Ký ức khó quên của giọng đọc huyền thoại: “Đây là Tiếng nói Việt Nam…”

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 31/08/2015 08:00:00 +07:00

NSƯT Hà Phương và giọng đọc huyền thoại: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”. NSƯT Hà Phương - giọng đọc huyền thoại của VOV

(VTC News) - NSƯT Hà Phương, giọng đọc huyền thoại: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…” chia sẻ về những ký ức khó quên của sự nghiệp phát thanh viên.

Những tiếng lời thân quen in dấu suốt 70 năm Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (TNVN) trong cả cả ngàn vạn đêm ngày ấy, mỗi khi mở đầu chương trình Thời sự lại nghe vang lên bản nhạc “Diệt phát xít” và lời xướng dõng dạc, tự hào, thân quen với người dân Việt: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”
NSƯT Hà Phương
Cả cuộc đời NSƯT Hà Phương miệt mài với sự nghiệp PTV
Đã có ba giọng đọc của 3 thế hệ PTV nối tiếp đọc lời xướng danh dự ấy để biểu cảm từng chặng đường khác nhau trên hành trình giành lại và giữ gìn Độc lập - Tự do của Tổ quốc.

11 giờ 30’ ngày 7/9/1945 tại số nhà 8 Đinh Lễ xưa của Hà Nội, đài TNVN ra mắt đồng bào cả nước và ông Nguyễn Văn Nhất vinh dự đọc lời xưng danh: “Đây là tiếng nói của Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đài TNVN cùng các cơ quan lãnh đạo của Trung ương và Chính phủ lên đóng quân bí mật ở “An Toàn Khu” (gọi tắt ATK), đã có lúc lời xướng phải đổi vế sau thành “phát thanh gần Hà Nội” do PTV Nguyễn Thơ thể hiện.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, “giọng đọc vàng” của các nghệ sỹ Việt Khoa, Nguyễn Thơ và giọng nữ Tuyết Mai đã hai đọc lời xướng theo hai cách biểu cảm khác nhau với cảm hứng nghệ thuật tuyệt vời “Đây là tiếng nói Việt nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phát trên các làn sóng, 19, 31, 49 và 297 mét”.

Lời xướng và nhạc hiệu Đài Tiếng nói Việt Nam:

Những lời ngắn gọn, dõng dạc ấy vang lên suốt từ thời hòa bình 1955 qua đấu tranh thống nhất đất nước và kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến ngày toàn thắng 1975.

Bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập, diện mạo làn sóng phát thanh cần thể hiện rõ sự chuyển biến lớn lao và đa dạng ấy. Vẫn là danh xưng của Đài từng in sâu vào tâm tưởng thính giả cả nước, nhưng phải đọc lại bằng giọng điệu mới để thể hiện sắc thái nhẹ nhàng hơn, hòa hợp với bạn bè, thính giả bốn phương. Quả là việc không đơn giản.

Hà Phương lúc đó là Trưởng phòng PTV và nữ NSƯT Hoàng Yến đã vinh dự được Đài chọn đọc lại lời xướng để làm mới nhạc hiệu.

Nhắc lại sự kiện đáng nhớ ấy, NSƯT Hà Phương chia sẻ: “Đảm nhận công việc vinh hạnh ấy là thử thách nghề nghiệp rất đáng nhớ.

Làm mới những khuôn mẫu nghệ thuật đã được định hình vốn đã khó khăn, nhưng để đạt được yêu cầu thể hiện sắc thái mới của 6 chữ quá quen thuộc “Đây là tiếng nói Việt Nam” bấy nhiêu năm, lại càng phải suy nghĩ, khó nhọc. Rất may là sau hơn chục lần tập với nhau, lời xướng mang sắc thái mới này đã được chọn phát sóng ba chục năm nay.


nsưt hà phương
NSƯT Hoàng Yến và NSƯT Hà Phương luôn xuất hiện trong những ca đọc đặc biệt. Ảnh trên kỉ niệm ca đọc Thời sự trực tiếp 6 giờ sáng 7/ 9/ 2005, kỉ niệm 60 năm thành lập đài TNVN. 
Duyên Nghề

NSƯT Hà Phương nhẩm tính từ khi lập nghiệp bằng nghề báo Phát thanh năm 1964 đến nay, ông đã nếm trải đủ các công đoạn của nghề báo phát thanh. Từ viết tin, bài, biên soạn chương trình và tự đọc thu âm, hòa nhạc. Lúc nghỉ hưu còn được giao thêm việc “Kiểm thính”, tức là “nhặt sạn”, “dọn vườn” cho làn sóng.

Trả lời câu hỏi cơ duyên nào ông lại ngả hẳn sang nghề PTV, ông gỡ vội cái kính lão dày cộp, lau mồ hôi, giọng trầm xuống: “Có lẽ vì nghề chọn người nên suốt đời chỉ ham mê ngắm nghía sức chứa âm thanh của chữ nghĩa. Đến nỗi bà xã thường bảo mình bị “cái chữ nó hành”.

Nghề PTV rất khó nhọc mà người ngoài khó nhìn thấy. Là PTV phải nghiêm cẩn, phải thức khuya dậy sớm trực đọc tin tức thời sự, tin thời tiết bão lũ…

Lắm khi mình vừa cầm bát cơm đã phải vội đặt xuống mà đi vì có điện thoại gọi đến Đài đọc “tin đặc biệt”. Nhưng cần thiết nhất là phải say nghề. Được công nhận giọng hay đâu phải chỉ nhờ chất giọng tốt mà cái chính là PTV phải biết say chữ, biết ngắm nghía nó trước khi đọc thành tiếng…”.

Vì muốn dành tâm huyết truyền nghề cho PTV trẻ, những ngày này vẫn thấy ông nhận lời mời theo các chuyến bay xa để đào tạo giọng đọc cho nhiều đài PTTH địa phương, vẫn gặp ông ra vào phòng thu ở 39 Bà Triệu đọc tiếp cuốn tiểu thuyết kinh điển “Sông Đông êm đềm” dày hơn cả ngàn trang hiện đang phát trong tiết mục “Đọc truyện dài kỳ”, và gần như chiều nào ông cũng bận dạy nghề cho học viên đến học tại nhà.

hà phương
NSƯT Hà Phương dạy nghề tại đài PTTH Bình Thuận
Quả đúng như ông thú nhận, khi được nghề chọn mình thì dễ gặp lắm thứ tình cờ đưa đẩy. Ông làm nghề báo phát thanh ở Đài truyền thanh Nghệ An tình cờ đúng vào ngày nổ ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ 5/8/1964, máy bay ném bom kho xăng Vinh.

Được điều chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam cũng là duyên may đến tình cờ. Số là tháng 3/1966 được cử đi phụ giúp đoàn cán bộ đài TNVN do Phó Tổng biên tập Huỳnh Văn Tiểng dẫn đầu vào viết bài động viên quân dân tuyến lửa khu 4 cũ. Nửa tháng lăn lộn với bom đạn, máy bay tàu chiến Mỹ bắn phá.

Lúc sắp chia tay, bác Tư Tiểng hỏi “Vợ con ở cả ngoài Hà Nội, cậu có muốn được chuyển về đài TNVN công tác không?” Mừng khôn xiết và một tháng sau, mong ước thành sự thật, ông được chuyển về làm phóng viên phòng “Thời sự miền Bắc”.

Sau đợt viết bài về Khâm Thiên bị bom B52 Mỹ thì cũng lại tình cờ ông được điều động sang làm PTV, vì thời điểm không thể nào quên khi đài phát sóng Mễ Trì trúng bom Mỹ. Nhưng chỉ sau 9 phút mất sóng, cả nước lại nghe được Tiếng nói Việt Nam phát sóng mạnh hơn, rõ hơn.

Đó là công sức của đội quân đặc biệt hơn 100 người đi làm phát thanh bí mật ở nước ngoài mang bí số K59 làm nên một đài Tiếng nói Việt Nam thứ hai. Và cũng lại tình cờ Hà Phương được điều động vào đội quân ấy để từ đây neo đậu đời nghề vào phòng PTV đài TNVN.

Phim tài liệu đặc biệt về những giọng đọc huyền thoại của Đài Tiếng nói Việt Nam:

Một chuyến đi công tác đạp xe 800km

Suốt nửa thế kỷ làm báo phát thanh, Hà Phương nói không sao nhớ hết những kỉ niệm làm nghề từ thời chiến tranh sang hòa bình, từ trong nước và ngoài nước.

Ông nhẩn nha nói rằng “Gia tài riêng còn lại  lúc đã quá tuổi 70 chỉ là những chữ đã viết ra và những lời đã vang lên từ những phòng thu, vừa hữu hình lại vô hình. Cái còn lại là những tấm lòng đã trao và nhận qua sóng phát thanh và vốn tri thức cuộc đời mình đã thu nạp.”

Lúc ngồi tại nhà riêng nghe ông kể chuyện nghề, trời đã về chiều. Biết tính ông rất ngại “đăng đàn”, tôi vội cất cái máy ảnh để nghe ông kể về thời đạn bom ấy. Hầu như tháng nào cũng 2,3 lần phải đạp xe từ Nghệ An đem tin bài ra Hà Nội. Chỉ có cái bi đông nước với bao gạo, cái máy ghi âm nặng 7kg…mỗi lần đi về như thế ít nhất cũng 800 cây số vì lắm đoạn bom phá không còn đường, phải đi vòng đi tránh.

Ông bảo ác liệt nhất là từ tháng 4/1972. Sau khi tạm ngừng ném bom hạn chế, bom đạn kẻ thù dồn cả vào tuyến lửa từ Nghệ An vào Vĩnh Linh. Cơ quan đầu não của tỉnh sơ tán về Đô Lương, ông được bố trí ở nhà dân xã Quang Sơn, cách Truông Bồn một cánh đồng bị bom cày nát. Viết bài, đánh máy chữ phải mò mẫm trong đêm, vừa nghĩ vừa gõ phím.

Đọc vào băng ghi âm R5 nhờ ánh đèn pin, vừa soi vừa đọc, không được lọt sáng ra ngoài. Cơm độn toàn ngô phải ăn lúc trời nhập nhoạng vì ban ngày già trẻ kéo hết ra bờ tre rìa làng săn hầm hào giao thông.

Có đêm máy bay Mỹ ném trúng đoàn xe tải chở xăng, đám cháy đỏ trời soi rõ cả sân nhà. Ông già Tăng, chủ nhà nhìn đám cháy xót ruột quá, đứng như trời trồng giữa sân, vừa khóc vừa chửi: “Tổ cha cái thằng phi công ác độc chi rứa”.

Nhà ông bà nghèo nhất xóm, thằng Ngạn con trai trưởng chưa đủ tuổi đã nhập ngũ, còn đứa em gái nhỏ là lao động chính. Bà cụ bị mù từ nhỏ, lần mò quanh quẩn trong nhà nhưng chuyện làng nước nghe không sót câu nào. Lần ấy theo kỳ hạn, tôi đạp xe đem băng ghi âm tin bài về 58 Quán Sứ. Mờ sáng từ Diễn Châu đã chịu 5 trận bom dọc đường mới đến gần Thanh Hóa.

Trời sập tối, không nhìn rõ đường, đành lần theo ánh đèn dầu le lói mò vào nhà dân bên con kênh nhỏ. Biết bà chủ nhà ngại ngần nhìn cái xe đạp xộc xệch, khung xe thủng lỗ chỗ vì bom bi dọc đường, lại thêm máy móc dây rợ lằng nhằng, vội đưa thẻ nhà báo cho đứa con trai đi trình báo dân quân xã.

Hỏi mượn nồi nấu tạm bữa cơm thì nhìn lại, bao đựng gạo ăn đường treo sau yên xe đã trống rỗng. Hóa ra trúng mảnh bom, cái bao  thủng lỗ chỗ, gạo đã rơi hết dọc đường. Hôm đạp xe trở vào theo đường chiến lược “U bò lăn” về đến Nghĩa Đàn đụng ngay trận bom từ trường, thấy chiếc xe chở khách nổ tung giữa đường, chẳng còn ai sống sót.

Tin đồn về cơ quan, bà cụ Tăng vội sai con gái út luộc quả trứng, xới bát cơm đặt lên bàn thờ rồi mếu máo: “Tội nghiệp quá con ơi, “đi nhiều có ngày gặp ma”, mẹ nói rồi. Giờ còn ai mở đài cho mẹ nghe đây”. Đúng lúc đó tôi dắt cái xe, thất thểu bước vào nhà. Nghe con bé kêu to mừng rỡ, bà cụ quờ quạng lần bước đến bên, sờ tay vuốt mặt tôi, buột miệng một câu: “Cha đứa mô nói láp (nói dối), hèn chi cả nhà tưởng mi chết rồi chớ”. Hai hốc mắt trên khuôn mặt nhăn nheo ấy thấy đẫm nước mắt…

NSƯT Hà Phương ngừng kể. Câu chuyện chắc còn dài lắm, nhưng người nghệ sỹ già ấy đã lau vội đôi tròng kính, giọng trầm xuống: “Những chuyện như thế làm sao có thể phai nhòa trong kí ức. Bảo sao lại không đeo đuổi, nặng lòng với nghề cơ chứ” .

An Yên
Bình luận
vtcnews.vn