Lãi suất tiết kiệm 17% là mầm mống của sự hỗn loạn

Kinh tếThứ Sáu, 10/12/2010 01:10:00 +07:00

(VTC News) - Việc đưa ra mức lãi suất tiết kiệm lên tới 17% của một số NHTM vừa qua không phải do cung cầu mà là sự khan hiếm ảo, có lợi ích cục bộ.

(VTC News) - Khẳng định trong cuộc trao đổi với VTC News chiều ngày 9/12, ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng: Việc một số ngân hàng thương mại cổ phần đẩy lãi suất tiết kiệm lên quá cao ( trên 17%) những ngày vừa qua nếu không nhanh chóng bình ổn sẽ gây ra những hậu quả khó lường.

Lãi suất tăng ảo, có lợi ích cục bộ
?

Theo ông Kiêm, những tháng đầu năm 2010, lạm phát dao động trong khoảng 6-7%. Đến tháng 12, lạm phát khống chế khoảng 11%. Như vậy, đúng ra lãi suất tiết kiệm tối đa là 13% và lãi suất cho vay sẽ từ 15-16%. Nhưng thực tế vừa qua, nhiều ngân hàng đã đẩy mức lãi suất  tiết kiệm lên tới 16-17% và lãi suất cho vay lên tới 18% thậm chí lãi suất cho vay tiêu dùng còn đẩy lên cao hơn 20%.


“Đây là tăng ảo, không phản ánh cung cầu thực tế”, ông Kiêm nhận định.


Ông Cao Sỹ Kiêm trao đổi với VTC News.

“Việc đưa ra mức lãi suất tiết kiệm lên tới 17% của một số ngân hàng thương mại vừa qua  không phải do cung cầu mà là sự khan hiếm ảo, có lợi ích cục bộ. Việc này sẽ gây ra lạm phát ảo, tăng giá ảo và tạo ra tâm lý không yên tâm đối với người sản xuất kinh doanh. Đồng thời, việc trục lợi cá nhân sẽ gây rối loạn nền kinh tế, không phản ánh thực tế nền kinh tế và gây méo mó hoạt động chính sách tiền tệ”, ông Kiêm nói.  


Theo ông Kiêm, trong ngành ngân hàng, khi một ngân hàng đẩy lãi suất tiết kiệm lên thì những ngân hàng khác cũng sẽ lên kế hoạch tăng lãi suất tiết kiệm để tránh tình trạng khách hàng sẽ rút tiền, gửi sang những ngân hàng có lãi suất cao hơn. Và nếu bị khách hàng ồ ạt rút tiền, ngân hàng đó sẽ mất khả năng thanh khoản.


"Nếu để các ngân hàng cùng tăng mức lãi suất thì sẽ làm xã hội rối loạn. Những ngân hàng thừa khả năng thanh toán sẽ lợi dụng điểm này và cho các ngân hàng nhỏ vay lại với lãi suất “cắt cổ”", ông Kiêm lý giải.


Để bình ổn, cần tiến hành 3 giải pháp trước mắt


Theo ông Cao Sỹ Kiêm, lãi suất phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ số tăng giá và sức khỏe nền kinh tế. Nhưng sức khỏe nền kinh tế cũng phụ thuộc ngược lại vào chỉ số tăng giá mà chỉ số tăng giá của Việt Nam (khoảng 6-7%) luôn luôn ở mức cao so thế giới và cao nhất so với khu vực.

Ông Kiêm cho rằng, để bình ổn thị trường, phải thực hiện 3 giải pháp trước mắt: Thứ nhất, phải tạo nên cung cầu lành mạnh, phản ánh thực chất thị trường. Sản xuất kinh doanh, bội chi ngân sách, nhập siêu … phải làm dưới dạng thực chất và theo xu hướng giảm dần.

Thứ hai, phải giải quyết nút thắt làm cản trở nền kinh tế như chấm dứt việc thiếu điện làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, việc tắc nghẽn giao thông thường xuyên khiến những người lao động mất nhiều thời gian, mất thời cơ… Những thủ tục hành chính phiền hà làm nhiều người phải giao dịch nhiều lần, làm mất thời gian, mất cơ hội… 


Thứ ba, các cơ quan chức năng phải phát hiện, xử lý nghiêm đối với những kẻ đầu cơ trục lợi, xâm hại lợi ích tập thể.


Chính vì thế, cũng theo ông Kiêm, việc Ngân hàng nhà nước "tuýt còi" Techconbank đã
nâng mức lãi suất tiết kiệm lên đến 17,6% khiến mặt bằng lãi suất tiết kiệm liên tục biến động vừa qua là giải pháp kịp thời, đúng đắn nhằm ổn định thị trường.

Ngoài ra, giải pháp lâu dài theo ông Kiêm, phải từng bước cấu trúc lại nền kinh tế, đổi mới cơ cấu như nông nghiệp không chỉ là bán sản phẩm thô, chế biến phải tiến đến có dự trữ, phân phối. Công nghiệp phải từ gia công sang sản xuất mua nguyên liệu bán thành phẩm. Phải chế tạo nhiều máy móc hỗ trợ sản xuất để không phải nhập nhằm tránh tình trạng ăn lãi suất lạm phát “kép”.


TS.Nguyễn Minh Phong  
Trong cuộc trao đổi gần đây với VTC News, TS.Nguyễn Minh Phong – Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cũng đồng quan điểm với ông Cao Sỹ Kiêm khi cho rằng, việc tự do hóa lãi suất huy động bất chấp những điều kiện chưa chín muồi có thể phát sinh hệ quả bất lợi khó lượng định.


“Hệ quả đầu tiên là thúc đẩy quá trình tái cơ cấu vốn và dịch chuyển nguồn vốn bất thường của các ngân hàng, gây xáo trộn kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng.

Tự do nâng lãi suất huy động quá mức sẽ làm gia tăng lạm phát do các chi phí vốn tăng được DN chuyển trả vào chi phí giá thành sản xuất và tăng giá bán ra; cũng như có thể gây thu hẹp sản xuất, làm tăng mất cân đối cung-cầu hàng hóa - dịch vụ trên thị trường.


Trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay, mặt trái của cuộc đua lãi suất huy động là rất lớn, không chỉ có thể làm tăng chi phí đầu vào, giảm quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh  mà thể gây ra một số mất ổn định chung trong hệ thống ngân hàng và đời sống kinh tế - xã hội”, TS Phong cho biết.


Thu Hiền



Bình luận
vtcnews.vn