Lê Thiết Cương – Một gã ngông bất lực!

Tổng hợpThứ Hai, 25/04/2011 03:22:00 +07:00

Người ta nói Lê Thiết Cương là một trong những kẻ ngông bậc nhất đất Thăng Long, là kẻ “một mình một chợ”, một mình một phong cách nghệ thuật…

Người ta nói Lê Thiết Cương là một trong những kẻ ngông bậc nhất đất Thăng Long, là kẻ “một mình một chợ”, một mình một phong cách nghệ thuật… Cứ như thể gã dám làm và có thể làm tất cả vậy. Riêng tôi thấy, ừ, đúng là gã ngông thật nhưng là một gã ngông… bất lực!
 
Gã hẹn tôi tới tư gia ngự ở mặt phố lớn Lý Quốc Sư. Chỉ mất vài phút ngắn ngủi tôi đã tự rủa bản thân mình sao không hẹn gã ra quán café, như thế cái mặt tôi đây sẽ không phải liên tục nóng phừng phừng thế này. Ở nhà gã, gã là “chúa đảo”, gã thích nói gì, văng gì mà chẳng được, ai cấm? Nhưng rồi tôi nhận ra cái kiểu phũ mồm, nói năng không biết ngượng ngùng kiêng nể ấy mới chính là bản chất thật, con người thật, cảm xúc thật của gã. Trong quán café có thể gã sẽ phát ngôn lịch sự đấy và tôi sẽ không bao giờ biết được Lê Thiết Cương thật như thế nào…

Gã lên án báo chí là lá cải, phê phán kịch liệt những thứ lập dị, chê bai cái thói “ngông” bẩn và một mực kêu gào “sống khó lắm”. Lời gã cụt ngủn, giọng gã cao ngạo, ngôn từ của gã cộc cằn… Người ta nói gã quá lạnh lùng và khó gần, nhưng sao tôi lại thấy gã rất gần, rất thật, rất sống động, nhất là khi gã mặc cái áo phông trắng, quần jean xanh bạc màu, thường xuyên gãi gãi, xoa xoa “quả” đầu húi cua và liên tục… “văng” đủ thứ, xối xả vào mặt tôi như lúc này đây.

Viết chân dung gã ư? Tôi không đủ tài và đủ thời gian để cảm nhận hết về con người từng trải như gã. Phỏng vấn gã ư? Tôi đâu dám vặn vẹo đôi co với gã? Tốt nhất, tôi chỉ viết lại câu chuyện giữa tôi và gã xung quanh chữ “ngông” một cách trung thực thôi để bạn đọc cảm nhận. Tôi không dám tự suy diễn bởi tôi cho rằng có thể mình cũng chẳng đủ để hiểu hết cái “ngông” của gã…

 “Tôi thấy mình khó sống…”

Người ta nói anh ngông, quả thật chẳng sai chút nào…

Ừ thì tôi ngông. Nhưng cái ngông của tôi được “bảo hiểm” bằng văn hóa.

“Bảo hiểm” bằng văn hóa?

Đúng vậy! Tất cả đều phải đặt trong môi trường văn hóa dù có ngông mấy đi nữa. Tôi không biết các giới khác họ ngông như thế nào nhưng giới nghệ sĩ thì tôi biết. Đã làm nghệ thuật là phải khác. Nếu mình đi đúng cái chuẩn không bao giờ mình khác được. Thế nhưng có vượt chuẩn thế nào, có ngông mấy đi nữa cũng không được làm mất tự do của người khác, không làm ảnh hưởng đến văn hóa chuẩn mực chung của xã hội. Ngông cuối cùng cũng phải hướng đến mục đích tốt đẹp và người ta sẽ đo điều đó trong tranh, trong thơ, trong nhạc… của anh chứ không bao giờ đo bằng đời sống của anh.

Tôi rất ghét mấy kẻ ngông bẩn, ngày ngày say rượu, hôi hám rồi hứa nhưng không làm. Lợi dụng mình là nghệ sĩ để có quyền được ngông. Vào chỗ người ta quy định không hút thuốc lại lôi thuốc ra hút rồi vỗ ngực tự hào tôi đang ngông đây. Ngông nhưng đừng làm ảnh hưởng đến người khác…

Ý anh nói, một bộ phận những kẻ “ngông”, họ thách thức dư luận chỉ bởi họ phù phiếm, đồng bóng và thích chơi trội?

Đúng vậy!

Nói thế thì cái “ngông” đó giống như một căn bệnh lây nhiễm?

Có thể. Nhưng lây nhiễm hay không thì bạn phải đi hỏi họ chứ tôi không ở cái hệ ấy nên tôi không biết. Tôi không có thì giờ để chơi và tìm hiểu những kẻ như vậy.

Anh đang tự xếp mình vào dạng người dám “hi sinh dây thần kinh xấu hổ” vì mục đích tốt đẹp chứ không phải vì thích chơi trội?

Tôi làm sao mà làm thằng mất dạy, lừa bịp được? Trước khi làm nghệ sĩ vẫn phải làm người. Mà làm người mới khó. Sống thế nào làm thế đó. Sống khó chứ vẽ không khó. Tôi vẽ tranh không còn khó nữa nhưng luôn thấy mình khó sống.

Sao sống lại khó với anh?

Ai sống cũng khó chẳng qua họ không nhận ra.

Trong một môi trường văn hóa nhem nhuốc như hiện nay những người tôn trọng văn hóa như tôi sẽ rất khó sống. Chỉ cần bước chân ra khỏi cửa đã thấy người ta không tự giác, người ta chen lấn, xô đẩy, vứt rác bừa bãi… Giờ ra đường tôi sợ nghe tiếng còi xe lắm. Người ta bóp còi chỉ để chen lấn, nhen lên phía trước. Nó hoàn toàn sai với chức năng của cái còi.

Anh đừng giận, nhưng nói sẵng và sẵn sàng “văng” bất cứ từ nào như anh lúc này đây có được coi là tôn trọng văn hóa?

Trong nhà tôi, tôi thích làm gì cũng được. Tôi có thể biến cái chén uống nước thành cái bồn cầu, đó là quyền của tôi. Nhưng ra đường thì lại là chuyện khác. Tôi nói rồi đấy, ngông nhưng đừng làm ảnh hưởng, đừng làm mất tự do của người khác. Còn ở nhà, ai thích làm gì thì mặc họ.

Anh thấy sống khó, thấy môi trường không hợp, sao anh không đi tìm môi trường khác?

Tôi đi đâu chẳng được? Nhưng tôi là người Việt sao phải đi đâu? Tôi chẳng việc gì phải đi đâu cả.

Anh đã biết như thế, đã chấp nhận như thế sao cứ phải bức xúc? Phải chăng anh đang muốn nói dám đối diện với nền văn hóa nhem nhuốc là cái ngông của anh?

Trong trường hợp này tôi thấy sợ hãi chứ không ngông chút nào. Cái môi trường văn hóa nhếch nhác làm tôi sợ. Từ việc người ta chen lấn, vứt rác bừa bãi, đối xử tệ với nhau, đề cao quá mức vật chất… cho đến những cái lớn hơn như lợi dụng Rùa Hồ Gươm, trùng tu đền chùa… Bây giờ, tôi đố bạn tìm được ngôi chùa nào trùng tu tốt đấy?

Sáng nay tôi đi ra ngoài cửa, thấy mấy người khách du lịch nước ngoài họ vác ba lô nặng trịch, trên tay cầm cái túi giấy bóng chứa mấy lon coca uống hết. Người ta nghĩ vứt cái lon coca trên ô tô cũng là không nên. Sao họ lại tử tế thế? Nghĩ đến mình lại thấy đau…

Anh bi quan quá! Giới trẻ bây giờ cũng đang dần thay đổi về mặt ý thức. Tôi thấy rất nhiều em bé người Việt cầm vỏ sữa uống trên tay tới tận nơi có thùng rác mới vứt…

May được cái lớp ấy và cũng hi vọng vào cái lớp ấy! Đến lúc văn hóa đỡ nhếch nhác hơn thì có khi tôi chết rồi. Thế là hòa cả làng!

Anh điên rồi… Bức xúc thế sao anh không làm cái gì đi?

Sao lại không? Tôi từng định viết về những bức xúc của mình rồi lại bảo thôi không viết. Cuối cùng cũng chỉ có mấy người ham đọc báo đọc nó thôi, đọc rồi để đấy, chẳng giải quyết được gì. Nhưng rồi tôi gặp một người. Anh ta nói anh ta là nhà văn và hơn người xe ôm ở chỗ họ nói với nhau những bức xúc của mình trong mỗi lần nghỉ chân chờ khách, còn anh ta viết ra bằng giấy trắng mực đen rồi kí tên mình ở dưới. Và tôi viết… Tôi chỉ muốn mình là một hạt cát trong hàng triệu hàng triệu hạt cát dám nói lên những điều không hợp tai, không vừa mắt ấy để làm thay đổi một chút gì đó.

Tôi ghét nhất mấy gã nhiếp ảnh suốt ngày lang thang đi tìm mấy hạt sương, mấy cái cây, mấy bông hoa để chụp. Cuộc sống đầy rẫy những hiện thực cần phải chụp thế này không chụp, sao phải chụp mấy hạt sương?

Tôi thấy cái ngông làm anh khổ quá, nó làm anh lúc nào cũng bức xúc. Giá không ngông, lòng anh chắc đã bình yên hơn?

Tôi thấy mình không khổ mà thấy nhục! Hồi viết bài phản đối việc rước Xá lợi từ Ấn Độ về, tôi bị chửi không dứt, phải tắt cả điện thoại, không dám check mail. Nhục lắm ấy chứ!

Người ta cứ nói chùa Bái Đính rất cầu kì, phải đi khắp các nước chụp tượng Phật rồi đo đạc, về mới cho những người thợ đá xem và làm. Nói điều này ra khéo lại bị chửi nhưng tôi thấy thật buồn cười. Hệ tượng Phật cơ bản trong những ngôi chùa từ Bộ Tam Bảo cho đến ngoài cùng là ông Thiện, ông Ác thì ở nước mình đầy cái đẹp, việc gì phải đi đâu? Mà những cái mang về chắc gì đã đẹp? Tôi năm mươi tuổi đầu, có chút tăm tiếng trong nghệ thuật mà còn không biết thế nào là đẹp đây… Tinh thần trọc phú nó ngự trị trong xã hội này khiến tôi khó sống.

Anh bức xúc mà không thay đổi được gì. Tôi thấy anh ngông, nhưng là một gã ngông bất lực…

Ừ, thì tôi bất lực. Nhưng tôi hơn con vật ở chỗ tôi biết bức xúc, không ngậm miệng ăn tiền. Đứa bé sinh ra khỏi bụng mẹ đã biết khóc mà lớn lên lại không dám khóc, lại vô cảm và vờ như vô cảm… Tôi là người có lòng tự trọng, chỉ có lòng tự trọng thì mới biết bức xúc.

Ngông nhất là dám sống thật với cái tài của mình…

Xem ra để ngông được cũng khó quá…

Ngông thật bao giờ cũng hay, nhất là với nghệ sĩ. Bởi không thế không làm được việc. Nếu tất cả những họa sĩ đều vẽ giống nhau thì chả có gì để nói. Thế nhưng ngông hay mới khó chứ ngông cuồng thì dễ lắm. Như mấy cô hở hàng rồi tung lên mạng ấy thì là ngông cuồng, họ cứ vin vào cái tính nghệ sĩ để tạo sự khác biệt. Nhưng khác biệt ấy, cái ngông ấy ai chả làm được?

Vậy ngông như thế nào để không trở thành ngông cuồng như anh nói?

Tôi nói rồi, ngông cuối cùng phải đạt đến mục đích tốt đẹp và không vô văn hóa. Tốt nhất là cái tài phải cao hơn cái mình ngông. Một ông chỉ hát ở trình độ xã thôi thì đừng ăn mặc diêm dúa như Đàm Vĩnh Hưng và ngược lại. Như thế là ngông cuồng!

Như Micheal Jackson có thể nhuộm da, ngủ với trăn… người ta vẫn thấy thuận vì ông ấy có tài, có thể ngông như thế. Chứ không có tài mà ngông thì người ta thấy thối lắm. Cái này chỉ là cảm nhận thôi, khó mà đo đếm được.

 

Một người có tài như anh có bao giờ phải tự giới hạn cái “ngông” của mình?

Có chứ! Tôi cũng thích búi tóc rồi mua cái Vespa cổ phóng phành phạch ngoài đường lắm. Nhưng giờ tôi vẫn áo phông, quần bò, tóc húi cua đấy thôi.

Anh thích sao không làm?

Tôi thấy nó lập dị không cần thiết. Suy cho cùng chuyện để râu, để tóc ấy nó không ảnh hưởng gì đến chất lượng những bức tranh của tôi cả. Nếu tranh của tôi đẹp hơn, bán đắt hơn, không cần gấp đôi đâu chỉ cần gấp rưỡi thôi thì tôi cũng cố mà để.

Ngông của anh cũng có mục đích à? Phải thấy mình được cái gì anh mới ngông sao?

Tôi nói rồi đấy, không nên lập dị nếu cái tài của mình không đến mức ấy.

Anh cho rằng cái tài của anh chưa đủ đến mức để anh có thể nuôi râu dài, tóc dài dù anh thích?

Đúng. Tôi chưa tài đến mức ấy.

Anh khiêm tốn quá…

Không. Có thể sang năm tôi tài được đến mức như thế thì chả có lý do gì lại không để tóc, để râu.

Mà thực ra, để sống thực với nghệ thuật, với cái tài của mình phải rất ngông và không phải ai cũng làm được đâu.

Chính vì cái ngông ấy mà những năm 90 khi người ta ra trường có công văn việc làm ổn định thì anh lại ngồi nhà vẽ tranh theo ý mình?

Tôi có nghề phụ chứ không bốc đất ăn để ngồi vẽ đâu? Thế nghe thần thánh quá. Tôi vẫn phải có cơm ăn ba bữa, quần áo (mà không phải quần thủng đít đâu) mặc ra ngoài đường. Tôi làm đủ nghề để kiếm tiền nuôi thân và vẽ. Nhưng thôi không muốn ôn nghèo kể khổ không người khác lại bảo thành công rồi thì nói thế nào chả được.

Hơn nữa, hồi đó tôi không đi xin việc cũng bởi vì tôi không có cái bằng. Muốn đi xin việc cũng phải có cái bằng chứ. Chỉ có điều để có được cái bằng ấy mà phải vẽ theo ý người khác, vẽ giống người khác thì tôi không làm được.Tôi biết mình có gì, cần gì và muốn gì. Tôi muốn sống thật với những gì mình nghĩ, mình nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy. Nghề khác thì không nhưng nghệ thuật thì không dạy được…

Và anh đã tự dạy mình?

Tôi không có thầy.

Anh từng nói “Một đời làm nghệ thuật vẽ được mấy bức tranh đẹp…”, dù tự học, tự theo đuổi những ý tưởng nghệ thuật và là đại diện duy nhất của Việt Nam theo phong cách tối giản, nhưng cuối cùng kết quả của cái “ngông” ấy vẫn là sự hoang mang?

Vẽ nhiều nhưng vẽ được những bức tranh mình hài lòng thì đâu có nhiều. Chuyện đó cũng bình thường thôi.

Tôi tưởng anh tự tin lắm mà?

Con người yếu đuối lắm, nhất là nghệ sĩ. Làm sao mà tự tin thế được? Nhiều khi tôi thấy cuộc sống thật vô nghĩa, cứ trôi qua từng phút. Hài lòng ở mức độ giây lát thì có nhưng không thể hài lòng trọn vẹn với một cái gì….

Anh đang yếu đuối?

Tôi chẳng thấy nghệ sĩ nào khỏe. Khỏe thì đã đi làm Lý Đức rồi.

Tranh của anh có bán được không?

Tranh của cả nước bây giờ không bán được chứ cứ gì tôi. Mà có bao giờ tôi bán được tranh đâu…

Thế anh vẽ tranh để bán hay để thỏa mãn cảm xúc của mình?

Cả hai.

Anh thật vô lí và mâu thuẫn…Trong đời mình, có bao giờ vì được sống thật với chính mình, vì ngông mà anh phải chịu thất bại?

Nhiều! Bản chất của con người là sai lầm và thất bại. Không có sai, không có thất bại thì không phải là người.

Sự đổ vỡ trong cuộc sống gia đình có phải xuất phát từ cái ngông của anh?

Chắc chắn rồi. Sự khác biệt sinh ra nhiều hệ lụy trong đó có chuyện gia đình. Nếu ăn gì cũng ngon, đặt lưng xuống là ngủ, cười giống mọi người, nghĩ giống mọi người thế thì tốt quá, dễ sống quá….

Anh có tiếc không?

Cái đó là mệnh rồi. Mất được được mất là một nên tôi không tiếc.

Ngông như anh cũng mệt quá…

 Tôi đã từng nghĩ người ngông là người sống theo bản năng, họ sẽ rất thoải mái và hài lòng với cái bản năng ấy của mình. Nhưng sau câu chuyện với Lê Thiết Cương tôi nhận ra rằng: quá khó để ngông đẹp nhưng không phải là không thể… Rốt cuộc, tôi có nên ngông? Có thể tôi cũng sẽ bất lực giống như Lê Thiết Cương, nhưng ít ra giống như gã tôi được sống thật với mình và không vô cảm…

Khánh Toàn - Ảnh: Hồ Quang

Bình luận
vtcnews.vn