Lấy chồng phố cổ

Tổng hợpThứ Sáu, 18/10/2013 02:58:00 +07:00

Giờ đây, mỗi lần nghe ai đó khoe được chồng tặng hoa hay quà nhân dịp sinh nhật, chị lại lặng lẽ quay đi dấu ánh mắt hoài nghi và tiếng thở dài chua chát.

Giờ đây, mỗi lần nghe ai đó khoe được chồng tặng hoa hay quà nhân dịp sinh nhật, chị lại lặng lẽ quay đi dấu ánh mắt hoài nghi và tiếng thở dài chua chát. Chị ngẹt ngào đến hốt hoảng khi thấy ngoài đường người ta bày bán hoa hồng với lời mời mua đi cô, mua đi chú để tặng cho người mình yêu; Chị tắt phụt tivi khi vừa nghe nói đến ngày phụ nữ và các thứ quà tặng khác…

Thời học trung cấp y, chị là một trong những đứa con gái mỏng mày hay hạt, nhanh nhẹn sắc sảo nhất lớp, chỉ có điều trong mắt đám bạn học Hà Nội, chị vẫn là loại gái quê, tỉnh lẻ. Rồi chị phải lòng Đỗ, một thằng con trai học cùng lớp hơn chị 5 tuổi. Đỗ thấp bé nhưng được gắn cái mác là giai phố cổ. Ngày cưới, bố mẹ, họ hàng thân thích mừng nở mày nở mặt. Người ta kháo nhau, nhà chồng là nhà mặt phố, lại là phố hàng hẳn hoi, xem ra mức độ sang trọng đã được tăng lên một bậc. 

 

Còn bây giờ, đôi vai chị gầy hơn cả tưởng tượng. Dáng đổ về phía trước, dáng của người luôn cúi xuống bởi việc nhà, thứ việc tàn phá người đàn bà âm thầm mà đáng sợ nhất. Những gì còn lại đáng kể của chị là một khuôn mặt từng đẹp trên cần cổ từng cao ba ngấn! Mọi ánh sáng trên khuôn mặt chị đều tắt chỉ còn nỗi  gì đó leo lét. 
Chiều nào cũng vậy, xong việc, chị sấp ngửa tay xách nách mang vừa đón con vừa chợ búa cơm nước, trong khi chồng ngồi tán hễu nhâm nhi chén rượu với mấy gã bợm nhậu dưới đường. Mâm cơm nóng hổi tinh tươm được dọn ra, con gái được mẹ sai làm sứ giả đi mời bố về ăn cơm, lần nào cũng về với cái lắc đầu ngao ngán: “bố chưa về đâu mẹ ạ”. Mấy mẹ con lại ngồi cạnh mâm cơm đợi cho đến lúc cơm canh nguội ngắt thì… hắn về. Nhìn quanh một lượt như để dò xét xem có đứa nào phản ứng gì không, hắn hất hàm: “ăn cơm”. Mấy mẹ con lại tất bật hâm lại một lượt đồ ăn, trong khi Đỗ thong thả múc chút canh vào chiếc bát ăn cơm nhấm nháp khai vị…
Cơm nước xong, Đỗ chẳng nhìn ai, rót chén nước, cầm cái tăm rồi ghếch cả hai chân lên mặt bàn xem ti vi. Chị thấy chồng ngồi mà ngượng. Nhìn từ phía sau bàn chân Đỗ đưa chĩa thẳng cái bàn thờ. Chướng quá! Có lần chị bảo. 
-Anh ngồi lại cho ngay ngắn đi, ai lại giơ chân lên ban thờ bao giờ. 
-Sao? Nhà này của ai. Nhà tao, tao thích ngồi kiểu gì thì ngồi, nhá!
Chị nín lặng, lòng dấy lên một sự kinh ngạc và khinh miệt. Chị nghĩ thầm, là người lớn nhất trong gia đình thì càng nên gương mẫu trong từng hành động chứ đâu hễ là người lớn, người sanh ra lễ nghi rồi coi đó là việc của kẻ khác, còn mình cứ ngang nhiên vo tròn, bóp méo tuỳ thích. Đúng là kẻ rao giảng đạo đức nhiều thì tưởng rằng chuẩn mực đó không dành cho mình. Hàng ngày, ông ra rả nói “giấy rách phải giữ lấy lề”, con trai, con gái ông bắt bẻ từng lời nói, cử chỉ, cách ngồi cách đứng sao cho lễ độ, cho ra dáng là con nhà có học, là người Hà Nội… còn ông thì sao? Thì mặc sức ngang ngược ư? Nhưng, đó chỉ có thể là ý nghĩ sâu kín mà Đỗ dù có tinh ma cũng không thể đọc được trong cái đầu của chị, nếu Đỗ biết, chị khó mà sống nổi vì hắn sẽ làm gì đó, một cái gì đó như hất tung mâm bát chẳng hạn, để chứng minh cho bằng được mình là người cai quản, quyền hành uy nghiêm tuyệt đối trong cái nhà này. Mọi sự nhất nhất đều phải tuân phục theo ý muốn của hắn, cho dù ý muốn ấy có điên rồ đến đâu đi nữa. 
Chiều nay sau khi nói chuyện với bố mẹ hắn xong, vừa về đến nhà hắn đã mở rượu ra uống một mình, vừa uống vừa gọi điện thoại đi khắp nơi giọng lè nhè, chửi bới loạn xị. Ông Ba, chú ruột của hắn ở cùng một số nhà, đi làm về ngang ngó vào hỏi: Làm gì mà đã say sưa sớm thế!
Vớ được ông chú, hắn hùng hổ nói về việc ai có quyền thừa kế, quyền sở hữu ngôi nhà, về việc bố mẹ hắn đối xử bất công, chưa cho hắn được cái gì ngoài cái xác nhà… Ông chú nạt, mày là thằng anh cả mà chỉ chăm chăm dành phần hơn cho mình, thử hỏi mấy đứa em mày đã được cái gì chưa, trong khi mày được ở cả cái nhà mặt phố thế này. Cái gì cũng một vừa hai phải thôi chứ. Đỗ cụp mắt xuống, cứng họng. Hắn hiểu ông chú sẽ dễ dàng đè bẹp hắn cả về lý lẽ lẫn sức vóc không một chút khoan nhượng một khi hắn còn tiếp tục lý sự cùn... Ông chú về, hắn cũng bỏ đi.
Đêm, chỉ sau khi chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng Đỗ mới trở về. Đó là điều may cho mẹ con chị, vì hôm nào dở giời mà Đỗ không đi đâu ngồi uống rượu một mình thì đúng là đại họa. Mấy mẹ con cứ len lén như rắn mồng năm. Nằm cạnh thằng cu tí đã ngủ từ chặp tối, nghe tiếng cạch mở cửa, chị giật thót mình cảm nhận rõ rệt cái hơi lạnh xộc vào nhà mang theo cả đám mùi ô hợp: mùi nồng nồng, chua chua của rượu, mùi khăn khẳn của mồ hôi, mùi khét lẹt của thuốc lá, mùi tanh tưởi buồn nôn đến lợm giọng của sự chung chạ. Tiếng cửa đóng đã lâu, căn phòng chìm vào bóng tối âm u đầy đe dọa, ngọn đèn cuối cùng trong nhà đã tắt chỉ còn ánh đèn đường hắt vào đủ để cảm nhận cái bóng đang loạng choạng từng bước nặng nề hướng về chiếc giường mẹ con chị đang nằm. Cái bóng đứng sững ở đầu giường câm lặng. Đầu óc chị căng cứng như quả khinh khí cầu, chị ngồi dậy lê xuống đất để khỏi làm thằng bé thức giấc. Cái bóng với cả đống mùi đổ vật vào người chị cào cấu. Chị cố dúi mặt vào cái gối để tránh lộn mửa vì cái mùi toát ra từ da thịt Đỗ. Nửa tiếng sau đã nghe tiếng Đỗ ngáy đều đều, lúc thì rin rít, phập phồng như mang cá. Tia sáng đèn đường hắt vào vắt ngang qua cổ Đỗ nhìn rõ sợi dây chuyền có mặt chữ H mà Đỗ vẫn thường đeo từ vài tháng nay. Gã có bồ ư! Một đồng nghiệp góa chồng hay một con điếm rẻ tiền vẫn lê la ngoài đầu phố. Có thể lắm chứ, nhưng chị chả quan tâm. Nhìn cái bản mặt hơn hớn khoái lạc của  hắn mà chị thấy kinh tởm. Đỗ cấm chị tiếp xúc với người này, bắt chị cắt đứt quan hệ với người kia. Đỗ đánh chị chết đi sống lại vì ghen còn dương dương tự đắc: những trò trai gái chim chuột tao lạ gì, nhà này mình tao láo toét đủ rồi, đứa nào vớ vẩn đừng trách tao ác…
Những hy vọng như làn khói sương về việc sẽ cảm hóa được Đỗ nhờ đức hy sinh chịu thương chịu khó tần tảo sớm hôm của chị bị bóc dần từng lớp từng lớp, cho đến một ngày chỉ còn trơ nỗi thất vọng xù xì gai nhọn. Sống với Đỗ hơn 10 năm nay, chịu biết bao tủi nhục chị hiểu được những việc Đỗ sắp làm, dự đoán gần như chính xác thời điểm xảy ra, nhưng lại không có cách chi tránh né được. Ví dụ như Đỗ đang ngồi xem tivi kia, chị không thể lên tắt tivi, hay cấm những chương trình trên tivi đừng nói gì đến ngày 8 tháng 3. Cũng như việc chị chẳng thể nào né được những thứ quà tặng mà Đỗ sẽ đem về tặng chị, đem lại cho chị cảm giác ngột ngạt và chứa đựng đằng sau đó không biết bao nhiêu tai hoạ. Từ đó, chị thấp thỏm đợi giây phút ấy xảy ra y hệt như người tử tội đợi giờ hành hình. Đó là thời khắc Đỗ sẽ mang cái gì đó về nhà và nói với chị đây là quà tặng tình yêu. Lúc ấy, chị thấy dợm ở cổ họng, một cái gì đó trào lên như muốn thốc ra ngoài, chị muốn hét lên. Tôi chán cảnh đóng kịch này đến lộn mửa! Và chị muốn hắt cái thứ Đỗ vừa đưa cho chị ra ngoài cửa. Nhưng, chị đã im lặng, nín nhịn y như đã chết rồi. Chết thì còn biết bày tỏ gì nữa chứ.

 

Hơn ai hết, chị là người biết giá trị của những món quà tặng. Chị vẫn giữ đôi găng tay ngày xưa thơ dại Đỗ tặng chị khi còn là sinh viên. Những chùm hoa bất tử Đỗ hái tặng chị năm đầu tiên về làm vợ, một thời chị nâng niu như báu vật. Khi chùm bông khô rồi, chị lấy giấy bóng kính bọc lại treo ngay trên đầu giường ngủ của hai vợ chồng để gìn giữ. Không chỉ vậy, năm đó và những năm sau chị lăn xả vào cuộc sống bất kể ngày đêm để thay Đỗ nuôi cả nhà và mỗi khi mệt mỏi chị cầm chùm hoa lên ôm ấp. Chị nghĩ, tạm thời công việc của chồng chưa tốt, chưa có nhiều cơ hội kiếm tiền, mình đàn bà dù gì cũng dễ chịu đựng hơn, làm bất cứ việc gì miễn kiếm được tiền. Chị dặn lòng mình hãy biết nén đợi khi nào chồng tìm được cơ hội, khi nào chồng kiếm được kha khá tiền mình sẽ nghỉ ngơi.
Chị không nhớ hết những việc mình đã làm. Buôn bán ngoài chợ tranh giành cào cấu nhau như con mẹ dại chị cũng đã thử. Buôn chuyến, làm chủ hụi chị cũng kinh qua. Bán vé số, làm trùm đề chị cũng từng. Mà thôi, kể làm chi chứ? Chỉ có điều trong những năm tháng ấy, Đỗ luôn vênh váo và yên tâm với vị trí là một anh y sĩ quèn. Sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, tiền lương chỉ đủ cho hắn ăn sáng. Đỗ để mặc chị vật lộn lo cuộc sống cho cả nhà, từ cái ăn cái mặc, việc học hành của con cái cho đến việc hiếu hỉ trong họ mạc. Hàng ngày Đỗ như một chàng thư sinh, trắng trẻo, bảnh bao, đi lại thảnh thơi y hệt như một ông chủ phong lưu.
Giờ chị đang làm tạp vụ ở một công ty tư nhân, ngoài giờ đi làm ở cơ quan, chị vẫn tranh thủ đi lấy hàng buôn trên chợ Đồng Xuân rồi bỏ mối cho các điểm bán lẻ. Chị đi từ 4 giờ sáng. Con bé Ngọc, mới học lớp 3, buổi trưa học về, quăng vội cặp sách vào bàn rồi cắp cái rổ ra chợ cơm nước cho hai bố con, ăn xong nó lại vội vàng chuẩn bị đến trường cho kịp giờ học chiều. Trời nắng như đổ lửa, mình con bé chạy ngược chạy xuôi vừa đi học vừa lo việc nhà cơm nước trong khi Đỗ ăn xong lên giường, đánh một giấc trước khi đi làm buổi chiều. Thằng cu con mấy tuần trước sốt virus, người lúc nào cũng nóng như hòn than. Túc trực bên con trong viện cả ngày lẫn đêm chị không dám chợp mắt. Trong đầu chị luôn tưởng tượng ra những điều kinh khủng sẽ đến với con. Chị sợ nó sẽ chết trong lúc chị mệt quá mà thiếp đi giống như trong một cuốn tiểu thuyết chị đọc thời con gái… Nhưng cơ thể vốn đã suy dinh dưỡng của chị không thể chống chọi được với ba bốn ngày liền thức trắng trông con. Đầu óc chị quay cuồng, đôi mắt đỏ đọc, thâm quầng vì thiếu ngủ. Chị nói với chồng: 
-Bố ngồi với con cho em ngủ độ vài tiếng.
-Được rồi, cứ để đấy tôi trông cho.
-Nhưng anh đừng nằm, chịu khó ngồi lau khăn ướt cho con đỡ sốt, để nóng quá thằng bé lại lên cơn co giật. 
-Đã bảo được rồi, cứ để đó tôi lo. Vừa nói, Đỗ vừa thả mình xuống giường bên cạnh. Chị nằm xuống cạnh con, cố nép mình ra xa một chút kẻo lỡ ngủ quên đè lên con. Chị chưa kịp thiếp đi thì đã nghe tiếng Đỗ khò khò kéo như cưa gỗ. Chị ngồi dậy, hai hàng nước mắt chảy dài… 
Sống với Đỗ lâu, chị đã hiểu ra rằng cử chỉ tặng hoa của Đỗ chỉ là cái cách của căn bệnh trưởng giả học làm sang. Và chị là nhân vật trong đầu óc đầy hoang tưởng của Đỗ. Đỗ ban cho chị vinh hạnh nhận quà, và chỉ riêng vinh hạnh ấy thôi chị phải cảm kích mà tận tụy quanh năm, suốt tháng. Năm nào cũng vậy cứ đến ngày 8 tháng 3, ngày 20 tháng 10, ngày sinh của chị… thế nào Đỗ cũng mang về một bó hoa. 
Một ngày, chị trở về nhà cùng bộ mặt thất thần. Toàn bộ số hàng buổi sáng lấy đem đi bỏ mối đã bị quản lý thị trường bắt và thu giữ vì không có đủ giấy tờ hợp lệ. Thế là mất trắng. Vốn liếng nằm cả trong đó. Ngày mai con bé Ngọc đến ngày đóng tiền học, tiền mua sữa cho con, tiền ăn của cả nhà, tiền điện, nước và một ngàn lẻ một thứ cần phải tiêu đến tiền nữa đang chờ chị. Đầu óc chị quay cuồng, chân tay lạnh toát không biết nên ngồi hay đứng thì Đỗ với bó hồng đỏ trên tay mở cửa bước vào.
-Tặng mẹ mày nhân ngày va-len-tin nhá, gớm hôm nay hoa đắt vãi, kiếm mãi mới được bó hoa ưng ý đấy.
Chị chụp nhanh bó hoa, quăng thẳng ra cửa và hét lên: 
-Ông thôi cái màn kịch tặng hoa này đi. Tôi ớn đến tận cổ rồi! Tôi không cần những bông hoa này. Tôi cần ông kiếm gạo, kiếm tiền cùng mẹ con tôi, ông hiểu không? Những bông hoa bị cơn mưa ập đến nhận chìm trong nước đục ngầu. Hôm đó, chị nhận một trận đòn chí tử do Đỗ dạy. Chiếc nhẫn cưới chị vẫn đeo hơn 10 năm nay đã tháo ra từ lúc nào nằm gọn trong lòng bàn tay đang nắm chặt. Với chị hình như nó cũng vô nghĩa như những bông hoa Đỗ tặng. Bỏ lại cái nhẫn trên mặt bàn, chị lặng lẽ dắt các con ra đi…

Bích Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn