Lời kết chuyện "siêu nhân" Nhiêu: "Tẩu hỏa nhập ma!"

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 23/09/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Hình như các “siêu nhân”, “dị nhân” hiện đại như “nhà khoa học” tên là Nhiêu luôn tưởng tượng mình có khả năng như con người thời Atlantic?

(VTC News) - Nghe “nhà khoa học” này giải thích về khả năng sáng chế ra nhà máy điện, không cần dây dẫn, dùng cho cả thế giới, mà tôi “choáng”. Nếu anh ta làm được như lời anh ta nói, thì thế giới này có lẽ sẽ không tiếc tiền của, bỏ ra cả triệu tỉ đô la để mua lý thuyết của anh.

Thấy tôi nghi ngờ tính thực tế của lý thuyết, “nhà khoa học” này khẳng định, sẽ... chấp hết các nhà khoa học, sẵn sàng tranh luận với bất cứ nhà khoa học nào dám phản bác lý thuyết của mình.

Ngoài việc “phát minh” ra nhà máy điện siêu năng lượng, Lý thuyết Nhiêu còn áp dụng được vào mọi lĩnh vực như chống ùn tắc đường, xây dựng các khu đô thị, các nhà máy sản xuất, các trung tâm nghiên cứu khoa học… Sau khi thấy tôi nhiệt tình đề xuất được xem ứng dụng Lý thuyết Nhiêu, thì anh Nhiêu gửi cho tôi 01 bài viết, gồm 03 “luận thư”, mỗi “luận thư” dài 1.000 chữ.

Bài viết nói về 01 vấn đề là xây nhà nội trú cho các lực lượng lao động xã hội, tức là, xây dựng luôn nhà ở cạnh các cơ quan, doanh nghiệp phục vụ cán bộ, công nhân viên.
Vấn đề xây dựng nhà nội trú, sẽ đảm bảo 03 mục tiêu (được phân tích trong 03 luận thư): chống tắc đường vì con người ít phải đi lại ra đường; tiết kiệm rất nhiều tiền xăng, dầu, chi phí đi lại, lại hạn chế ô nhiễm môi trường; và cuối cùng là đảm bảo kiến trúc đô thị thống nhất, hài hòa. Bài viết này cũng nêu ra được ý tưởng (tuy chẳng có gì mới mẻ), song lại chỉ nói được mặt lợi, còn mặt hạn chế và tính thực tế của ý tưởng thì không thấy nhắc đến chữ nào.

Liệu khả năng hút đồ vật có phải là "dị nhân"?  

Lý thuyết Nhiêu còn áp dụng được cả vào vấn đề điều khiển từ xa bằng ý nghĩ. Theo lời anh Nhiêu, hồi trông coi trang trại ở Quảng Ninh (anh Nhiêu ngồi bên này đồi, anh bạn trông coi trang trại rộng 5ha ở ngọn đồi bên kia), đã nhiều lần anh Nhiêu trêu ông bạn, khiến ông bạn ngã dúi dụi. Mỗi lần anh “gửi thông điệp” qua không gian, “thông điệp” muốn ông bạn ngã, anh bạn đang đi liền ngã sấp mặt mà không hiểu vì sao. Tuy nhiên, khi tôi hỏi, sau vụ đó, anh có thử vụ nào khác không, thì anh Nhiêu bảo chưa thử lần nào nữa. Nếu đúng “nhà khoa học” này điều khiển được con người, tự nhiên bằng ý nghĩ, vượt cả không gian, thì khả năng đuổi mây ngăn mưa của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh nếu là có, cũng chỉ là… muỗi.

“Trong lý thuyết trong không gian của mình, hạt quang từ nâng đỡ cả trái đất, vũ trụ, có tác động lẫn nhau, nên con người hiểu được hạt quang từ, điều khiển được hạt quang từ, thì có thể tác động được với nhau. Mình đã truyền thông điệp qua hạt quang từ di chuyển trong không gian để làm ngã anh bạn. Khoa học hiện đại không thể giải thích được hiện tượng này, nhưng lý thuyết của mình thì giải thích dễ dàng. Chính vì thế, nắm vững Lý thuyết Nhiêu, dù đứng cách xa, thông qua hạt quang từ, con người vẫn trao đổi với nhau được dễ dàng, không phụ thuộc vào không gian và thời gian” – “siêu nhà khoa học” phân tích.

Người dính được đồ vật nặng nhất là anh Th. - hút tảng đá nặng 42kg. Đây là khả năng đặc biệt hay "dị nhân"? 

Tôi hỏi: “Vậy anh đã chuyển Lý thuyết Nhiêu cho nhà khoa học nào nghiên cứu chưa?”. Anh Nhiêu cho biết, anh đã mang lý thuyết và tư tưởng của mình đến Viện Vật lý quốc gia, gặp các GS đại học để trao đổi, nhưng mỗi người một chuyên môn hẹp, mà lý thuyết của anh quá rộng, nên không trao đổi được với họ. Anh chàng họa sĩ đi cùng anh Nhiêu thì xen vào: “Lý thuyết này không được các nhà khoa học tán đồng. Các GS.TS đều nói nếu làm được như thế thì nước ngoài đã làm rồi”.

Để kết thúc cuộc trò chuyện với “siêu nhà khoa học” với “siêu lý thuyết” khiến tôi ong cả đầu, tôi chốt lại: “Hạt nhân trong lý thuyết của anh là hạt quang từ, tiền vật chất, nhỏ hơn nguyên tử. Nguyên tử thì cân đong, đo đếm được, vậy hạt quang từ của anh nhỏ như thế nào và lấy gì để chứng minh hạt quang từ tồn tại và bé nhất? Nó bằng một phần ngàn nguyên tử, hay bằng một phần triệu tỉ tỉ tỉ tỉ… nguyên tử?”.

Tôi hỏi câu này, “siêu nhà khoa học” ngẫm nghĩ một lúc. Cuối cùng, anh ta bảo: “Mình xây dựng lý thuyết không phải để cãi nhau, mà để giải thích cho bản chất sự việc, hiện tượng một cách hợp lý nhất. Mình không đồng ý với việc định lượng hay định lực. Chẳng có một người nào nặng 50kg hay 1 tạ. Việc nặng 50kg hay 1 tạ là do con người đặt ra, dựa vào lực hút trái đất. Nếu đem con người ra không gian vũ trụ cân, thì sẽ chẳng có 50kg hay một tạ nào cả”.

Muốn được xem Lý thuyết Nhiêu thì phải bỏ 3.000 đô-la để mua một bài. 

Mong muốn của tôi khi gặp nhà khoa học này là để được tiếp cận “siêu lý thuyết” đã hoàn toàn thất bại. Đưa cho các nhà khoa học nghiên cứu thì anh ta sợ lộ, sợ bị ăn cắp. Tôi khuyên đưa lý thuyết đi đăng ký bản quyền, song anh vẫn sợ bị mất bản quyền (vì ít ra cũng có người đọc). “Nhà nghiên cứu” này không tin tưởng vào sự bảo hộ bản quyền của Nhà nước ta. Giải pháp duy nhất mà anh ta muốn, là một đơn vị truyền thông đứng ra ký hợp đồng, trả tiền để mua bản quyền lý thuyết của anh ta. Và theo lời anh ta, nếu hai bên kết hợp “làm ăn”, Lý thuyết Nhiêu sẽ biến đơn vị tài trợ thành một cơ quan cực lớn, cực mạnh, cực uy tín với xã hội!

Anh ta còn khẳng định thêm, nếu đơn vị truyền thông nào ký hợp đồng phát các bài giảng về lý thuyết của anh trên truyền hình, người xem sẽ hướng đến gái trị mới và thấy các chương trình khác chẳng có ý nghĩa gì nữa. Quả thực, nếu các bài giảng của “nhà khoa học” Nhiêu khiến người xem không muốn xem chương trình nào khác nữa, thì chắc chả đài truyền hình nào dám phát bài giảng của anh ta.

TS. Vũ Thế Khanh: "Hầu hết siêu nhân, dị nhân là hoang tưởng". 

Trong đổi với TS. Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), ông Khanh nói thẳng: “Đây là biểu hiện của những người mắc chứng hoang tưởng. Những người này do đọc nhiều sách thần bí, rồi bị tẩu hỏa nhập ma, nghĩ mình có phát hiện long trời lở đất, có thể làm được những việc phi phàm. Nếu anh ta gặp mình, mình sẽ làm thí nghiệm để anh ta nhận rõ suy nghĩ của anh ta là hoang đường. Bằng các bài học cảm xạ, thiền, những người này sẽ tĩnh tâm và trở lại bình thường”.

Nói rồi, ông Khanh đưa cho tôi xem rất nhiều tài liệu của những người hoang tưởng trí thức gửi đến cho ông. Trong đống tài liệu ông Khanh lưu giữ, tôi thấy có một tài liệu của một nhà ngoại cảm nước ngoài mô tả về lục địa Atlantic, một lục địa mà theo ghi chép của lịch sử, từng tồn tại trên trái đất.

Nhà ngoại cảm nước ngoài kia mô tả: “Cách đây vài chục ngàn năm, thế giới của chúng ta phát triển rực rỡ, dưới sự lãnh đạo của những bộ óc vĩ đại ở Atlantic. Tại lục địa này, có một quả cầu vĩ đại. Quả cầu tiếp nhận năng lượng từ vũ trụ để cung cấp cho trái đất. Con người thời kỳ đó biết tiếp nhận năng lượng từ quả cầu nên sức mạnh cực kỳ dồi dào. Con người không cần ăn cơ thể vẫn tràn trề năng lượng và không cần gặp nhau, không cần điện thoại, vẫn “nói chuyện” được với nhau dù cách nhau cả ngàn cây số. Có nghĩa là, họ “nói chuyện” bằng ý nghĩ hoặc truyền năng lượng từ xa, kiểu như cá voi “nói chuyện” với nhau bằng sóng âm dưới nước.

Con người thời đó có thể làm được những việc phi thường như phóng chưởng, bay lượn, du hành vũ trụ, vì có khả năng tiếp nhận nguồn năng lượng dồi dào từ vũ trụ. Tuy nhiên, một ngày, con người vận dụng khả năng vô biên đó vào việc xấu, chiến tranh xảy ra, quả cầu nổ tung, lục địa Atlantic chìm xuống đáy biển và con người mất dần khả năng đặc biệt…”.

Đọc xong tập tài liệu này, tôi lờ mờ nhận ra vấn đề. Hình như các “siêu nhân”, “dị nhân” hiện đại luôn tưởng tượng mình có khả năng như con người thời Atlantic? Ông Khanh bảo, các học thuyết của người hoang tưởng, rồi hành động của những người hoang tưởng rất giống với tưởng tượng của con người về người Atlantic cổ xưa, trong tài liệu đoán mò của nhà ngoại cảm nước ngoài.


Dương Thụy Bình
Bình luận
vtcnews.vn