Lợi ích sát sườn của Nhật nằm đâu trên Biển Đông?

Thế giớiThứ Bảy, 03/12/2011 12:25:00 +07:00

(VTC News) - Tranh chấp Biển Đông tuy không xảy ra trực tiếp trong sân sau của Nhật Bản, nhưng lại ảnh hưởng đến những lợi ích sát sườn của nước này.

(VTC News) - Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, để giúp giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) ở đảo Bali, Inđônêxia, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã đưa ra đề xuất về việc thành lập một diễn đàn hợp tác hàng hải mà tại đó, các nước thành viên EAS và các chuyên gia có thể trao đổi quan điểm một cách thoải mái.

Bài viết do Nghiên cứu Biển Đông giới thiệu.

Mặc dù không có nhà lãnh đạo nào của 10 nước ASEAN hay các nước đối tác đối thoại như Trung Quốc và Mỹ phản đối đề xuất này, nhưng họ không đạt được thỏa thuận nào về việc thành lập một diễn đàn như vậy. 

Tại EAS, Nhật Bản đã hưởng ứng quan điểm của Mỹ là giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế như Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) năm 1982 về Luật biển.


Đảo Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc 

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi tham dự EAS và các hội nghị liên quan khác của ASEAN, Thủ tướng Noda nói: “Chúng tôi có thể khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế đối với các vùng biển này, vốn là một tài sản chung nối khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Ông cũng cho biết các nước tham dự EAS có chung quan điểm rằng “các vấn đề hàng hải sẽ được giải quyết thông qua hợp tác và đối thoại”.

Giáo sư Akio Takahara của Khoa sau đại học về luật và chính trị thuộc trường Đại học Tôkiô cho rằng biển Hoa Đông chính là nguyên nhân khiến Nhật Bản can dự vào vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.

Quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông từ lâu đã là nguồn gốc của sự căng thẳng giữa Tôkiô và Bắc Kinh. Những tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku - hiện do Nhật Bản quản lý nhưng cả Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền - đã bùng lên vào tháng 9/2010, khi một chiếc thuyền đánh cá của Trung Quốc đâm vào hai tàu tuần tra của Nhật Bản ở khu vực gần quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Sự cố này đã đẩy quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

  
 G.S Takahara: "Giải quyết tranh chấp Biển Đông theo luật quốc tế là lợi ích của Nhật Bản"   
Kể từ sau đó, quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện nhưng sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở trên biển tiếp tục gây lo ngại.

Chẳng hạn, trong thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục phát hiện các tàu thăm dò đại dương của Trung Quốc ở khu vực xung quanh quần đảo Senkaku. Thỉnh thoảng, các tàu này đã xâm phạm khu đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản hoặc vượt ra ngoài những khu vực mà Trung Quốc đã thông báo trước với Nhật Bản trước khi tiến hành thăm dò.

Các quan chức và chuyên gia Nhật Bản cho rằng, do có tranh chấp với Tôkiô về quần đảo Senkaku, Nhật Bản cảm thấy rằng các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông cũng rất đáng lo ngại.

Giáo sư Takahara nói:
“Giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông theo các chuẩn mực quốc tế sẽ là lợi ích của Nhật Bản”.

Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông đang trở nên phức tạp hơn do sự thiếu thống nhất trong ASEAN về cách thức giải quyết. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải lên tiếng kêu gọi ASEAN cần phải có “quan điểm chung và rõ ràng” về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ này.

Song ngoại trừ Việt Nam, Philíppin, Brunây và Malaixia, những nước đang tuyên bố chủ quyền đối với một phần hoặc toàn bộ quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, những nước thành viên khác của ASEAN có vẻ như không muốn dính líu vào các tranh chấp này và gây khó chịu cho Bắc Kinh.

Theo Kyodo (ngày 20/11)
Hương Trà (gt)

>> Xem thêm bài viết trên Nghiên cứu Biển Đông
Bình luận
vtcnews.vn