Lợn tai xanh dễ nhiễm bệnh khác có thể lây sang người

Sức khỏeThứ Năm, 06/05/2010 11:30:00 +07:00

(VTC News) – Đối với lợn bị bệnh thường thịt tím tái, không tươi, bị nhớt. Người tiêu dùng nên mua thịt rõ nguồn gốc, phải nhìn kỹ thịt.

(VTC News) – "Đối với lợn bị bệnh thường thịt tím tái, không tươi, bị nhớt. Người tiêu dùng nên mua thịt rõ nguồn gốc, phải nhìn kỹ thịt" - Tiến sĩ Đặng Văn Kỳ, Trưởng phòng dịch tễ - Cục thú y cho biết. 

Cuối tháng 3/2010, dịch lợn tai xanh xuất hiện ở tỉnh Hải Dương, sau đó dịch lan sang các tỉnh Thái Nguyên, Thái Bình, Hưng Yên và lan rộng ra nhiều tỉnh khác trong khu vực như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Lạng Sơn. Tốc độ lây lan dịch tại một số tỉnh miền Bắc là rất lớn, mức độ dịch trầm trọng.

 

Dịch lợn tai xanh cũng đã xuất hiện tại miền Trung (tỉnh Nghệ An), nguy cơ bùng phát một đợt dịch mới tại miền Trung là rất cao, đặc biệt các tỉnh đã phát dịch trong những năm 2007 và 2008 (chu kỳ có thể là 2 hoặc 3 năm khi miễn dịch tự nhiên của đàn lợn đã giảm thấp, mức độ dịch sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả tiêm phòng các bệnh nguy hiểm của lợn).

 

Cho đến ngày 6/5/2010, dịch lợn tai xanh đã xuất hiện ở 12 tỉnh, thành phố. Trong đó số huyện có dịch là 34, số xã có dịch là 177, số lợn mắc bệnh là 51423 con, số lợn chết và tiêu hủy là 23189 con.

 

So với năm 2007 đợt dịch này nặng hơn, còn năm 2008 tiêu hủy hơn 300 nghìn con.

 

Trước tình hình đó ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 615/TTg-KTN chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp chống dịch tai xanh.
 

Tiến sĩ Đặng Văn Kỳ, Trưởng phòng dịch tễ - Cục thú y

 

Trước tình hình dịch lợn tai xanh đang bùng phát nhanh gây ra tâm lý lo lắng cho cả cho người chăn nuôi và người tiêu dùng, để có cái nhìn khách quan, VTC News đã phỏng vấn Tiến sĩ Đặng Văn Kỳ, Trưởng phòng dịch tễ - Cục thú y.

 

- Nguyên nhân nào dẫn đến dịch lợn tai xanh bùng phát nhanh như vậy, thưa ông?

 

Chu kỳ lợn bị bệnh tai xanh là thường bắt đầu vào cuối tháng 3 và cho đến cuối tháng 4 đầu tháng 5 là rộ lên và lây lan rất nhanh.

 

Nguyên nhân xảy ra dịch là do việc phát hiện chậm, khi xảy ra dịch lại không làm quyết liệt. Nguyên tắc là khi xảy ra dịch các tổ chức phải vào cuộc một cách quyết liệt nhất để khống chế dịch. Không cách ly con gia súc mắc bệnh, không lập chốt kiểm dịch nên lợn bị bệnh dịch tai xanh đã lan ra ngoài, nếu khi phát hiện cần ngăn cấm không cho lợn vận chuyển khỏi ổ dịch và cũng không mang lợn từ ngoài vào ổ dịch.

 

Người dân rất lo lắng liệu dịch lợn tai xanh có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hoặc gây ra dịch bệnh trên người không, thưa ông?

 

"Về chính sách hỗ trợ đền bù lợn bị tiêu hủy, các địa phương đang áp dụng theo Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/06/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ 25.000đ/kg hơi đối với lợn. Tuy nhiên, do giá thị trường hiện nay chỉ có 21.000đ/kg nên UBND các tỉnh có chính sách hỗ trợ đền bù khác nhau từ 18.000đ – 21.000đ/kg".

Tiến sĩ Đặng Văn Kỳ, Trưởng phòng dịch tễ - Cục thú y.

Tôi khẳng định dịch lợn tai xanh không ảnh hưởng đến người. Cho đến nay nhiều nghiên cứu ở Hoa Kỳ, Canada, Hà Lan, Nhật Bản….đều xác định bệnh này không lây truyền sang người và các gia súc khác.

Chỉ có bệnh liên cầu khuẩn lợn mới lây sang người nhưng chỉ tập trung vào nhóm người như: người mổ lợn, người bán thịt lợn, người chăn nuôi và thầy thuốc thú y.

- Vậy có nghĩa là người dân có thể yên tâm tiêu thụ thịt lợn khi dịch lợn tai xanh đang hoành hành, thưa ông?

Nếu thói quen ăn uống không vệ sinh thì không cần dịch bệnh, sức khỏe người dân vẫn bị ảnh hưởng. Do đó, không được ăn thịt lợn sống gồm nem chạo, nem chua, không ăn tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín, không ăn thịt lợn ốm chết, không mua thịt lợn khi chưa có kiểm định của bên thú y. 

Đối với người giết mổ lợn thì sau khi làm thịt lợn xong cần rửa tay bằng xà phòng, khi giết mổ thì đi găng tay.

 

Các tổ chức cá nhân cần thực hiện những nội dung sau: Không giấu dịch; không mua lợn bệnh sản phẩm của lợn bệnh; không bán chạy lợn; không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt bừa bãi xác lợn dịch ra môi trường.

 

- Xin ông có thể cho biết cách nhận biết lợn bị dịch tai xanh?

 

Đối với lợn bị bệnh thường thịt  tím tái, không tươi, bị nhớt. Người tiêu dùng nên mua thịt rõ nguồn gốc, phải nhìn kỹ thịt. Không nên vì rẻ tiền mà mua, đặc biệt là cần phải lưu ý nên mua thịt được kiểm định của bên thú y và có nguồn gốc xuất xứ.

 

- Công tác dập dịch của cục thú y phối hợp với các địa phương trong thời gian tới ra sao thưa ông?

 

Đối với ngành dọc chúng tôi trên có Cục thú y, trong đó phòng dịch tễ là đơn vị chủ đạo giúp lãnh đạo trong công tác ra văn bản, cách phòng chống dịch và chỉ đạo các địa phương trong cả nước. Hiện nay phòng chúng tôi đã thiết lập đường dây nóng để phối hợp với các tỉnh trong chỉ đạo dập dịch, xây dựng chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi khi lợn bị mắc bệnh, hỗ trợ vắc xin trong phòng chống bệnh.

 

Kể từ khi có dịch lợn tai xanh, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn đã cử 3 đoàn công tác đi kiểm tra các địa phương bị dịch lợn tai xanh.

 

- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hiện nay chưa có tài liệu cũng như bằng chứng nào chứng tỏ sự lây nhiễm của dịch bệnh tai xanh ở lợn sang người.

Tuy nhiên đối với những vùng có xảy ra dịch tai xanh trên lợn thì người dân cũng cần hết sức cảnh giác bởi lợn bị nhiễm bệnh tai xanh thì sẽ rất dễ nhiễm các bệnh kế phát như: liên cầu lợn, tụ huyết trùng, tả, phó thương hàn...


Những bệnh này có thể lây lan sang người qua tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh không có trang bị bảo hộ, ăn tiết canh và thịt lợn chưa được chế biến kỹ. Vì vậy, không riêng gì dịch bệnh tai xanh mà đối với các dịch bệnh khác trên lợn, chúng tôi khuyến cáo người dân cảnh giác với những con lợn có biểu hiện bệnh hoặc không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không ăn tiết canh và các sản phẩm từ lợn chưa được chế biến kỹ.


Những người tay chân bị trầy xước thì không nên tham gia tiêu hủy hoặc chế biến thịt lợn, nếu cần thì phải trang bị phòng hộ đầy đủ như găng tay, khẩu trang, ủng...


Người dân không vì quá hoang mang mà tẩy chay thịt lợn, biện pháp tốt nhất để phòng bệnh lây nhiễm từ lợn là chúng ta nên mua thịt lợn ở những nơi bảo đảm vệ sinh an toàn và phải có xác nhận kiểm dịch của thú y.


TS. Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

(Theo Sức khỏe và Đời sống)

 

 


Kiên Cường

Bình luận
vtcnews.vn