Lời thú tội nghiệt ngã của gã hooligan nguy hiểm nhất thế giới

Thể thaoThứ Ba, 17/03/2015 12:00:00 +07:00

Từ những lời tâm sự của Andy Nicholls, người ta hiểu thêm phần nào về sự hoành hành của nạn hooligan ở xứ sở sương mù trong thập niên 70, 80 thế kỷ trước

(VTC News) - Từ những lời tâm sự của Andy Nicholls, người ta hiểu thêm phần nào về sự hoành hành của nạn hooligan ở xứ sở sương mù trong thập niên 70, 80 thế kỷ trước.


Báo điện tử VTC News xin trích dẫn lại lời tâm sự của Andy Nicholls:

Tên tôi là Andy Nicholls. Trong suốt 3 thập kỷ qua, tôi đã theo chân đội bóng yêu mến – Everton, đến khắp các sân vận động lớn nhỏ ở châu Âu. Thi thoảng cũng “ngứa chân ngứa tay” và cho vài tay cổ động viên đáng ghét của đội khác “xơi nắm đấm”.

Cảnh sát liệt cái tên Andy Nicholls vào danh sách hooligan nhóm C – mức độ nguy hiểm cao nhất. Nghe có vẻ tệ hại. Thực ra đó chẳng phải điều gì kinh khủng lắm như mọi người nghĩ!. Chẳng giấu gì các bạn, đối với chúng tôi – những cổ động viên cuồng nhiệt sẵn sàng đổ máu vì đội bóng, đấy là chiến tích. Hạng C là hạng cao nhất mà chẳng mấy hooligan có thể đạt được.
Andy Nicholls - tay hooligan khét tiếng một thời
Tôi bị kết án tù vì dính líu vào một số vụ ẩu đả lớn, bị cấm bén mảng đến các nước trên toàn châu Âu. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy bực bội nhất là phải ngồi nhà xem các trận đấu bóng đá. Thật tệ hại!.

Không hề khoác lác chút nào, tôi đã từng an giấc trên những chiếc giường êm ái ở khắp các khách sạn sang trọng nhất thế giới, thưởng thức những chai champagne hảo hạng và thậm chí là “chơi” ma túy. Nhưng chẳng điều gì khiến tôi cảm thấy kích thích bằng việc hóa thân thành những tay côn đồ và bao vây cổ đông viên đối thủ sau khi trận đấu kết thúc.

 
Chẳng điều gì khiến tôi cảm thấy kích thích bằng việc hóa thân thành những tay côn đồ và bao vây cổ đông viên đối thủ sau khi trận đấu kết thúc.
 
Tôi đề cập đến từ “côn đồ”. Phải đó chính là bản chất của hooligan. Đồ bẩn thỉu – là cách mà người ta hay gọi những kẻ như tôi và các băng nhóm cổ động viên quá khích. Chúng tôi luôn có mặt cực kỳ đúng lúc trong các “chuyến dạo chơi”.

Thật quá lý tưởng nếu như “cuộc vui” không bị bọn cớm và camera đường phố để ý. Nhưng chẳng còn gì ngán ngẩm hơn khi những kẻ mà chúng ta muốn cho một bài học chỉ chạy quanh và la hét kêu cứu. 

Và chúng tôi phải ra tay.

Nhiều người hỏi :”Điều gì khiến anh chìm trong cơn nghiện ngập bạo lực như vậy?. Tôi đáp ngắn gọn: để gây sự chú ý. 

Đối với những gia đình thuộc tầng lớp thấp như gia đình tôi, làm gì có Internet, cũng chẳng có máy chơi game Xbox, đi chơi công viên giải khuây hay những thú vui đắt tiền. Chỉ có bóng đá – môn thể thao phù hợp cho thanh niên, những người thuộc tầng lớp lao động.
Một vụ loạn đả với cổ dộng viên Anderlecht năm 2002
Tham gia bóng đá, bạn sẽ trở thành kẻ đi săn, hoặc bị săn.

Tôi chọn cho mình con đường trở thành kẻ đi săn. Tôi bắt đầu tìm kiếm những đứa trẻ lớn lên trong cảnh nghèo khổ, giống tôi, và tìm thấy ở họ sự tương đồng quan điểm đến lạ lùng. Dần dà, bạo lực bóng đá trở thành một nhu cầu thiết yếu với bọn tôi, như một kẻ nghiện heroin cần ngọn lửa của cây nến.

 
Tham gia bóng đá, bạn sẽ trở thành kẻ đi săn, hoặc bị săn. Tôi chọn cho mình con đường trở thành kẻ đi săn.
 
Cũng có những lúc tôi tự nhủ với bản thân, sao mày không bỏ quách cái thú tiêu khiển điên khùng này đi.

Suy nghĩ đó ùa về dữ dội nhất vào lúc tôi cô độc ở phiên tòa xét xử, đợi họ giáng cho một án phạt lao động công ích, hay là khi đứng cạnh thằng bạn trên tàu điện, trông thấy nó đang ôm lấy mạng sườn để ngăn không cho máu phun ra. Nó bị đâm một nhát sâu, trong một cuộc ẩu đả ở Manchester.

Những trận đấu trên sân nhà luôn là tuyệt vời nhất. Nhưng các chuyến làm khách mới đem đến sự kích thích thần kinh. Bởi đơn giản, đó chính là “ADN chinh phục” tồn tại trong Andy Nicholls.

Một trong những điểm đến ưa thích nhất của tôi là London. Hệ thống ống tuýp ở các điểm dừng xe buýt đem đến những cơ hội quá tuyệt vời để thực hiện một cuộc ẩu đả.

Tôi chuyển cho các băng nhóm hooligan ở London một thông điệp rõ ràng: Các người sẽ không phải thất vọng đâu!. 
Cuốn sách của Andy Nicholls bị các nhà chức trách tìm mọi cách ngăn cấm
Khi bạn đụng đến hooligan của Chelsea, các băng hooligan khác của Millwall, West Ham, Tottenham hay Arsenal sẽ không để bạn được yên thân. Rõ ràng, dù đội bóng của họ chẳng ưa gì nhau, nhưng các băng nhóm hooligan sẽ liên kết để bảo vệ địa bàn. Chúng tôi phải chiến đấu với thế giới ngầm London vì sự tồn vong của mình.

Và dĩ nhiên, tôi vẫn đang còn sống và kể cho các bạn nghe về cuộc đời tôi.

Thập kỷ 80, bạo lực ở London bùng phát phổ biến đến mức, có một vụ cướp  tài sản ở chuỗi cửa hiệu trang sức nổi tiếng khiến 150 người bị bắt. Nhưng không có nổi một mẩu tin nào được đăng trên truyền hình hay báo chí. Đừng ngạc nhiên, bởi những vụ cướp như thế là quá quen thuộc.

Các băng nhóm trộm cướp, không loại trừ hooligan, hoành hành trên khắp châu Âu. Đập phá, cướp bóc, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân ở mọi nơi họ đi qua. Cái từ hooligan, vì thế, đã vượt ra khuôn khổ của bạo lực bóng đá.

Sự hoành hành của các băng hooligan không kéo dài được lâu thêm nữa. Mọi thứ thay đổi quá nhanh, thậm chí là thay đổi mãi mãi, sau thảm họa Heysel. Quân số cảnh sát được tăng cường đông hơn, cả bên trong và bên ngoài sân bóng. Điều tồi tệ nhất là bóng đá Anh bị cấm 5 năm ở đấu trường châu Âu. Cổ động viên xứ sở sương mù bị ghét cay ghét đắng trên toàn thế giới.
Thảm hoa Heysel cướp đi sinh mạng của 39 người
“Thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử các giải đấu UEFA” là cách mà người ta dùng để miêu tả độ nghiêm trọng của vụ việc. Cảnh sát mở cuộc truy quét trên quy mô lớn và dù có cố gắng “mai danh ẩn tích” đến mấy, rất nhiều tay hooligan có máu mặt bị “sờ gáy”.

Nhớ lại mà thấy hú vía. Hôm đó, tôi cũng có mặt ở Brussels để xem trận đấu của kình địch cùng thành phố. Suýt nữa thì chung số phận với những người xấu số kia.

Kể từ sau thảm họa Heysel, tôi cũng dần “rút chân” ra khỏi giới hooligan. Nhưng, danh tiếng và các mối quan hệ vẫn có thể giúp tôi kiếm bộn tiền.

Ngày nay, những chàng trai trẻ tham gia vào các vụ ẩu đả liên quan đến bóng đá xứng đáng được nhận lời tuyên dương và những tràng vỗ tay tán thưởng từ những tay “cựu” hooligan, như tôi chẳng hạn. Chúng đã có công gìn giữ “nét văn hóa” mà các tiền bối dày công gây dựng.

Nhưng trên hết, chúng là những kẻ hết sức dũng cảm. Khác với thời của bọn tôi, chúng phải đối diện với sự truy quét ngày một gắt gao của cảnh sát và những án phạt tù khá nặng hay cấm đến sân suốt đời.
Công tác an ninh ở các sân vận động bây giờ đều được siết chặt
Tôi sẽ dành cho những chàng trai đó một lời khuyên chân thành nhất: Hãy cẩn trọng, và từ bỏ đi. Nó không đáng để các bạn dấn thân vào. Chịu cảnh tù tội vì vài phút điên rồ ư?. Đừng bao giờ sa vào vũng lầy nhơ nhớp đó.

Tôi từng gặp quá nhiều khó khăn trong hành trình “rửa tay gác kiếm”, vì tôi đã “nhẵn mặt” với cảnh sát địa phương và những băng nhóm đối địch. Nhưng rồi, một gia đình đầm ấm, ngôi nhà khang trang cùng công việc và mức lương ổn định đã thôi thúc tôi phải nhanh chóng rút chân ra khỏi những rắc rối.

Sau cùng, tôi vẫn không phủ nhận những lời đã từng nói thời thanh niên: Thích làm một hooligan. Dù cho điều đó mang đến rất nhiều rắc rối. Nhưng giờ đây, tôi đã có lũ trẻ. Đối với tôi, không có gì trên Trái Đất này giá trị hơn chúng.

Phần lớn những người đến tầm tuổi này cũng sẽ nói y như tôi vậy, thật đấy.

Andy Nicholls đã cho xuất bản 5 cuốn sách viết về tệ nạn hooligan trong bóng đá Anh, giải thích lý do những người trẻ tuổi thích tham gia ẩu đả và tại sao bạo lực bóng đá vẫn còn hiện hữu cho đến tận bây giờ.

Sau khi thụ lý một án phạt dài hạn và ký vào bản cam kết kiểm soát hành vi, anh ta đã được cho phép trở lại sân Goodison Park, ngồi ở khu vực có sự giám sát chặt chẽ của an ninh.

Anh Dũng
Bình luận
vtcnews.vn