Kỳ thú Đại lễ trước giờ G ở vùng ngoại ô Thủ đô

Thời sựChủ Nhật, 10/10/2010 07:30:00 +07:00

(VTC News) - Từng con ngõ, mái đình, ao làng đến mọi ngôi nhà, không khí mừng đón ngày Đại lễ đã khiến nhiều người từ nơi khác đến đây phải ngạc nhiên thú vị.

(VTC News) – Như một Hà Nội trung tâm thu nhỏ, từng con ngõ, mái đình, ao làng đến mọi ngôi nhà, không khí mừng đón ngày Đại lễ đã khiến nhiều người từ nơi khác đến đây phải thốt lên ngạc nhiên thú vị. Mô hình Tháp Rùa, cụ rùa Hồ Gươm ngậm kiếm oai hùng ở nơi ao làng, những con đường ánh sáng lung linh sắc đèn như trong chuyện cổ tích…

Được một người quen thủ thỉ mời xuống nhà chơi và “ăn” Đại lễ cũng từng bừng không kém Hà Nội, tôi ngạc nhiên và thích thú. Tò mò theo lời anh bạn khi ngày Đại lễ chỉ còn được đếm bằng giờ, tôi đến Thôn Lam Sơn, xã Minh Cường, Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km đi theo hướng quốc lộ 1 cũ, đây cũng là một huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ mới sáp nhập vào Hà Nội năm 2008.

Khi đến Minh Cường, tôi và một đồng nghiệp đi cùng vô cùng ngạc nhiên trước không khí đang “sôi sùng sục” để chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tại nơi đây.

Không khí chuẩn bị cho đêm Đại lễ 10/10 diễn ra khắp thôn xóm.

Chỉ giáp mặt đường khoảng chừng 500 m, 3 chiếc cổng dẫn vào làng đã được kết chỉnh một cách trang trọng. Khẩu hiệu chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long được căng  chào để đón khách. Những bóng đèn điện đủ màu sắc được treo xung quanh, khiến chiếc cổng làng trông lộng lẫy như “Đêm hội Long trì”. Dọc khắp thôn làng, công việc chuẩn bị vẫn đang tiếp diễn một cách háo hức. Từ già, trẻ, gái, trai trong làng, mỗi người được phân công một nhiệm vụ để làm sao cho cổng chào của xóm mình phải là đẹp nhất.

Anh Đặng Chế Linh đang gắn những chiếc bóng đèn cuối cùng vào lồng để thử điện cho kịp phát sáng đón ngày hội cho hay: “Cái cổng làng mới chỉ là bề ngoài thôi anh ạ. Còn nhiều điều sẽ khiến anh ngạc nhiên hơn ở trong làng em. Ở trên Hà Nội có gì thì ở làng em cũng có hết. Hà Nội mới đón Đại lễ thì cũng phải oách chứ!”.

Bước qua cổng làng, cô bạn đồng nghiệp của tôi đã thốt lên: “Không thể tin được! Trông như ở phố cổ". Trước mắt chúng tôi là một “rừng” đèn lồng đã được giăng khắp ngõ xóm, đèn nháy được trang hoàng khắp đình làng, cửa nhà từng hộ dân, những giải băng lụa được buộc một cách điệu đà lên từng cành bonsai trước cửa.

...cho đến trang hoàng cho Đình làng lộng lẫy.

Chị Bùi Thị Luyện (SN 1959) đang trang trí cây cảnh trước cửa nhà hồ hởi cho biết: “Đây là dịp ngàn năm mới có một lần nên dân làng chúng tôi mong chờ lắm. Cả tuần nay làng tôi cứ như mở hội vậy. Sáng, trưa, chiều tối không khí đón Đại lễ cứ rầm rập, ngập tràn khắp cả làng. Thích nhất là bọn trẻ con, đi học về bỏ bê cả cơm nước giúp mẹ, lại chạy tót ngay ra Đình cùng các thanh niên trong thôn trang trí Đại lễ”.

Điều đặc biệt hơn cả, đúng như lời mời chào: Hà Nội có gì thì ở đây cũng có như vậy. Dưới chiếc ao làng chỉ rộng chừng 20m2, một cụ rùa Hồ Gươm được tạo hình từ xốp, sơn vàng đang ngậm kiếm nổi uy nghiêm giữa mặt ao.


Cụ rùa Hồ Gươm ngậm kiếm nơi ao làng.

Cách đó không xa, một nhóm thanh niên khác cũng đang gấp rút trang trí chiếc Tháp Rùa được làm khung từ tre và bọc xốp để kịp hạ thủy trước khi trời tối. Quanh chiếc tháp rùa được giăng đèn khắp xung quanh để tạo ánh sáng lung linh như Tháp Rùa thật.

Trong tâm trạng phấn khởi, tự hào, anh Trần Văn Tuấn, phó Công an xã Minh Cường cho biết: “Tuy không được giống như thật, nhưng chúng tôi muốn tạo cho người dân một không khí cũng như ở trên Hà Nội để mọi người cùng tham gia đón Đại lễ”.

Mô hình Tháp Rùa được hạ thủy trông rất lạ mắt.

Bên cạnh nhóm làm Tháp Rùa, một số chị em phụ nữ khéo tay đang cắt tỉa từng bông sen giấy, bên trong được gắn nến để thả xuống ao cạnh Tháp Rùa.

Khi Tháp Rùa được hoàn thành, hàng chục người từ khắp các xóm trên xóm dưới đã đổ về để đón chờ khoảnh khắc lên đèn thử nghiệm của “Tháp Rùa giữa ao làng”. Tiếng hô đếm 1,2,3 kèm theo tràng vỗ tay nổ vang như pháo giữa một ngôi làng yên bình khi ánh điện trong tháp bừng sáng. Rồi mọi người hò reo khen ngợi và đồng thanh hô vang: “Chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”.

Những ngọn nến bừng sáng trong bông sen giấy.

Mắt ngấn lệ trước tâm trạng vui mừng của dân làng và lũ trẻ, ông Đặng Văn Tần (67 tuổi) trưởng xóm Chí Hưng tâm sự: “Cả đời tôi sống đến từng này tuổi đầu, nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến dân làng tôi có được một không khí lễ hội lớn và tưng bừng đến như vậy. Chỉ mong sao bọn trẻ được học hành đầy đủ, no ấm và thoát cái cảnh nghèo của cha ông chúng nó. Đến ngày 10/10 chúng tôi sẽ còn tổ chức một lễ hội đường phố quanh làng nữa để mọi người cùng tham gia. Khi nào trên Hà Nội bắn pháo hoa thì dưới làng chúng tôi cũng sẽ bật rượu mừng Đại lễ”.

Đứa trẻ ngồi trên cổ bố thích thú với chiếc đèn lồng được giăng khắp ngõ xóm.

Khi được hỏi tại sao không để Tháp Rùa và cụ Rùa trong cùng một ao, ông Tần dí dỏm cho biết: “Sở dĩ chúng tôi làm như vậy cũng có lý của nó cả. Đúng ngày mùng 10/10 thì Tháp Rùa sẽ được đưa sang ao làng xóm trên để tụ hội với cụ Rùa. Đó cũng là ý thể hiện sự đoàn kết chung vui của dân làng mừng Đại lễ”.

Về đêm cả thôn xóm lung linh giữa một rừng đèn lồng.

Bất ngờ trước không khí chuẩn bị kỷ niệm Đại lễ 1000 năm ở nơi đây, chúng tôi đến tìm gặp ông Phạm Tiến Dũng, trưởng thôn Lam Sơn. Ông Dũng cho biết: “Việc tổ chức và trang trí mừng Đại lễ này đều do người dân trong làng chúng tôi tự nguyện đứng ra đóng góp. Tất cả mọi người đều cùng chung một ý nghĩ đây là dịp ngàn năm mới có một lần nên khi đưa ý tưởng trình ra làng và vận động nhân dân thì mọi người đều rất hào hứng, không ai phàn nàn gì cả. Nhà nào có nhiều thì đóng 100 ngàn, có ít thì đóng 50 ngàn. Còn thiếu đâu chúng tôi trích từ quỹ của thôn để tổ chức cùng dân làng”.

Cổng chào đầu xóm sáng bừng điện tưng bừng đón khách đến chơi Đại lễ.

Rời thôn Lam Sơn khi trời đã tối, bước chân dưới những con đường ngợp đầy màu sắc tôi như chìm đắm vào một không khí hùng thiêng lịch sử của mảnh đất kinh đô ngàn đời. Đâu đó, phía xa hình ảnh người dân còn đang “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên đồng ruộng thấp thoáng hiện lên, nhưng từ những nụ cười cần lao đó trong họ toát lên một tình yêu, một niềm tự hào vô cùng to lớn đối với Hà Nội ngàn năm văn hiến và như một tiếng nhạc reo vang cho khúc khải hoàn của Hà Nội linh thiêng, hào hoa 1000 năm tiếp theo…

Dương Lãng Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn