Kỳ diệu hạt giống nảy mầm sau ngàn năm vùi lấp

Tư liệuThứ Sáu, 21/05/2010 06:12:00 +07:00

(VTC News) - Không chỉ ở VN, thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp hạt giống cổ nảy mầm, như hạt chà là cổ 2.000 năm ở Israel, 10 hạt sen cổ ở Hàn Quốc.

(VTC News) - Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp hạt giống cổ nảy mầm, như trường hợp hạt chà là cổ 2.000 năm ở Israel, 10 hạt sen cổ ở Hàn Quốc...

Những hạt thóc cổ tìm thấy ở Mê Linh đã nảy mầm sinh trưởng (ảnh KHDS). 

Những ngày qua, dư luận đang xôn xao về sự kiện các nhà khảo cổ học Việt Nam trong khi tiến hành khai quật tại địa điểm khảo cổ Thành Dền, huyện Mê Linh, Hà Nội đã phát hiện nhiều dấu tích cổ thuộc nền văn hoá Đồng Đậu. Trong đó, đáng chú ý là việc thu thập được các hạt thóc mà qua sơ bộ xác định có niên đại cách đây từ 3.000 đến 3.500 năm.

Theo một chuyên gia Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, có thể những cây lúa nảy mầm từ những hạt thóc cổ này sẽ trổ bông trong tháng 6 và tháng 7 tới đây. Tuy một số người vẫn tỏ ra hoài nghi về trường hợp trên, nhưng đa số các chuyên gia khảo cổ và nhà khoa học chuyên ngành vẫn kỳ vọng đó chính là sự hồi sinh của các hạt giống cổ cách đây hàng ngàn năm.

Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp hạt giống cổ nảy mầm, như trường hợp hạt chà là cổ 2.000 năm tuổi nảy mầm và sinh trưởng thành cây ở Israel năm 2005; và gần đây nhất là trường hợp giới khảo cổ Hàn Quốc phát hiện 10 hạt sen cổ thì có 9 hạt nảy mầm thành cây và chuẩn bị đơm hoa vào tháng 8 tới đây.

Hạt sen 850 năm tuổi vẫn nảy mầm, nở hoa ở Hàn Quốc

Hạt sen cổ được khai quật tại Hàn Quốc tháng 5/2009. 

Ngày 8/5/2009, giới khảo cổ Hàn Quốc khi khai quật di chỉ Kaya thuộc khu vực núi Sungsan đã phát hiện được 10 hạt sen cổ ở độ sâu từ 4 đến 5 mét. Theo kết quả đo tuổi phóng xạ, 1 trong 10 hạt sen cổ này có niên đại khoảng từ năm 1160 đến 1300, thuộc thời kì nhà nước Cao Ly trị vì.

9 hạt còn lại được bảo quản và cho ươm thử, nếu chiếu phóng xạ chúng sẽ chết. Sau 5 ngày ngâm trong nước, ngày 13/5/2009 những hạt sen cổ xứ Cao Ly ấy đã nảy mầm, nay lá đã mọc xanh và nhiều khả năng sẽ trổ hoa vào tháng 7, tháng 8 năm nay.

Hạt sen hồi sinh sau hơn 700 năm ở Trung Quốc

Theo nhiều tài liệu hiện hành, giới nghiên cứu Trung Quốc đã khai quật được những hạt sen cổ có niên đại cách ngày nay gần 1.000 năm ở di chỉ khảo cổ Phổ Lan Điếm, trên bán đảo Liêu Đông vào năm 1918.

Tôn Trung Sơn - nhà lãnh đạo Cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 đã mang 4 hạt sen cổ qua Nhật Bản nhờ một giáo sư bên Tokyo phân tích, nghiên cứu.

Những hạt sen cổ Phổ Lan Điếm nảy mầm sinh trưởng và trổ bông gây chấn động dư luận tại Trung Quốc năm 1956. 

Theo ghi chép trong các thư tịch cổ của Trung Quốc, khu vực phố Phong Vinh thuộc thành phố Phổ Lan Điếm, Liêu Ninh ngày nay trước đây có một hồ sen rất lớn. Trải qua những biến thiên của thời gian với 4 lần động đất vào các năm 1290, 1484, 1679 và 1888, diện mạo địa tầng vùng này đã hoàn toàn thay đổi, hồ sen đó cũng biến mất.

Những năm 50 của thế kỉ trước, các nhà khảo cổ học Trung Quốc tiến hành khai quật di chỉ Phổ Lan Điếm và phát hiện thấy khá nhiều hạt sen cổ. Họ dùng dao nhỏ gọt bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài và ngâm vào nước sạch từ 250C đến 300C, chỉ vài ngày sau, những hạt sen hàng trăm năm tuổi ấy đã nảy mầm, tỉ lệ đạt 98%.

Năm 1956, những hạt sen cổ sau khi nảy mầm và phát triển đã trổ những đóa sen đầu tiên làm chấn động dư luận giới nghiên cứu quốc tế. Năm 1997, những hạt sen cổ Phổ Lan Điếm được công nhận là loại hạt thực vật có tuổi thọ lâu nhất.

Hạt chà là cổ 2.000 năm tuổi nảy mầm

Cây chà là, biểu trượng ở Trung Đông (Ảnh minh hoạ). 

Trung tuần tháng 6/2005, các nhà nghiên cứu

Israel
thông báo họ đã nhân giống được một cây chà là từ một trong vài hạt giống 2.000 năm tuổi được tìm thấy trong khi tiến hành khai quật pháo đài
Masada
. Các tác giả của dự án tin rằng đây là hạt cây cổ nhất ở
Israel
từng tái sinh. Nhóm nghiên cứu tại
Jerusalem
đã đặt tên cho nó là Methuselah, theo tên một nhân vật trong kinh thánh có tuổi thọ gần 1.000 năm.

Chủng chà là này thuộc một giống đã bị tuyệt chủng trong thời Trung cổ, và từng nổi danh vì những đặc tính chữa bệnh. Nhà nghiên cứu Sarah Sallon từ Trung tâm nghiên cứu y học tự nhiên Louis Borick ở
Jerusalem
cho biết họ đã gửi một cái lá của cây đi phân tích và đã có kết quả xác định đây chính loại chà là đã từng bị tuyệt chủng tại Trung Đông.

Hồng Vũ(Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn