Làng “nói trạng” và “nghĩa địa âm hồn”

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 06/03/2011 08:56:00 +07:00

Ở Quảng Trị có một thôn người dân quy tập, xây “nghĩa địa âm hồn” cho những phần mộ “cô đơn” và hương khói, đặc biệt là trong những dịp lễ, tết

Ở Quảng Trị có một thôn người dân quy tập, xây “nghĩa địa âm hồn” cho những phần mộ “cô đơn” (không có người chăm sóc) và hương khói, đặc biệt là trong những dịp lễ, tết.

Từ quy tập và làm giỗ …


Làng Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú (Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) được người dân trong và ngoài nước biết tiếng lâu nay về tài năng sáng tác và kể “truyện trạng” (truyện không có thực giống như chuyện bác Ba Phi ở Nam Bộ). Nhưng những năm gần đây làng còn được biết đến với tên gọi “làng sâu nặng nghĩa tình”.

Cách trung tâm huyện Vĩnh Linh về phía Đông gần 10km, làng Huỳnh Công Tây tọa lạc trên một vùng đất bằng phẳng thuận lợi cho việc trồng hoa màu. Xa xa là những gò đồi thấp tháng những rặng trâm bầu mọc theo những triền cát trắng nổi tiếng đã đi vào thơ ca.

  Bác Trần Duy Anh, thôn Huỳnh Công Tây thường xuyên hương khói
 cho những phần mộ tại “nghĩa địa âm hồn”.
 

Hỏi đường về nhà chị Dạ Hương, Trưởng ban văn hóa xã Vĩnh Tú, chúng tôi được nhiều em nhỏ, cụ già tận tình chỉ: “đi thẳng, thấy nhà hai tầng vào một đoạn thì đúng”. Nói xong, họ đều nhấn mạnh: “nhớ nghe, gần cái nhà hai tầng có sơn màu xanh ấy, nếu không để ý là lạc ngay đó vì làng này nhà hai tầng đếm không hết”. Nghe vậy chúng tôi thấy vui trước sự đổi mới, giàu sang của làng quê.

Ai dè khi gặp bác Trân Duy Anh, 68 tuổi, Hội phó Hội Người cao tuổi làng Huỳnh Công Tây thì mới biết dân làng tranh thủ người lạ chỉ đường theo kiểu “làng trạng” cho lạc quan yêu đời, chứ làng này đâu có nhiều nhà cao tầng như thế.

“Làng trạng” thì đã rõ, song làng Huỳnh Công Tây xây “nghĩa địa âm hồn” và quy tập những phần mộ cô đơn về an táng chăm sóc, hương khói thì bấy lâu nay giờ mới được kể.

Bác Anh cho biết: bắt đầu từ năm 2002, Hội Người cao tuổi thôn Huỳnh Công Tây đã xin phép các cơ quan chức năng xã tiến hành và tìm kiếm, cất bốc các phần mộ không có tên tuổi nguồn gốc, không có người chăm sóc nằm rải rác tại nhiều nơi ở các vùng gò đồi về tại “ngôi nhà” chung tại “nghĩa địa âm hồn”. Ban đầu, Hội Người cao tuổi đã cất bốc được khoảng 200 ngôi mộ, về sau lên đến 400 ngôi và lúc đó mộ quy tập về nghĩa trang chỉ được đắp nấm bằng đất cát thôi. Năm 2008, “nghĩa địa âm hồn” được xây dựng nghiêm trang như: có cổng chào, bia thờ chung và những nấm mồ xây bằng bê tông… Đặc biệt là vào ngày mồng 4 Tết hàng năm, cả dân làng đóng góp tiền bạc mua sắm các lễ vật làm giỗ cho những phần mộ “cô đơn” tại “nghĩa địa âm hồn này. Lễ giỗ có các loại bánh chưng, bánh tét, hoa quả, tiền bạc địa âm, các loại trống, kèn, chiêng và có những nghi lễ hát múa đúng theo nghi thức cúng bái người đã khuất.


Theo bác Anh, số mộ tại “nghĩa địa âm hồn” của làng phần lớn chết vào những năm 1945 và 1947 và hầu hết không phải là người dân của làng. Trong những phần mộ ấy, có thể có liệt sỹ vì vùng đất của làng trước đây là khu căn cứ cách mạng.

Đến trồng rừng để… lấy kinh phí lo cho những vong hồn

Chị Dạ Hương, Trưởng ban Văn hóa xã Vĩnh Tú cho biết, ngày đầu các bác trong Hội Người cao tuổi thôn vất vả lắm bởi việc xây “nghĩa địa âm hồn” không có kinh phí. Mặt khác, việc xây nghĩa trang kiểu như thế ít nơi làm nên chưa được sự đồng thuận của cấp chính quyền địa phương. Khó khăn là vậy, song các cụ già làng Huỳnh Công Tây vẫn quyết tâm thực hiện cho bằng được việc làm ý nghĩa và nhân văn ấy.

Được sự đồng tình cao của dân làng, mỗi gia đình quyên góp 50.000 đồng, cùng với những tấm lòng của con, em trong làng đang làm ăn xa ủng hộ, như chị Trần Thị Ánh ở Hồ Chí Minh ủng hộ 12 triệu đồng... Hội Người cao tuổi Huỳnh Công Tây có 30 triệu đồng để xây dựng “nghĩa địa âm hồn” với diện tích hơn 1000m2.

Bác Anh khẳng định, nếu không có dân làng với những người con xa quê ủng hộ chắc chắn việc làm trên không thể nào thực hiện được.

Khu “Nghĩa địa âm hồn”. 

Sắp tới, Hội Người cao tuổi thôn sẽ quy tập và đưa 200 phần mộ “cô đơn” còn lại vào an táng tại “nghĩa địa âm hồn”. Kính phí để thực hiện sẽ được lấy từ nguồn lợi bán cây tràm của Hội Người cao tuổi của thôn - Bác Anh cho biết.

Không riêng gì việc xây “nghĩa địa âm hồn” mà người dân thôn Huỳnh Công Tây còn sẵn lòng “cắt” đất cho những người có nguồn gốc của làng ở trong nước và nước ngoài khi qua đời muốn về quê hương an táng mà không đòi hỏi gì.

Chia tay với chúng tôi, bác Anh nói: Thôn Huỳnh Công Tây rất cần những lấm lòng vàng hơn nữa để thực hiện tốt hơn những điều có ý nghĩa cho xã hội, cho thế hệ con cháu nói theo trong việc xây “nghĩa địa âm hồn”.

TheoLinh Linh - PL&XH



Bình luận
vtcnews.vn