Kỳ lạ doanh nghiệp Việt: 'Ép' làm sếp, làm sếp như bị ‘ném vào chỗ chết'

Kinh tếThứ Năm, 11/06/2015 11:35:00 +07:00

Đa số các vị trí lãnh đạo mà mọi người vẫn gọi là “ghế” tại Viettel đều là bị ép và “cơ” duy nhất để trở thành sếp ở đây là “bị ném vào chỗ chết” để trưởng thàn

(VTC News) – Đa số các vị trí lãnh đạo mà mọi người vẫn gọi là “ghế” tại Viettel đều là bị ép và “cơ” duy nhất để trở thành sếp ở đây là “bị ném vào chỗ chết” để trưởng thành.

Làm sếp như bị “ném vào chỗ chết”

Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel là một Tập đoàn Nhàv nước lớn vì vậy khó có chuyện Viettel “dị” như một số doanh nghiệp tư nhân. Không “dị” nhưng Viettel lại khá kỳ lạ. Nếu ở nhiều công ty khác, “sếp” luôn là đích đến cho nhiều nhân viên mơ ước thì ở Viettel đa số đều... từ chối khi được thăng chức.

Trong một buổi chia sẻ về nguồn nhân lực, ông Nguyễn Mạnh Hùng (khi đó vẫn còn là Phó Tổng giám đốc Viettel) tiết lộ đa số các vị trí lãnh đạo mà mọi người vẫn gọi là “ghế” tại Viettel đều là bị ép. Bị ép vì văn hóa của Viettel là sếp nói, nhân viên phải nghe.

Giải thích cho văn hóa sếp nói là nhân viên phải nghe, không được cãi ở Viettel, ông Hùng  cho biết: “Những gì đã là quy định chung thì sẽ không có ngoại lệ. Đặc biệt không bao giờ có chuyện nhân viên khi đứng trình bày công việc trước sếp mà không có sự chuẩn bị...

Sở dĩ chúng tôi phải áp dụng như thế là do số lượng nhân viên của toàn Tập đoàn quá đông (26.000 người) nếu không thực hiện quân lệnh thì sẽ không tạo được sự nhất quán trong toàn Tập đoàn”.

viettel
Ông Nguyễn Mạnh Hùng 
Khi “bị” làm sếp nghĩa là không có đường lùi. Tất cả đều phải nỗ lực vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, ông Hùng kể nhiều người Viettel vẫn hay nói đùa rằng “cơ” duy nhất để trở thành sếp ở đây là “bị ném vào chỗ chết” để trưởng thành.

Làm sếp ở Viettel còn có cái “khổ” nữa chính là sếp luôn luôn phải đi “tiền trạm”, không có chuyện sếp được “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”.

Ông Hùng tiết lộ, ở Viettel, khi đi nước ngoài thì lính đi sau, chỉ huy đi trước. Tức là tất cả những nước nào khó khăn, mà khó nhất là Haiti chứ không phải đâu, thì ông lãnh đạo Tập đoàn đi trước. Khi có động đất xảy ra thì anh chỉ huy cũng phải đi trước. Khi có dịch bệnh ở bên đấy thì anh chỉ huy cũng sẽ là người phải đi trước.

Lãnh đạo đi trước để khai phá, lập quan hệ với chính quyền sở tại. Lãnh đạo lấy được giấy phép, sau đó mới đến lực lượng thứ hai là những người làm giám đốc, phó giám đốc, các trưởng phòng sang trước. Câu chuyện tướng trước, lính sau cũng có thể là câu chuyện mà mọi người cũng cảm thấy là tướng đã đi được thì quân phải đi được.

Phải xông pha trước nhưng lợi ích mà lãnh đạo được hưởng khi đi nước ngoài lại thua nhân viên dù thu nhập nhận được vẫn cao hơn ở trong nước.

Khi sang châu Phi, mức lương mà nhân viên “quèn” nhận được có thể cao gấp 1,8 đến 2 lần bình thường nhưng lương của những người làm quản trị, quản lý chỉ cao hơn khoảng 1, 2-1,25% thôi.

Làm việc dưới nhiều áp lực nên ở Viettel, hầu hết lãnh đạo từ chức trưởng phòng trở lên đều bị gắn cho cái biệt danh là đanh đá và ghê gớm. Họ phải “đanh đá” và “ghê gớm” mới có thể tồn tại được.

Chính vì vậy, ông Hùng khẳng định: “Từ trước tới giờ tôi mới chỉ thấy các trường hợp từ chối khi được thăng chức chứ không có ai muốn xin lên chức cả. Tôi nghĩ rằng sẽ không có ai dại gì mà bỏ tiền ra đi mua chức”.

Nhân viên như bộ đội

Ở Viettel, không chỉ sếp chịu áp lực lớn, nhân viên cũng phải đối mặt với quy luật đào thải nghiệt ngã, không khác gì các công ty lớn ở nước ngoài. Nhiều người ví von nhân viên Viettel như đi bộ đội. Quản lý nghiêm khắc chính là công cụ thúc đẩy mọi người cố gắng hết sức làm việc để đạt hiệu quả cao nhất.

Một cựu nhân viên của Viettel cho biết ở phòng của anh, thỉnh thoảng 20% nhân sự không đạt yêu cầu phải nghỉ việc để tuyển thêm người mới là chuyện bình thường. Và anh là một trong những người kém may mắn như vậy.

viettel
 Quy luật đào thải ở Viettel rất hà khắc
Ngoài việc phải phấn đấu, đảm bảo kỹ năng, chuyên môn, nhân viên Viettel còn phải... biết nghe lời vì ở Viettel không có chuyện sếp nói mà nhân viên được cãi. Chính vì vậy, ngay cả khi bị phân công “biệt phái” nước ngoài, dù là đến những đất nước xa xôi như ở châu Phi, “người Viettel” chỉ có cách nghe lời vì “ông Tập đoàn bắt đi không thì đuổi việc”.

Ông Hùng kể ở Viettel có đi nước ngoài cũng giống như ngày xưa mình đi bộ đội nghĩa vụ. Bất kỳ người nào làm ở Viettel thì phải đi nước ngoài bất kỳ lúc nào. Nếu như thấy do hoàn cảnh gia đình hoặc không thích, không muốn thì nhân viên đó phải ra khỏi Viettel.

“Còn khi ông chấp nhận ở Viettel thì có một điểm là, bất kỳ lúc nào mà Tập đoàn cần là ông lên đường ông phải đi, nên chuyện đi nước ngoài ở Viettel nó khá là bình thường” – Ông Hùng khẳng định.

Vì vậy, Viettel luôn là một trong những Tập đoàn Nhà nước hoạt động hiệu quả nhất, luôn tăng trưởng không chỉ về doanh số mà còn cả về lợi nhuận.

Bình luận trên Đất Việt về nhân sự Viettel, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: "Tôi cũng có biết một vài trường hợp làm ở Viettel. Nếu ở doanh nghiệp khác thì công việc có thể coi là bình thường, nhưng khi làm ở Viettel thì phải phụ trách các bộ phận, áp lực cạnh tranh rất kinh khủng, giám sát công việc theo dõi từng thời gian ngắn, từng tháng phải đạt được chỉ tiêu nhất định, rất dễ bị loại bỏ khỏi vị trí đó, nếu không đạt yêu cầu".

Theo bà Lan, trường hợp nhân viên không đạt được yêu cầu công việc thì sẽ bị loại thẳng khỏi vị trí công tác. Đây là việc Viettel làm rất tốt.

Dưới áp lực công việc nên nhân viên Viettel luôn phải cố gắng nếu không sẽ bị thải loại. Nhưng bù lại, họ được nhận mức lương cao ngất ngưởng.

Theo số liệu mới nhất mà Viettel báo cáo lên bộ Thông tin Truyền thông, thu nhập bình quân của 25.000 nhân viên Viettel là 23,7 triệu đồng/người/tháng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia thì mức thu nhập bình quân này cao gấp đôi so với VNPT – một doanh nghiệp có cùng quy mô và ngành nghề kinh doanh với Viettel.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn