Loạn quảng cáo, xử lý ra sao?

Thời sựThứ Hai, 26/09/2011 04:18:00 +07:00

(VTC News) - Thảo luận về dự án Luật quảng cáo, nhiều ý kiến băn khoăn về hành vi và sản phẩm cấm quảng cáo, xử lý quảng cáo vi phạm, quảng cáo trên báo chí...

(VTC News) - Thảo luận về dự án Luật Quảng cáo, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sự cần thiết ban hành Luật này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về quy định về hành vi và sản phẩm cấm quảng cáo, xử lý quảng cáo vi phạm, quảng cáo trên báo chí...

Cho ý kiến về dự án Luật Quảng cáo tại phiên họp thứ hai (ngày 26/9), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, dự án luật này được đưa ra lần đầu, nâng lên thành Luật từ pháp lệnh, vì vậy yêu cầu bản luật cao hơn bởi hiện nay quảng cáo... rất loạn.

Chủ tịch Quốc hội băn khoăn, đưa ra luật này có làm cho tình hình tốt hơn không? "Phải tính Luật sao cho chắc!" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Các công trình quảng cáo cần tạo nên vẻ đẹp đô thị, đảm bảo an toàn giao thông và trật tự xã hội (Ảnh: phongmarketing.com). 


Thảo luận về dự luật này, nhiều đại biểu quan tâm đến việc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, trong dự luật nêu: Người có hành vi vi phạm quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; quy định về nội dung, hình thức, tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo; quy định về hoạt động quảng cáo trên các phương tiện; quy định về vị trí, nội dung, hình thức, kích thước biển hiệu; quy định về quản lý nhà nước trong quảng cáo; quy định về quảng cáo có yếu tố nước ngoài thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, dự luật quy định xử lý vi phạm như vậy "đơn giản quá", cần có điều khoản mạnh mẽ để xử lý những quảng cáo không đúng hoặc chưa đủ tầm.

"Bản thân tôi đi làm suốt ngày tối về xem quảng cáo và mua cái máy tập thể dục nhưng mua về không có tác dụng như quảng cáo - như vậy là quảng cáo chưa đúng với quảng cáo, hay ví dụ mẹ tôi bảo mua cái máy đuổi chuột xung điện từ nhưng mua về rồi sử dụng cũng không như quảng cáo...".

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu khi xây dựng dự luật cần làm rõ việc xử lý vi phạm quảng cáo rõ hơn, nếu không "loạn vẫn loạn".

Một nội dung khác được các thành viên Thường vụ Quốc hội quan tâm thảo luận là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thẳng thắn: "Cấm loằng ngoằng quá, không biết đã ghi hết được những hàng hóa mình cấm chưa, cần cân nhắc thêm".

Ở nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, Thường trực Ủy ban cũng yêu cầu bổ sung quy định cấm doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức, nhân viên chuyên môn hay hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để quảng cáo, nhằm tạo niềm tin cho người tiếp nhận quảng cáo.

 

Hạn chế diện tích quảng cáo trên báo điện tử là khó khả thi

Về quy định quảng cáo trên báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nhận định, dự luật đã căn cứ vào từng loại hình báo chí để đưa ra những quy định hợp lý như tăng diện tích và thời lượng quảng cáo cho các loại hình báo chí, bỏ những quy định về hạn chế quảng cáo... - các quy đinh này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các báo phát triển dịch vụ, tăng doanh thu mà còn khuyến khích các báo nâng cao chất lượng, có ý nghĩa rất lớn đối với các cơ quan báo chí đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính.

Nói về quảng cáo trên báo điện tử, ông Thi nhận định, điều 26 của dự luật quy định quảng cáo trên báo điện tử không vượt quá xa 25% diện tích mỗi trang thể hiện khuôn hình, theo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì nguồn thu duy nhất của tất cả các báo điện tử đều từ quảng cáo. Hiện nay trong số 34 báo điện tử và 66 trang thông tin điện tử chỉ có 3 báo điện tử là hoạt động hòa vốn hoặc có lãi, số còn lại đều lỗ.

Theo đó, việc hạn chế nguồn thu từ quảng cáo sẽ dẫn đến tình trạng báo điện tử không đủ kinh phí để chi cho hạ tầng công nghệ, thuê máy chủ, băng thông, đường truyền và nguồn nhân lực vận hành, do đó sẽ khó có điều kiện nâng cao chất lượng tin bài và nhiều báo sẽ không tồn tại.

Cùng với đó, theo ông Thi, mỗi diện tích trang báo đều có thể kéo dài bằng cách di chuột trên khuôn hình máy tính, còn có những hình thức quảng cáo không cố định, có thể phóng to, thu nhỏ tùy theo ý muốn của độc giả. Do vậy, việc quy định về diện tích quảng cáo trên báo điện tử là khó khả thi.

Cùng với đó, nếu quy định cứng nhắc về diện tích quảng cáo trên các báo điện tử thì sẽ khó áp dụng cho những phương tiện thông tin tương tự (máy tính, ti vi, điện thoại di động).

Cũng theo thường trực Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo quy định hiện hành, chỉ có báo điện tử và trang thông tin điện tử phải xin cấp phép hoạt động, trong khi đó, hoạt động quảng cáo thông qua các blog cá nhân, các trang mạng xã hội, thư điện tử... đang nằm ngoài sự quản lý của nhà nước, một số trang mạng từ máy chủ nước ngoài đang tự do quảng cáo ngoài tầm kiểm soát của pháp luật Việt Nam nên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, thiết kế lại điều này cho phù hợp với thực tế.

Các ý kiến thảo luận về dự luật Quảng cáo sẽ được nghiên cứu tiếp thu trước khi trình ra kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc ngày 26/11.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn