Lần đầu dự ĐH thi đua yêu nước - xúc động và tự hào

Thời sựThứ Tư, 29/12/2010 09:11:00 +07:00

(VTC News)- Từ lão thành cách mạng đến những em học sinh đều mang trong mình niềm tự hào, hãnh diện khi lần đầu tiên được tham dự ĐH thi đua yêu nước...

(VTC News) - Từ lão thành cách mạng đến những em học sinh nhỏ tuổi đều mang trong mình niềm tự hào, hãnh diện khi lần đầu tiên được tham dự ĐH thi đua yêu nước toàn quốc.
PV VTC News đã ghi lại những cảm xúc của những người lần đầu tiên được vinh dự lớn lao này.

Cụ Nguyễn Thị Phong, 96 tuổi, lão thành cách mạng tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Phạm Thịnh)
Cụ Nguyễn Thị Phong, 96 tuổi, lão thành cách mạng tỉnh Thái Nguyên:Tôi đã thức cả đêm để chờ về tham dự ĐH

Trước tôi làm bí thư huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. Nói về công lao tôi cũng không làm được đáng là bao nhiêu, cũng bình thường như mọi người. Khi được nghe tin được tham dự ĐH lần này tôi mừng lắm. Đêm hôm trước tôi thức cả một đêm để chờ được xuống tham dự ĐH ở Thủ Đô.

Đại hội này có nội dung tốt, cách làm việc rất khoa học. Những bài phát biểu tại đại hội rất xúc động. Tôi thấy hay lắm.Tôi được thấy ĐH lần này có nhiều cái cởi mở, tiến bộ. Tôi phấn khởi lắm. Nói về sự đổi mới của đất nước thì phải nói là một trời một vực.

Ngày xưa vào thời Pháp thuộc chúng chỉ bóc lột nhân dân ta chứ không làm gì cho ta cả. Chúng bóc lột ghê lắm. Thậm chí cả lão địa chủ giàu có ở làng mà giờ tôi không nhớ tên cũng bị Pháp chèn ép.

Đời sống nhân dân trước kia đói khổ lắm, quần áo thì rách rưới, không có quần áo ấm để mặc. Ngay như chúng tôi không bao giờ được đi học. Chỉ một số ít con địa chủ, con nhà tay sai cho Pháp thì mới được đi học còn tất cả dân cày đều không được đi học.

Dù Pháp có cấm nhưng thanh niên trong làng vẫn háo hức đi học. Chúng tôi lén đi học từ những người biết chữ, học rồi lại đi dạy những người khác. Đâm ra cả làng biết chữ.

Trương Văn Trị - Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Hải Long, tỉnh Thái Bình 

Trương Văn Trị - Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Hải Long, tỉnh Thái Bình:Mang tham luận lên đọc tại ĐH mình cảm thấy rất ngại

Trước đây khi xem những đại hội thi đua yêu nước được chiếu trên các chương trình truyền hình, mình đã rất là “thèm”. Mình cũng không dám nghĩ một lúc nào đó sẽ được tham dự. Thực sự ĐH thi đua yêu nước toàn quốc là điều mình chưa bao giờ nghĩ tới.

Cảm xúc tự hào khi được về dự ĐH. Không biết phải tả thế nào khi được dự hội nghị lớn như thế này. Nghe tham luận của các đại biểu đọc trên hội trường, mình cảm thấy việc làm của mình quá nhỏ bé so với mọi người. Thực sự mang tham luận lên đọc tại hội nghị mình cảm thấy rất ngại. Chính vì vậy mình lại càng phải cố gắng hơn nữa, phải phát huy tốt hơn nữa. Kế hoạch 5 năm lần đầu của mình đã có một chút thành công nhưng mình sẽ phấn đấu để 5 năm tiếp theo sẽ lớn mạnh hơn nhiều. Trong 5 năm tới, một mặt mình vẫn phát triển cơ sở sản xuất của mình vừa đi sâu vào đầu tư nghiên cứu sản xuất kinh doanh tìm ra các cái mới hơn nữa.

Phù Thị Thiên – Chủ tịch HTX Dệt thổ cẩm xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang 
Phù Thị Thiên – Chủ tịch HTX Dệt thổ cẩm xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang : Mong muốn giúp đỡ người dân Pà Thẻn thoát nghèo.

Mình rất xúc động, vinh dự khi đại diện cho dân tộc Pà Thẻn xuống dự đại hội lần này. Đây là lần đầu tiên mình được tham dự ĐH lớn như vậy. Mình cũng mong muốn sau ĐH lần này có thể đem được cái gì đó về giúp đỡ dân tộc Pà Thẻn của mình đi lên.

Bắt nguồn từ việc thấy cuộc sống của người dân tộc Pà Thẻn còn quá nhiều khó khăn nên sau khi học xong mình đã về địa phương để phát triển nghề dệt thổ cẩm. Mình muốn tăng thu nhập cho bà con địa phương và góp phần xóa đói giảm nghèo.
Hiện nay khoảng 60 phụ nữ người dân tộc tham gia dệt thổ cẩm trong HTX và mỗi tháng cũng có thu nhập trung bình 900 nghìn đồng/ người. Mình sẽ tiếp tục giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm đến với nhiều du khách trong nước và ngoài nước để tim được đầu ra ổn định cho sản phẩm của những phụ nữ dân tộc mình.

Lê Tất Minh Đức ( Học sinh lớp 12A2 trường THPT Đồng Hỷ, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) 
Lê Tất Minh Đức ( Học sinh lớp 12A2 trường THPT Đồng Hỷ, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên): Bất ngờ khi được có mặt trong Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.

Em đến với ĐH thi đua yêu nước toàn quốc lần này, đối với bản thân em cũng hết sức bất ngờ. Trước đó vào ngày 31/8, tại lễ bế mạc ĐH thi đua yêu nước tỉnh Thái Nguyên, ban tổ chức có công bố danh sách những cá nhân được vinh dự tham dự đại hội thi đua yêu nước toàn quốc tại Hà Nội. Khi người dẫn chương trình đọc hết người thứ 13 thì em không nghĩ sau đó lại là mình. Em rất vui và cảm thấy may mắn vì mình là người cuối cùng được tham dự đại hội lần này. Đây cũng là lần đầu tiên em được xuống Hà Nội thăm lăng Bác và vào trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Em thấy Hà Nội rất đẹp, nhiều công trình hiện đại nhưng lại hay bị tắc đường.

Khi nghe báo cáo của các bác, các chú thì em thấy thành tích của mình quá nhỏ bé. Em cũng mong muốn sau này có được những thành tích như của các bác, các chú tham dự Đại hội lần này.

Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Hà Nam (Ảnh: Phạm Thịnh)
Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Khóc khi xem những thước phim về hậu quả của bom mìn.

Trước hết phải có một cái nghề. Tôi nhận thấy  rằng dù có là người khuyết tật hay không thì mỗi người đều phải có một ước mơ hoài bão. Tôi hiểu rằng việc góp phần mình vào việc xây dựng đất nước là việc hoàn thành trách nhiệm của bản thân mình.

Đến với ĐH thi đua yêu nước lần này tôi hết sức vinh dự bởi cũng không có nhiều đại biểu người khuyết tật có được cái may mắn này. Tôi biết rằng, trong cộng đồng người khuyết tật thì còn  nhiều anh chị em có rất nhiều thành tích, vì vậy tôi mong muốn là ĐH thi đua yêu nước kỳ tới sẽ có nhiều đại biểu người khuyết tật được lựa chọn. Đó là sự động viên, khích lệ để người khuyết tật chúng tôi có thêm nghị lực để tham gia vào quá trình phát triển đất nước.

Tôi ấn tượng nhất với bản tham luận về công tác rà phá bom mìn của đại tá Nguyễn Trọng Cảnh. Chúng tôi mong muốn không còn những người khuyết tật do ảnh hưởng của bom mìn. Khi xem phóng sự đó, tôi cũng đã khóc. Tôi cảm thấy rất buồn, xúc động vì chợt nghĩ có nhiều những người khuyết tật không phải do bẩm sinh mà lại chính từ hậu quả của chiến tranh.

Phạm Thịnh(ghi)

Bình luận
vtcnews.vn