Kỳ thi quốc gia 2015: Phải công khai tiêu chí tuyển sinh, tỷ lệ việc làm

Giáo dụcThứ Sáu, 24/10/2014 07:38:00 +07:00

(VTC News) – Các chuyên gia giáo dục cho rằng các trường cần sớm công khai tiêu chí tuyển sinh, công khai tiêu chuẩn chất lượng để thí sinh có thể chọn.

(VTC News) – Các chuyên gia giáo dục cho rằng các trường cần sớm công khai tiêu chí tuyển sinh, công khai tiêu chuẩn chất lượng để thí sinh có thể chọn trường một cách phù hợp.

Trao đổi với VTC News, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định việc lựa chọn phương án 1 kỳ thi quốc gia 2015 là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.

Ông Huỳnh Thành Đạt - Đại biểu Quốc hội TP.HCM (Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đồng tình với phương án tổ chức kỳ thi quốc gia 2015 để xét tốt nghiệp và lấy căn cứ để xét tuyển, đại học, cao đẳng.
kỳ thi quốc gia
Các trường cần công khai tiêu chí tuyển sinh, tiêu chí chất lượng đầu ra để thí sinh được biết để lựa chọn 
Đa số các chuyên gia đều kiến nghị Bộ GD-ĐT chỉ nên duy trì cụm thi do các trường đại học tổ chức và nâng số lượng cụm thi để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Các chuyên gia giáo dục đều đồng tình cho rằng Bộ GD-ĐT cần phải kỷ luật nghiêm những cán bộ coi thi, chấm thi để xảy ra sai phạm.

Công khai tiêu chí tuyển sinh, chất lượng đầu ra


Tất cả các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo các trường đại học đều đồng tình với việc các trường đại học phải sớm công khai tiêu chí tuyển sinh để thí sinh và phụ huynh được nắm rõ.
đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM 
Ngày 21/10, trong phiên thảo luận tại tổ TP.HCM, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành quy chế thi và tăng cường công tác truyền thông giải thích về cách thi mới này để học sinh, phụ huynh, được biết.

Đại biểu Tâm cũng kiến nghị các trường đại học nên sớm ban hành quy chế tuyển sinh riêng về trường của mình để cử tri, đặc biệt là phụ huynh, học sinh chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi sắp tới.

Cũng có cùng quan điểm này, TS Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng ĐH FPT (Hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam) cho rằng theo tư duy cũ, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm cung ứng mọi thứ liên quan đến giáo dục. Đã đến lúc thay đổi tư duy và hãy để giáo dục vận hành như một thị trường dịch vụ đặc thù.

Thay vì ôm đồm nhiều việc và kết quả thực tế không như mong muốn, Bộ GD-ĐT chỉ cần minh bạch hóa, giữ chức năng điều phối và hạn chế những tiêu cực phát sinh.

“Cụ thể hơn, những việc trong chu trình đào tạo gồm tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá,  Bộ GD-ĐT nên giao lại cho các cơ sở và tạo thành những đơn vị độc lập”, TS Đàm Quang Minh nhận định.
TS Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng ĐH FPT 
Vị hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam cho rằng cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm định và đảm bảo chất lượng. Để lành mạnh trong cạnh tranh, Bộ chỉ cần tập trung vào việc đánh giá và xếp hạng các trường.

“Minh bạch hóa các chỉ số như việc làm, tỷ lệ sinh viên đúng ngành nghề, … sẽ giúp các trường biết mình đang ở trạng thái nào. Các trường sẽ có ý thức trong việc gìn giữ uy tín. Hiện nay, chẳng ai biết các trường giảng dạy có tốt hay không. Rất nhiều sinh viên các trường được coi là lớn và có uy tín nhưng vẫn thất nghiệp rất nhiều”, TS Minh nhận định.

Thậm chí, vị hiệu trưởng ĐH trẻ nhất Việt Nam còn cho rằng sự đánh giá xếp hạng các trường là cần thiết và làm theo các tiêu chuẩn thế giới luôn. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy có những hệ thống xếp hạng các trường, chẳng hạn như kiểu 5 sao như của QS Star.

Cũng có cùng quan điểm này, Thạc sỹ Lê Xuân Trung – hiệu trưởng THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng bên cạnh thông tin của từng trường công bố thì Bộ GD-ĐT phải kết hợp cùng Bộ LĐ-TB-XH để đưa ra số liệu thống kê chính xác từng trường, từng năm về tỷ lệ việc làm của sinh viên ra trường để phụ huynh, học sinh có lựa chọn phù hợp.

Mỗi thí sinh được xét mấy nguyện vọng?

Điều đặc biệt trong mùa tuyển sinh năm nay đó là việc thí sinh có quyền lựa chọn đăng ký vào các trường sau khi đã có kết quả của kỳ thi quốc gia 2015.

Dựa trên kết quả đạt được, cùng tiêu chí tuyển sinh đã được công khai của các trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, học sinh sẽ lựa chọn ra một ngôi trường phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.

Tuy nhiên, nếu Bộ GD-ĐT không tổ chức tốt khâu xét tuyển rất dễ dẫn tới tình trạng hồ sơ ảo ngày càng nhiều.
Kỳ thi quốc gia 2015
Để tránh hồ sơ ảo, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng trong quá trình học, nhà trường và phụ huynh phải hướng nghiệp kỹ lưỡng cho các em học sinh. Khi có kết quả của kỳ thi quốc gia, học sinh tự tính toán để có quyết định chính xác nhất.

“Tôi cho rằng không nên để học sinh đăng ký tự do quá nhiều. Tôi cho rằng chỉ cần tổ chức 3 đợt đăng ký nguyện vọng. Mỗi đợt cách nhau nửa tháng. Trong 1 đợt, các thí sinh chỉ được phép đăng ký vào 1 trường mà thí sinh yêu thích.

Hiện nay, học sinh có thể đăng ký nguyện vọng qua mạng và các trường cũng có thể quản lý dễ dàng, lựa chọn được thí sinh phù hợp”, PGS Nhĩ nêu ý kiến.

Cũng có cùng quan điểm này, TS Trần Đức Quý, hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng Bộ GD-ĐT và các trường đại học phải lựa chọn phần khó về mình và để cho các em học sinh có nhiều cơ hội để xét tuyển vào các trường đại học. TS Quý đề xuất Bộ GD-ĐT nên cho học sinh 2-3 nguyện vọng để xét tuyển vào các trường.

“ Tôi nghĩ rằng số lượng hồ sơ đông không phải vào các trường top 1 mà sẽ vào các trường top giữa như ĐH Công nghiệp Hà Nội. Vì vậy, các trường top giữa sẽ rất khó khăn trong việc xét tuyển. Tuy nhiên, phải ưu tiên phần dễ cho thí sinh, nhà trường phải nhận phần khó về mình”, TS Quý nói.

Chia sẻ về vấn đề trên, Thạc sỹ Lê Xuân Trung – hiệu trưởng THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng Bộ GD-ĐT cần quy định mỗi thí sinh lựa chọn tối đa 5 trường để đảm bảo tính dân chủ và để tránh tối đa hiện tượng hồ sơ ảo.

“Các trường có thể tuyển sinh thành nhiều đợt, có thể 2-3 đợt trong năm”, ông Trung đề xuất.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn