Lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty phải bồi hoàn nếu để mất vốn Nhà nước khi cổ phần hoá

Kinh tếThứ Sáu, 03/02/2017 07:09:00 +07:00

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xác định trách nhiệm cá nhân trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có Chỉ thị về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xác định trách nhiệm cá nhân trong thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ.

Ông cũng yêu cầu xử lý nghiêm lãnh đạo, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

"Trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật", chỉ thị nêu rõ.

sep-tap-doan-tong-cong-ty-phai-boi-hoan-neu-de-mat-von-nha-nuoc-khi-co-phan-hoa

Thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước vừa qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn. 

Sếp các tập đoàn, tổng công ty phải xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới, doanh nghiệp Nhà nước theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, báo cáo tình hình thực hiện (nêu rõ khó khăn, vướng mắc nếu có) định kỳ theo quý, năm về Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Bộ Tài chính sẽ là cơ quan đầu mối tổng hợp, báo cáo Thủ tướng hàng quý, năm.

Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính trong quý II/2017 trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91 ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Nghị định sửa đổi này sẽ mở rộng thêm các phương thức thoái vốn khác như: đấu giá thông thường hoặc bán cả lô toàn bộ phần vốn Nhà nước tại công ty đại chúng niêm yết; xác định giá khởi điểm đối với phần vốn Nhà nước trước khi tổ chức bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn chứng khoán...

Trong tháng 2/2017, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần trình Chính phủ Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập, danh mục đơn vị sự nghiệp công lập của các Bộ, ngành, địa phương và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện nhiệm vụ công ích của doanh nghiệp sẽ được cơ quan này lần lượt ban hành trong quý I và II/2017.

Tổng kết quá trình cổ phần hoá 5 năm qua cho thấy, tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm, Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối. Số lượng vốn tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã bán ra chỉ chiếm khoảng 8% vốn Nhà nước; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ…

(Nguồn: Vnexpress)
Bình luận
vtcnews.vn