Lời tiên tri của tổ tiên trên bãi đá cổ Sapa?

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 11/12/2011 06:34:00 +07:00

(VTC News) – Ông giải thích lời tiên tri trên hòn đá cổ: “Vào thời đại tên lửa bắn nhau với máy bay, bãi đá cổ Sapa sẽ có một con đường cho xe chạy qua”.

(VTC News) – Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh giải thích lời tiên tri của hình vẽ trên hòn đá cổ này như sau: “Vào thời đại tên lửa bắn nhau với máy bay, bãi đá cổ Sapa sẽ có một con đường cho xe chạy qua”.

Bãi đá cổ Sapa bắt đầu ở ngang sườn đèo, phía dưới là thung lũng Mường Hoa có một dòng suối lớn chảy qua. Bãi đá cổ chạy dài 4km dọc theo hai bên con đường mới mở, nằm trên diện tích rộng tới 8km2.

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh không khỏi giật mình khi tận mắt hòn đá nằm ngay bên tay phải của con đường mở qua, chỉ cách lề đường không quá 20m. Nó là một trong những hòn đá lớn và độc đáo ở bãi đá cổ Sapa.

Sự độc đáo của hòn đá chính vì nó là hòn đá duy nhất vẽ những hình thù của phương tiện trong xã hội hiện đại của chúng ta. Cũng chính vì thế nó là hòn đá gây tranh cãi nhiều nhất.

Hầu hết các nhà khoa học đều đã biết đến hòn đá này và ông cũng biết trước khi đến đây qua các bản dập. Nhưng chỉ đến khi nhìn thấy nó ông mới bị ấn tượng mạnh. Hòn đá này cao khoảng 2m, dài hơn 3m. Hình vẽ nằm trên mặt đá phẳng và trơn nhẵn, hướng ngược chiều đường từ thị trấn lên bãi đá cổ.

Đây có phải lời tiên tri? (Hình ông Tuấn Anh vẽ lại từ bãi đá cổ Sapa). 

Do máy ảnh chụp không rõ được hình khắc trên hòn đá nên ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh vẽ lại bằng tấm hình trên đây. Dù không chính xác tuyệt đối nhưng rõ ràng hình vẽ thể hiện những chiếc máy bay, người, mũi tên và ôtô.

Hình khắc trên hòn đá này từng gây ra sự tranh luận nghiêm túc của các nhà nghiên cứu. Hầu hết đều cho rằng: “Hình này mới được vẽ vào khoảng đầu hoặc giữa thế kỷ trước". Đơn giản vì họ cho rằng: Hình cái xe ôtô và máy bay là sản phẩm của đầu thế kỷ 20.

Khi chưa được tận mắt hòn đá, ông Tuấn Anh cũng nghĩ như họ. Nhưng khi xem trực tiếp những hình tượng trên hòn đá này, ông khẳng định họ sai lầm.

Khách du lịch lên Sapa đều muốn được chụp hình với những hòn đá có hình khắc, nhưng họ lại không biết bảo vệ các hình vẽ. 

Ông cho rằng, điều quan trọng nhất để chứng tỏ sai lầm của họ chính là ở đường nét bị bào mòn của nét vẽ hoàn toàn tương quan với các nét vẽ trên các phiến đá cổ khác và của những nét khắc vẽ trên chính hòn đá này.

Hai bên tảng đá còn có một số ký tự loằng ngoằng đã mờ giống như chữ Hán và chữ Khoa Đẩu cùng những đường khắc vạch ngang. Chính sự tương quan bào mòn này của các nét vẽ trên ngay cùng phiến đá và với các hòn đá khác cho thấy chúng phải vẽ đồng thời. Không thể có khoảng cách hàng ngàn năm cho sự bào mòn giống nhau.

Rất nhiều hòn đá có hình khắc nằm lẫn trong nhà dân, trong các ruộng lúa. 

Theo ông Tuấn Anh, để xác định niên đại của hình vẽ này không phải khó khăn lắm so với khoa học hiện đại. Tuy nhiên, dựa vào những phương pháp như: So sánh trình độ đồ họa và trình độ của ý tưởng chứa đựng trong đồ họa; So sánh tính chất vật lý các rãnh: độ rộng trung bình, độ rộng lớn nhất và độ rộng nhỏ nhất, độ thẳng trung bình, vết vẽ thẳng lớn nhất và vết vẽ thẳng nhỏ nhất… có thể phần nào xác định được niên đại của hình vẽ. Nếu so sánh tính chất hóa học của các chất có trên mặt rãnh bằng định vị C và so sánh cấu trúc sinh học có được trên bề mặt rãnh thì độ chính xác sẽ cao hơn.

Có nhiều ý kiến khác nhau nói về nội dung hình khắc trên hòn đá này. Nhưng có thể nói là hầu hết đều cho rằng: “Đây là một hình mới được khắc vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước”. Với sự nhận thức phổ biến thì khó ai có thể cho rằng đây là một lời tiên tri.

 

Nhưng với Nguyễn Vũ Tuấn Anh, ông luôn nhạy cảm với những vấn đề mang tính khoa học tiên tri, nên ông đưa ra quan điểm khác.

Vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi những người phương Tây đục một quả núi để làm đường hầm cho xe lửa chạy qua trên núi Kỳ Sơn (Trung Quốc), họ đã đào được tấm bia có khắc dòng chữ: “Sau này, sẽ có người Bột đục hòn núi này cho một con rồng sắt chạy qua đây!”.

Bởi vậy, khi nhìn thấy những hình ảnh trên phiến đá này ông đã linh cảm đây là một lời tiên tri. Nhưng vì là hòn đá đầu tiên nhìn thấy, nên ông cũng chưa lý giải được nó tiên tri về cái gì?

Khắc bậy lên đá cổ. 

Vấn đề đặt ra với những nhà nghiên cứu: Nếu hình ảnh chiếc máy bay là sản phẩm của thế kỷ 20 và người ta vẽ lên vì nhận thức trực quan, vậy thì lý giải thế nào với ba mũi tên thời Trung cổ lại bắn vào ba cái máy bay hiện đại ấy? Nếu là nhận thức trực quan thì nó phải là ba cái tên lửa mới phải?

Phải chăng, hình tượng mũi tên trên bãi đá cổ Sapa và hình tượng “Con rồng sắt” chính là khái niệm cổ của người xưa diễn tả một thực tại sẽ xảy ra trong tương lai?

Còn nữa, nếu cái ôtô cũng là sự thể hiện cái nhìn trực quan của thời đại có ôtô thì không thể vẽ cái bánh xe theo kiểu xe bò như vậy được. Hình người ở dưới cũng rất thô sơ. Nếu một người ở giữa thế kỷ 20 không thể có một lối vẽ người như vậy. Huống chi, cách thể hiện người kiểu đơn sơ này lại thống nhất trên khắp bãi đá cổ Sapa, tương ứng với những hình khắc hàng ngàn năm tuổi.

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh trong một hội thảo bảo tồn, giải mã bãi đá cổ Sapa vào năm 2006. 

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh giải thích lời tiên tri của hình vẽ trên hòn đá cổ này như sau: “Vào thời đại tên lửa bắn nhau với máy bay, bãi đá cổ Sapa sẽ có một con đường cho xe chạy qua”.

Lời tiên tri này được khắc trên hòn đá nằm ngay cạnh con đường mới làm dẫn vào bãi đá cổ Sapa đầy bí ẩn. Nó như là một sự chào đón và cũng là sự cảnh báo của một trí tuệ siêu việt. Như vậy, lời tiên tri trên hình vẽ này đã xảy ra, với một con đường làm xuyên qua bãi đá cổ và tất nhiên, người ta đã phá đi một số hòn.

Các nhà khoa học nhiều quốc gia tích cực dập bản khắc và nghiên cứu bãi đá cổ Sapa song vẫn chưa giải mã được những bí ẩn trên bãi đá này. 

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh nhớ lại lần đầu đặt chân lên bãi đá cổ Sapa: “Tôi sững sờ và bàng hoàng trước lời tiên tri trên hòn đá cổ. Sự sững sờ và bàng hoàng ấy dành cho tôi và chỉ một mình tôi. Lúc đó, tôi biết rằng tôi không thể chia sẻ với ai sự suy nghĩ của mình. Có cái gì bên trong bãi đá cổ đầy bí ẩn này mà nó phải có một lời tiên tri ngay ở đầu bãi đá?

Tôi lạc vào bãi đá và ngạc nhiên thay, trên bãi đá có rất nhiều hòn đá khắc chữ Khoa Đẩu. Chữ Khoa Đẩu rải rác khắp bãi đá cổ Sapa và cả chữ Hán”.

Giáo sư Lê Trọng Khánh, một chuyên gia đầu ngành về chữ viết của người Việt cổ nhận xét: "Tổng thể các hình khắc trên bãi đá cổ Sapa quả là một bộ sách khổng lồ được khắc bằng văn tự cổ".

Nhà báo Phạm Ngọc Dương bên bãi đá có hình khắc chưa từng biết đến, trên độ cao 2.200m trong Vườn quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.

Cùng với Giáo sư Khánh, nhà giáo Đỗ Văn Xuyền, người bỏ cả cuộc đời đi tìm chữ Việt cổ, cũng đã nhiều lần tìm lên bãi đá cổ Sapa để sưu tầm, nghiên cứu những chữ cổ và ông cũng phát hiện ra hàng loạt chữ Khoa Đẩu trên bãi đá cổ này.

Liệu hình vẽ mà ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh trình bày trên đây có phải là một lời tiên tri của tổ tiên hay không? Điều này vẫn còn phải nghiên cứu và có sự đầu tư công sức, trí tuệ của các nhà khoa học.

Mong rằng, những luận giải của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh sẽ tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học trong cả nước tranh luận, chứ không nên phán xét một cách cảm tính rồi bác bỏ trí tuệ của tổ tiên ta.

Còn tiếp…

Trần Bình Thủy
Bình luận
vtcnews.vn