Lạm phát 2011 có khả năng giữ được mức dưới 2 con số?

Kinh tếThứ Hai, 28/03/2011 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Lạm phát cả năm tuy khó đạt được chỉ tiêu 7% mà Quốc hội đề ra nhưng hoàn toàn có khả năng sẽ được kiềm chế dưới mức hai con số.

(VTC News) – Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội Chính phủ ban hành trong Nghị quyết 11/NQ-CP đã bước đầu phát huy tác dụng. Nếu gói giải pháp này tiếp tục được triển khai và kiểm soát thực hiện một cách quyết liệt thì đến cuối năm 2011, lạm phát cả năm tuy khó đạt được chỉ tiêu 7% mà Quốc hội đề ra nhưng hoàn toàn có khả năng sẽ được kiềm chế dưới mức hai con số.

Ông Cao Sỹ Kiêm: Lạm phát 2011 sẽ vào khoảng 8-9%.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 3 đã tăng 2,17% so với tháng 2, đưa CPI quý I tăng 6,12% so với tháng 12/2010 và tăng tới 12,79% so với bình quân cùng kỳ 2010. Như vậy, so với mục tiêu lạm phát 7% Quốc hội đã đề ra, CPI quý I đã ở mức gần chạm trần. Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP đã bước đầu phát huy tác dụng.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, CPI sẽ còn tăng trong quý II bởi tất cả các chi phí đầu vào như điện, xăng, dầu… đều đã tăng. Thêm vào đó, áp lực từ biến động của Libya và Nhật Bản sẽ tạo mặt bằng giá mới trong thời gian tới.


“Gói 5 giải pháp gồm thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng, điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 đã bước đầu phát huy tác dụng.

Thực tế trong thời gian vừa qua, việc thắt chặt tiền tệ, siết chặt chính sách tài khóa, quản lý thị trường, tăng hàng xuất khẩu đều đã có kết quả bước đầu. Do vậy, trong thời gian tới, CPI sẽ chững lại.

Tuy nhiên, lạm phát năm 2011 sẽ khó đạt được mục tiêu của Quốc hội. Nếu tình hình biến động trên thế giới ở mức vừa phải và việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bao gồm cả Nghị quyết 11 của Chính phủ, tôi cho rằng đến cuối năm lạm phát sẽ giữ ở mức 8-9%. Nếu đạt được con số này, theo tôi cũng là tương đối rồi.

Tuy nhiên còn phụ thuộc vào việc chúng ta  thực hiện Nghị quyết 11 như thế nào, vấn đề kiếm soát ra sao…”, ông Kiêm phân tích.

Đồng quan điểm với ông Cao Sỹ Kiêm, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển khẳng định, CPI quý I đã tăng tới 6,12% nên mục tiêu lạm phát 7% Quốc hội đề ra năm 2011 là không khả thi.

Chuyên gia Kinh tế Đinh Thế Hiển: CPI quý II sẽ tăng nhẹ.
Gói giải pháp mà chính phủ đưa ra (Nghị quyết 11/NQ-CP) theo TS.Hiển là các giải pháp tình thế.

“Vì sao lại là giải pháp tình thế? CPI tăng đột biến trong tháng 2 rồi diễn biến phức tạp của giá vàng thế giới làm giá vàng trong nước tăng. CPI kết hợp với giá vàng, tỷ giá… làm cho tài chính ở quý I trở nên bất ổn khiến Chính Phủ phải đưa ra những giải pháp. Đây là những giải pháp bắt buộc phải làm để dẹp ngay những bất ổn đó”, TS.Hiển nói.

Cũng theo TS.Hiển, kết quả CPI tăng tới 6,12% ở quý I có thể thấy trước cả tháng và không có gì bất ngờ.

“Tuy nhiên, những tháng sắp tới do đã nắm được diễn biến nên giá vàng, tỷ giá… chắc chắn sẽ không còn nhảy múa. Lãi suất hiện nay đang ở mức cao nhưng không chỉ vì CPI tăng mà còn vì nguyên nhân thứ hai nhưng rất quan trọng đó là sự mất thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ bởi các ngân hàng này cho vay quá mạnh vào BĐS (trên 30% thậm chí 50%) mà 30% đã là báo động đỏ. Do vậy, lãi suất trong thời gian tới khó mà giảm xuống được.

Hiện nay cũng  đang hình thành mặt bằng tỷ giá mới đó là nhờ những giải pháp kịp thời của Chính phủ kịp thời ổn định tỷ giá. Giá vàng hiện bám sát giá vàng thế giới còn tỷ giá thì có được động thái rất mạnh mẽ của chính phủ là không thu phí trong việc mua, bán ngoại tệ… Như vậy, những bất ổn nóng chúng ta đã điều khiển được.

Giờ chỉ còn vấn đề có tiếp tục kiểm soát được nguồn tín dụng theo đúng định hướng của Chính phủ hay không bởi việc này có vai trò rất quan trọng với nhà nước trong việc giám sát tín dụng đối với các ngân hàng thương mại”, TS.Hiển phân tích.

Trong bản báo cáo công bố ngày 21/3 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: Nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ 6,3% trong năm nay, giảm 0,5% so với hồi 2010 nhưng lạm phát sẽ chỉ ở mức 9,5%.

Tuy tốc độ mở rộng GDP chậm lại nhưng tình hình giá cả tiêu dùng có dấu hiệu khả quan hơn.
Theo WB, sự giảm tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn có một phần nguyên nhân từ việc Chính phủ tung ra nhiều biện pháp mạnh vào đầu tháng 2 để ổn định kinh tế vĩ mô. Trong số hàng loạt biện pháp này có những nội dung chính như điều chỉnh tỷ giá hối đoái, siết chặt quản lý giao dịch vàng, thay đổi chính sách tiền tệ và tài chính…
Theo TS.Hiển, hiện nay chúng ta đã giải quyết được tình thế cấp bách của vấn đề tài chính nên bước tiếp theo là phải hướng được tín dụng vào lĩnh vực mong muốn đó là tiêu dùng của người dân, là vốn lưu động… hi vọng hàng hóa không bị suy giảm, kinh tế vẫn tiến triển.

“Qua việc triển khai gói giải pháp theo Nghị quyết 11 có thể thấy lần này chính phủ rất quyết liệt. Do vậy, hết quý I đến quý II, gói giải pháp này nếu làm đúng đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, ngân hàng… CPI của Quý II sẽ tăng nhẹ và đến cuối năm CPI sẽ rơi vào khoảng 9 – 10%. Đây là chỉ số chấp nhận được”, TS.Hiển tin tưởng.

TS Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, năm 2011 đang lặp lại kịch bản của năm 2008. “Năm 2008, lạm phát xoay quanh khoảng 20%. Lãi suất thực tế khi đó là 16-20%. Trong 9 tháng đầu năm, CPI tăng rất cao nhưng những tháng cuối năm giảm dần và thời gian cuối năm 2008, Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm lãi suất.

Khi đó thắt chặt tiền tệ nhưng lãi suất cho vay có thể lên tới 24%. Khả năng thanh khoản khi đó là 25% vượt mức 20% đề ra. Lãi suất cho vay rất cao nhưng tổng tín dụng vẫn tăng.

Năm 2011, kinh tế thế giới đang hồi phục sau khủng hoảng nhưng tăng trưởng của Việt Nam đang xuống đáy. Tín dụng năm 2010 tăng khoảng 130 tỷ USD (tăng hơn rất nhiều so với tăng trưởng kinh tế). Hiện nay đang hạn chế phát triển tín dụng phi sản xuất. Việc này không có gì ngạc nhiên bởi cả thế giới đều thế. Tổng tín dụng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2011.

Theo tôi, năm 2008 giữ được lạm phát ở mức 20% là do tình cờ. Còn năm 2011 không thể dự báo về chính sách giá cả”, TS Ánh cho biết.

Thu Hiền(ghi)



Bình luận
vtcnews.vn