Lời mỉa mai của người Thái và lí do V-League biến thành Võ-League

Thể thaoThứ Sáu, 30/06/2017 08:39:00 +07:00

Những án phạt nặng cùng vô số lời chỉ trích từ người hâm mộ được đưa ra, nhưng lạ thay tình trạng bạo lực tại V-League chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

1. "Bóng đá Việt Nam không bước ra được ánh sáng cũng bởi thói quen bạo lực ấy". Đó là nhận xét của một tờ báo Thái Lan, tất nhiên là chủ quan của họ, với ví dụ là pha vào bóng của Sầm Ngọc Đức với Anh Hùng. Và họ còn "chua" thêm một câu rất mỉa rằng "thật may mắn là Kiatisuk, Thonglao… đã trở về từ V-League mà còn lành lặn".

v-league-1

 

Bóng đá Việt còn thua Thái nhiều, và kẻ thắng thì có quyền mạnh miệng. Nhưng chúng ta có cảm thấy xót xa hay không khi người ta nhìn bóng đá xứ mình theo cái cách ‘bề trên’ ấy. Ừ thì bóng đá Thái tiến bộ hơn Việt Nam, nhưng họ đã "lộ sáng" chưa? Và có đầy rẫy những nền bóng đá mà ở đó, hành vi bạo lực mùa nào cũng có, nhưng nền bóng đá ấy vẫn lộ sáng đó thôi.

Bản chất của việc một nền bóng đá có sánh vai được với những nền bóng đá hùng mạnh thế giới không nằm ở chỗ họ chơi bóng không bạo lực, mà nằm ở chỗ họ làm bóng đá thế nào.

Tuy nhiên, là những người yêu bóng đá thực sự, không ai ủng hộ bạo lực cả. Nhưng tại sao người ta lại có thể chấp nhận một Pepe của Real Madrid với cú đá liên tiếp vào người của Casquero của Getafe với những cái tít bay bướm kiểu như "đồ tể với đôi cánh thiên thần"?

Đơn giản, người phương Tây lý tính, xét hành vi nào ở vào đúng thời điểm của nó, xét cái gì ra cái đó. Khi Pepe nổi cơn, họ có thể coi đó là kẻ mất hết tính người còn khi anh ghi bàn giúp Real có được danh hiệu, họ sẵn sàng ca ngợi anh như một người hùng.

v-league-2

 Sau những lần bị "ném đá" vì chơi thô bạo, Pepe đã "lành tính" hơn nhiều.

Nhưng vượt trên hết, hành vi của Pepe chỉ là của một cá nhân đơn lẻ chứ không phải là thứ hành vi phổ biến của một nền bóng đá (BĐN) hay của một CLB (Real Madrid). Điều đó có nghĩa là bạo lực ở sân cỏ đỉnh cao thế giới luôn có, nhưng nó không phổ biến đến mức độ đủ để coi rằng cả một nền bóng đá, một giải đấu bị coi là tàn bạo.

Còn ở Việt Nam thì sao? Chúng ta mới vừa qua án phạt của Chí Công chưa bao lâu, án phạt cho Sầm Ngọc Đức đã tới. Và trước đó, ở cuối mùa giải năm ngoái, Quế Ngọc Hải đã từng "lên thớt" dư luận vì cú chuồi bóng vào Anh Khoa.

Và mỗi sự việc xảy ra, số đông lại ồn ào lên án những "đồ tể" trong khi có một bộ phận không nhỏ tự coi mình là có "chuyên môn", "am tường" bóng đá và V-League thì bênh vực với luận điệu rằng "sân cỏ là chỗ của những người đàn ông" nhằm ám chỉ đã là đàn ông thì phải chấp nhận quyết liệt.

Không một ai đi tìm căn nguyên thực sự của vấn nạn sân cỏ ấy cả. Và nếu có muốn tìm căn nguyên, họ lại đổ lỗi tại bóng đá. Lạ kỳ thay, bệnh của bóng đá lại được đổ cho chính bóng đá.

v-league-3 3

 Quế Ngọc Hải từng gây bức xúc trong dư luận sau cú vào bóng với Anh Khoa.

Họ hoặc cho rằng tính bạo lực đã thành văn hoá của vài CLB (như SLNA là điển hình) hoặc cho rằng thực chất các pha bạo lực kiểu Sầm Ngọc Đức là chuyện bình thường của bóng đá, chỉ là một lỗi nhưng nhiều người không hiểu gì cứ làm quá lên như tội cố sát.

Họ quên mất rằng, đúng là muốn chơi bóng đá hay rộng hơn là chơi thể thao đối kháng, rất cần sự quyết liệt, cần cứng rắn, mạnh mẽ, hừng hực khí thế nhưng để biến sân bóng thành võ đài thì lại là chuyện khác hoàn toàn.

2. Vậy thì nguyên nhân cơ bản của những hành vi bạo lực là do đâu?

Câu trả lời rất đơn giản, bóng đá thể hiện chính xã hội mà nó đang tồn tại trong đó và thể hiện chính bản chất của cá nhân tham gia vào nền bóng đá ấy.

Về cá nhân, một con người nóng nảy, thiếu bình tĩnh, có máu "hung đồ" sẽ thể hiện mình y như thế trên sân cỏ, nhất là sau khi đã có vài va chạm "nhỏ nhỏ" để kích thích cái máu côn đồ của mình. Và hơn nữa, một khi kỹ thuật cá nhân, sức mạnh, tốc độ càng kém cỏi, con người ta càng phải cố gắng đoạt bóng hay giữ bóng bằng tiểu xảo, thứ rất dễ khởi nguồn cho bạo lực.

Tại sao chỉ một vài thế hệ cầu thủ Việt Nam trước đây thôi, họ dù chơi đầy tiểu xảo ra đấy nhưng lại không bạo lực như thế hệ hôm nay?

v-league-4 4

 Ngay cả HLV ngoại mang mác "vô địch cúp C1" cũng có mặt trong các màn tranh cãi.

Câu trả lời dễ lắm, nhất là với ai quan sát bóng đá nội nhiều năm rồi. Thế hệ cầu thủ trước có thể không mạnh, không nhanh bằng thế hệ cầu thủ hiện thời, nhưng kỹ thuật cá nhân của họ thì lại hơn hẳn. Đó chính là thừa nhận của nhiều cầu thủ trong cuộc, chứ không phải chỉ là một cái nhìn chủ quan của người bên ngoài.

Khi đã giỏi thì không cần phải dùng đòn xấu, đó đã là quy luật bao đời nay rồi. Chỉ khi yếu, người ta mới dùng những đòn "dưới thắt lưng" mà thôi. Cũng như một người biết làm giàu, có khả năng làm giàu, có sách lược làm giàu và có kế hoạch làm giàu củ thể chắc chắn sẽ chẳng nghĩ đến việc cầm súng bước vào tiệm vàng hòng có thể làm giàu nhanh chóng.

Đó là về khía cạnh cá nhân, với tính khí cũng như năng lực của người chơi bóng đá. Còn về khía cạnh xã hội, đây mới là điều đáng nói hơn. Xã hội đang nuôi dưỡng nền bóng đá "Võ-League" hôm nay là một xã hội như thế nào? Nhận diện nó, không khó.

Giới chơi bóng đá phủi hay có cái câu "chân, tay, miệng" như một khẩu quyết chơi bóng và họ dùng nó một cách hồn nhiên như thể bản chất bóng đá phải thế.

Chân thì ai cũng rõ rồi. Miệng là để dọa, để chửi và tay là sẵn sàng tát tai, giật chỏ một cách dễ dàng. Nếu bạn từng ra sân chơi bóng nghiệp dư, chắc hẳn bạn đã không dưới một lần nghe đồng đội mình khoe rất tự hào "Hôm nay thằng số 7 bên kia bị tôi ăn một cú chắc đau lắm".

Đó mới chỉ là chơi bóng thôi đấy. Còn muôn mặt đời thường khác, bạo lực cũng len lỏi vào như một phản xạ có điều kiện rồi. Cái video hai anh người Việt hùng hổ cầm gạch định "táng" một anh Tây, và bực bội đến mức đánh cả vào đầu cô bạn gái của anh Tây ấy chỉ là một ví dụ tiêu biểu và gần nhất thôi.

Sau video ồn ào ấy có vài ngày lại là một video khác, một thanh niên to cao cầm mũ bảo hiểm đập toé máu đầu một cô gái sau va chạm giao thông ở Biên Hoà. Những chuyện như thế, trong xã hội Việt hôm nay, bình thường như cơm bữa.

Một xã hội mà con người ta quen với bạo lực, thích dùng bạo lực để xử lý mọi sự việc, tất nhiên sẽ tạo ra một nền bóng đá tương tự như vậy. Dễ hiểu, nguồn cung cấp cầu thủ cho nền bóng đá chính là xã hội đó, một xã hội mà mở mồm ra người ta có thể nói câu "đập chết **" người khác một cách dễ dàng.

Phải trách những người như Sầm Ngọc Đức như phải hiểu án phạt nặng mấy cũng chẳng răn đe được ai, vì con người ta vốn dĩ rất nhanh quên trong thời đại này. Và một cá tính tập thể (hung hãn) đã đi vào bản chất, thành một thứ văn hóa hành xử đã hình thành quá lâu, quá bền chắc, khó có thể bị phá vỡ chỉ bằng án phạt thông thường.

Phải biết thấy xấu hổ khi một số người nước ngoài đang coi người Việt là những kẻ hung hãn. Phải thấy xấu hổ khi chính bản thân mình cũng dung dưỡng cái hung hãn ấy trong người. Và phải biết cải thiện chính con người mình trước, trước khi nhanh tay gõ phím hay nhanh miệng nói về bạo lực của người khác.

Thôi thì trong cái bệ rạc ấy của bóng đá hiện đại, chúng ta ít ra cũng còn có chút gì để hi vọng. Nhìn các em U20 hay nhỏ hơn chơi bóng, chúng ta nhận thấy chất kỹ thuật bắt đầu được coi trọng, hành vi bạo lực bắt đầu hiếm hơn so với thế hệ đàn anh của chúng.

Song, nếu chính chúng ta và cả thế hệ đàn anh của chúng không sửa mình, chúng sẽ nhúng mình vào trong cái cộng đồng bệ rạc kia, để mai này lại nảy mầm bạo lực…

(Nguồn: Soha)
Bình luận
vtcnews.vn