Lee Nguyễn tỏa sáng: Thành công vì chọn đúng con đường

Thể thaoThứ Sáu, 26/10/2012 07:58:00 +07:00

Lee Nguyễn- cầu thủ gốc Việt vừa được vinh dự nhận giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất năm 2012 của CLB New England Revolution.


Một thông tin nhỏ do tờ Goal điện tử đưa: Lee Nguyễn- cầu thủ gốc Việt vừa được vinh dự nhận giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất năm 2012 của CLB New England Revolution.

Điều đáng nói đây là Giải thưởng được xác định bằng những lá phiếu bầu chọn của các CĐV New England Revolution.

Đối với một cầu thủ danh hiệu do CĐV bình chọn đôi khi còn giá trị hơn nhiều so với những phân tích và đánh giá của giới chuyên môn. Với Lee Nguyễn nó là sự ghi nhận cho những cố gắng cả một mùa giải và điều này được thể hiện qua số trận ra sân của cầu thủ này.

Tại sao một cầu thủ từng đã ở hai CLB tại V.League là HAGL, B.Bình Dương như Lee Nguyễn luôn chật vật với những chấn thương, sự kìm hãm của đối thủ và thậm chí là của chính các đồng đội lại không thể tỏa sáng hay nói đúng hơn là không thể phát huy khả năng của mình?

Lee Nguyễn thất bại tại HAGL

Đã rất nhiều câu hỏi tương tự được đưa ra và câu trả lời chung chung là tính thiếu chuyên nghiệp của một nền bóng đá.

Thực chất nó lại nằm ở quan niệm: trong rất nhiều lĩnh vực thành tích mới là điều được quan tâm và đầu tư chứ không phải là những đóng góp thực sự.

Dễ nhìn thấy ở lĩnh vực giáo dục.

Một bà mẹ than phiền rằng cậu con trai của mình từng viết chữ rất đẹp cho đến khi phát sốc vì thấy con biến thành một anh thợ viết tốc ký với những nét chữ biến dạng. Điều dễ hiểu là đứa trẻ buộc phải làm như vậy để hoàn thành lượng bài tập khổng lồ mà cô giáo cho về nhà. Ngay từ nhỏ, nền giáo dục đã gieo vào đầu bọn trẻ cái gọi là sức ép thành tích: thành tích cho cá nhân, thành tích cho lớp, cho trường chứ không phải sống và học theo đúng những gì trẻ mong muốn.

Nhà giáo Văn Như Cương mới rồi nói về "bệnh thành tích" trong Giáo dục: "Mục tiêu đào tạo của chúng ta từ trước đến nay chưa có gì sai, chỉ là làm không được thôi.

Cái cần thay đổi lớn nhất hiện nay là phải xác định ba vấn đề: học để làm gì, học cái gì, học như thế nào? Về câu hỏi học để làm gì, chúng ta đang nặng vấn đề ứng thí, học chỉ để thi, để lấy bằng, thăng quan tiến chức, tăng lương... Trong khi đó, mục đích cần có của việc học phải là để làm tốt hơn công việc của mình thì lại chưa đạt được. Trong một xã hội chú trọng bằng cấp, muốn thăng chức là phải có bằng nên học sinh chỉ học những gì để thi là điều tất yếu…"


Chuyện giáo dục và chuyện bóng đá có nhiều điểm tương đồng.

Người hâm mộ và cả giới chuyên môn đều kỳ vọng và đặt nhiều yêu cầu cao với thầy trò HLV Phan Thanh Hùng. Ấy thế nhưng qua vài trận và nhất là trận thua Turkmenistan mới nhất người ta mới ngớ ra: một đội tuyển liệu sẽ đi đến đâu nếu không có chân sút, không có những cầu thủ làm bóng, dẫn dắt lối chơi đóng vai trò nhạc trưởng?

Lee Nguyễn là ngôi sao sáng của New England Revolution

Câu trả lời rất cũ: vì bệnh thành tích ở các CLB mà chính những vị trí chủ chốt đóng vai trò quan trọng cần cho đội tuyển lại bị các cầu thủ ngoại nắm giữ. Và quan trọng các ông bầu cần những trận thắng, cần 3 điểm chứ không phải là yêu cầu những màn trình diễn tốt, nhất là những màn trình diễn của các cầu thủ nội.

Lee Nguyễn may mắn là anh được chơi cho một nền bóng đá không phải thuộc hàng đỉnh cao của thế giới nhưng coi trọng màn trình diễn, sự cống hiến của mỗi thành viên trong đội hơn là những điểm số và vị trí trong bảng xếp hạng.

Và câu chuyện mới nhất, tiền vệ trẻ Phi Sơn được Sydney FC mời sang thi đấu với mức lương trong mơ. Sơn nên đi và cần phải đi bởi ở hiện tại, V.League vẫn là môi trường có nhiều rủi ro đối với các tài năng trẻ.


Song An (Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn