Kỹ nghệ săn chép khổng lồ sông Hồng

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 07/03/2013 06:19:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều bữa trúng quả, anh câu được cả tạ cá chép, toàn loại nặng vài kg.

(VTC News) - Nếu những dòng sông như Lô, Gâm, Chảy, Đà cuốn hút giới cần thủ săn quái vật chiên, thì dòng sông Hồng chính là nơi các cần thủ thi thố trổ tài săn chép khủng.


Kỳ 2: Nghệ thuật câu chép

Nếu săn cá chiên thể hiện bản lĩnh khủng khiếp, có phần hoang dã của giới cần thủ, thì săn chép khủng thể hiện sự tài hoa, tinh tế.

Đi dọc con sông Hồng, thấy có nhiều điểm thu hút giới cần thủ, nhưng có 2 điểm câu đáng chú ý, là đoạn sông chảy qua TP. Lào Cai và phía hạ nguồn sông Hồng, các nhánh nhỏ của con sông, nước chảy hiền hòa nơi Đồng bằng Sông Hồng.

Kỹ nghệ câu chép sông ở khu vực quanh cầu Cốc Lếu (TP. Lào Cai) đã đẩy các cần thủ ở đây lên hàng cao thủ. Giới câu ao hồ, dùng lưỡi lục, ngồi ôm cần bạc triệu bất động chờ những chú chép nhút nhát nuôi thả đông nhung nhúc ăn mồi trong ao hồ, không thể hiểu được vì sao những cần thủ bình dân lại có thể kéo lên từ dòng sông cuộn đỏ những chú chép khủng.

Câu chép trên sông Hồng. Ảnh diễn đàn câu cá 
Quả cũng lạ, đoạn sông Hồng chảy qua TP. Lào Cai, đoạn từ cầu Cốc Lếu lên ngã ba sông Nậm Thi, nhỏ như con dao quăng, nước chảy như tên bắn, lại lắm cá chép đến vậy.

Vinh “chép”, một cao thủ câu chép hàng đầu đất Lào Cai, cắm xong mười mấy chiếc cần ngắn choẳn bên bờ sông trong đêm tối, rít điếu thuốc đỏ lòm trên môi, chậm rãi bảo: “Sông Hồng vốn nhiều cá. Chỗ nào chẳng có cá. Nhưng loài cá cũng khôn lắm chứ, phải biết cách bảo vệ giống loài khỏi tuyệt chủng chứ.

Bọn cá chỉ có cách thoát khỏi thợ đánh điện, lưới vét, đánh mìn bằng cách trốn vào những chỗ nước sâu, lắm ghềnh thác, nước chảy mạnh, nhiều hang hốc. Đoạn sông Hồng co thắt ở Cốc Lếu mang đầy đủ yếu tố đó. Đoạn sông này là nơi hội tụ của cá chép lớn”.
Câu sông. Ảnh diễn đàn câu cá  
Theo Vinh “chép”, cá chép ở sông Hồng đoạn này có dáng dấp khác biệt hoàn toàn chép ở nơi khác. Nó có thân hình tròn ủng, ngắn choẳn. Thịt cá thì dai nhoách, ngọt lừ. Thế nên, cần thủ nào kéo được cá lên bờ, ngay lập tức có dân sành ăn trả giá tới 200 ngàn đồng/kg.

Vì cá chép nhiều, giá cao, nên nhiều cần thủ ở Lào Cai kiếm sống bằng nghề câu cá trên sông Hồng. Có cần thủ thực sự làm giàu nhờ nghề câu cá chép.

Vinh “chép” cho biết, cách đây 20 năm, mỗi ngày, anh có thể kéo lên từ lòng sông Hồng 1-2 tạ cá chép. Những con chép cụ nặng tới cả chục kg, Vinh trục lên từ lòng sông nhiều không kể xiết.

Bây giờ, cá sông không còn nhiều nữa, nhưng đoạn sông Hồng chảy qua Lào Cai vẫn là vựa chép hấp dẫn các cần thủ đam mê với sông nước. Mùa lũ tiểu mãn về, sau mỗi trận mưa, trời hửng nắng, cá chép đi ăn chòm chọp.
Trước đây, có ngày Vinh câu được cả tạ chép, với những chú chép nặng tới cả chục kg. Ảnh minh họa lấy từ diễn đàn câu cá

Bọn chép từ hạ nguồn ngược lên từng đàn, lưng đen lúc nhúc lẫn trong dòng xoáy nước cuộn đỏ, nhìn rất thích mắt.

Mùa sinh sản, bầy cá chép cũng tìm lên đoạn sông này vật đẻ. Những con chép khủng, nặng cả chục kg vật ủng oảng trong nước. Nếu dùng lưỡi lục, chỉ việc quăng lưỡi ra, là kéo cá vào bờ.

Tuy nhiên, giới cần thủ đẳng cấp như Vinh không bao giờ câu cá đẻ. Ngặt nỗi, giới thuyền chài, cứ nhằm chỗ cá vật đẻ quăng chài. Bọn cá đẻ như thiêu thân, họ vừa kéo lưới lên đã lại lao vào nạp mạng. Mỗi mẻ chài, kéo lên cả tạ chép cũng là chuyện thường.

Nhiều cần thủ ở thủ đô, cũng vượt mấy trăm cây số lên đầu nguồn sông Hồng săn chép khủng, tuy nhiên, chỉ tốn chì, tốn lưỡi mà chẳng thấy cá đâu. Chỉ có những thợ câu bản địa, thuộc lòng luồng lạch đoạn sông này, và có những bí quyết đặc biệt, mới săn được chép sông.
Câu sông là niềm đam mê bất tận của các cần thủ 
Với Vinh “chép”, cũng như những cần thủ ở Lào Cai, thì họ thuộc từng luồng lạch, từng vũng nước, từng hòn đá tảng dưới đáy con sông này. Chỗ nào cá ẩn, ẩn vào mùa nào, lúc nào, họ đều biết cả.

Nhìn trời, nhìn đất rồi, các cần thủ mới tóm mồi, thả câu trúng điểm. Điểm câu chỉ nhỏ bằng miệng thúng, miệng nia, ở giữa dòng sông cuộn xiết, cách bờ tới vài chục mét, mà các cần thủ quăng trúng. Những điểm thả mồi đó do các cần thủ dọn dẹp trong mùa nước cạn.

Cục chì nặng 2-3 lạng, do các cần thủ tự chế, sẽ rơi trúng điểm câu và ghì mồi sát mặt đất. Chỉ cần quăng trượt một chút, chì và lưỡi sẽ mắc và cách duy nhất là tặng cục chì to tướng cho dòng sông.

Ngoài việc tinh tế trong săn chép, thì các cần thủ ở đầu nguồn con sông hung dữ này cũng là những cascadeur chuyên nghiệp. Những chú chép khủng dính mồi, chạy lăng xăng trên sông, sẽ cuốn cước và chì mắc vào đá. Các cần thủ sẽ buộc mình vào sợi thừng, vật lộn như con quay giữa dòng nước bạc để gỡ cá lôi lên bờ.
Tác giả và một chú chép câu được ở sông Hồng, đoạn sông chảy qua Bát Tràng 
Mồi câu săn chép khủng cũng là bí quyết mà các cần thủ bản địa không tiết lộ. Dân câu bình thường chỉ biết rằng, trong đống mồi ấy có khoai bở, bột mì, mẻ chua, bơ, thính gạo, ngô bung, vừng đen rang thơm lừng… Còn những gia vị tạo mùi, để thứ mùi ấy bền vững dưới nước, quyến rũ loài chép, thì là bí quyết riêng của mỗi cần thủ.

Riêng việc trộn mồi thế nào để không cứng quá khiến cá không phá được mồi, không mềm quá kẻo bị nước chảy làm tan rã, là cả một kinh nghiệm không dễ gì có được trong ngày một ngày hai. Thứ kinh nghiệm ấy, phải viết một cuốn sách mới chuyển tải hết được.

Những tháng ngày lang thang tìm hiểu về thú câu sông, tôi nhận thấy, ở hạ nguồn sông Hồng, giới câu kẹo nhắc nhiều đến một cần thủ cũng tên là Vinh, nhưng là Vinh “Cầu Bo”. Giới câu cá ở câu lạc bộ câu cá tỉnh lẻ này tôn Vinh “Cầu Bo” lên hàng sư phụ về nghệ thuật câu chép sông.
Cá hút cục mồi to bằng quả trứng, đâu biết rằng những chiếc lưỡi ẩn trong cục mồi đã bị cuốn vào miệng 
Vinh bảo: “Để câu được chép sông, tớ phải mất 15 năm vác cần đi thả khắp các dòng sông. Tập tính của loài cá chép thì phải hiểu chân tơ kẽ tóc. Nói không ngoa, mình phải đọc được suy nghĩ của con cá chép đang bơi lội dưới sông sâu kia”.

Cứ rỗi việc là Vinh “Cầu Bo” lại cưỡi chiếc xe máy cà tàng đi khắp đất Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định. Điểm câu nào có chép khủng dọc con sông Hồng, sông Thái Bình và các nhánh sông Trà Lý, sông Hóa anh đều nắm rõ.

Vinh bảo: “Tớ mang cần lên Lào Cai câu chép thì thua anh em trên đó, nhưng anh em trên đó vác cần về vùng xuôi đảm bảo móm cả năm”.

Theo Vinh, sông ở Lào Cai dù nước chảy mạnh, nghệ thuật câu có phần hoang dã, nhưng cá có nhiều, còn ở đồng bằng, nước chảy nhẹ hều, ghềnh thác không có, lưới vét, điện kích càn quét khắp nơi, đến con đòng đong, con tép còn bị bắt sạch, thì kiếm đâu ra cá lớn.
Vinh "Cầu Bo" ngồi câu bên nhánh của sông Hồng 
Thế nhưng, chẳng hôm nào ôm cần ngồi bờ sông, mà Vinh “Cầu Bo” không xách về vài con chép khủng. Nhiều bữa trúng quả, anh câu được cả tạ cá chép, toàn loại nặng vài kg.

Hạ nguồn sông Hồng có đặc điểm khá thú vị, là ảnh hưởng của thủy triều. Thủy triều xuống, nước chảy ra biển, thủy triều lên, nước chảy ngược vào sông. Những ngày thủy triều gọi là con nước. Con nước thay đổi theo quy luật. Thợ câu phải xem con nước và chọn chỗ phù hợp quăng cần, mới kéo được cá.

Điểm câu anh chọn, thường là cửa cống của những con sông nhỏ, nơi giao với sông Hồng, sông Trà Lý. Điểm câu phải thật sâu, bên dưới nhiều hang hốc, đá hộc, thậm chí các rọ đá để chống xói lở. Vị trí đó, dân đánh điện, lưới quét bó tay, nên cá chép, loài cá cực nhát tìm đến trú ẩn.
Chú chép khá lớn Vinh "Cầu Bo" câu được từ nhánh sông Trà Lý 
Khi thủy triều lên xuống, nước vào ra, bầy cá chép khủng sẽ từ sông lớn tìm vào sông nhỏ ăn mồi. Tại đó, Vinh “Cầu Bo” đã thả mồi đợi cá.

Mồi câu của Vinh là một bí quyết, nhưng anh tiết lộ rằng, không thể thiếu được giun xay thành bột. Giun vốn đã tanh nồng, xay thành bột, lan tỏa trong dòng nước chảy liu riu, càng hấp dẫn bọn chép.

Thứ mồi điệu nghệ ấy, được anh nắm vào chùm lưỡi to cỡ quả trứng gà. Những chiếc lưỡi nhỏ được giấu tinh tế trong nắm mồi. Chép ta thấy mùi thơm liền mò đến, hút thứ hợp chất tinh bột thơm ngon ấy vào trong miệng. Nó đâu biết rằng, những chiếc lưỡi buộc dây dù mềm mại ẩn trong nắm mồi rã ra, chui tọt vào miệng nó.

Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn