Lãnh đạo Trung cấp Y Hà Nội lên tiếng vụ ép nộp bằng gốc

Giáo dụcThứ Sáu, 23/10/2015 07:16:00 +07:00

Lãnh đạo trường Trung cấp Y Hà Nội đã phản hồi xung quanh thông tin phản ánh về việc nhà trường ép giáo viên phải nộp bằng gốc.

(VTC News) – Lãnh đạo trường Trung cấp Y Hà Nội đã phản hồi xung quanh thông tin phản ánh về việc nhà trường ép giáo viên phải nộp bằng gốc.

Xung quanh thông tin trường Trung cấp Y Hà Nội “ép buộc, dọa nạt” giáo viên để thu bằng gốc, phóng viên VTC News đã làm việc trực tiếp với Ban giám hiệu, công đoàn và các giáo viên liên quan.
 Ông Nguyễn Văn Thêm, Hiệu trưởng trường Trung cấp Y Hà Nội (Ảnh: Phạm Thịnh)
Trả lời VTC News về việc này, ông Nguyễn Văn Thêm, Hiệu trưởng trường Trung cấp Y Hà Nội khẳng định không có sự ép buộc mà là sự thỏa thuận dân sự giữa nhà trường và giáo viên.

Ông Thêm cho biết ngay khi phỏng vấn và ký hợp đồng lao động, các giáo viên đã cam kết nộp văn bằng gốc để nhà trường lưu giữ và hứa sẽ công tác ít nhất 3 năm tại trường.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y Hà Nội khẳng định không có chuyện các giáo viên bất ngờ trước thông báo nộp bằng của trường.

Ông Thêm cho hay, việc lưu giữ bằng gốc nhằm quản lý người lao động và ràng buộc trách nhiệm của giáo viên với nhà trường.

Trước đây, nhiều giáo viên trẻ thường có tư tưởng “ đứng núi này trông núi kia” nên sau khi công tác tại trường trong một thời gian ngắn đã vội vàng chuyển đi cơ quan khác.

Trong khi đó, nhà trường phải mất rất nhiều thời gian và chi phí để đào tạo đội ngũ giáo viên đứng lớp.

“Đây chỉ là thỏa thuận dân sự với những giáo viên có mong muốn công tác tại trường”, ông Thêm khẳng định.
Ông Trần Thái Khanh, Chủ tịch công đoàn trường Trung cấp Y Hà Nội trao đổi với VTC News
Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc, phóng viên VTC News đã làm việc trực tiếp với Chủ tịch công đoàn trường Trung cấp Y Hà Nội và 5 giáo viên trong danh sách liên quan đến vụ việc.

Trả lời VTC News về vấn đề này, ông Trần Thái Khanh, Chủ tịch Công đoàn nhà trường cho biết vừa qua một số đơn vị đã đưa tin không chính xác về nhà trường.

“Từ khi tôi làm Chủ tịch Công đoàn chưa có giáo viên nào phản ánh bức xúc về việc bị lưu giữ bằng gốc”, ông Trần Thái Khanh thông tin.

Vị chủ tịch Công đoàn trường Trung cấp Y Hà Nội cho rằng tất cả các giáo viên trong nhà trường sau khi ký hợp đồng lao động đều tự nguyện nộp đơn xin gia nhập tổ chức công đoàn.

“Do đó, theo quy chế, nếu người lao động có ý kiến với người sử dụng lao động cần phản ánh thông qua tổ chức công đoàn cơ sở nhà trường”, ông Khanh nói.
Kiến nghị của 11 giáo viên liên quan đến vụ việc
Kiến nghị của 11 giáo viên khẳng định không có sự ép buộc, dọa nạt từ phía lãnh đạo trường Trung cấp Y Hà Nội

Bên cạnh đó, ông Khanh cho biết sau khi có thông tin phản ánh, Công đoàn nhà trường đã có buổi làm việc với 11 giáo viên liên quan. Tuy nhiên, cả 11 giáo viên đều khẳng định không hề bức xúc với việc làm của nhà trường.

“Nhà trường không dọa nạt giáo viên về việc thu bằng. Việc lưu giữ bằng chuyên môn của giáo viên mới xin vào trường làm việc trong thời hạn 36 tháng là sự tự nguyện cam kết thực hiện hợp đồng của người lao động. Việc này để khẳng định rằng người lao động không tự ý chấm dứt hợp đồng sau khi được nhà trường đào tạo, bồi dưỡng và bố trí công việc ổn định”, ông Khanh lý giải.

Bên cạnh đó, vị Chủ  tịch Công đoàn nhà trường cũng cung cấp văn bản kiến nghị của tập thể 11 giáo viên liên quan vào ngày 15/10.

Nội dung bản kiến nghị của 11 giáo viên khẳng định: “Việc ký hợp đồng lao động với nhà trường trong thời gian 36 tháng là nguyện vọng của người lao động và để xác định trách nhiệm thực hiện hơp đồng với nhà trường. Chúng tôi tự nguyện nộp bằng trong thời gian 36 tháng với mục đích cam kết rằng: Chúng tôi sẽ không tự ý chấm dứt hợp đồng sau khi được nhà trường đào tạo, bồi dưỡng và bố tri công việc ổn định vì chúng tôi đều là những giáo viên mới vào nghề. Nhưng khi ký hợp đồng, chúng tôi không mang theo bằng gốc nên được nộp bổ sung sau. Do công việc bận và nhà xa nên chúng tôi chưa kịp nộp để nhà trường phải thông báo nhắc nhở”.

Nội dung kiến nghị của 11 giáo viên cũng cho rằng: “Sự thật chúng tôi thấy nhà trường không ép buộc hay có dọa nạt nào. Hiện tại chúng tôi đang được bố trí công việc ổn định, phù hợp với chuyên môn được đào tạo và không có ý kiến gì khiếu nại với nhà trường về việc này”.

Hiện tại, những thông tin không chính xác đã gây tâm lý hoang mang, xáo trộn trong công việc của đội ngũ giáo viên nhà trường.
Các giáo viên trao đổi với VTC News đều khẳng định không hề có sự bức xúc gì với nhà trường
Các giáo viên trao đổi với VTC News đều khẳng định không hề có sự bức xúc gì với nhà trường 
Trả lời VTC News, cả 5 giáo viên của trường Trung cấp Y Hà Nội đều khẳng định không có bức xúc về việc phải nộp bằng gốc cho nhà trường.

Các giáo viên này khẳng định đều đã được nhà trường thông báo về thỏa thuận lưu giữ lại bằng gốc trong thời gian 36 tháng và đều tự nguyện nộp lại bằng.

Chị Ninh Thị Ngọc Bích, một trong số 11 giáo viên thuộc diện có thỏa thuận nộp bằng cho nhà trường cho biết, chị đã cam kết nộp bằng gốc cho nhà trường. Tuy nhiên, do điều kiện xa nhà nên chị Bích vẫn chưa thể lấy bằng gốc nộp cho nhà trường. Hiện tại, nhà trường vẫn tạo điều kiện thuận lợi để cho các giáo viên công tác.

“Giáo viên ở trường này có nhiều ưu đãi. Trường cũng trả lương để thu hút giáo viên. Với chế độ lương như vậy những sinh viên vừa ra trường như chúng tôi cũng đủ sống”, chị Bích tâm sự.

Cũng có cùng quan điểm này, chị Hà Thị Vân Anh, một giáo viên khác chia sẻ, dù trước đây tôi làm việc trong cơ quan nhà nước nhưng vẫn lựa chọn sang làm việc tại trường Trung cấp Y Hà Nội đã được hơn 1 năm.

Chị Vân Anh cho biết bản thân cũng tự nguyện nộp bằng gốc và cam kết làm việc tại trường tối thiểu 36 tháng. Chị Vân Anh đánh giá khoảng thời gian làm việc cam kết 36 tháng là hợp lý vì nhà trường đã phải đầu tư rất nhiều cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên từ khi bắt đầu làm việc tại trường.

Trao đổi với VTC News, chị Lê Hồng Nhung, đã làm việc tại trường hơn 1 năm cho biết cũng hoàn toàn đồng tình với quy định lưu giữ bằng gốc của trường.
 Ông Vũ Đức Khôi, Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Y Hà Nội khẳng định nhà trường luôn quan tâm, chăm lo đến lợi ích của giáo viên và sự phát triển của trường (Ảnh: Phạm Thịnh)
Trả lời thêm về vấn đề này, ông Vũ Đức Khôi, Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Y Hà Nội thông tin hiện tại nhà trường có gần 70 giáo viên.

Trong khi đó, việc đào tạo được một giáo viên có thể đứng lớp thường mất ít nhất 3 - 6 tháng. Chi phí đào tạo một giáo viên trẻ cũng mất khoảng 18 triệu đồng.

Nếu những giáo viên này chỉ làm việc ở trường dưới 1 năm thì nhà trường sẽ bị thâm hụt kinh phí rất lớn. Trong khi đó, trường Trung cấp y Hà Nội phải hoàn toàn tự chủ về kinh phí.

Được biết năm trước nhà trường có tới 3 trường hợp chuyên ngành Dược sau thời gian ngắn đã nộp đơn xin nghỉ nên các khoa chuyên môn thiếu trầm trọng giáo viên.Việc làm này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch giảng dạy, đào tạo của nhà trường đã được các cơ quan chức năng phê duyệt.

Vì vậy, ông Khôi cũng khẳng định những việc làm của nhà trường là hoàn toàn phù hợp và dựa trên lợi ích của giáo viên và sự phát triển của nhà trường.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn