Kỳ bí ngôi mộ được ‘thần hổ’ trông coi trên đỉnh núi

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 11/12/2014 06:01:00 +07:00

Khi phá rừng bương đến gần mộ, thì ông thấy con hổ vằn vện, to như con bò ngồi giữa mộ nhìn ông.

(VTC News) - Khi phá rừng bương đến gần mộ, thì ông thấy con hổ vằn vện, to như con bò ngồi giữa mộ nhìn ông.


Kỳ 3 (kỳ cuối): Ngôi mộ trên đỉnh núi

Những ngày lang thang tìm hiểu thánh địa mộ cổ Mường Thàng (Dũng Phong, Cao Phong, Hòa Bình), chúng tôi nhận được thông tin trên đỉnh quả núi thuộc thôn Dũng Tiến vẫn còn một ngôi mộ đá nguyên vẹn.

Chúng tôi đã nhờ vả các cán bộ xã dẫn đi, song mọi người đều e ngại, thoái thác. Khi nhắc đến ngôi mộ này, người dân cũng sợ hãi.

Theo họ, không ai dám đến ngôi mộ đá đó, bởi họ tin rằng, ngôi mộ đó là do các quan lang Mường xưa dựng lên để trấn yểm. Người dân nơi đây rất sợ những câu chuyện huyễn hoặc liên quan đến những lời đồn trấn yểm, tâm linh ở những khu mộ đá.
Một ngôi mộ đá ở Mường Động (Vĩnh Đồng, Kim Bôi, Hòa Bình) 

Đang loay hoay không biết làm cách nào để đi xem ngôi mộ, thì anh Bùi Văn Trường, Phó trưởng Công an xã Dũng Phong, chỉ tôi tìm đến nhà anh Bùi Văn Hiến, là người có vườn mía ở chỗ ngôi mộ. Anh này thường xuyên phải lên nương làm việc, nên chắc chắn sẽ không sợ hãi ngôi mộ.

Vợ chồng anh Trường sống trong ngôi nhà vách đất khá hoàn cảnh ngay dưới chân núi.

Anh Trường bảo, trước đây, người dân trong vùng đã biết đến ngôi mộ này, nhưng các cụ kể rằng, ngôi mộ có con hổ trông coi, nên không ai dám đến gần.

Hồi năm 1980, gia đình đói khổ quá, lại thiếu đất, nên bố anh liều mạng khai hoang khu rừng đó để trồng cam, rồi trồng mía.

35 năm trước, khu rừng toàn bương, tre pheo rậm rạp. Khi bố anh phá rừng bương đến gần mộ, thì ông thấy con hổ vằn vện, to như con bò ngồi giữa mộ nhìn ông. Sợ quá, ông vứt dao bỏ chạy.
Anh Trường bên cột đá quây mộ duy nhất còn sót lại. Cột đá có chữ Nho nhưng không đọc được vì đã mờ  
Sau vụ đó, ông ốm suốt một tuần. Khỏi ốm, ông sắm lễ đầy đủ, cùng thầy cúng tìm lên, cúng bái suốt mấy ngày liền, xin được cải tạo phần đất xung quanh và trông nom phần mộ, nhất định không phá.

Từ bấy, gia đình anh Hiến lên khai phá đất, trồng cây, không thấy con hổ đâu nữa, cũng không thấy chuyện gì xảy ra.

Vào năm 1986, khi bọn mộ tặc săn tìm của cải ở Đồng Mùi phát hiện trên núi Dũng Tiến có mộ đá, đã kéo lên đào trộm. Gia đình anh Hiến ra sức ngăn cản, nhưng đám mộ tặc đều manh động, nên không giữ được.

Thế nhưng, một hôm, vừa thấy chúng lên núi một lát, mới phá được mấy phiến đá rào quanh mộ, đã thấy chúng chạy te tua xuống núi với ánh mắt sợ hãi.

Anh Hiến hỏi thì một người bảo, đang đào thì một con hổ xuất hiện. Không rõ là hổ thật, hay hổ ma. Điều kỳ lạ, là sau đó, anh Hiến nghe tin, đám mộ tặc này đều lần lượt chết cả, không chết tai nạn thì cũng chết vì bệnh tật.

Thông tin nhóm đào cổ vật bị “thần hổ” bắt người lan ra, khiến không ai dám đến ngôi mộ này, chứ đừng nói là đào phá ăn trộm cổ vật.

Sau nửa tiếng cuốc bộ men theo vườn mía trơn trượt, chúng tôi lên đến đỉnh núi. Ngôi mộ rộng khoảng 30 mét vuông hiện ra giữa vườn mía cao lút đầu.
Mặc dù các phiến đá bao quanh đã đổ sập, nhưng phần lăng mộ bằng đá vẫn còn nguyên vẹn dưới lòng đất 
Hiện chỉ còn 1 phiến đá làm hàng rào vây quanh ngôi mộ đứng vững. Các phiến đá khác đều đã đổ ngả nghiêng, nằm sấp xuống mặt đất.

Theo anh Hiến, mặc dù các phiến đá làm hàng rào đã đổ, nhưng phần mộ dưới lòng đất vẫn còn nguyên vẹn. Ngôi mộ được xếp bởi nhiều phiến đá, nhiều tầng lớp, nên rất chắc chắn, không dễ gì phá bỏ.

Tôi quan sát kỹ, thì thấy những nét chữ Nho mở ảo, đứt đoạn trên phiến đá này.

Anh Hiến bảo rằng, các nhà khoa học đã tìm lên đây, song không đọc được nội dung khắc trên tấm bia, vì đá phong hóa, làm mất rất nhiều chữ.

Các nhà khảo cổ cũng chưa giải thích được vì sao lại có một ngôi mộ nằm trên đỉnh núi, tách biệt hoàn toàn với thánh địa mộ đá của xứ Mường Thàng, hiện thuộc thôn Đồng Mùi.

Các cụ già thì khẳng định rằng, ngôi mộ này chính là của vị quan lang, và ông thể hiện sự thống trị bằng cách dựng mộ trên đỉnh núi.

Ở trên đỉnh quả núi này, ông vẫn bao quát được toàn bộ các thung lũng xung quanh, nơi được cho là trung tâm vùng Mường Thàng giàu có, sầm uất khi xưa.

Theo lời anh Hiến, hồi năm ngoái, có một nhóm người đến quả núi, nhận là mộ tổ tiên của mình, rồi định dùng thuốn chọc xuống mộ. Anh Hiến biết ngay là bọn mộ tặc, định đào bới tìm của quý, nên bắt nhóm người này chứng minh thân thế.

Đám người này không chứng minh được, nhưng nhất định đòi đào. Anh Hiến yêu cầu phải báo cáo chính quyền, nếu chính quyền cho phép đào, thì anh mới đồng ý. Thấy anh Hiến định báo chính quyền xã, nhóm người lạ này lảng đi mất.

Cũng theo anh Hiến, mặc dù ngôi mộ nằm trong vườn mía nhà anh, nhưng nó quá xa và vắng bóng người, nên anh không thể trông coi suốt ngày đêm được. Anh cũng mong chính quyền xã quan tâm bảo vệ, hoặc các nhà khoa học có biện pháp nghiên cứu, bảo tồn ngôi mộ này.


Phong Nguyệt
Bình luận
vtcnews.vn