Lãi suất cao, khách hàng và nhà băng gặp khó

Kinh tếThứ Ba, 28/12/2010 10:22:00 +07:00

Theo các ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận cao như hiện nay rất khó thu hút người vay, dù nhu cầu vốn luôn có...

Theo các ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận cao như hiện nay rất khó thu hút người vay, dù nhu cầu vốn luôn có, nhất là trong thời điểm cận Tết Nguyên đán.

Mặt bằng lãi suất cho vay cao khiến tăng trưởng dư nợ tín dụng giảm dần trong tháng 12.
Tuy nhiên, giảm lãi suất lúc này cũng không dễ do áp lực cạnh tranh huy động vốn luôn gay gắt vào cuối năm nên nhà băng phải đảm bảo thanh khoản. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia cũng như nhà lãnh đạo ngân hàng, lãi suất sẽ giảm sau Tết Âm lịch.


Hiện lãi suất cho vay thỏa thuận đối với khách hàng DN được các nhà băng áp dụng mức bình quân 17 - 18,5%/năm và thậm chí còn cao hơn ở những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Còn với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay thỏa thuận bằng tiền đồng vẫn duy trì ở mức tương đối cao, với 19 - 20%/năm ở ngân hàng nhỏ và 18 - 19%/năm ở nhà băng lớn. Nhưng nếu khách hàng vay vốn dưới hình thức tín chấp, lãi suất cho vay thỏa thuận lên đến 21 - 23%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay cao khiến tăng trưởng dư nợ tín dụng giảm dần trong tháng 12. Đặc biệt là với tín dụng tiêu dùng cá nhân, theo các ngân hàng, người vay không còn mặn mà. Theo lãnh đạo Khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng ACB, trong gần 1 tháng qua, dư nợ tín dụng của khối cá nhân chững hẳn, kể cả với phân khúc khách hàng vay vốn mua nhà để ở dưới hình thức trả góp cũng giảm dần…, nên khó có thể hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cho cả năm. Dư nợ tín dụng từ khối khách hàng DN của ACB có phần ổn định hơn và khả năng sẽ hoàn thành được chỉ tiêu.

Tại Eximbank, dù lãi suất cho vay áp dụng cho khách hàng cá nhân ở mức tương đối cạnh tranh (khoảng 18%/năm) so với mặt bằng lãi suất chung trên thị trường hiện nay, song theo Eximbank, để kích thích tăng trưởng dư nợ của khối này cũng không dễ.

Đáng chú ý là áp lực lạm phát những tháng trước Tết Nguyên đán tiếp tục theo chiều hướng tăng lên. Tổng cục Thống kê vừa công bố mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 là 1,98%, góp phần đưa tốc độ tăng của chỉ số giá cả năm nay lên 11,75%. Tuy con số 11,75% không quá bất ngờ, nhưng vẫn vượt so với chỉ tiêu được Quốc hội đề ra hồi đầu năm gần 5%. Vì thế, nhà băng khó có thể cắt giảm lãi suất huy động vốn dưới mức trần cho phép 14%/năm được áp dụng cho hầu hết các kỳ hạn tiền gửi hiện nay, nhằm đảm bảo thanh khoản. Trên thực tế, cùng kỳ cuối năm trước, để đảm bảo thanh khoản cho thị trường, NHNN đã phải "bơm" ra hàng chục nghìn tỷ đồng qua thị trường mở.

Nhưng điều đáng nói là hiện các ngân hàng có nguồn vốn khả dụng dôi dư cũng không dám cắt giảm chi phí huy động vốn, do lo ngại nguồn tiền tiết kiệm sẽ "chạy" sang nhà băng khác. Điều này đã xảy ra trong những đầu và giữa tháng 12 khi Techcombank bất ngờ nâng lãi suất tiết kiệm lên mức 17%/năm và hút một lượng tiền lớn từ nhà băng khác.

Song theo đánh giá của các chuyên gia ngành ngân hàng, nếu không tính toán kỹ đầu ra, việc huy động vốn với chi phí cao như trên sẽ là bài toán khó cho ngân hàng. Bởi thực tế với áp lực lãi vay ở mức cao hiện nay, dư nợ tín dụng khó tăng trưởng, khách hàng không muốn tiếp cận vốn vay. Đặc biệt là thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhu cầu vốn của DN không cao. Do đó, khả năng lãi suất cho vay sẽ giảm vào cuối quý I/2011.

Trong khi đó, theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc kiểm soát lạm phát không thể thực hiện được trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, ông Lịch cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận khó có thể duy trì ở mức cao sau Tết Nguyên đán. Vì lúc này, nhu cầu vốn của DN không cao như thời điểm cuối năm. Mặt khác, nếu áp dụng lãi suất huy động cao, trong khi khó cho vay ra thì việc giảm chi phí là điều cần phải làm.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cũng thừa nhận, lãi suất luôn là "con dao hai lưỡi", lãi suất cao sẽ đội chi phí. Vì thế, theo vị lãnh đạo này, có thể cuối quý I hoặc đầu quý II năm sau, các ngân hàng có nguồn vốn khả dụng dồi dào sẽ cắt giảm lãi suất huy động để điều tiết dần lãi suất cho vay thỏa thuận, kích thích dư nợ. Sau đó, đến lượt các nhà băng nhỏ cũng phải giảm dần chi phí, đưa mặt bằng lãi suất xuống mức phù hợp hơn.

Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sự méo mó trong chính sách lãi suất, ngắn hạn như dài hạn, thậm chí ngắn hạn cao hơn dài hạn và không có kỳ hạn cũng như có kỳ hạn hiện nay sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn. Ông Nghĩa cho rằng, lãi suất thực của Việt Nam cao đột biến, chưa có nước nào chênh lệch lãi suất tiền gửi và lạm phát khoảng 5% như Việt Nam (ở Mỹ lạm phát bằng hoặc chỉ hơn lãi suất).

Vì thế, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã trình Chính phủ chương trình tổng quát để giảm lãi suất sau quý I/2011, còn không nền kinh tế sẽ gặp khó, vì DN không đủ trả chi phí cho vốn vay, với lãi suất hiện nay để cải tiến công nghệ mà chỉ có thể cầm cự. "Lạm phát sẽ được kiểm soát và đang trên đà giảm, nên lãi suất cao hiện nay không phải một thực tế kinh tế mà do khiếm khuyết của công tác điều hành", ông Nghĩa nói.


Theo Đầu tư chứng khoán

Bình luận
vtcnews.vn