Ký SEA Games: Đá quý chỉ bằng tấm vé xe buýt

Thể thaoThứ Năm, 05/12/2013 02:11:00 +07:00

Ở một nơi nổi tiếng là nhiều đá quý như Myanmar thì việc mua được 1 viên đá như hồng ngọc, cẩm thạch hay sappire cũng dễ như mua 1 tấm vé tháng xe buýt tại VN

Ở một nơi nổi tiếng là nhiều đá quý như Myanmar thì việc mua được 1 viên đá như hồng ngọc, cẩm thạch hay sappire cũng dễ như mua 1 tấm vé tháng xe buýt tại VN.

Nổi tiếng nhất tại Yangon là chợ Bogyoke, nơi tập trung các cửa hàng đá quý lớn nhất nơi này. Từ sân bay Yangon, khách du lịch tốn chừng 10 USD để đi về trung tâm thành phố. Bogyoke nằm liền kề đường Wardan, và cách không xa Mahabandoola, một con phố cũng có rất nhiều cửa hàng buôn bán vàng bạc, đá quý ở trung tâm thành phố.

Cửa hàng bán đá quý trên phố Mahabandoola 

Tại Mahabandoola, nhiều cửa hàng dán thông báo “No Cameras”-không chụp ảnh. Tuy nhiên, nếu khéo ăn nói, khách vẫn có thể thuyết phục nhân viên để xin vài bức ảnh làm kỷ niệm.

Hàng ở Mahabandoola có nhiều loại. Thôi thì "thượng vàng hạ cám", đủ cả. Rubi, thạch anh, mã não, cẩm thạch.., được bày bán thoải mái trên các sạp hàng. Không thấy bóng dáng nhân viên an ninh bảo vệ.

Chỉ vào 1 viên đá màu xanh to cỡ đầu đũa, tôi hỏi giá nhân viên bán hàng và nhận được câu trả lời: “6500 kyat, nếu anh mua nhiều thì có thể giảm giá”. Một viên đá quý như vậy chỉ có giá khoảng 120.000 đồng, tương đương một suất cơm văn phòng ở Hà Nội.

Viên đá như thế này có giá khoảng 120.000 đồng 

Cá biệt nhiều viên đá, nhân viên chỉ kêu giá 2.500 kyat (tương đương 50.000 đồng). Đã biết trước về chợ đá quý của Yangon, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi “sốc”.

Theo lời Atishah, một phụ nữ làm giáo viên ở Yangon, đá quý bán tại Mahabandoola thường pha tạp. Để mua được một viên đá có chất lượng ở đây thường phụ thuộc… hên xui. Atishah có 2 người em trai, đều làm chủ cửa hàng bán đá quý tại một con ngõ nhỏ trên đường Mahabandoola. Hai bên ngõ này, ước chừng có trên dưới 20 cửa hàng bán đá quý.

Roja, ông chủ cửa hàng đá “Anh em Roja”, có nước da và vẻ ngoài của người Ấn Độ không lẫn vào đâu được. Béo, tươi cười và vui vẻ, Roja tạo cảm giác thân thiện và rất dễ gần.

“Nếu anh muốn mua hàng tốt và đảm bảo thì có thể qua Bogyoke, muốn hàng gì cũng có”-Roja nói rồi ghi lại số điện thoại di động cá nhân. “Tiền nào của đấy”, đá quý bán tại các cửa hàng lớn ở Bogyoke có thể lên tới vài trăm USD hoặc nhiều hơn. Hàng chủ yếu được bán cho du khách nước ngoài.

Cửa hàng đá quý “Anh em Roja” 

Sau khi chuyển từ chế độ quân sự sang dân chủ, chính phủ Myanmar đã tích cực đẩy mạnh các biện pháp nhằm phát triển ngành du lịch nước này. Lượng du khách đến Myanmar tăng lên nhanh chóng kể từ năm 2011 đến nay. Việc kinh doanh đá quý của những người như Roja cũng “phất” hơn.

Theo lời cô Atishah, hầu hết chủ các cửa hàng đá quý tại Mahabandoola và cả Bogyoke đều là người gốc Hoa. Rất ít người bản địa kinh doanh đá quý. Từ khu mỏ, đá quý sau khi chế tác đổ về Bogyoke. Chợ mở cửa từ 9h sáng đến chiều tối, nhưng không hoạt động trong tất cả các ngày thứ Hai hàng tuần.

Ở đây có những cửa hàng lớn, rộng hàng chục m2 và cũng có những cửa hàng nhỏ chỉ vài m2.

Ngoài đá quý, cửa hàng còn bán cả vàng bạc và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác. Khách được lựa chọn thoải mái trước khi mua. Ở Yangon, ít có cảnh nhân viên bán hàng cau có, cáu bẳn với khách.


Theo Tiền phong
Bình luận
vtcnews.vn