Lâm tặc kéo nhau phá, đốt rừng vào ban đêm

Thời sựThứ Ba, 13/09/2016 07:50:00 +07:00

Theo phản ánh của người dân, điều rất kỳ lạ là các khoảnh rừng phòng hộ thường bị phá vào ban đêm.

 

Tại hai tiểu khu 435 và 427 (xã Phước Ninh và Quế Trung, huyện Nông Sơn), tình trạng phá rừng diễn ra cách đây chưa lâu, khi những khoảnh rừng ven đường vào Thủy điện Khe Diên cháy nham nhở, trơ ra những gốc cây lớn còn in hằn vết cưa.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc người dân ngang nhiên phá rừng, chiếm đất còn được một số đối tượng “có máu mặt” thuê làm. Rất nhiều lô rừng bị phá đến nay vẫn chưa tìm ra manh mối, thủ phạm.

Tiểu khu 435 chỉ cách mỏ than Nông Sơn chừng 5km đường rừng, loang lổ bởi những đám rừng bị đốt hạ không thương tiếc. Tấm bảng cảnh báo “Rừng phòng hộ - cấm xâm phạm” của Hạt Kiểm lâm Nông Sơn không ngăn được người dân địa phương ngang nhiên đốt rừng, cát cứ, chiếm đất.

Ven đường vào Thủy điện Khe Diên, phóng viên ghi nhận tình trạng rừng ở đây bị chặt phá tan hoang. Nhiều gốc cây to bị phạt ngang, cháy sém.

chuyen la o quang nam: pha rung phong ho de... trong rung? hinh anh 1

Một khoảnh rừng bị đốn hạ. Ảnh: N.C

Anh H - một người dân đi câu đêm ở lòng hồ Khe Diên cho biết, mấy tuần nay lắng xuống, nhưng từ đầu năm đến nay, người dân lên đốt rừng, đốn cây ào ào. Kiểm lâm vào thì họ chạy. 

Đặc biệt, theo anh H, thời gian gần đây, việc chặt phá rừng để trồng keo ngay trên khu vực được quy hoạch rừng có chức năng phòng hộ tiếp tục diễn ra với mức độ và quy mô lớn. Toàn bộ cây rừng sau khi được đốn hạ được vận chuyển đi nơi khác, cành và gốc đã bị đốt cháy rụi.

Theo phản ánh của người dân, điều rất kỳ lạ là các khoảnh rừng phòng hộ thường bị phá vào ban đêm. Đa số “lâm tặc” là người dân lên chặt cây, thu gom rồi đốt làm rẫy. Hầu hết các nơi rừng bị phá được trồng keo tràm ngay sau đó (?).

Với cách “phá rừng” vô cùng tinh vi này, hầu như những khoảnh rừng có thân gỗ lớn, đang làm chức năng phòng hộ bỗng chốc sau một đêm trở thành rừng sản xuất, trồng keo tràm. Điều này giải thích vì sao người dân tố cáo, lấy gỗ không phải là mục đích chính của việc phá rừng mà là lấy đất. 

Chưa rốt ráo xử lý?

Trước tình trạng phá rừng và xâm hại rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn đã lập tổ kiểm tra việc phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.

Mặc dù chỉ đốt mỗi nơi chưa đầy 1ha, song con số tổng hợp của Hạt Kiểm lâm cũng đủ để giật mình: Qua kiểm tra và đo đạc có tổng cộng 32 lô với diện tích 36ha rừng bị xâm hại. Trong đó, tiểu khu 435 và 433 thuộc UBND xã Phước Ninh có 22 lô với diện tích 20,4ha; tiểu khu 427 thuộc xã Quế Trung bị phát 10 lô với diện tích 15,6ha.

Quá trình kiểm tra, tổ công tác cũng phát hiện 3 lán trại trong rừng và đã lập biên bản tiến hành tiêu hủy. Ngoài ra, tổ công tác phát hiện một số đối tượng phá rừng nhưng đã nhanh chóng bỏ trốn, nên không thể bắt giữ.  Tuy nhiên, tổ công tác chỉ lập biên bản 4 vụ phá rừng với diện tích 5,3ha có nhiều cây gỗ lớn. Số diện tích còn lại được xác định là đất chưa có rừng, chỉ có dây leo, cây bụi và rải một số cây gỗ lớn (?).

 Ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn cho biết: Ngoài 4 vụ khởi tố từ 2015 tới đầu năm 2016, gần đây, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với Công an, Viện Kiểm sát xác minh hiện trạng 4 lô có nhiều cây thân gỗ trên diện tích bị phá trái phép.

Kết quả đo đạc, tính trữ lượng đã xác định được 1 lô với diện tích 3,3ha đất chưa có rừng thuộc kiểu trạng thái Ib, còn lại 3 lô với diện tích 2ha là rừng nghèo. Hạt Kiểm lâm đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng theo ông Nguyên, Hạt đã chuyển cho xã Quế Trung 9 vụ, xã Phước Ninh 20 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật cho UBND 2 xã này xử lý theo thẩm quyền.

Theo ông Nguyên, hiện nay tình trạng khai thác mua bán lâm sản trái phép và phá rừng trái phép trên địa bàn vẫn diễn ra do nhiều nguyên nhân như: Lợi nhuận cao, trong khi đó đời sống nhân dân còn khó khăn, thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất.

Video: Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk: VTV24 không dàn dựng cảnh phá rừng

Thậm chí có nơi chính quyền cấp xã chưa thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Riêng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại xã Phước Ninh, Quế Ninh và Quế Trung do một phần các địa phương còn chậm trong công tác phối hợp với cơ quan liên quan trong vấn đề rà soát lập phương án giao đất lâm nghiệp cho nhân dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc người dân ngang nhiên phá rừng, chiếm đất còn được một số đối tượng “có máu mặt” thuê làm. Rất nhiều lô rừng bị phá đến nay vẫn chưa tìm ra manh mối, thủ phạm. Khi phóng viên đề cập đến vấn đề này, ông Nguyên ngập ngừng không nói, sau đó, ông này quả quyết: “Chưa nghe dư luận phản ánh vấn đề này”!

(Nguồn: Dân Việt)
Bình luận
vtcnews.vn