Lỗ ròng vì Fukushima, Chủ tịch TEPCO cúi đầu từ chức

Thế giớiThứ Sáu, 20/05/2011 09:28:00 +07:00

(VTC News) - Hôm nay (20/5), Chủ tich Công ty điện lực Tokyo Masataka Shimizu đã xin từ chức sau khi nghe thông báo công ty thua lỗ ở mức kỉ lục – 15 tỷ USD.

(VTC News) - Hôm nay (20/5), Chủ tich Công ty điện lực Tokyo Masataka Shimizu đã xin từ chức sau khi nghe thông báo công ty thua lỗ ở mức kỉ lục – 15 tỷ USD.

Công ty điều hành nhà máy điện hạt nhân đang bị hư hỏng nghiêm trọng - Fukushima Daiichi của Nhật Bản này vừa cho biết họ đang phải gánh chịu một khoản lỗ kỉ lục lên tới 15 tỷ USD – mức thiệt hại lớn nhất chưa từng thấy ở một công ty nằm ngoài lĩnh vực tài chính ở Nhật Bản.

Ngay sau khi đưa ra tuyên bố này vào hôm thứ 6, công ty này cũng cho biết luôn là ông Masataka Shimizu sẽ từ chức. Tại trụ sở của công ty ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, ông Shimizu đã nhận lỗi và nói rằng ông sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả mà trận động đất và sóng thần xảy ra vào hôm 11/3 vừa qua đã gây ra. Thảm hoạ này đã làm rung chuyển Nhật Bản, và phá huỷ một nhà máy điện hạt nhân của công ty làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng tại đất nước này.

Nhà máy hạt nhân đang gặp sự cố - Fukushima  

Trong suốt buổi họp báo, ông Shimizu đã cúi đầu và nói với các phóng viên: “Tôi muốn nhận trách nhiệm về việc quản lý. Chúng tôi đang gắng hết sức mình để giải quyết cuộc khủng hoảng này”. Ngay sau đó, công ty điện lực Tokyo đã bổ nhiệm ông Toshio Nishizawa – người từng giữ chức vụ giám đốc quản lý của họ - lên thay thế ông Shimizu ở cương vị Chủ tịch của công ty này. Quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ sau cuộc họp giữa các cổ đông vào tháng 6 tới.

Dưới sự lãnh đạo của ông Shimizu, công ty này đã chịu nhiều lời chỉ trích về cách xử lý cuộc khủng hoảng. Hàng nghìn người đã phải di cư khỏi nơi ở của họ, trong khi mức độ chất phóng xạ bị rò rỉ ra bên ngoài quanh khu vực gần nhà máy Fukushima vẫn còn khá cao.

Phóng viên thường trú Laura Kyle của tờ Al Jazeera đưa tin từ thủ đô Tokyo cho hay “chính phủ nước này đã rất chỉ trích cách công ty điện lực Tokyo xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân ở đây”. Công ty này cũng đã từng tuyên bố họ sẽ đóng cửa vĩnh viễn 4 lò phản ứng hạt nhân đang bị hư hỏng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Đây là một tiếng chuông cảnh báo về tương lai của ngành năng lượng hạt nhân ở Nhật Bản.

Chi phí bồi thường

Các phương tiện truyền thông ở Nhật Bản liên tục đưa ra những đánh giá về mức tổn thất lớn nhất của công ty này. Tờ Nikkei dự đoán họ sẽ thua lỗ khoảng 1.000 tỷ yên, trong khi tờ Yomiuri  cho rằng con số đó phải là 1.500 tỷ yên. Có một điều chắc chắn rằng đây sẽ là mức thua lỗ lớn nhất trong vòng 60 năm trở lại đây mà công ty này gặp phải.

Chủ tịch của Công ty điện lực Tokyo Masataka Shimizu  

Thêm vào đó, các khoản bồi thường cũng sẽ làm giảm mức lợi nhuận của họ trong nhiều năm tới. Phóng viên thường trú của tờ Al Jazeera nhận định, mức thiệt hại trên là chưa kể tới một khoản bồi thường khổng lồ mà công ty này sẽ phải chi trả cho hơn 80.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm hoạ này – điều khiến họ phải rời bỏ quê hương trong phạm vi cách nhà máy từ 20 đến 30 km.

Sẽ có các cuộc đàm phán về việc chính phủ bảo lãnh cho công ty này. Cuộc đàm phán tất nhiên sẽ bị nhiều người Nhật Bản phản đối bởi họ đang phải chứng kiến cảnh nộp tiền thuế để bảo lãnh cho một công ty, những người dường như đã xử lý cuộc khủng hoảng này rất tệ.

Thế nhưng vào tuần trước, chính phủ Nhật Bản đã đồng ý thành lập một nguồn quỹ sử dụng tiền thuế để giúp công ty này đối phó với các vụ bồi thường. Hiện tại, công ty này cũng chưa ước tính về tổng chi phí bồi thường mà họ có thể sẽ phải chi trả cho tất cả các nạn nhân. Các nhà phân tích dự đoán rằng số tiền đó sẽ rơi vào khoảng 25 tỷ USD tới 130 tỷ USD nếu thảm hoạ này tiếp tục kéo dài.

Kiều Vui(theo Aljazeera)
Bình luận
vtcnews.vn