'Lật tẩy' các chiêu bài quảng cáo game Việt

Kinh tếThứ Sáu, 20/07/2012 04:00:00 +07:00

(VTC News) - Có thể nói làng game Việt hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ thoái trào khi các NPH liên tiếp lợi dụng những chiêu trò gây shock.

(VTC News) - Có thể nói làng game Việt hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ thoái trào khi các NPH liên tiếp lợi dụng những chiêu trò gây shock hết sức tinh vi và xảo thuật khi dựa trên sức mạnh của truyền thông để quảng bá sản phẩm của mình và sẵn sàng chơi xấu để hạ thấp đối thủ.

Lợi dụng tên miền viết tắt gây shock

Nổ phát súng đầu tiên trong làn sóng sử dụng tên miền gây shock phải kể đến NHP Sgame với clgt.sgame.vn (clgt là tổ hợp viết tắt của game Chân Long Giáng Thế) hồi cuối tháng 3 vừa qua. Kèm với đó là hình ảnh nóng bỏng của nữ hoàng đồ lót Ngọc Trinh đã kích thích trí tò mò cũng như tạo ra phản ứng gay gắt của cộng đồng game thủ Việt.

Nhận thấy hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ từ việc sử dụng tên viết tắt cho teaser, NPH Vạn Vân Chi Vương cũng lập tức tung ra trang giới thiệu vvcv.us kèm hình ảnh "mát mẻ" của Ngọc Quyên. Kết quả, mục tiêu "gây sốc" của nhà phát hành này đã được đền đáp xứng đáng.

Tuy nhiên, NPH lợi dụng tên miền gây sốc và bị tẩy chay nhiều nhất phải kể đến cái tên Minh Châu khi họ đưa ra một cái tên không thể gây tò mò và hiếu kỳ hơn vklchua.com. Trên fanpage của trò chơi này, người quản lý còn cố tình tung ra các câu nói "VKL" một cách vô tội vạ, bất chấp sự phản đối từ phía người xem. Cách quảng cáo này ngay lập tức đã gặp phải phản ứng dữ dội của cộng đồng game thủ. Trên diễn đàn Game thủ.net, nick name rainy hoang đã bức xúc lên tiếng "dùng tên bẩn để câu khách đúng là rẻ tiền. Game không ra gì mới dùng cách này."
Chưa bàn đến chất lượng các game nhưng rõ ràng, việc sử dụng những từ ngữ gợi tục để quảng bá cho sản phẩm game đã vô tình làm xấu đi hình ảnh của game trong mắt cộng đồng. "Nền văn hóa game ngày càng biến chất, buồn khi có những từ này" - nick name Lee (gamethu.net) nhận định.

Lập lờ đánh lận con đen


Việc đứng trên vai người khổng lồ không còn là chiêu thức mới trong quá trình quảng bá game của các nhà phát hành.

Tháng 3/2012, làng game Việt lại một lần nữa dậy sóng khi có thông tin game Chinh Đồ web sắp được phát hành tại Việt Nam. Thậm chí NPH bí mật này còn mạnh miệng khi tung lên những hình ảnh so sánh giữa vật phẩm của game Chinh Đồ với Chinh Đồ web. Mặc dù sau gần 4 năm phát hành, game Chinh Đồ hiện tại đã không còn ở trạng thái đỉnh cao như trước kia, nhưng cái tên của người khổng lồ Chinh Đồ vẫn còn uy lực để đảm bảo một cơn sốt cho Chinh Đồ web. Tuy nhiên, đến tháng 5/2012, bức màn sự thật đã được vén lên khi Chinh Đồ web thật ra chính là Võ Hiệp Truyền Kỳ của NPH Tầm Tay và tất nhiên 2 game Chinh Đồ và Võ Hiệp Truyền Kỳ chẳng có chút gì quan hệ với nhau.

NPH Minh Châu cũng không kém cạnh khi nhanh chóng bắt kịp với xu hướng quảng bá game đứng trên vai người khổng lồ này. Nắm được tâm lý cả cộng đồng gamer Việt đang sôi sục vì những thông tin báo hiệu game bom tấn của năm 2012, Võ Lâm 3 được NPH VNG chuẩn bị ra mắt vào cuối năm, NPH Minh Châu đã nhanh tay “lập lờ đánh lận con đen” khi PR rầm rộ cho sản phẩm sắp ra mắt của mình với cái tên MC Võ Lâm 3.

Sự việc này đã khiến nhiều gamer Việt đinh ninh rằng MC Võ Lâm 3 chính là game Võ Lâm 3 mà mình đang trông đợi bấy lâu nay. "Thấy tên Volam3.vn nhiều người lầm tưởng là Võ Lâm 3", Eakar Tran bình luận. Tuy nhiên, không lâu sau đó, một số game thủ tinh ý đã phát hiện ra sự thật của chiêu bài "núp bóng" của NPH này. "MC Võ Lâm 3 chứ không phải Võ Lâm 3" - Sang Phan chia sẻ.

Chụp từ facebook của MC Võ Lâm 3 

Sự thực, MC Võ Lâm 3 có tên gốc lại là Kiếm Đồ online, một game online trên di động có chất lượng đồ họa xấu, cách chơi đơn giản và tất nhiên chẳng có chút gì quan hệ với Võ Lâm 3 của VNG cũng như dòng game kiếm hiệp nổi tiếng Võ Lâm Truyền Kỳ của Kingsoft.

Hình ảnh Võ Lâm 3 của NPH VNG 
Còn đây là hình ảnh “Võ Lâm 3” phiên bản tiếng Trung 

Slogan mang tính chất dìm hàng đối thủ

Năm 2010, khi sản phẩm Kiếm Thế của NPH VNG đang ở trên ngai vàng của “ông vua” kiếm hiệp, thì NPH FPT Online đã tung ra sản phẩm Tây Du Ký với mục đích soán ngôi của Kiếm Thế. Để cạnh tranh với Kiếm Thế, FPT Online đã không ngần ngại tung ra một chiến dịch quản bá rầm rộ với khẩu hiệu không "sạch": “Một ngày tây du hơn một năm kiếm hiệp”. Không dừng lại ở đó, NPH FPT Online còn buộc gamer phải viết ra slogan này mới cho phép chơi thử sản phẩm Tây Du Ký. Tuy nhiên sau gần 3 năm, Tây Du Ký vẫn chưa thể "vượt mặt" Kiếm Thế.

Người có nick name DD trên trang game.genk.vn chia sẻ "nếu FPT không có những hành động sáng tạo và đa dạng để giữ chân game thủ của mình thì họ sẽ bỏ Tây Du Ký hết cho dù giá vật phẩm rẻ hơn và dễ chơi hơn Kiếm Thế."

Không ăn được thì đạp đổ

Tuy nhiên, chiêu bài "bẩn" nhất trong việc cạnh tranh giữa các NPH thì đến nay vẫn chưa có NPH nào vượt qua được Minh Châu. Cuối năm 2011, trang web longtinh.com thuộc Công ty cổ phần Giải trí di động đã bị hacker đánh sập và ăn cắp toàn bộ cơ sở dữ liệu gây thiệt hại nặng nề cho Công ty. Các cơ quan điều tra đã vào cuộc và xác định được thủ phạm là Trịnh Quang Huy (học sinh lớp 11 ở Tây Sơn – Hà Nội), tội phạm tuổi vị thành viên này đã thực hiện hành vi phá hoại theo sự chỉ đạo của Vũ Hương Giang là nhân viên công ty cổ phần giải trí Minh Châu.

Xoay quanh sự việc, trên trang gocmobile.net, người có nick name nkokskull tỏ ra bất bình "Thông minh nhưng ko biết dùng tài năng đúng chỗ", LeKha7 trên genk.vn thì có một phát ngôn đầy mỉa mai "khá khen cho MC, biết tận dụng nhân tài."

Những chiêu trò quảng bá sản phẩm trên đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng cho làng game Việt hiện nay. Nếu các NPH đồng loạt cổ xúy cho nó, bất chấp mọi thủ đoạn để ghi dấu ấn của sản phẩm với cộng đồng game thủ thì game Việt sẽ đi về đâu?


Lê Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn