'Làng giáo chức' giữa lòng thành phố

Giáo dụcThứ Bảy, 11/06/2016 12:01:00 +07:00

Nhiều người dân ở tổ dân phố 4 (phường Quang Trung, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) tự hào nói: Tổ dân phố 4 là Làng giáo chức.

Vì hơn 60% cư dân của tổ là cán bộ, giáo viên nghỉ hưu hoặc đang tham gia giảng dạy tại các trường học. 40% cư dân còn lại là lao động tự do. Tuy mỗi người một cảnh, nhưng bà con sống thân thiện, biết chia sẻ yêu thương và nhất là biết quý trọng cái chữ.

Điểm sáng về an ninh trật tự

Làng giáo chức được hình thành từ giữa thập niên 1970.. Lúc bấy giờ, một số cán bộ, giáo viên, công nhân viên của Trường ĐHSP Việt Bắc “rủ nhau” ra khu đất phía sau của Trường để làm nhà ở tạm và tận dụng đất tăng gia trồng rau, chăn nuôi gà, lợn, cải thiện đời sống. Theo năm tháng, Làng giáo chức thêm ấm áp hơi người.

 

Làng giáo chức hiện có 97 hộ, 353 nhân khẩu, chưa kể trong Làng thường xuyên có hơn 1.500 lao động tự do và sinh viên các trường đại học sư phạm, nông lâm, công nghệ thông tin và truyền thông… đến ở tạm trú.

Ông Hoàng Minh Tần - Bí thư Chi bộ tổ 4 - cho biết: Làng giáo chức thường xuyên biến động về số người tạm trú, tạm vắng, nên có ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình an ninh, trật tự, do vậy vào các kỳ họp Chi bộ hằng tháng, quý, năm, Chi ủy đều xây dựng được nghị quyết, trong đó có nội dung về bảo đảm an ninh trật tự địa bàn.

Về chuyện an ninh trật tự, ông Nông Văn Kham - Trưởng ban Công tác mặt trận - phấn chấn nói: Để Làng giáo chức luôn là điểm sáng về phong trào bảo vệ an ninh trật tự, chúng tôi coi trọng yếu tố gia đình.

Giữa các gia đình lại có sự liên kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau thì những thói hư tật xấu không lây nhiễm được vào cộng đồng dân cư…

Ông Kham dừng lời vẻ nghĩ suy, rồi kéo tôi đến trước tấm Bằng khen của UBND tỉnh tặng cho Câu lạc bộ (CLB) Phòng, chống bạo lực gia đình vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, chỉ đạo, thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008 - 2013.

Cạnh đó là Bằng khen của Ủy ban MTTQ tỉnh tặng cho bà con Làng giáo chức giai đoạn 5 năm (2009 - 2014) vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác mặt trận.

Để minh chứng Làng giáo chức là một điểm sáng trong các hoạt động phong trào của địa phương, ông Vũ Văn Nguyên - Trưởng làng (tổ trưởng) lên góc sân khấu nhà văn hóa, loay hoay một lát rồi lễ mễ bê ra bàn làm việc cả một xấp giấy khen thưởng ghi nhận thành tích năm 2015 của Làng, nhưng chưa treo được lên tường.

Ông Nguyên nói: Mỗi cư dân ở Làng giáo chức đã đoàn kết, cùng làm nên thành tích chung, trong đó có vai trò quan trọng của CLB Phòng, chống bạo lực gia đình.

Từ nhiều năm nay, CLB này đã đi vào cuộc sống của mỗi gia đình. Đến với CLB, bà con không ngần ngại chia sẻ chuyện riêng tư, ngay cả những chuyện thầm kín cũng được sẻ chia, để từ đó các thành viên CLB có hướng giải quyết thấu tình, đạt lý.

Chung tay gìn giữ những mái ấm gia đình

Khi CLB Phòng, chống bạo lực gia đình được thành lập, bà con trong Làng giáo chức lựa chọn những cán bộ, giáo viên đã nghỉ hưu theo chế độ chính sách Nhà nước, có nếp sống mẫu mực, uy tín vào Ban Chủ nhiệm, như bà Đỗ Thị Hậu - Chủ nhiệm CLB, nguyên là giảng viên dạy môn Tâm lý học của Trường ĐHSP (ĐH Thái Nguyên); bà Đặng Thị Ngoan - Phó Chủ nhiệm CLB, nguyên là giáo viên nghỉ hưu.

Đây là một thuận lợi, đối với các cư dân Làng giáo chức, vì các bà trong Ban Chủ nhiệm CLB là người có trình độ học vấn cao, am hiểu xã hội, nắm bắt được tâm lý người trong cuộc để đưa ra cách hành xử phù hợp đối với từng tình huống khác nhau.

Chia sẻ thêm về những điều này, bà Đỗ Thị Hậu cho biết: Tháng 11/2011, CLB được thành lập với 25 thành viên ban đầu, gồm các đảng viên và cán bộ đầu ngành.

Ngay sau khi được thành lập, Ban Chủ nhiệm CLB chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban Công tác mặt trận và các tổ chức thành viên để lồng ghép hoạt động, tuyên truyền đến các thành viên trong CLB và người dân về: “Luật Phòng, chống bạo lực gia đình”; “Luật Bình đẳng giới”; “Luật Hôn nhân gia đình”…

Cứ 3 tháng 1 lần, CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ. Mỗi lần sinh hoạt đều có chuyên đề riêng, không trùng lặp, ví dụ như chuyên đề: “Bạo lực gia đình, nguyên nhân và giải pháp”; “Phòng, chống bạo lực gia đình”; “Vai trò người phụ nữ trong gia đình thời kỳ đổi mới”; “Bạo lực gia đình, nhìn từ góc độ xây dựng gia đình văn hóa”; “Chức năng của gia đình và quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong thời kỳ đổi mới”…

Vào các dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3; Ngày Gia đình hạnh phúc 28/6; Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Ngày Phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ 25/11… hằng năm, CLB luôn tổ chức chương trình “Khách mời của CLB”.

Theo bà Đặng Thị Ngoan, khách mời là lãnh đạo phường; là các ông bà có mái ấm gia đình hạnh phúc, con cháu thành đạt. Nội dung chương trình giao lưu “Khách mời của CLB” phong phú, có giới thiệu đại biểu, văn nghệ chào mừng và cuộc trò chuyện giữa MC (người dẫn chương trình) với vị khách mời.

Nội dung cuộc trò chuyện ngắn gọn, rõ ràng theo chủ đề định sẵn từng dịp, nhưng đều gắn với hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

Ví dụ như: Gia đình ông, bà đã xảy ra bạo lực bao giờ chưa? Nếu có thì ông, bà ứng xử như thế nào? Ý kiến của ông, bà về tình dục và bạo lực tình dục? Ông, bà có thể chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện nếp sống trong gia đình?

Các buổi giao lưu, ngoài các vị khách mời, Ban tổ chức khéo léo đặt câu hỏi mời bà con đến dự cùng tham gia trả lời câu hỏi.

Do cách tổ chức bài bản, nên thành viên CLB và người dân đến dự cùng nhập cuộc, được tham gia đặt câu hỏi, tìm câu trả lời và đưa ra giải pháp theo suy nghĩ của mình. Thông qua hình thức sinh hoạt, CLB đã chuyển tải tới người dân những thông điệp cần thiết trong cuộc sống.

Nguồn: Giáo dục thời đại
Bình luận
vtcnews.vn