Lộ nhiều sai phạm trên tàu chở 36 người bị chìm ở Quảng Trị

Thời sựThứ Tư, 12/10/2016 14:45:00 +07:00

Chiếc tàu bị chìm ở biển Quảng Trị chỉ được cấp phép vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng nhưng khi bị chìm trên chiếc tàu này có đến 36 người, trong đó 31 người không phải nhân viên của tàu.

Sau vụ việc chiếc tàu chở 36 người bị chìm trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) khiến 1 phụ nữ tử vong, dư luận đặt câu hỏi, vì sao là tàu chở hàng mà lúc xảy ra sự việc lại có nhiều người đến vậy?

Theo tìm hiểu của PV VTC News, chiếc tàu bị chìm trên biển Quảng Trị tên chính xác là tàu Cửa Tùng 01 của Doanh nghiệp Tư nhân Ngọc Tuấn (có địa chỉ tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Theo đó, chiếc tàu này được ông Hoàng Thanh Ngọc – Giám đốc Doanh nghiệp Ngọc Tuấn mua ở Cửa Việt (Quảng Trị) và đưa vào sử dụng năm 2012.

Chiếc tàu kể trên chỉ được cấp phép vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng ra đảo Cồn Cỏ. Thế nhưng, thời điểm bị chìm trên chiếc tàu chở hàng này có đến 36 người, trong đó hầu hết không phải nhân viên của tàu.

14699951_1128153313941388_1343857156_n

Tàu Cửa Tùng 01 bị chìm có hình dạng giống với tàu Cửa Tùng 05 (cũng của Doanh nghiệp Tư nhân Ngọc Tuấn). 

Cụ thể trong 36 người đi trên tàu thì chỉ có 5 người là thành viên của tàu (bao gồm 1 thuyển trưởng, 4 thuyền viên và thợ máy) số còn lại có 4 cán bộ là chiến sĩ công binh (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị); 1 cán bộ công an huyện đảo Cồn Cỏ; 12 cán bộ, chiến sĩ quân đội của huyện đảo Cồn Cỏ; 1 chiến sĩ đồn biên phòng Cồn Cỏ và 13 công nhân xây dựng của công ty 789 (Bộ Tổng tham mưu) đang xây dựng đảo Cồn Cỏ.

 Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Hữu Thỏ - Phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị xác nhận việc tàu chở hàng nhưng lại chở người là sai. Việc tàu ra khơi, lệnh xuất cảng là do Biên phòng quản lý.

Theo quy định, tàu này chỉ được cấp phép chở hàng hóa cùng với một số người nhất định như thủy thủy đoàn và người có chức trách. Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Thỏ, trách nhiệm này thuộc về lực lượng biên phòng, cụ thể là Đồn Biên phòng Cửa Tùng.

“Lực lượng biên phòng có trạm kiểm soát ở cảng Cửa Tùng kiểm tra thủ tục hành trình ra vào cảng của tàu. Khi kiểm tra để cấp thủ tục hành trình, tàu có đầy đủ giấy tờ nên cho xuất bến. Về việc chở hàng hóa thì tàu phải có hợp đồng với các đơn vị xây dựng. Số người bị nạn có thể do họ trốn lên tàu hoặc được chủ tàu đồng ý sau khi tàu đã xuất cảng”, Thượng tá Nguyễn Hữu Thỏ thông tin.

PV VTC News tiếp tục đến Đồn Biên phòng Cửa Tùng để thu thập thêm thông tin sự việc, nhưng tại buổi làm việc Thiếu tá Hồ Sỹ Hạnh –  Đồn phó Đồn Biên phòng Cửa Tùng từ chối cung cấp thông tin liên quan đến vụ chìm tàu Cửa Tùng 01 với lý do “việc phát ngôn báo chí do đồn trưởng đảm nhiệm”.

Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi đến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Tùng không có mặt tại cơ quan. Theo lời Thiếu tá Hồ Sỹ Hạnh thì “đồn trưởng đang đi tập huấn trên tỉnh” và hẹn chúng tôi 2 ngày nữa quay lại để cung cấp thông tin. Thiếu tá Hạnh chỉ thông tin rằng, số người đi trên tàu Cửa Tùng 01 chỉ là đi nhờ ra đảo chứ chủ tàu không thu tiền.

Theo tìm hiểu của PV VTC News, hiện chưa có tàu chở khách hoạt động tuyến Cửa Tùng – đảo Cồn Cỏ, chỉ có tàu chở khách tuyến Cửa Việt – đảo Cồn Cỏ nhưng một tháng mới đi một lần và dạo này cũng đang tạm ngừng hoạt động do không có khách.

Cũng cần nói thêm rằng, trước đó PV đã liên hệ với Đại tá Hoàng Hữu Chiến – Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị và được ông chỉ định gặp Thiếu tá Hồ Sỹ Hạnh – Đồn phó Đồn Biên phòng Cửa Tùng để phỏng vấn.

14699753_1128153380608048_1612918631_n

 Sáng 11/10 tàu Cửa Tùng 01 xuất bến từ cảng Cửa Tùng và gặp nạn tại vùng biển cách đảo Cồn Cỏ khoảng 5 hải lý.

Trước đó, sáng 11/10 tàu chở hàng Cửa Tùng 01 (Ngọc Tuấn 01) chở theo 36 người và 300 tấn vật liệu xây dựng (trọng tải của tàu là 500 tấn) xuất cảng từ cảng Cửa Tùng đi đảo Cồn Cỏ và bất ngờ bị thủng khiến nước tràn vào khoang và sau 20 phút thì chìm xuống đáy biển.

Rất may khi xảy ra sự việc, có ba tàu cá của ngư dân Quảng Trị và Quảng Ngãi đang đánh bắt cá gần khu vực tàu chìm nên đã ứng cứu kịp thời và cứu được 35 người. Riêng trường hợp nữ nạn nhân tử vong là bà Nguyễn Thị Huệ (SN 1964, trú thành phố Đông Hà) được cơ quan chức năng xác nhận tử vong là do đột tử (bà Huệ có tiền sử bị bệnh tim).

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Doanh nghiệp Tư nhân Ngọc Tuấn đã hỗ trợ gia đình bà Huệ 20 triệu đồng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng trị cũng hỗ trợ 3 tàu cá cứu hộ của ngư dân, số tiền 3 triệu đồng/tàu.

Tổng thiệt hại sau vụ chìm tàu Cửa Tùng 01 ước tính khoảng 300 triệu đồng.

Video: Nạn nhân vụ chìm tàu ở Quảng Trị kể lại 15 phút sinh tử, chơi vơi giữa biển

Võ Nguyễn
Bình luận
vtcnews.vn