Lão Phan đồ cổ bên dòng Hương

Tổng hợpThứ Ba, 21/06/2011 05:46:00 +07:00

Ông già ấy kể những câu chuyện về cổ vật sông Hương không biết chán, như kể về chính máu thịt của ông, chính tình yêu, chính sự sống...

Ấn tượng đầu tiên đối với tôi, đó là một ông già người Huế hiếu khách và…nhiều chuyện. Ông già ấy kể những câu chuyện về cổ vật sông Hương không biết chán, như kể về chính máu thịt của ông, chính tình yêu, chính sự sống. Từ “duyên kỳ ngộ” tới tận bây giờ, tóc trên đầu thêm bạc, ông vẫn đắm đuối với duyên tình con sông ấy cả cuộc đời.

 

 

“Nhất dáng, nhì da, thứ ba… của lạ!”

“Dinh cơ” của “tỷ phú đồ cổ xứ Huế” Hồ Tấn Phan chỉ đơn giản là căn nhà ngói ba gian rộng, cũ kỹ với những mảng rêu phong xanh thẫm, ông Phan mở cửa gian trái nhà, xếp bộ bàn ghế để đón khách. Và những câu chuyện mở đầu của ông với chúng tôi, tất nhiên, về sông Hương. Đưa tay chỉ lần lượt từng khu xếp chiêng đồng, bình vôi, nồi đồng được xếp ngổn ngang, khó tuân theo quy luật nào, như một mê cung, ông Phan bảo: “Mấy em có nghe sông nào có hàng nghìn cổ vật chưa?” “Nếu nói đồ cổ có linh hồn, thì đồ cổ dưới sông Hương có linh hồn toàn vẹn, chứ không thơ ấu đâu nhé!”. Giống như một quyển thông sử xuyên suốt, sông Hương sẽ kể ta nghe những câu chuyện bao đời không phải chỉ riêng xứ Huế.

Chậm rãi pha trà, ông chỉ chúng tôi sơ sơ cách phân biệt cổ vật sông Hương qua các đời. Rồi ông kể duyên kỳ ngộ của mình với chúng. “Những người vạn chài đói khổ chuyên làm nghề lặn, kiếm sắt thép dưới lòng sông bán kiếm sống. Họ thấy những chiếc bình cổ, hình dáng lạ dưới sông, đẹp lắm, vứt hoài uổng quá. Nhưng dân ta từ xưa vẫn quan niệm cái gì không có nguồn gốc xuất xứ thì rất sợ hồn ma bóng quế, không dám đưa vô nhà, gan lắm cũng chỉ để hàng rào. Một lần vợ tui đi đỡ đẻ giúp những người dân ở xóm vạn chài, bà ấy nhìn thấy. Bà ấy biết tui thích những thứ cũ kỹ đó, bèn xin về cho chồng…chơi. Nhìn chúng, tui thích quá, tui dặn bà ấy, lần sau cứ mang về. Và những lần sau thì vợ tui mua. Sau tui tự đi mua. Cơ hội ông bà tổ tiên xui khiến tui mới được gặp những món đó. Tui ngắm đêm ngày, đọc sách sử tìm hiểu về chúng đêm ngày” - Ông cười xòa khiêm tốn - “ Tui là một thầy giáo, có lẽ nói là tầm thường chứ không phải là bình thường nữa. Những kiến thức tui được học trong ngành Sư phạm sử, tui đem hết ra để say sưa tìm hiểu. Nào là chất men, tuổi thọ rồi dáng dấp của từng món. Tui mê đến nỗi, bà vợ tui trêu, tui mê nghiên cứu như là mê đàn bà vậy, mê hơn cả vợ con. Lúc đó tui chỉ biết cười xòa, thì tui là đàn ông, mà đàn ông thì bà còn lạ gì, chẳng phải “nhất dáng, nhì da, thứ ba…của lạ” đó sao. Tui nói thế, và bà ấy chỉ cười.

 

 

“Nhịn mua món đồ lành, tui mua đồ bể”

“Lúc đầu tui khổ chứ, có người hỏi tiền đâu sao bác mua được nhiều đồ cổ thế? Tui hỏi lại, tui cũng ngạc nhiên giống anh, không hiểu sao tui mua được nhiều thế. Như người ta đắp mền vậy, khéo co thì ấm. Tất cả mọi nhu cầu của mình đều cần hạn chế tối đa. Có lúc tui không từ chối cả đi vay nóng. Có lúc tui ngồi ở nhà, người ta cứ chở tới bán cho tui. Có ngày họ chở hàng chục xe thồ, toàn bình vôi, nồi đồng, chiêng đồng tới”. Ông Phan chiêm nghiệm: “Cả đời tui nghiệm rằng, trước hết mình tự giúp mình, sau trời sẽ giúp”.

“Dần dần có nhiều mối quan hệ, tui có quyền định giá. Hàng chục món họ chở đến, tui chỉ liếc 1 vài món đúng yêu cầu của mình rồi trả giá, có khi dăm bảy trăm nghìn, có cái trị giá tới bạc triệu. Ban đầu người ta biết mình là địa chỉ tin cậy, quen thuộc, họ tới. Về sau, khi họ rành quá rồi, có những cái họ hô giá cực cao, mình không mua được, họ bán cho đại gia khác. Lúc đó tui chỉ còn cách là mượn họ chụp lại ảnh để nghiên cứu. Điều tui tiếc nhất đấy! Nhưng tui có cách khác, những cái đó mình không mua được nhưng số tiền đó tôi có thể mua hàng trăm thứ bể khác. Bởi, với những người nghiên cứu, cổ vật bể hay lành chưa chắc quan trọng, miễn là nó đã từng xuất hiện trong cuộc sống con người ở đây. Tui nhịn mua cái lành, tui mua cái bể”. Cuối cùng nhìn lại, đến tui cũng ngạc nhiên “Ô, sao tiền đâu mà mình mua được nhiều thế nhỉ?”.

“Ở Huế có một tay mua rất…ghê gớm, cái chi cũng mua hết, mua ít nhất cũng gấp 10 lần tui. Nhưng tui thấy mình may mắn lắm rồi, sau năm 75 tui có nhiều bạn bè lắm, mỗi người giúp một ít, tui mới giữ được đam mê của mình đến tận bây giờ”.

 

 

Đắm đuối mãi, sông Hương…

Có người hỏi tui: “Ông điên à? Tui hỏi, sao nói tui điên? Họ bảo ông điên nên mới bỏ chum đồng vô nhà. Tui bảo, tui không thích bảo tàng, bạn bè đến nhà tui cứ… êm êm mà tiếp.

Có 1 ông giáo sư đại học người Nhật, ông ấy gọi cho tui: A lô, dạ thưa ông, tôi có thể đến thăm ông được không? Tui nghĩ, chúng ta là người Việt Nam, nếu không đồng ý thì họ nói sao về người Việt chúng ta. Ông ấy đi cùng thông dịch viên và những người tháp tùng. Mấy năm như vậy, ông ấy vẫn từ Sài Gòn ra thăm tui. Ông ấy cứ ôm 1 cái bình cổ, ngắm kỹ rồi cười cười: Ngó để sống lâu! Khi đó ông ấy đã già lắm. Lâu rồi không thấy ông ấy tới nữa, có lẽ ông ấy đã mang theo những nỗi niềm với cổ vật về trời rồi”.

Ông Phan bảo, cả đời không giao tiếp nhiều, không biết nói chuyện sao cho hay, nhưng ông biết gì, ông sẽ nói hết. Hỏi ông có nuối tiếc về việc bảo tồn cổ vật sông Hương? Ông bảo, người ta ai cũng có mặt tốt mặt xấu, tui cũng thế thôi. Nếu người ta mà quan tâm đến vấn đề này, tui 1 miếng cũng không có đâu - ông cười khà khà thật thà - Một dòng sông có lớp trầm tích, đáng quan tâm lắm chứ, chỉ tiếc là đang bị phân tán.

Nghe ông nói chuyện, nhìn đôi mắt ông vẫn nhiều nỗi nuối tiếc lắm! Dường như ông nuối tiếc nhiều về bạn bè. Ông bảo: “Giảm bớt bạn bè, tui trở thành người lạc hậu, co ro cúm rúm trong không gian này, đánh bạn với cổ vật thôi. Nhưng tui tự nói với mình, bớt bạn này, tui có bạn khác, những người có cùng tâm sự như tui về thời xa vắng của sông Hương, của Huế rất xưa. Thì người ta vẫn bảo “yêu nhau cùng nhìn về một phía” đó thôi. Cái mà mình đang có, được người ta tò mò tìm hiểu, người ta chuộng, mình cũng khoái lắm chứ! Có người say sưa khi ngắm cổ vật nhà tui, tui cảm động đến rơi nước mắt chứ. Có anh đến lần đầu, lần sau đưa cả vợ con đến nhà tui. Biết rằng trong đời, chỉ là phận “bèo nước gặp nhau” nhưng cùng hướng tình yêu về sông Hương, về những thứ cổ trầm tích này, đã đủ vui để sống thêm nữa rồi”.

 
Nhiều người nói, ở cái tuổi xế bóng cuộc đời, nhìn mưa Huế vào những chiều buốt lạnh càng thêm não lòng nghĩ về kiếp đời, phận mỏng. Nhưng ông Phan vẫn mang nét cười háo hức, tươi vui, nhắc tới sông Hương như một bóng hình trọn đời nặng đầy niềm tri kỷ. “Có người hỏi tui, sau này ông chết đi, số cổ vật sông Hương này tính sao? Tui hỏi lại họ, theo anh tui nên tính sao nhỉ, tui cũng phân vân lắm! Có một hôm tình cờ nửa đêm tui thức dậy, tui bỗng “ngộ” ra, và mọi sự đều sáng tỏ: Chân lý đơn giản lắm, nó không phiền toái đâu. Bản thân tui, tui quý số 1 mà tui còn không giữ được thì những loại quý thứ nhì, thứ ba tui giữ làm gì. Cái duyên đưa đấy chúng tới bên mình, cũng sẽ đưa đẩy chúng đi. Khi mình còn sống, hãy làm việc mình thích, sau đó người khác sẽ làm, hơi đâu mình làm mãi. Từ đó về sau, chiều đó tui biết mình sẽ chết, chiều đó tui vẫn làm việc bình thường. Cuộc đời vốn là vậy, lo nghĩ chi cho mệt”. Rồi ông cười: “Sức đến đâu mình đi đến đấy. Không ai muốn chết, nhưng người vui cũng chết, buồn rồi cũng chết. Chỉ có sông Hương vẫn ngậm ngùi với lớp trầm tích thương yêu của nó đối với dân tộc này, cứ dịu dàng mãi…”. Nói rồi ông thoáng im lặng, nhìn ra phía những chồng chum vại cổ, bình vôi được xếp la liệt ngoài vườn. Ông sốt sắng bảo: Để tui nhắc bà xã nấu cơm tối, ăn bữa tối rồi cùng nói chuyện tiếp nhé!”, ông hiếu khách và háo hức như một đứa trẻ. Với ông, có lẽ sẽ chẳng có đêm với ngày, miễn là ông được nói chuyện về sông Hương, về chuyện đời của những cổ vật mang linh hồn ấy.

Mưa Huế cứ dai dẳng thế, như thể lâu lắm đã khao khát đợi ánh le lói mặt trời. Từ chối bữa cơm tối ông háo hức mời, chúng tôi ra về trên con đường khi trời chiều vẫn giăng ngặt lối mưa. Tôi sẽ không quên cái dáng dấp hao gầy của ông đứng bên cánh cửa cũ mòn, ánh nhìn tiếc nuối, hoang hoải như tiễn những người bạn thân hữu đã quen từ lâu lắm. Tôi nhớ một người hàng xóm của ông bảo: Ông già Phan mê sông Hương, mê cổ vật, mê… cả những người ngồi mê mẩn cả buổi nghe ông nói về tình yêu đó của ông, “cuồng” như chưa bao giờ được yêu nhiều như vậy…Nhắc về “ông già nhiều chuyện”, có điều gì đó cồm cộm, rồi cuộn tròn trong nỗi nhớ của chúng tôi, lạ vậy…

Thùy Dung

Bình luận
vtcnews.vn