa các nhà báo và những nhân vật trong phim diễn ra trong bầu không khí cởi mở. Trong các nhà báo tham gia viết bài về vụ Tiên Lãng, nhà báo Huy Hoàng,  báo Pháp luật TP HCM thường trú tại Hải Phòng là người đã phát hiện ra một vụ án hành chính đã xảy ra ngay sau khi mọi người vẫn còn nghĩ ông Vươn là “tội đồ của vụ khủng bố”.

Nhóm phóng viên tham gia tác nghiệp trong vụ án của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. 
Nhà báo Huy Hoàng cho biết: “Trên đê, nghe người dân nói ông Vươn đã từng kiện hành chính UBND huyện, may có biên bản thỏa thuận giữa ông Vươn, ông Luân với chính quyền địa phương…nên chúng tôi tiếp tục tìm hiểu. Sau đó chúng tôi có đầy đủ cơ sở để nói rằng chính quyền địa phương đã thỏa thuận với ông Vươn không kiện nhưng sau đó đã cưỡng chế đầm nhà ông Vươn”.

Phóng viên Minh Khang - Báo VTC News: “Là người ở gần nhà ông Vươn nên chính anh là người đã phải chịu sức ép tâm lý khủng khiếp khi làm vụ này. Đã có nhiều lời đe dọa bắn tai đến anh như: Đe dọa ném lựu đạn, bắn vào nhà anh,... làm cho những người xung quanh anh cũng sợ....”

Về câu chuyện chống tham nhũng tại TP. Vinh - Nghệ An, nơi từng có 20 quan chức bị đưa ra xử lý sau những bài báo của báo Lao động Nghệ An, Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hương - Tổng biên tập báo Lao động Nghệ An cho biết: “Tôi kế thừa thế mạnh của báo Lao động Nghệ An. Chúng tôi đăng tải là vì bạn đọc, phóng viên, cộng tác viên,.. Sức ép của người dân, của bạn đọc là chỗ dựa cho chúng tôi”.

Chia sẻ về những khó khăn trong cuộc điều tra tham nhũng tại TP. Vinh, Nhà báo Phạm Việt Thắng, Phóng viên thường trú báo Lao Động, CTV báo Lao Động Nghệ An chia sẻ: “Có những lúc tôi phải đặt cược cả sự nghiệp của mình để đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng tại Nghệ An.”

Trước câu hỏi khi “dám” đưa thông tin về ông Bí thư Thành ủy TP. Vinh - Nghệ An lên báo tỉnh Nghệ An anh nghĩ gì? Nhà báo Phạm Việt Thắng cho biết: “Khi đó tình hình tham nhũng đất đai ở đó khủng khiếp quá, bức xúc quá, nên tôi quyết tâm vào cuộc.” Anh chia sẻ thêm: “Tôi phải mất 1 năm trời mới đưa vụ tham nhũng này ra ánh sáng. Kết quả vụ việc này đã 20 quan chức bị xử lý”.

Nhà báo Phạm Việt Thắng (trái), Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hương (giữa) và nhà báo Phan Lợi. 
Đến từ miền Nam, nhóm phóng viên của TP. Hồ Chí Minh lại nói nhiều đến việc phanh phui tiêu cực của Cảnh sát giao thông. Nhà báo Lý Trung Dung, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Ở TP. Hồ Chí Minh, không dừng xe mới là tham nhũng lớn”.

Anh chia sẻ những vụ làm luật chỉ là những vi phạm nhỏ, còn những xe thường gọi là xe B, gồm xe bồn, xe bê- tông, xe ben, xe bia… là những xe thường quá trọng tải gấp 2, gấp 3 lần thường không bị xử lý vì đã bỏ tiền ra “bao hàng tháng” với Cảnh sát giao thông.

Về chuyện nhập vai trong chống tham nhũng Nhà báo Đặng Anh Tuấn, Báo Tuổi Trẻ TP.HCM chia sẻ: “Nghiệp vụ nhập vai, báo Tuổi Trẻ rất coi trọng. Đối với tham nhũng rất nhạy cảm, rất nguy hiểm, vì dính dáng chuyện đưa tiền rất dễ vướng vào vi phạm pháp luật. Nhưng nếu không nhập vai cũng rất khó khăn để thu thập chứng cứ. Nhà báo cần phải biết viết lách, tức là phải biết luật và có cách để có thể lùi để tránh những cạm bẫy của những đối tượng khác”.

Cũng trong câu chuyện về phòng chống tham nhũng của Cảnh sát giao thông TP.HCM, các nhà báo đến từ phía Nam đã khiến những người có mặt chùng xuốn khi được biết mẹ anh Hoàng Khương (từng là phóng viên báo Tuổi trẻ TP.HCM) vừa mất.

Hoàng Khương từng là phóng viên đã nhập vai đưa vụ tiêu cực nhận hối lộ của một cán bộ Cảnh sát giao thông  ra ánh sáng. Nhưng do vi phạm quy chế tác nghiệp, anh đã bị TAND TP. HCM xử 4 năm tù vì tội đưa hối lộ.

Buổi chiếu ra mắt Lửa nghề đã để lại nhiều suy nghĩ cho những người làm báo. Nhiều vấn đề được đặt ra trong bộ phim như chuyện nhà báo bị côn đồ hành hung, nhà báo vướng vòng lao lý vì sai sót nghiệp vụ.... vẫn còn đó. Những người làm phim cùng các nhà báo tham gia công tác phòng chống tham nhũng đều mong muốn pháp luật cần có cơ chế bảo vệ nhà báo tốt hơn nữa để họ có thể yên tâm tham gia sâu hơn và tích cực hơn nữa vào công tác phòng chống tham nhũng.

Việt Anh

Bình luận
vtcnews.vn