Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai doạ khởi tố, tài xế dùng tiền lẻ nói sẵn sàng hầu toà

Thời sựThứ Tư, 11/10/2017 18:36:00 +07:00

Khi hay tin cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra, nếu đủ yếu tố vi phạm sẽ khởi tố vụ việc, một số tài xế từng dùng tiền lẻ trả phí qua trạm BOT Biên Hoà cho biết họ không phạm luật nên sẵn sàng hầu toà.

Vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng sẽ yêu cầu cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra việc các tài xế cố tình dùng tiền lẻ trả phí, gây ách tắc giao thông tại trạm BOT Biên Hoà trên quốc lộ 1 (đoạn qua xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) và nếu đủ yếu tố vi phạm sẽ khởi tố vụ việc.

Chiều 11/10, trả lời VTC News, một số tài xế từng dùng tiền lẻ trả phí qua trạm BOT này khẳng định không phạm luật nên sẵn sàng hầu toà.

Tài xế Nguyễn Quang Bình (ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai) bức xúc nói: "Ông Phó chủ tịch tỉnh doạ sẽ khởi tố chúng tôi, khởi tố vì điều gì? Chẳng nhẽ chúng tôi không có tiền chẵn, nên dùng tiền lẻ trả phí là sai, là phạm tội? Mà nói thẳng ra, không phải tôi không có tiền chẵn, mà đúng hơn là tôi thừa tiền lẻ, nên tiêu cho hết thôi".

21641535_1964426987104131_694973553_n-1022052

Các tài xế đồng loạt dùng tiền lẻ mệnh giá 200 - 500 đồng mua vé để phản đối việc đặt trạm thu phí tuyến tránh Biên Hoà sai vị trí.

Tài xế Bình cũng khẳng định việc dùng tiền có mệnh giá nhỏ không hề vi phạm luật pháp nên không thể khởi tố những người tài xế.

"Hơn nữa, tôi cũng đã tìm hiểu, tền giấy Việt Nam đang được lưu hành với các mệnh giá: 100đ, 200đ, 500đ, 1000đ, 2000đ, 5000đ, 10.000đ, 20.000đ, 50.000đ, 100.000đ, 200.000đ và 500.000đ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành là đồng tiền pháp định, được dùng làm phương tiện thanh toán không hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam.

Vì vậy việc sử dụng tiền các loại mệnh giá khác nhau trong trao đổi, trả phí dịch vụ không có gì là sai phạm. Mặc khác việc từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành là hành vi bị nghiêm cấm. Cho nên, tôi khẳng định mình không phạm luật, tôi sẵn sàng hầu toà để tiếp chuyện khi được mời", tài xế Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tài xế Nguyễn Bá Luân (ngụ TP Biên Hoà, Đồng Nai) chia sẻ đã rất sốc khi nghe tin sẽ khởi tố. 

"Không có quy định nào cấm dùng tiền lẻ trong giao dịch dân sự, vì tiền dùng ở mệnh giá nào đều do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, được lưu hành hợp pháp. Việc ùn tắc giao thông do tốn nhiều thời gian kiểm đếm tiền là do nhân viên trạm thu phí không kiểm đếm nhanh chóng, chứ không phải do chúng tôi sai khi dùng tiền lẻ trả phí", tài xế Luân khẳng định.

21682320_1964427117104118_760287892_o-1019344

Tài xế dùng tiền lẻ trả phí qua trạm BOT Biên Hoà gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Ông Luân cho rằng nếu quy tài xế vào vào tội xúi giục, kích động thì càng sai vì không có bằng chứng.

"Bản thân chúng tôi tự hiểu được cái nào đúng, cái nào sai và làm. Chúng tôi đâu dại dột đến nỗi ngồi nghe người khác kích động mà phạm luật. Việc nhiều tài xế dùng tiền lẻ cũng có thể là trùng hợp thôi, mà tôi nghĩ thay vì UBND nói khởi tố thì hãy điều động thêm nhân viên thú phí để kiểm tiền cho nhanh", tài xế Nguyễn Bá Luân (ngụ TP Biên Hoà, Đồng Nai) bức xúc. 

Trước đó, chiều 10/10, UBND tỉnh Đồng Nai cùng các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư đã tổ chức họp bàn về tình hình phức tạp tại trạm thu phí này trong những ngày vừa qua.

Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, ông Trần Văn Vĩnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, về việc quốc lộ 1 bị tê liệt nhiều giờ liền trong ngày 5/10 do các tài xế rủ nhau dùng tiền lẻ mua vé, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra và nếu đủ yếu tố vi phạm sẽ khởi tố vụ việc.

Video: Tài xế dùng tiền lẻ qua trạm BOT Biên Hoà

"Về vấn đề nhiều tài xế rủ nhau dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm BOT Biên Hoà và cố tình dừng xe làm mất thời gian, chúng tôi đã giao cho các cơ quan tư pháp của tỉnh tiếp tục làm việc, xử lý các đối tượng vi phạm. Sau khi xem xét, tùy vào mức độ sẽ có hướng xử lý, đồng thời chúng tôi sẽ giao cho cơ quan chức năng điều tra, nếu đủ yếu tố vi phạm sẽ khởi tố vụ việc", ông Trần Văn Vĩnh thông tin.

Trước đó, vào sáng 5/10, hàng loạt tài xế dàn hàng, từ từ tiến vào trạm thu phí Biên Hòa. Các tài xế đồng loạt dùng tiền lẻ mệnh giá 200 - 500 đồng mua vé khiến tình trạng kẹt xe diễn ra trong khoảng 30 phút.

Trước tình trạng trên, phía trạm BOT Biên Hòa đã miễn phí đối với những tài xế dùng tiền lẻ qua trạm. Đồng thời điều động thêm nhân viên, bảo vệ đến trạm và nhờ sự hỗ trợ từ lực lượng CSGT huyện Trảng Bom để đảm bảo tình hình giao thông.

Đến khoảng 15h ngày 5/10, hàng loạt tài xế lại tiếp tục dàn hàng, tiến vào trạm thu phí Biên Hòa. Vì thế, phía trạm BOT Biên Hòa lại phải xả trạm thêm lần nữa, đồng thời điều động thêm người đến trạm cùng sự hỗ trợ của lực lượng CSGT huyện Trảng Bom, lập các chốt chặn trên quốc lộ 1 để điều tiết xe ô tô đi vào các tuyến đường tỉnh lộ 769, 797, đường cao tốc Dầu Giây - TP.HCM.

zzzzz-3-2044353 3

 Các tài xế dùng héo quay để cúng trạm BOT Biên Hòa.

Đáng nói, không những dùng tiền lẻ trả phí qua trạm, các tài xế còn dàn xe chặn trạm, mang 2 con cá tra lớn đến cúng trước trạm BOT Biên Hoà.

Đến ngày 6/10, Công an huyện Trảng Bom đã viết giấy, mời một số tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm BOT Biên Hoà lên trụ sở làm việc.

Theo đó, có ít nhất 2 tài xế đã được công an viết giấy mời lên làm việc. Nội dung ghi trong giấy mời các tài xế nêu rõ “Làm việc về xe ô tô biển số… qua trạm thu phí Trảng Bom” do Thượng tá Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng Công an huyện Trảng Bom ký ngày 6/10.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải cho biết, lý do Công an huyện Trảng Bom viết giấy mời các tài xế trả tiền lẻ qua trạm BOT Biên Hoà lên làm việc là vì liên quan đến sự cố quốc lộ 1 bị tê liệt nhiều giờ vào ngày 5/10.

Trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa được đưa vào hoạt động từ năm 2014. Vấn đề khiến người dân phản đối ở trạm BOT Biên Hoà là thu phí đường tránh nhưng lại đặt trạm trên quốc lộ 1, cách tuyến đường tránh khoảng 10 km. Việc thu phí vô lý này đã diễn ra hơn 3 năm nay khiến người dân bức xúc.

Theo Công ty Cổ phần đầu tư Đồng Thuận (chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh Biên Hoà), địa điểm đặt trạm đã được Bộ GTVT và các cơ quan chức năng đồng ý. Dự án được đơn vị này thực hiện gồm việc xây dựng đường tránh dài hơn 12 km và xây dựng, cải tạo nền, cải tạo mặt quốc lộ 1 với chiều dài 10 km, tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án là 10 năm.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn