Lê Bá Khánh Trình: 'Cậu bé vàng Toán học VN' giờ ra sao

Giáo dụcThứ Ba, 13/11/2012 07:06:00 +07:00

(VTC News) – Đoạt huy chương vàng và giải đặc biệt tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 21 nhưng thầy chọn công việc thầm lặng, miệt mài: Trồng người.

(VTC News) – Từng đoạt cả huy chương vàng lẫn giải đặc biệt tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 21 ở London (Anh) nhưng thầy vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc của mình.

Thầy là Lê Bá Khánh Trình (giảng viên khoa Toán – tin, Trường đại học Khoa học tự nhiên).

Năm 1979, cái tên Lê Bá Khánh Trình ghi dấu ấn trong tâm trí nhiều người, trong và ngoài nước, khi thầy đoạt Huy chương vàng và giải đặc biệt trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 21 ở London (Anh).

Giành chiến thắng ở phút cuối cùng

Hiện Lê Bá Khánh Trình là giảng viên khoa Toán – tin, Trường đại học Khoa học tự nhiên 
Chúng tôi gặp thầy trong căn nhà giản dị trên đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

33 năm đã trôi qua, nhưng những kỉ niệm về kỳ thi năm đó vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức của thầy.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Lê Bá Khánh Trình kể về kỉ niệm lạc đề dẫn tới chiến thắng vang dội năm đó: “Lúc học bài và đọc tài liệu, tôi ôn rất kỹ. Thậm chí khi đọc những cuốn sách và biết được những cách giải rất hay nhưng khi vào phòng thi, người ta cho đề ngược. Tôi lại làm bài theo những cách đã ôn.

Sau khi làm bài xong, còn thời gian rất nhiều, tôi kiểm tra lại bài rất kỹ và để chắc ăn, tôi giải thêm cách giải nữa, kết quả đều giống nhau. Nhưng khi rà soát lại đề thì không phải, tôi làm bài bị sai. Đề cho một đường, tôi lại đi làm một nẻo. Nhìn đồng hồ, chỉ còn khoảng 30 phút nữa là hết giờ. Thật lạ, cảm giác lúc đó là bình thản! Tôi đọc lại đề bài rồi tìm ra cách giải cho bài toán”.

Lê Bá Khánh Trình chia sẻ: “Có thể những con người ta bị dồn vào thế bí nhất, họ sẽ tìm ra một hướng giải quyết rất phù hợp và xuất sắc. Tôi cũng vậy, dù thời gian không còn bao lâu nữa nhưng vẫn bình tĩnh làm bài. Khi tiếng chuông báo hết giờ, giám thị đến thu bài, tôi giơ tay lên xin ít phút nữa để giải cho xong bài toán cuối cùng.

Đúng như ý nguyện của tôi, vị giám khảo vẫn nhẹ nhàng đứng chờ cho đến khi tôi hoàn thành bài giải”.

Ánh mắt thầy rạng lên khi kể về người giám khảo xem thi hôm ấy. Trong lúc Lê Bá Khánh Trình làm bài thi, do mệt nên có ho hắng vài tiếng, vị giám khảo ấy ân cần đứng bên cạnh rót nước và lấy khăn lau cho thí sinh bé nhỏ đến từ Việt Nam này, để Lê Bá Khánh Trình yên tâm làm bài thi tiếp.

 

Việc dạy học trò cũng giống như việc đối đãi với nhân tài, Nhà nước không nên bao bọc họ bằng những đặc chế như trả lương cao, ban chức tước và những bổng lộc khác. Đừng ràng buộc họ với những bổng lộc vì họ sẽ có cảm giác nợ nần đè lên trách nhiệm của họ.

Lê Bá Khánh Trình
 
Rồi trong lúc làm bài thi, các giám khảo cứ vài phút lại đến bên xem tình hình sức khỏe của thí sinh. Chỉ cần thấy ai có biểu hiện về sức khỏe không tốt, ngay lập tức họ chăm sóc rất ân cần.

Chính vì sự ân cần và quan tâm đó, Lê Bá Khánh Trình ngày nay vẫn tin rằng, thầy đoạt giải cao chính là nhờ vị giám khảo ấy: “Nếu lúc đó, hết giờ mà thấy ấy thu bài ngay thì có lẽ tôi đã không đoạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi”.

Một kỷ niệm cũng làm Lê Bá Khánh Trình nhớ mãi là tình đồng đội giữa các thí sinh thể hiện rất cao. Dù mỗi người ở mỗi nước khác nhau và hầu như không ai biết về nhau, nhưng sau mỗi lần làm bài xong, tất cả các đều ngồi lại, xem lại bài thi rồi cùng tìm ra những cách giải khác nhau hay hơn.

Không chỉ thế, với những người làm bài không tốt thì cả nhóm cùng xúm lại động viên. Chính vì vậy, ngày hôm sau ai cũng làm bài tốt hơn ngày trước.

“Ngày diễn ra buổi lễ trao giải thưởng, tôi cũng rất bất ngờ vì mình được xướng danh hai lần chỉ trong vòng mấy phút. Lần thứ nhất, tôi được gọi lên nhận giải những thí sinh đoạt giải nhất của cuộc thi. Cầm giải thưởng về chưa đến chỗ ngồi, niềm vui chưa ngớt, tôi lại được xướng danh thêm một lần nữa, là thí sinh đoạt giải xuất sắc cuộc thi.

Bất ngờ và không có niềm vui nào diễn tả được vào thời điểm đó. Hôm đó, vị giám khảo coi thi cũng đến chúc mừng tôi.

Khi đi tham quan thành phố London, lúc chúng tôi đang ăn, một cô gái nhìn thấy tôi ngay lập tức đến bắt tay và ôm hôn chúc mừng” - Lê Bá Khánh Trình vui vẻ kể lại.

Lặng lẽ Lê Bá Khánh Trình

Sau ngày đoạt giải, cái tên Lê Bá Khánh Trình nổi lên như cồn. Nhưng rồi 5 năm sau, 10 năm sau, không ít người hỏi Lê Bá Khánh Trình bây giờ làm gì, ở đâu? Không ít người kỳ vọng cậu bé vàng ngày xưa làm tiếp thêm nhiều kì tích khiến bạn bè năm châu ngưỡng mộ, vinh danh cho đất nước Việt Nam.

Nhưng người trong cuộc như Lê Bá Khánh Trình nghĩ gì, muốn gì? Và đâu là lựa chọn của một người nổi tiếng?
Gia đình nhỏ của Lê Bá Khánh Trình 
Đặt câu hỏi đó cho Lê Bá Khánh Trình vào một ngày đầu tháng 11, chúng tôi được biết, sau ngày nhận giải, Lê Bá Khánh Trình được tuyển thẳng vào khoa toán – cơ, Trường đại học Tổng hợp Moskva.

Tiếp đến, thầy làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của Viện sĩ Andrey Alexandrovich Gontrar (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga).

Bốn năm sau, thầy bảo vệ thành công luận án tiến sĩ rồi trở về Việt Nam làm giảng viên Khoa toán – tin, Trường đại học Khoa học tự nhiên.

Từ đó đến nay, Lê Bá Khánh Trình say mê với công việc của mình, say mê với việc truyền kiến thức toán học cho các thế hệ học sinh.

Chúng tôi hỏi, có khi nào thầy hối hận vì sự lựa chọn của mình? Mỉm cười, Lê Bá Khánh Trình cho biết: “nghề giáo với tôi có lẽ là duyên nợ, là “nghề chọn mình””

Thầy chọn nghề này không phải vì gia đình có truyền thống làm nghề giáo, cũng không phải say mê, hướng đến từ lúc sinh ra mà nó có gì đó, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, cậu học trò nhỏ đã biết học hỏi, đúc rút từ những kinh nghiệm quý báu của các thầy cô đi trước.

“Hơn nữa, tôi không thích phải cầm lá đơn chạy loanh quanh đi xin việc làm và tìm cái gì đó bình lặng để hưởng thụ riêng cho mình, đó không phải là tôi. Vì vậy, nghề giáo rất phù hợp với tính cách và sức khỏe của tôi”

Càng tiếp xúc với rất nhiều học trò, Lê Bá Khánh Trình lại yêu cái nghề mà “duyên nợ” mang đến cho mình hơn. Thầy cho biết, toán vốn dĩ là môn học rất khô cứng, khiến nhiều học trò…chán.

Vì vậy trong mỗi bài giảng, Lê Bá Khánh Trình đều “biến tấu” thành những cái đơn giản, đời thường nhất để học trò dễ hiểu.

“Có khi đang giảng bài mà bất chợt đâu đó có tiếng nhạc lướt qua, tôi đều ngưng giảng lại để đố các học trò tiết mục ấy là gì, do ai thể hiện, ai là người sáng tác ra nó. Rồi những khi giảng bài nhưng tôi vẫn ngưng lại để đùa nghịch với học trò… Ngay lập tức, tiết giảng của tôi rất có chất lượng” – Lê Bá Khánh Trình chia sẻ.

Nguyên tắc của thầy là hướng cho học trò những cái đơn giản, đời thường và dễ hiểu nhất. Hãy để cho các học trò tự tư duy và tự tìm cách giải cho riêng mình thì các em mới nhớ được lâu.

Lê Bá Khánh Trình nửa đùa nửa thật: “Có nhiều khi tôi phải học hỏi từ các học trò của mình nữa. Bởi có những bài toán, ngay cả mình cũng không giải được, tôi đưa cho tất cả học trò cùng giải. Khi đó có những học trò đã tìm ra cách giải rất hay mà ngay cả tôi cũng không nghĩ đến.

Tuy nhiên cũng có lúc, học trò họ cũng chỉ đưa ra những cái nửa vời, nhưng tôi vẫn ghi lại rồi về nhà nghiên cứu thêm, tìm ra cách giải đơn giản nhất, ngắn nhất, dễ hiểu nhất để truyền đạt lại cho học trò”.

Vội vã chia tay chúng tôi để về đón con, Lê Bá Khánh Trình tâm sự, anh không bao thấy hối hận với công việc, cuộc sống hiện tại. Có đôi khi anh cảm thấy mệt mỏi song mệt mỏi đó chỉ là vì những chuyện thường nhật mà ai cũng có. Vì cuộc đời nó là thế…

Ngọc Thân

Bình luận
vtcnews.vn