Kỳ lạ “đội quân đồng tính” bất khả chiến bại

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 06/10/2012 03:25:00 +07:00

Tuy thua kém về lực lượng nhưng đội quân Thebes lại sở hữu một "vũ khí tối mật" gồm 300 chiến binh có cùng một điểm chung: Đều là người đồng tính.

Người Sparta thời Hy Lạp cổ đại vốn tự hào là những chiến binh thiện chiến và đáng sợ nhất mọi thời đại. Chưa từng có dân tộc nào cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật quân sự như họ.

Ấy vậy mà, cỗ xe bất khả chiến bại đó đã phải dừng bước trước thành trì của người Thebes (thuộc Ai Cập cổ đại). Bởi, người Thebes sở hữu một đội quân độc nhất vô nhị gồm 150 cặp đồng tính nam. Mỗi người trong số họ sẽ chiến đấu hết mình vừa để bảo vệ bạn tình vừa không làm "nửa kia" phải xấu mặt.

Đội quân bách chiến bách thắng

Theo sử sách, vào thời Hy Lạp cổ đại, người Sparta được mệnh danh là những chiến binh vô cùng thiện chiến và đáng sợ. Nhân dân Sparta sinh ra giữa vùng núi non thiếu sự sống, được tôi luyện phải mạnh mẽ, cứng rắn, hung hãn hơn những người láng giềng.

Người Sparta tôn sùng vũ lực. Khi vừa lên bảy, bé trai thành Sparta sẽ bị bắt khỏi gia đình để đưa vào một câu lạc bộ quân sự, nơi sinh hoạt và huấn luyện chiến đấu theo kỷ luật sắt. Ngủ trên giường cứng lót sậy, chỉ được phát một bộ quần áo mặc suốt cả năm, không được học hỏi hay thực hành bất kỳ bộ môn văn hoá nghệ thuật nào. Kỹ năng duy nhất được dạy là tiến lên phía trước dù có phải dẫm đạp lên xác đồng đội.

Trong khi đó, bé gái người Sparta tuy không bị lôi vào doanh trại để huấn luyện như bé trai, nhưng chúng không hề được ở nhà cả ngày để làm việc mà phải tiến hành tập luyện thể dục, như chạy bộ, ném đĩa, đi bộ và vật lộn.

Khi có chiến tranh, dù trai hay gái cũng sẵn sàng lâm trận. Đối với người dân Sparta, đứa bé nào sinh ra bị dị tật hoặc yếu ớt sẽ bị bỏ cho chết đói trong hang động trên núi. Có thể nói, cả xứ Sparta là một trại lính khổng lồ. Ở đấy, tất cả các công dân tự do phải tham gia nghĩa vụ quân sự một cách vô điều kiện.

Đội quân đồng tính. 

Nhờ kỷ luật sắt, Sparta đã xây dựng được binh chủng bộ binh hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Họ đánh đâu thắng đó, vinh quang nối tiếp vinh quang. Trong thời kỳ cực thịnh của mình, Sparta được coi là thành bang hùng mạnh nhất trong toàn thể Đại Hy Lạp.

Những chiến binh Sparta tinh nhuệ luôn gây cho quân thù phải khiếp sợ, kể cả khi họ sống sót hay hy sinh. Họ giống như những người lính sẵn sàng tử vì đạo. Sparta đã nhiều phen nhảy lên vũ đài của Hy Lạp với tư cách là thủ lĩnh của một liên minh, đứng ra tranh quyền bá chủ.

Thế nhưng, đội quân bất khả chiến bại ấy đã phải chịu thất bại cay đắng trong trận chiến Leuctra năm 371 TCN. Họ bị chính đội quân Thebes vốn xếp "chiếu dưới" hạ gục. Đây được coi là một trong những cuộc chiến tranh thành bang cuối cùng của Hy Lạp cổ đại trước khi bị quân Macedonia thôn tính.

Xứ Thebes trước khi bước vào chiến tranh với Sparta tuy có mạnh hơn trước, nhưng so với xứ Sparta thì họ cũng chưa thể xếp vào đối thủ ngang hàng. Bước vào trận đánh, Sparta hơn hẳn đối phương ưu thế lực lượng.

Họ có 10.000 bộ binh nặng và 1.000 kỵ binh trong khi Thebes quân số chỉ gồm 6.000 bộ binh và 1.000 kỵ binh. Với lực lượng đông gấp rưỡi lại đang say máu chiến thắng (Sparta mới đánh bại cả thành bang Athens hùng mạnh), vua Sparta là Cleombrotus I thân hành khởi binh tiến thẳng về cánh đồng Leuctra (gần thành phố Thebes, thuộc vùng Beoetia).

Vị chỉ huy tối cao này bố trí kỵ binh phía trước, bộ binh xếp theo đội hình "phalanx" (hình chữ nhật), 12 hàng ngang phía sau. Những binh lính thiện chiến nhất tập trung ở cánh phải nhằm tạo mũi đột kích mạnh vào cánh trái của đối phương. Vua Sparta dự định "nuốt chửng" Thebes trong trận chiến mở màn này.

Nhận ra cách bố trí của Cleombrotus, tướng Epaminondas của Thebes đã bố trí một đội hình tác chiến theo phương châm lấy ít địch nhiều. Họ tập trung lực lượng ưu thế ở nơi hiểm yếu nhằm đánh đòn quyết định cục diện trận chiến. Vị tướng lừng danh này đã phối hợp hài hòa giữa thế ngăn, thế kìm và thế công trong việc lập thế trận.

Cánh trái, Thebes không bố trí đội hình phalanx thông thường mà dày đặc hơn nhiều với 50 hàng ngang. Cánh phải chỉ bố trí đội hình phalanx với 8 hàng ngang mục đích thu hút binh lực đối phương.

Toàn bộ đội hình tạo thành một tuyến nghiêng từ trái qua phải và chếch hẳn về phía sau. Nhờ cách bố trí sáng tạo này, Thebes đã đẩy lùi trận đánh mở màn bằng kỵ binh của quân Sparta.

Phía cánh trái, với mật độ binh sĩ dày đặc và vô cùng thiện chiến, quân Thebes đã giáng những đòn mạnh mẽ vào chủ lực Sparta. Quân Sparta ở cánh phải mặc dù thiện chiến và cố gắng cầm cự nhưng cuối cùng vẫn tan vỡ với khoảng 1.000 binh sỹ tử thương, trong đó có cả tướng Cleombrotus.

Lúc này, do đội hình đã hình thành một tuyến nghiêng nên cánh trái của Epaminondas đã thực hiện được việc đánh tạt sườn cánh trái quân Sparta. Đòn đánh tạt sườn này được phối hợp bởi cuộc phản công ở chính diện và mũi kỵ binh tập hậu đã dẫn đến chiến thắng hoàn toàn của quân Thebes. Trận chiến này là dấu chấm hết cho ách bá quyền của Sparta và mở màn cho sự trỗi dậy của Thebes.

"Vũ khí tối mật" của quân Thebes

Thất bại của quân Sparta trước đội quân "chiếu dưới" Thebes đã làm đảo lộn mọi kế hoạch chinh phục thế giới của vua Cleombrotus I. Nhiều người đặt câu hỏi, không hiểu sức mạnh nào đã khiến một đội quân vừa thua về quân số, vừa kém về độ thiện chiến lại có thể giành chiến thắng như vây.

Nhiều tài liệu cho rằng, ở trận đánh Leuctra, thắng lợi của danh tướng Epaminondas trong việc đánh tan cánh phải của vua Cleombrotus I có vai trò rất quan trọng của "Đội thần binh Thebes" do mãnh tướng Pelopidas chỉ huy.

Tuy thua kém về lực lượng nhưng đội quân Thebes lại sở hữu một "vũ khí tối mật" gồm 300 chiến binh có cùng một điểm chung: Đều là người đồng tính.

Theo những tài liệu ghi chép lại, 300 chiến binh này được tuyển chọn từ những thanh niên trẻ tuổi, trai tráng trong nước. Ngoài sở hữu khả năng đánh giáp lá cà thiện nghệ, họ còn được học cách cưỡi ngựa và khiêu vũ. Yếu tố bền bỉ và dẻo dai được đề cao trong luyện tập. Những chiến binh này còn có mối quan hệ "đặc biệt".

Họ là những "bạn tình" của nhau, mang lời thề sẵn sàng chết vì "một nửa" còn lại. Họ có thể sẵn sàng chết trước mặt hàng vạn người, nhưng không bao giờ chịu bỏ rơi "người yêu" của mình trong tình cảnh nguy hiểm. Trong trận chiến, các chiến binh luôn nỗ lực hết mình trước mắt "người yêu" của họ. Những người này coi việc giết địch làm "phần thưởng" dành tặng cho "nửa kia".

Cũng theo những ghi chép của lịch sử, kể từ sau trận thắng vang dội trước đội quân Sparta bất khả chiến bại, "đội quân đồng tính Thebes" liên tiếp giành thắng lợi. Họ thừa thắng tiến thẳng về xứ Thessaly tiêu diệt tên bạo chúa khét tiếng Alexandros.

Trong trận quyết chiến này, tuy tướng Pelopidas chỉ huy "đội thần binh" hy sinh nhưng cả đội đã diệt sạch quân của Alexandros. Số chiến binh bị thiệt mạng trong trận chiến này lập tức được bổ sung kịp thời để củng cố sức mạnh và tạo niềm tin cho các binh sĩ.

Theo sử liệu, huyền thoại về đội quân gồm 150 cặp đồng tính nam là hoàn toàn có cơ sở. Bởi ở thời cổ đại, người Hy Lạp có quan niệm khá thoáng về chuyện đồng tính luyến ái. Quan hệ đồng tính nam không chỉ là sở thích mà được xem như một thể chế trong xã hội. Những lệ thường đồng tính của người Hy Lạp bao gồm những biểu hiện đẹp đẽ và hiến dâng mình cho tình yêu.

Trong quân đội cũng vậy, với người Hy Lạp cổ xưa, họ có cách suy nghĩ khá cởi mở và quan niệm điều này là có lợi. Như Plato, một nhà triết học cổ đại đã viết rằng chuyện đồng tính trong quân đội được khuyến khích vì "tình yêu sẽ biến đổi một kẻ nhát gan nhất trở thành một người hùng đầy năng lực", chính tình yêu đã cho họ tinh thần chiến đấu. Đội quân gồm 150 cặp đồng tính nam chính là minh chứng cho điều đó.

Anh Văn - NĐT

Bình luận
vtcnews.vn