Kỳ thú câu sông: Săn cá chiên khổng lồ nơi thượng nguồn

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 05/03/2013 06:28:00 +07:00

(VTC News) - Con to nhất mà Hà "mỏ" trục được từ dòng sông Nho Quế nặng tới 63kg. Tuổi đời của nó, có lẽ cũng chẳng kém Hà “mỏ”.

(VTC News) - Con to nhất mà Hà trục được từ dòng sông Nho Quế nặng tới 63kg. Tuổi đời của nó, có lẽ cũng chẳng kém Hà “mỏ”.

Những người đam mê câu cá, đều có cá tính lạ. Người đời không thể hiểu vì sao, lại có những người, sẵn sàng bỏ cả công danh, sự nghiệp, quên cả việc kiếm tiền để đi câu. Cũng không thể hiểu vì sao, cứ đến cuối tuần, họ lại đi tới mấy trăm cây số, rồi dầm mưa dãi nắng cả ngày với chiếc cần câu, mà có khi chẳng được con cá nào.

Mỗi người có một thú câu khác nhau, người thích câu ao hồ, người thích câu sông, câu biển. Nhưng, câu sông có lẽ là thú câu vừa dân dã, vừa cuốn hút. Trong loạt bài viết này, tác giả đã gặp gỡ những cao thủ câu sông, để tìm hiểu vì sao các cần thủ lại đam mê với việc chinh phục cá sông đến vậy.

Kỳ 1: Săn cá chiên khổng lồ trên thượng nguồn

Dịp cuối tuần, nhiều cần thủ ở Hà Nội, hoặc các thành phố, đều í ới, tụ họp nhau, rồi rồng rắn lên thượng nguồn các con sông lớn ở phía Bắc, như sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Lô, sông Gâm, sông Chảy… để quăng cần săn cá chiên, lăng.

Với những cần thủ ở phố xá, thì việc câu được một chú cá chiên, lăng, dù chỉ nặng vài ký, cũng là thành tích đáng nhớ cả đời. Cá chiên khiến giới cần thủ câu sông sôi sục muốn chinh phục, không hẳn vì thịt ngon, giá tiền lên đến hàng triệu đồng/kg, mà bởi vì, loài cá này mang nhiều màu sắc huyền thoại.

Sông Đà, nơi vốn có rất nhiều cá chiên khổng lồ, cuốn hút giới câu cá 
Sông Gâm đoạn chảy qua Cao Bằng có loài cá chiên khổng lồ, mà người dân gọi là "cá ma" 
Nhưng, với những cần thủ miền núi, vốn có hàng chục năm lăn lộn bên các dòng sông, thuộc từng luồng lạch nước, thói quen sinh sống, kiếm ăn của loài cá chiên, thì việc câu được con cá chiên cỡ vài chục ký, không phải quá ghê gớm. Chỉ có những cần thủ, với tài năng ma quái, mới thường xuyên chinh phục được loài cá chiên.

Ở sông Gâm, chảy qua tỉnh Cao Bằng, ghềnh thác khủng khiếp, nước chảy như tên bắn, xoáy sâu hun hút, là vương quốc của loài cá chiên. Loài cá này vốn được đồng bào bên sông coi là “cá ma”. Xưa kia, nhắc đến loài cá này, người dân ven sông rất sợ, thậm chí, giới chài lưới cũng không dám bắt nó, sợ rước đen đủi vào thân. Người ta tin rằng, nó là phương tiện đi lại của Hà Bá.

Ở đầu nguồn sông Đà, đồng bào cũng sợ loài cá này, gọi nó là quái vật sông nước.

Khoái khẩu của nó là thịt thối. Thế nên, người chết đuối không vớt được nhanh, thì sẽ chỉ còn lại nắm xương tàn lẫn với đá sỏi dưới đáy sông sâu. Mùi tanh, thối của thịt người chết trôi nổi trên sông sẽ kéo lũ cá tinh ranh này rời hang đá.
 
Cần thủ câu cá chiên khổng lồ ở Ấn Độ. Ảnh internet 

Quả thực, những người yếu vía, nhìn con cá chiên rất đáng sợ. Nó thực sự là quái vật chứ không phải cá. Nó mang thân hình kỳ quái, mốc thếch, vằn vện, với cái râu to tướng, cùng cái đầu bạnh ra, trông chẳng khác gì phiến đá. Người dân miền núi còn đùa rằng, có thể mài dao trên đầu cá chiên.

Thế nhưng, khi loài cá này trở thành đặc sản, với giá tiền lên đến cả triệu đồng 1kg, thì “cá ma”, hay quái vật dưới những lòng sông bị săn lùng ráo riết. Những con cá chiên nặng tới 50kg, thậm chí tới 70kg ở thượng nguồn các dòng sông bị trục lên khỏi đáy sông, hang đá, vụng nước cuộn xoáy.

Với giới cần thủ, câu cá chiên là niềm đam mê bất tận. Không chỉ ở Hà Giang, mà có lẽ cả miền Bắc này, nổi tiếng nhất về tài câu cá chiên phải kể đến Hà “mỏ”, nhà ở phường Minh Khai, TP. Hà Giang.

Vốn là cán bộ Nhà nước, nhưng bỏ cơ quan, lập công ty chuyên khai khoáng. Hà bảo, những tháng ngày ngược sông suối, thác dữ đi khảo sát các khu mỏ, anh bị cuốn hút bởi loài cá này. Những con cá chiên khổng lồ bị thợ săn, dân chài, dân câu trục lên từ đáy sông Lô, sông Gâm khiến anh như bị thôi miên.
 
Cần thủ và thành quả là chú cá chiên. Ảnh Diễn đàn câu cá 
Vậy nên, cứ một tuần ở khu mỏ, một tuần Hà “mỏ” lại cùng anh em mê câu kẹo ngược thượng nguồn những dòng sông hung dữ để săn lùng cá chiên khổng lồ.

Hà vốn mê câu cá từ nhỏ, nhưng những kỹ thuật câu cá chiên Hà “mỏ” học từ đồng bào, dân chài đáng giá hơn nhiều. Kết hợp với kỹ thuật câu hiện đại, Hà “mỏ” kéo lên vô số cá chiên khổng lồ. Con to nhất mà Hà trục được từ dòng sông Nho Quế nặng tới 63kg. Tuổi đời của nó, có lẽ cũng chẳng kém Hà “mỏ”.

Có những chuyến Hà cùng các chiến hữu thuê hẳn một con thuyền, rồi cứ thế ngược sông Lô, xuôi sông Nho Quế, chạy hết 200km sông Gâm, để truy tìm những dòng sông ngầm chảy ra từ lòng núi, những xoáy nước, hang ngầm sâu vài chục mét, thậm chí cả trăm mét, nơi bom mìn không hạ sát được cá, nơi thợ đánh lưới, thợ lặn cũng phải bất lực. Nơi ấy, cả triệu năm nay, những thế hệ cá chiên đã sống, chết không biết bao nhiêu đời.
Thả câu chiên khổng lồ trên sông Đà. Ảnh Quốc Việt 
Trục được những con cá chiên khủng như thế khỏi hang ngầm mới thực sự thú vị. Thế mới hiểu, vì sao Hà “mỏ” và các cần thủ đất Hà Giang sẵn sàng bỏ cả công việc, sự nghiệp để đắm mình với thú câu kẹo.

Cách câu của Hà “mỏ” quả thực đặc sắc, mà giới câu kẹo bình thường khó học được. Anh bảo, cách chế lưỡi câu học được từ một thợ câu chuyên nghiệp người Ấn Độ. Thợ câu người Ấn này là một kỹ sư cơ khí. Những dòng sông Ấn Độ cũng có nhiều quái vật chiên khổng lồ, cuốn hút các cần thủ từ mãi châu Âu.

Cá chiên tuy hiền lành, nhưng chúng rất khỏe, miệng cứng như đá. Khi dính lưỡi, nó sẽ chui tọt vào hang, vật lộn quyết liệt trong hang, nên không dễ gì kéo nó ra được. Chúng lại là loài rất tinh khôn, nên lưỡi nhỏ, nhưng phải siêu cứng, cực kỳ sắc lẹm.

Hà “mỏ” phải tự chế lưỡi từ sợi cáp những con tàu biển có trọng tải hàng vạn tấn. Sợi cáp chỉ to bằng nan hoa xe máy, nhưng khi uốn thành lưỡi, có thể móc hàm con lợn vài chục kg mà không choãi ra.
Câu được chiên khủng là niềm đa mê của các cần thủ. Ảnh internet 
Cá to, lưỡi cứng là vậy, nhưng cước thì lại khá nhỏ. Cước to, quăng xuống nước sẽ cản nước mạnh, khiến cước và mồi trôi đi. Cước và máy câu đều phải đặt mua từ châu Âu hoặc Mỹ, nơi mà các cần thủ vẫn kéo từ sông, biển lên những con cá nặng cả tạ.

Mồi câu cá chiên khổng lồ cũng thực sự quái chiêu. Hà “mỏ” tống cả chục kg nào cá mè, gan lợn, vịt con, gà con, cùng rất nhiều thứ lá, hương liệu vào chiếc thùng. Chiếc thùng ấy được bịt chặt, đem phơi dưới nắng cả tuần. Lúc mở thùng, nếu người chưa quen, ngửi một chút cũng ói mửa.

Hà “mỏ” cùng những cần thủ chuyên nghiệp ngồi trên thuyền máy neo đậu chắc chắn dưới lòng sông bên vách đá dựng đứng, xỏ lưỡi vào cả con vịt, con cá mè thối tanh nồng.

Miếng mồi nặng cỡ 4 lạng, được cục chì vài lạng, kéo tút lút xuống vụng xoáy. Dưới những vụng xoáy sâu 30-50m ấy, có những hang ngầm, đá tảng, nơi loài chiên khổng lồ ẩn mình, trốn bọn đánh mìn, đánh điện, lưới quét, quăng chài.
Chú cá lăng nhỏ câu được ở sông Hồng 

Bọn cá chiên khổng lồ vốn thành tinh cả, nhưng đôi râu to tướng đánh mùi cực thính và sự khôn ranh của nó không thể chiến thắng được cái mùi thối và tanh nồng nặc của thứ mồi đặc biệt. Dòng nước xoáy dưới đáy nước sẽ cuốn mùi đi tứ tung, mời gọi bọn chiên đang giương “ăng ten râu” tìm đến.

Khi chiếc cần chỉ dài cỡ 2m dìu đi, Hà “mỏ” chỉ việc hất nhẹ đầu cần cho lưỡi đóng. Bọn cá chiên ham mồi, nuốt chửng, không thể nào gỡ lưỡi ra được. Nó vật lộn dưới đáy sông.

Thợ câu chuyên nghiệp đều không vội vàng. Họ không làm cá sợ hãi quá, mà phóng mạnh, nhưng cũng phải khiến nó vật lộn ở mức vừa phải để nó nhanh mệt. Khi cá đã mệt, thì dòng cuộn xoáy của nước sẽ đẩy con quái vật này ngửa bụng lên mặt nước.
Lưỡi câu cá chiên 
Hà “mỏ” bảo, cách đây chục năm, có những chuyến ngược sông Gâm, Nho Quế, nhóm câu của anh trục lên từ đáy sông vài tạ cá chiên. Anh chưa bao giờ đem bán loài cá này. Anh mang cho công nhân ăn, chia cho hàng xóm. Cá nhiều đến nỗi, đám thợ câu chỉ mổ bụng lấy bộ lòng uống rượu, còn thịt cá tặng đồng bào ven sông.

Nhưng mấy năm nay, cá chiên đắt đỏ, mỗi con cá bằng cả con trâu mộng, nên bị dân chài săn lùng ráo riết, triệt hạ bằng mọi cách. Người ta đeo bình khí lặn cả xuống hang sâu bắn lao, rồi gài mìn, rải thuốc độc, nên loài cá chiên khổng lồ đang trên bờ tuyệt chủng.

Những đập thủy điện ngăn dòng ngày càng nhiều, lòng sông biến thành hồ, nước không chảy xiết nữa, loài cá chiên cũng mất môi trường sống. Chúng lại bơi tận lên thượng nguồn, nơi vẫn còn hang hốc, nước xiết.

Chuyện câu được con cá chiên vài chục ký giờ nghe cứ như chuyện hoang đường vậy.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn