Kỳ lạ 'hòn đảo mù màu' ở Thái Bình Dương

Thế giớiChủ Nhật, 17/09/2017 07:10:00 +07:00

Đảo san hô Pingelap nằm ở giữa Thái Bình Dương được mệnh danh là "đảo mù màu" bởi lẽ tỉ lệ người dân mắc bệnh mù màu tại đây cao hơn rất nhiều so với toàn thế giới.

Pingelap là một đảo san hô nhỏ thuộc Liên bang Micronesia, đảo quốc có diện tích 720 km vuông ở Thái Bình Dương. Phần lớn cư dân của hòn đảo này mắc chứng mù màu, khi mà chứng achromatopsia (hoàn toàn mù màu) chỉ xảy ra với tỉ lệ 1/30.000 trên toàn thế giới thì ở đây, có từ 4% đến 10% người dân mắc căn bệnh này.

Nguồn gốc của căn bệnh xuất phát từ việc vị vua Nanmwarki Okonomwaun trị vì ở đây từ năm 1822 đến năm 1870, vốn là 1 trong 20 người sống sót sau thảm họa sóng thần, quyết định sinh thật nhiều con bởi phần lớn thần dân của ông đã thiệt mạng trong thảm họa trên.

CBI - 00

 Quang cảnh đảo Pingelap dưới góc nhìn "mù màu". (Ảnh: De Wilde)

Thế nhưng phần lớn con cháu của vua Okonomwaun đều mang trong mình gen hiếm gặp gây ra chứng bệnh mù màu hoàn toàn. Căn bệnh quái ác này tiếp tục di truyền qua nhiều thế hệ người dân ở đây. Những người Pingelap đến định cư tại hòn đảo Pohnpei, nằm cách đảo Pingelap khoảng 300 km, nhưng họ vẫn mắc bệnh mù màu.

Những người dân trên đảo Pingelap cho biết họ chủ yếu nhìn thấy màu đỏ, một số người khác cho biết họ thích nhất màu xanh, nhưng phần lớn chỉ thấy được màu đen và trắng. Song trong một thế giới đơn sắc của những người mù màu thì “màu sắc” chỉ là một từ ngữ trừu tượng.

CBI - 01

Jaynard Robert, một cậu bé mắc chứng mù màu, trèo lên cây để hái quả và chơi đùa. (Ảnh: De Wilde)

Nhiếp ảnh gia người Bỉ Sanne De Wilde khi thực hiện bộ ảnh “Hòn đảo của những người mù màu” đã quyết định ghi lại những bức ảnh về cuộc sống ở đây, nhưng không phải theo những màu sắc rực rỡ mà người bình thường nhìn thấy mà là theo cách nhìn của những người mù màu.

Video: Bến tàu của "đảo mù màu" Pingelap

“Đến được Pingelap không dễ. Đó là một đảo san hô nhỏ nằm ở giữa Thái Bình Dương, một chấm nhỏ giữa vùng màu xanh rộng lớn. Tôi bay từ Mỹ đến Hawaii, rồi bay đến quần đảo Marshall, cuối cùng tôi đặt chân lên Pohnpei, một trong những đảo lớn nhất của Liên bang Micronesia. Từ đó tôi thuê một máy bay đến đảo Pingelap”, De Wilde kể lại.

CBI - 03 3

Chân dung Eric, một cư dân đảo Pingelap mắc chứng mù màu. (Ảnh: De Wilde) 

Hòn đảo Pingelap chỉ có một con phố và không có bất cứ cửa hàng hay nhà hàng nào. Người dân trên đảo sinh sống bằng việc hái dừa và bắt cá, một cuộc sống theo nhiếp ảnh gia De Wilde mô tả là “vô cùng cơ bản”.

“Những người mắc chứng mù màu rất nhạy cảm với ánh sáng, đó là một gánh nặng khi sống ở một hòn đảo nhiệt đới cực kỳ nhiều nắng như này. Họ rất khó mở to mắt khi đi ra bên ngoài”, nhiếp ảnh gia De Wilde cho biết.

CBI - 04 4

 Quang cảnh đảo Pingelap dưới góc nhìn "mù màu". (Ảnh: De Wilde)

Tỉ lệ người mắc bệnh mù màu cực cao tại đảo Pingelap cũng có liên quan đến điều kiện địa lý khi hòn đảo này nằm quá biệt lập so với những khu vực đông dân cư khác. De Wilde cho biết đảo quốc Samoa cũng có tỉ lệ người bị bạch tạng khá cao, điểm này tương đồng với tỉ lệ người mắc mù màu cao tại đảo Pingelap.

“Họ không thấy bất cứ màu sắc nào. Đó là lý do tại sao tất cả mọi thứ xuất hiện trước họ ở các sắc độ của màu xám – tất cả mọi thứ đều chỉ có hai màu đen và trắng”, nhiếp ảnh gia De Wilde nói.

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn