Kỳ bí những người đàn bà... xăm mặt ở Lai Châu

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 14/12/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Những cụ già trong bản dùng 8 chiếc kim khâu hoặc gai rừng chọc thấu thịt. Ở vùng má, chọc tận xương má và vùng môi, cằm thì chọc đến tận răng.

(VTC News) - Việc xăm trổ, theo ý nghĩ thông thường của chúng ta, là của thế giới hiện đại. Nhưng ít ai biết rằng, một dân tộc ít người ở Lai Châu có tục xăm trổ từ hàng ngàn năm nay rồi. Tuy nhiên, họ chỉ xăm trổ trên mặt, đặc biệt là vùng quanh miệng. Tục xăm mặt này có nơi gọi là xăm cằm.


Mới đây, ngày 25-11, tại xã Bum Nưa (Mường Tè), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, đã phục dựng tục xăm mặt cổ xưa của người Mảng. Sau lễ cúng thần linh rất cầu kỳ, cô gái nằm ra chiếu. Hai người đàn ông khỏe mạnh giữ hai tay. Hai người đàn bà giữ chặt hai chân. Nghệ nhân của bản người Mảng bắt đầu công việc xăm các hình thù trên mặt thiếu nữ.

Thiếu nữ người Mảng run lên vì đau đớn, bởi mũi sắt dùi vào da thịt, trong khi chẳng có thuốc mê. Tuy nhiên, để trở thành người phụ nữ đáng yêu, xinh đẹp, hiền thục, phải qua bước này, nên cố mà chịu.

Lễ xăm mặt ở Bum Nưa (Mường Tè, Lai Châu). Ảnh: Báo Lai Châu.

Thực ra, tục xăm mặt của người Mảng đã mai một từ mấy chục năm nay. Từ 20-30 năm nay, không còn ai xăm mặt nữa.

Để tìm hiểu về một tục lệ cổ xưa đã biến mất, tôi tìm đến bản Pá Bon (xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), bản của người Mảng, nơi những hình xăm vẫn còn trên mặt những người đàn bà, đàn ông.

Bản Pá Bon nằm dưới chân một ngọn núi, khá bằng phẳng, nơi con suối Bon chảy qua. Bản có 40 hộ với 230 nhân khẩu, sống tạm bợ trong những ngôi nhà vách nứa lợp gianh tồi tàn.

Đường vào bản Pá Bon của người Mảng. 
Bản Pá Bon nằm bên dòng suối Bon. 

Hỏi về tục xăm mặt, anh Sìn Doi, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Chăn Nưa bảo: “Tục xăm mặt à. Có đấy, nhưng giờ không ai xăm mặt nữa rồi. Tục này của người Mảng, nhưng mai một rồi nhà báo à!”. Tôi nhờ anh Doi tìm giúp những người còn hình xăm trên mặt, anh nghĩ một lát, rồi khuôn mặt dãn ra vì mừng: “Có con Xuôn, con Nuội, con Lênh, con Chơn. Mấy con này vẫn còn hình xăm trên mặt”. Tôi bảo anh cố nghĩ xem còn ai nữa. Nghĩ một lát, anh lại thốt lên: “Còn con nữa, con Sọn, vợ tao!”.

Thế là anh Doi gọi chị Sọn, vợ anh, ra ngoài tiếp khách. Từ lúc tôi đến nhà, chị Sọn chỉ ngồi trong buồng cùng mấy cô con gái cười rúc rích nghe chồng nói chuyện với khách lạ.

Chị Sọn mới 45 tuổi mà trông như bà lão 60, 70 tuổi. Chị cao chừng 1,1m, như người tí hon, lưng còng, tay chân nhỏ xíu, ngắn cũn. Quanh cái miệng nhăn nheo của chị chi chít hình xăm. Dù hình xăm đã mờ, lẫn với vết nhăn, song vẫn còn nhìn rõ vệt đen.

Anh Sìn Doi đang tính xem bản Pá Bon còn bao nhiêu người có hình xăm trên mặt. 

Những vệt xăm khá cân xứng, với những đường nét thẳng, ngang. Hai bên má gồm những đường thẳng, kéo từ giữa gò má qua mép, xuống tới xương quai hàm. Khoảng cách giữa mũi và môi trên cùng môi dưới và cằm cũng có những đường ngang cắt với các đường sổ bên má.

Toàn bộ hình xăm quanh miệng là những đường kẻ ngang, sổ thẳng, không mang tính nghệ thuật. Tuy nhiên, hai bên gò má lại có hình hai ngôi sao.

Nhớ lại ngày thực hiện tục xăm mặt, chị Sọn nhăn nhó. Những hình ảnh đau đớn hiện về rõ mồn một. Những cụ già trong bản dùng 8 chiếc kim khâu hoặc gai rừng chọc thấu thịt. Ở vùng má, chọc tận xương và vùng môi, cằm chọc tận răng, chứ không phải khẩy khẩy ngoài da như kiểu xăm trổ thời nay. Lỗ chọc càng sâu, càng rộng, thì vết xăm càng rõ, càng bền. Chọc lỗ xong, nghệ nhân sẽ phết thuốc nhiều lần cho thuốc ngấm vào thịt. Thuốc xăm được lấy từ lá cây la hủy, có màu đen như mực, mọc trong rừng sâu.

Phụ nữ Mảng đã thích ứng với cuộc sống hiện đại. Họ đã quên mất tục xăm mặt. 

Khi thực hiện tục xăm, sẽ có 4-5 người đàn ông giữ chặt tay chân, đầu. Chị Sọn nhớ lại: “Đau lắm. Đau muốn ngất đi. Ngày đó, tôi khóc thét lên. Máu chảy đỏ lòm cả mặt. Xăm xong, thầy cúng đắp lá băng kín mặt. Mặt sưng vù, đau nhức mấy tuần mới khỏi”.

Tôi ngồi ngắm những hình xăm quanh miệng chị Sọn, tưởng tượng đủ kiểu, song không thể hiểu nổi hình xăm đó mang thông điệp gì. Tính biểu tượng cũng không có, suy diễn theo thuyết Âm dương ngũ hành cũng chẳng ra. Tưởng tượng thô thiển một tí, thì nó chẳng khác gì cái rọ mõm. Đã vậy lại có hình hai ngôi sao ở trên gò má. Ngôi sao với rọ mõm thì không hiểu có gì liên quan đến nhau chứ?

Ngồi uống rượu mềm môi với ông Doi, chốc chốc tôi lại liếc nhìn cái cằm của chị Sọn. Tôi phải nói mãi, rằng người Kinh tôn trọng nhân quyền, tôn trọng phụ nữ, chị mới phá lệ chịu ngồi chung mâm với tôi và chồng chị. Người đàn bà đã có cả đàn con lóc nhóc, đã có cả dâu lẫn rể, vẫn cứ bẽn lẽn như cô gái lạ. Mặt lúc nào cũng cúi gằm, lùa cơm vội vàng vào miệng cho xong rồi lại chui tót vào buồng.

Những người phụ nữ Mảng có tuổi, hình xăm cũng mờ tịt cả rồi. 

Chẳng hiểu những hình xăm kỳ quái trên gương mặt người đàn bà kia có phải chiếc gông cùm, trói người đàn bà như trói con vật? Bởi vậy, bao nhiêu đời nay, họ phục dịch những người đàn ông người Mảng như nô lệ?

Mấy ngày ở bản Pá Bon, lang thang dọc con suối Bon, dòng suối hiền hòa đổ ra dòng Nậm Ma, tôi nhận thấy một điều: Đàn ông Mảng lúc nào cũng say rượu. Hai ngày ở nhà trưởng bản Sìn Văn Đon, là hai ngày tôi say lướt khướt. Sáng rượu, trưa rượu, tối rượu. Người phục dịch những bợm nhậu không ai khác, là người đàn bà lủi thủi trong buồng, trong bếp, là vợ Đon, giống như nô lệ của Đon.

Các bạn trẻ người Mảng không có chút ký ức gì về hình xăm nữa. 

Đàn bà Mảng quanh năm lên nương trồng sắn, ngô. Ở bản Pá Bon, tôi thấy duy nhất nhà Phó Chủ tịch Hội nông dân Sìn Doi có 4 sào ruộng trồng lúa, còn lại toàn trồng ngô và sắn. Họ trồng ngô để ăn, trồng sắn để nấu rượu. Rượu người Mảng nổi tiếng là ngon. Người Mảng có câu tục ngữ, dịch đại để thế này: “Nếu nhà cháy thì người Mảng cứu rượu đầu tiên, sau đó mới đến con cái, của cải”.

Khổ nỗi, đàn ông Mảng càng say nhiều, thì người vợ càng vui, càng tự hào. Chồng có say mới… đàn ông. Chồng say triền miên ngày này qua ngày khác, chứng tỏ có nhiều bạn, quan hệ rộng, được nhiều người yêu mến nên mới mời rượu.

Khách nơi khác đến nhà, đàn bà Mảng có thể gùi sắn đi bộ hàng chục cây số để đổi gạo nấu cơm, rồi mổ gà, mổ lợn cho chồng đãi khách. Thế nhưng, đàn bà Mảng thì giã ngô ngày hai lần để nấu ăn. Món bột ngô nấu nồng nồng của người Mảng cũng giống mèn mén của người Mông. Họ ăn quanh năm suốt tháng.

Những phụ nữ Mảng còn hình xăm trên mặt như thế này rất hiếm hoi. 

Chồng rượu chè tưng bừng, đàn bà Mảng xúc tô bột ngô ngồi ăn nơi góc nhà. Họ có thể trộn thêm ít măng khô thái chỉ, hoặc hoa chuối, bẹ chuối rừng cho dễ nuốt. Họ vừa ăn, vừa lén nhìn trộm đức ông chồng uống rượu, nhai thịt ê hề. Chồng uống càng say, các bà, các chị càng long lanh ánh mắt tự hào.

Những ngày ở Pá Bon, tôi cứ đi tìm một điểm liên hệ giữa thân phận khổ đau của người phụ nữ với những hình xăm quanh miệng.

Người Mảng thường thực hiện tục xăm mặt vào ngày con dê (ngày mùi, lịch âm). Tuyệt đối tránh ngày sinh, ngày giỗ người thân. Người phụ nữa xưa kia đều cố gắng chịu đau để được xăm mặt, bởi họ tin rằng, hình xăm là biểu tượng của sự xinh đẹp, ngoan hiền, được chồng yêu quý. Chính vì thế, dù có đau đớn, chảy nhiều máu, họ cũng chịu được.


Còn tiếp…

Vị Thủy
Bình luận
vtcnews.vn