Làm sao để cứu giúp những “đóa hồng ngơ ngẩn”?

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 06/06/2010 06:00:00 +07:00

Phải làm sao để “giải cứu” các nữ “người điên”, ngăn chặn chuyện đau đớn này? - đó là bài toán nhân ái, là trách nhiệm làm người của chúng ta.

Thật ra thì với hàng vạn bệnh nhân tâm thần của chúng ta, nỗi đau thể xác và tinh thần của họ cũng như thân nhân của họ (và cả xã hội) là... không phân biệt giới tính. Tuy nhiên, với “những bóng hồng điên dại”, khi phát bệnh, dù ở cộng đồng hay đi lang thang không kiểm soát được hành vi, thì bao giờ cũng chịu nỗi đau với hậu quả lớn hơn. Phải làm sao để “giải cứu” các nữ “người điên”, ngăn chặn chuyện đau đớn này? - đó là bài toán nhân ái, là trách nhiệm làm người mà chúng ta đã, đang và sẽ còn phải tính đến một cách khẩn thiết.

Về những nỗ lực và kẽ hở trong “giải cứu” người điên

Trở lại với bệnh nhân tâm thần Lù Thanh X., chúng ta thấy rất rõ: cô gái họ Lù đã được khám bệnh, chăm sóc tử tế, khỏi bệnh và múa hát tưng bừng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Cô trở về Sơn La, vì không chăm sóc đúng cách, cô lại phát bệnh và đi hoang. Cô tắm Hồ Gươm và bị thu gom vào Bệnh viện Tâm thần Hà Nội (Trâu Quỳ), rồi trốn trại, khỏi bệnh, phát bệnh và đi lang thang. Cứ thế, trong vòng xoáy chua xót đến rợn người của cuộc đời mĩ nữ dân tộc Thái kia, chúng ta nhận ra sự quẩn quanh, sự bất lực hay ít ra là sự thiếu hiệu quả của các nỗ lực quản lí, chữa bệnh cho người “điên” hiện nay.

 

Rằng, chúng ta có quy định rõ: khi người bệnh tâm thần cất bước đi lang thang một cách tai hại, thì chính quyền địa phương, cơ quan y tế, lực lượng công an cơ sở, lao động thương binh xã hội... phải cùng vào cuộc, “thu gom”, thậm chí khống chế bằng biện pháp mạnh, đưa bệnh nhân đi điều trị đến nơi đến chốn.

Sự thật là cô gái Lù Thị X., đã được chính anh chàng Nguyễn Tuyên Dương (người hơn 10 năm đi thu gom bệnh nhân tâm thần ở khu vực Hà Nội về “Trâu Quỳ” chữa bệnh) trực tiếp “vớt” từ mặt nước hồ Thủy Lục (Hồ Gươm). Số điện thoại của Dương lúc nào cũng mở, xe cấp cứu lúc nào cũng sẵn sàng hú còi lao đi cứu người, tiền ngân sách đã “rót” khá chu đáo. Tỉ dụ, như trước Hội nghị APEC, chỉ trong 2 tháng, Dương “tóm” được tới 192 người tâm thần lang thang tại khu vực Thủ đô, đưa vào bệnh viện.

Ở hơn 60 tỉnh thành còn lại của Việt Nam, hầu như không có lực lượng “đặc nhiệm chuyên trách” như Nguyễn Tuyên Dương, song, các Trung tâm bảo trợ xã hội, các khoa tâm thần của bệnh viện tỉnh và nhiều ban ngành sở tại vẫn thỉnh thoảng tiến hành “ra quân” cứu vớt người “điên” đi lang thang. Hoặc chữa tại cơ sở, hoặc đưa về Bệnh viện tâm thần Trung ương.

 

Tuy nhiên, kẽ hở lại nằm ở chỗ: quá nhiều địa phương không có bệnh viện tâm thần, không có chỗ để nhốt hết những người tâm thần đi lang thang đầu đường xó chợ (chứ chưa nói gì đến số lượng khổng lồ người “ngơ ngẩn” còn sống trong các gia đình). Thành thử, mỗi lúc có sự kiện lớn, cần “dọn dẹp mĩ quan”, thì họ đánh xe đi thu gom bệnh nhân vật vờ kia vào, nhốt, cho ăn, cho uống thuốc ít ngày rồi lại... thả về.

Điều nữa, thủ tục để được “hoàn thiện hồ sơ” đi bệnh viện tâm thần chữa bệnh hiện nay là rất khó khăn. Đó là một khe cửa hẹp, khiến cho mong muốn chữa bệnh cho người điên của người dân không được đáp ứng!

Người viết bài này, khi viết các cuốn sách về thế giới người điên (NXB Thanh Hoá đã ấn hành), khi tham gia làm các bộ phim về bệnh nhân tâm thần (Hãng phim Tài liệu Khoa học T.Ư thực hiện, đã được giải thưởng của Hội điện ảnh Việt Nam, năm 2009), đã liên tục nhận được những lời đề nghị của thân nhân người điên, rất thống thiết: rằng, xã hội hãy cứu lấy gia đình tôi, con em tôi, cho “các cháu” được đi “trại” tâm thần. Chúng tôi có trong tay hàng chục lá đơn xin cho nam, nữ bệnh nhân “điên” đi “trại”, nhưng thư gửi đi hầu như không có hồi âm. Có lẽ vì khả năng tiếp nhận, kinh phí và nhân lực phục vụ ở các bệnh viện tâm thần quá nhỏ, trong khi lực lượng người “điên” quá đông chăng?

Một bài toán đơn giản thế này, ta sẽ thấy bản chất vấn đề hơn: chỉ trong 2 tháng, tại Hà Nội, anh chàng Nguyễn Tuyên Dương “bắt” được 192 người tâm thần lang thang, giữa lúc đó, Bệnh viện tâm thần Hà Nội đang chứa khoảng 300 bệnh nhân. Rõ ràng, Dương đã bắt gần... đầy bệnh viện, chỉ trong 2 tháng “cao điểm” và cũng rõ ràng, các bệnh viện phải liên tục cho bệnh nhân về để... họ tiếp tục đi lang thang. Và, có thể, lại tiếp tục bị bắt lại, cái đó dân gian gọi là “bắt cóc bỏ đĩa”.

Như những cơn mơ độc ác nhất

Hậu quả là có quá nhiều nữ bệnh nhân... đã quen mặt với các bác sỹ, y tá và những người quản lí bệnh viện. Lù Thanh X. là một ví dụ tiêu biểu. Sau khi phát bệnh, nếu được chữa bệnh, rồi uống thuốc đủ liều, chăm sóc tại gia đình chu đáo, cuộc đời cô gái đẹp họ Lù sẽ không thê thảm đến như đã kể.

Tương tự, ông Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội còn kể với chúng tôi nhiều câu chuyện liên quan đến các nữ bệnh nhân khi thu gom về thì “sơ khám” đã biết ở dạng đang... mang thai. Có người, “khai hoa nở nhụy” trong điên loạn ở tại Trâu Quỳ, và bệnh viện phải nhờ báo, đài ở Hà Nội chuyển tới công chúng hình ảnh và tư liệu liên quan đến sản phụ điên với hi vọng gia đình và... bố cháu bé biết để nhận thân nhân. Nhưng không ai nhận cả. Cô gái sinh con, đứa bé được làm thủ tục nhận con nuôi, ở dạng... mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Bà Cầm và một trong số 4 cô con gái bị tâm thần ở Tạ Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ.

Những người đàn bà điên sinh con ra không biết cho bú, không nhận giọt máu của mình là con mình. Lời của bác sĩ Bùi Thị Thanh Hải, người đã gần 20 năm làm ở BV Tâm thần Hà Nội, nói với tôi, nghe chua xót đến mất ngủ, những câu chuyện “độc địa” hơn cả một cơn mơ ác. Đại ý: Tôi là Phó khoa quản lí bệnh nhân nữ, với hơn 70 bệnh nhân như thế này, họ đều đã đi lang thang.

Có người như cô T. “ngựa”, chúng tôi đã nhẵn mặt. Cô cứ vào viện lại ra viện, lại lang thang, lại bị thu gom vào viện, biết bao lần rồi. Cô đi đến mức, gia đình không tìm được, cũng lo cô chết ở đâu đó mà không ai báo tin về... thi thể, nên gia đình đóng vào tay cô một cái vòng sắt, trên có chữ “Nguyễn Thị T.”. Cô T. chỉ thích đi lang thang, cô có thể đi suốt ngày đêm, hết năm này qua năm khác, đi trong điên loạn, nên mọi người đặt biệt danh cho cô là T. “ngựa” (đi như ngựa). Có cô, gia đình bất lực, biết cô bị hãm hiếp, lạm dụng quá nhiều, nên họ đã đặt vòng tránh thai cho cô, để mặc cô đi, mặc bị thu gom, được chữa bệnh và được trả về; rồi lại bị bệnh tật lôi ra đường.

Chị Hải và Giám đốc Lý Trần Tình còn dẫn tôi vào gặp một người đàn bà điên là nạn nhân của lũ yêu râu xanh, đến mức: mọi người buộc phải gọi là “vô danh”, vì không một ai liên lạc với bệnh viện, chị ta cũng chưa bao giờ nói được một câu tỉnh táo, ngoài hai chữ “Hải Dương” (chắc là quê hương chị).

Chị vào bệnh viện, với sự tàn tạ thê lương, do ăn bờ ngủ bụi nhiều năm quá rồi, ăn bẩn thỉu, rác rưởi quá nhiều rồi. Bất ngờ thay, một thời gian sau, có một tổ chức quốc tế đưa một cậu bé đẹp trai đến xin xét nghiệm ADN để tìm mẹ đẻ. Vì “nghe đồn mẹ cháu đang ơ đây”. Kết quả, người đàn bà điên dại vô danh là mẹ cậu bé giỏi giang, nhung lụa đến từ trời Tây kia. Hóa ra chị đã từng sinh con sau những cơn bị lạm dụng bởi quỷ râu xanh nhiều năm, nhiều lần sinh nở mà chị không biết. Khi sinh con chị cũng không hay, và giờ gặp con chị vẫn đuổi nó đi, bảo rằng không quen biết. Gặp nhà báo (người viết loạt phóng sự này), chị khoác vai, niềm nở, bảo "chị nhận ra em rồi, em cũng bị bệnh (điên), điều trị cùng với chị, em khỏi bệnh nhanh thế".

Bài toán “bắt cóc bỏ đĩa” và lời kêu gọi khẩn thiết...

Lỗi “lòng vòng” bắt cóc bỏ đĩa kia không phải tại các bệnh viện, hay tại một cá nhân nào cụ thể, mà là do: cơ chế, quy định, mức đầu tư, sự ràng buộc trách nhiệm đối với vấn đề quản lí, chăm sóc, chữa bệnh người bệnh tâm thần của chúng ta còn đầy khiếm khuyết. Khiếm khuyết xuyên suốt và đáng sợ hơn cả: Là xã hội vẫn chưa thấy sự tàn độc của việc cộng đồng chấp nhận cho bà con mình, đồng bào mình trần truồng, bẩn thỉu, rách rưới, vô thức, điên loạn tràn ra đường. Không chỉ là mất mỹ quan, mà nó là lời tố cáo đầy tổn tương đối với các giá trị lòng nhân ái trong mỗi chúng ta, mà chúng ta vẫn thường nói.

Các quy định đã có, kinh phí đâu có thiếu, thế mà chúng ta nỡ để những con người - đó có thể là người thân, là đồng nghiệp, là hàng xóm... của chúng ta, là chính chúng ta một khi không may mắc bệnh - đi lang thang, bị lạm dụng, bị tàn lụi, ăn rác rưởi, ngủ bờ ngủ bụi, lúc nào cũng đối mặt với thảm hoạ bị lạm dụng và chết chóc; sống dưới mức sống của một con người - như thế ư?

Tôi đặt câu hỏi như thế, có thể nhiều người sẽ trả lời là: hậu quả người điên bị thả lỗng, bị “đi hoang” và khổ nhục như trên, không phải là mong muốn của bất kì ai trong xã hội. Là bất khả kháng. Tôi xin thưa, nếu không buông xuôi để cho những bi thiết kia xảy ra, thì chúng ta phải hành động. Phải thật sự tính đến hiệu quả của các chương trình đang làm: các bệnh viện cần được mở rộng, cần chữa bệnh đến tận cùng, có trách nhiệm đến tận cùng với đồng bào thiệt thòi của mình; cả xã hội cần chúng ta, thu gom, bảo vệ, chăm sóc người điên, cần có một sự giám sát và quy trách nhiệm cho các cơ quan làm việc này; tại cộng đồng, việc chăm sóc, quản lí người “điên” cần có bài bản, có sự vào cuộc thật sự của y tế cơ sở.

Có một thực tế là, chúng ta thả người điên ở cộng đồng, để họ quấy phá và bị quấy phá, đến mức giết người, đến mức bị lạm dụng tê tái, chúng ta gọi đó là chăm sóc tại cộng đồng. Thế nhưng, khi các bi kịch xảy ra, không ai chịu trách nhiệm cả.

Ví dụ, ở xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ (xem ảnh), nhà bà Cầm có tới 4 đứa con gái bị tâm thần. Các cô bị lạm dụng tình dục khi đi chăn bò, khi đi ngơ ngẩn ngoài hiên gió và khi cả 4 cô đều nằm trên khuôn giường nát cũ của mình. Có 2 trong số 4 cô đã bị kẻ xấu lừa bán ra nước ngoài làm gái mại dâm. Ở Hà Tây (cũ) và nhiều địa phương, nhiều người điên liên tục đẻ, rồi người thân đem “cho” (bán) những đứa trẻ đi. Có vụ, cán bộ cơ sở bị cô ngơ ngẩn khai đã “ngủ” với cô ta, nay khai anh này, mai khai anh khác, có khi khai cả hai anh, khiến các cuộc “thanh kiểm tra” tá hoả lên.

Vậy là: người điên, cả nam lẫn nữ, vẫn cứ nude (trần truồng) đi lang thang, vào bệnh viện rồi cũng phải ra viện và đi lang thang; nếu không đi lang thang, ở tại nhà họ cũng chẳng hề an toàn. Đồng bào bị bệnh của ta kia, họ không có ý thức nữa để biết tự bảo vệ mình, ai sẽ bảo vệ họ đây?

Lời hiệu triệu của người viết bài này cũng là lời khẩn thiết của các chuyên gia tâm huyết với vấn đề “chăm sóc người điên”, rằng: chúng ta cần xem lại cách quản lí, chăm sóc, chữa bệnh cho “người điên” của mình. Nếu cách làm hiện nay, làm mãi không hiệu quả, thì phải làm cách khác. Chứ, dù thế nào, việc người tâm thần tràn ra đường và gây thảm hoạ, việc họ bị lạm dụng và gây ra những “sang chấn” đầy bi thương cho xã hội như hiện nay, là điều không thể chấp nhận được.


TheoThảo Giang (Tuổi trẻ Thủ đô)
Bình luận
vtcnews.vn