Kỹ sư 'hai lúa' chế tạo máy bay trực thăng thứ hai

Thời sựThứ Tư, 18/02/2015 12:43:00 +07:00

Năm mới, ngoài việc đi thăm xuân chúc Tết thì thời gian còn lại kỹ sư Bùi Hiển dành toàn bộ thời gian hoàn thiện chiếc máy bay thứ hai của mình.

(VTC News) – Năm mới, ngoài việc đi chơi xuân chúc Tết thì thời gian còn lại kỹ sư Hiển dành toàn bộ thời gian hoàn thiện chiếc máy bay thứ hai của mình.

Kỹ sư Bùi Hiển (tên đầy đủ Nguyễn Bùi Hiển, SN 1954, ngụ tỉnh Bình Dương) được mệnh danh "Cha đẻ máy bay made in Viet Nam” cho biết, kể từ khi hoàn chỉnh chiếc máy bay thứ hai, ông đã luyện tập bay nhiều lần. Tuy nhiên, còn vài lỗi đang được sửa chữa, hoàn thiện dần.
 Kỹ sư Bùi Hiển bên chiếc trực thăng thứ hai của mình. Ảnh: Phan Cường

Khắc phục lỗi cánh máy bay

"Tôi thức dậy từ 5h sáng, sau đó kéo máy bay ra bãi tập, "phục kích" ngoài bãi, đến giờ G mới khởi động máy và bay. Hiện tay nghề của tôi ngày càng nâng cao, máy bay bay đã lắm, ngon lắm" - "phi công" Bùi Hiển cười nói.

Tuy nhiên, trong quá trình bay thử chiếc máy bay thứ hai, ông phát hiện cặp cánh máy bay có vấn đề, khi kéo cần lái tăng tốc cho máy bay lên cao thì thân máy bay rung lắc, không thể nhấc cao khỏi mặt đất như dự tính trước đó. Cánh máy bay không ổn, mặt cánh không bằng phẳng nên khi bay tạo gió xoáy, không ổn định trong việc cân bằng lực.

“Tôi phát hiện lỗi ở cánh quạt nên đã quyết định tạm ngưng bay và tìm cặp cánh quạt khác thay thế nhưng không thấy. Sau đó, có một doanh nghiệp Đài Loan sản xuất cửa nhôm đóng trên địa bàn gần nhà nên tôi tìm đến ngỏ lời, họ đồng ý giúp đỡ. Tôi đã nhờ họ đóng khuôn và đùn nhôm để cho ra cặp cánh mới theo đúng kỹ thuật tiêu chuẩn tôi đưa ra” – kỹ sư Hiển nói.

'Siêu phẩm' thứ hai đang được chỉnh sửa phần cánh quạt. Ảnh: Phan Cường

Cặp cánh mới được làm hoàn toàn từ hợp kim nhôm, trọng lượng 9kg, trong khi trọng lượng cặp cánh cũ nặng đến 14kg. Mỗi cánh máy bay mới giá chưa đến 1 triệu đồng/cánh, thế nhưng phần khuôn mẫu lại khá đắt, trên 50 triệu đồng/khuôn/lần.

"Nếu cặp cánh chế tạo ra không thích hợp thì buộc phải sửa lại khuôn mẫu, mỗi lần thay đổi như vậy chi phí đẩy lên khá cao, cũng may là cặp cánh mới tôi thấy rất tốt, chưa thấy lỗi gì" - ông Hiển chia sẻ.

Theo kỹ sư Hiển, đây có thể là giai đoạn hoàn thiện quan trọng để ông tiếp tục thử nghiệm bay. Hiện tại, máy bay thứ hai với cánh quạt cũ được tập bay ở độ cao khoảng 1m so với mặt đất. Máy bay chỉ bay cầm chừng ở độ cao cho phép, bay treo một chỗ khoảng 5 - 10 phút thì êm nhưng nếu bay tới lui thì rung lắc.

“Với cặp cánh máy bay mới, hy vọng có thể mang lại kết quả khả quan hơn, bay cao hơn và không xảy ra hiện tượng rung lắc, nghiêng ngả” – kỹ sư Bùi Hiển mong mỏi.

Năm nay, ông Hiển “tiết lộ”, ngoài thời gian ăn Tết, chúc xuân thì ông tập trung hoàn thiện máy bay để tập lái sớm.

Dự kiến ra Giêng, ông Hiển mang hai cánh quạt khoan lỗ, gắn kết vào các bộ phận, rồi mang đến doanh nghiệp Đài Loan đánh bóng.

Hai "siêu phẩm" để đời

Chiếc máy bay thứ hai nói trên được kỹ sư Bùi Hiển "hạ sinh" vào tháng 9/2014, với cơ chế máy bay hai cánh quạt, cánh đơn hỗ trợ cánh đuôi. Trọng lượng trực thăng nặng 340kg, sử dụng động cơ xe đua công thức 1 của Mỹ với 171 mã lực, tiêu tốn khoảng 15 lít nhiên liệu mỗi giờ, sử dụng xăng A92.

Máy bay có chiều dài 7,4 m, cao 2,4 m; chiều dài cánh quạt chính là 6,6 m và chiều dài cánh quạt phía sau là 1,1 m. Khung, cánh quạt bằng inox cao cấp, kính chắn gió chịu lực. Vận tốc tối đa khi bay đạt 200 km/giờ, trần bay dưới 500 m và tầm hoạt động liên tục trong 2 giờ khoảng 400 km.

Động cơ được trang bị hệ thống giải nhiệt của ô tô 2.0. Trọng lượng cất cánh có tải tối đa 500 kg. Kinh phí dành cho chiếc máy bay này khoảng 400 triệu đồng.

 'Phi công' Bùi Hiển lái máy bay thứ nhất nhấc khỏi mặt đất 1 m

Trước đó, vào năm 2012, kỹ sư Bùi Hiển nghiên cứu chế tạo ra chiếc trực thăng thứ nhất có cơ chế hai cánh quạt đồng trục, trọng lượng 250 kg, dài 2,95 m, rộng 1,2 m, cao 2,4 m. Chiếc trực thăng sử dụng động cơ Yamaha 2 thì, từ chiếc xuồng cao tốc 106 mã lực. Cánh quạt của trực thăng được thiết kế bằng inox. Đuôi của trực thăng bằng bánh lái dạng cánh bướm để điều khiển chuyển hướng.

Theo tính toán của ông Hiển, chiếc trực thăng này có thể bay và đạt vận tốc từ 150 - 200 km/giờ. Trọng lượng trực thăng khi cất cánh đạt 375 kg, trong đó có 50 kg hàng hóa. Tiêu hao nhiên liệu khi bay khoảng 15 lít xăng/giờ. Chi phí chế tạo ra chiếc trực thăng này hết khoảng trên 200 triệu đồng. Máy bay có khả năng chở thêm 100kg, nhấc lên cách mặt đất 1m, thời gian dừng trên không 10-15 phút.

Sau khi biết thông tin chuyến bay "lịch sử" của kỹ sư Bùi Hiển, Đoàn cán bộ Sư đoàn không quân 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân), Bộ Chỉ huy quân sự Bình Dương và thị xã Thuận An đã đến tìm hiểu về chiếc trực thăng của ông.

Có mặt trong đoàn, kỹ sư hàng không Nguyễn Minh Quân đánh giá "phương tiện bay" của ông Hiển đã đáp ứng khá tốt những vấn đề cơ bản của một khí cụ bay. Về kiểu dáng thì chiếc trực thăng có hình thức gọn gàng, đẹp mắt. Cách chuyển đổi lực từ động cơ ra cánh quạt 2 tầng, chế tạo cánh, trục ổn định hướng, bánh lái… được tính toán, chế tạo khoa học.

“So với những chiếc máy bay trực thăng ở Tây Ninh do 2 nông dân chế tạo, chiếc của ông Hiển có nhiều ưu điểm hơn, có những tính toán mang tính khoa học và thực sự thì nó đã bay được. Nếu cho điểm theo thang 10 thì tôi cho máy bay của ông Hiển 8 điểm và máy bay ở Tây Ninh 4 điểm", kỹ sư Quân nhận xét.

Còn theo nhà khoa học Phan Bội Trân - cha đẻ tàu ngầm Yết Kiêu 1: "Một khi anh đã bay được 100 mét thì anh có thể bay 1.000 m và có thể hơn thế nữa. Không những anh bay được trong nước mà còn bay ra cả thế giới".


Phan Cường
Bình luận
vtcnews.vn